BẮC KINH, Trung Quốc (AP) - Bắc Kinh bày tỏ sự quan ngại lớn về một nguồn tin cho hay Mỹ dự định sẽ thách đố chủ quyền của Trung Quốc bằng cách cho một chiến hạm di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.
Hai chiến hạm Hoa Kỳ, USS Lassen và USS Chung-Hoon trên biển Nhật Bản hồi năm 2010. (Hình: John J. Mike/U.S. Navy via Getty Images) |
Theo bản tin của báo Hải quân Hoa Kỳ (Navy Times) hôm Thứ Tư 7/10/2015 tiết lộ thì Hải Quân Mỹ đang sửa soạn tiến hành kế hoạch này và chỉ còn đợi Tòa Bạch Ốc bật đèn xanh, theo một số viên chức không thấy nêu tên.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) hôm Thứ Năm nói rằng Trung Quốc có lập trường rõ ràng về Biển Ðông, theo đó họ coi hầu như toàn thể vùng biển này cùng các đảo, cồn cát, đảo chìm... là của Trung Quốc.
Kế hoạch cho chiến hạm chạy bên trong phạm vi 12 hải lý (mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt coi như chủ quyền lãnh thổ dù Công ước Quốc tế về Luật Biển -UNCLOS -không công nhận) từng được đề cập từ hồi Tháng 5-2015 vừa qua. Nay, theo nguồn tin trên, lệnh tiến hành sẽ được ban hành nhưng chỉ không rõ đích xác bao giờ bắt đầu.
Tờ báo Anh quốc Financial Times viết theo lời một viên chức Mỹ không được nêu tên nói kế hoạch sẽ tiến hành trong vòng hai tuần lễ trong khi tờ Navy Times thì nói sẽ được tiến hành “trong vài ngày”.
Một viên chức Ngũ Giác Đài từ chối bình luận tin trên và đề nghị phóng viên của hãng thông tấn Reuters nhớ lại lời điều trần của ông David Shear, thứ trưởng Quốc phòng, hồi tháng trước rằng “tất cả mọi lựa chọn đều đã được chuẩn bị”. Đồng thời viên chức này nói thêm là “Chúng tôi đang xem xét”.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest khi được hỏi về tin trên thì ông ta nói có thấy tin đó nhưng không có bình luận gì về những quyết định sẽ xảy ra.
Tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth di chuyển ở khu vực Trường Sa bị một chiến hạm Trung Quốc bám theo phía sau hồi Tháng 5-2015.(Hình: Navy Times)
|
Tờ Navy Times thuật lại một lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter ngày 1/9/2015 rằng “Hoa Kỳ sẽ bay, chạy tàu và hoạt động tại bất cứ đâu mà luật lệ quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm như thế trên khắp thế giới.”
Thứ trưởng Shear nhìn nhận trong cuộc điều trần hồi tháng trước tại Thượng Viện rằng từ năm 2012 cho tới nay vẫn chưa có chiến hạm Hoa Kỳ nào đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại khu vực Trường Sa.
Tháng 5 vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát lời cảnh cáo cho chiếc máy bay tuần thám Poseidon P-8 của Hải quân Hoa Kỳ khi nó bay trên không phận gần các đảo nhân tạo. Tàu tác chiến cận quyên của Hoa Kỳ từ căn cứ tại Singapore cũng di chuyển qua khu vực này, cũng bị chiến hạm của Trung Quốc đeo bám theo dõi.
Tại Bắc Kinh, Bộ ngoại giao Trung Quốc bầy tỏ sự sốt ruột về tin tức nói trên. Khi được hỏi trong cuộc họp báo thường lệ hôm Thứ Năm, nữ phát ngôn viên Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) nói rằng bà chưa có tin đó. Tuy nhiên, như lời ký giả cho biết thì “Chúng tôi rất quan ngại”.
Theo lời bà Oánh, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã nhiều dịp thảo luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông gồm cả lần chủ tịch Tập cận Bình gặp tổng thống Barack Obama tháng trước ở Tòa Bạch Ốc.
“Tôi hy vọng Hoa Kỳ xem xét tình hình hiện tại của Biển Đông từ những đánh giá khách quan và công bằng cũng như đóng vai trò xây dựng cùng với Trung Quốc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Bà Oánh nói.
Việt Nam có quyền lợi trực tiếp vì bị Trung Quốc ức hiếp cướp đoạt nhưng chỉ thỉnh thoảng phát biểu những lời kêu gọi bâng quơ. Phản ứng của Việt Nam được cho là mạnh mẽ nhất là tuyên bố của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, khi trả lời phỏng vấn tại hãng thông tấn AP, bên lề phiên họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Hai 28 tháng Chín, vừa qua.
Theo lời ông Sang, 'Trung Quốc đã vi phạm luật lệ quốc tế khi bồi đắp các đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp và gây nguy hiểm cho an ninh đường biển.'
Hoa Kỳ và Philippines nhiều lần đòi hỏi Trung Quốc dừng bồi đắp đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa. Họ tố cáo Bắc Kinh vi phạm bản Tuyên bố Ứng Xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN từ năm 2002, tạo thêm căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến xung đột.
Những hình ảnh và các tin tức những tháng gần đây cho thấy Trung Quốc bồi đắp 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ ở khu vực Trường Sa. Ít nhất 3 trong số đó có các phi đạo dài 3,000 mét cho các phi cơ quân sự lớn nhất của họ sử dụng, bên cạnh các cảng biển.
Giới phân tích thời sự dự báo Bắc Kinh sẽ áp đặt khu vực phòng không trên Biển Đông (ADIZ) tức khu vực cấm bay khi tình hình tranh chấp trở nên gay gắt hơn. Một số chuyên viên quân sự Mỹ cho rằng nếu không đi vào trong phạm vi 12 hải lý thì mặc nhiên coi các lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc là hợp pháp.
Ngày Thứ Ba 6/10/2015, khi đến Sydney tham dự một cuộc hội thảo, đô đốc hải quân Hoa Kỳ Scott Swift, Chỉ huy trưởng lực lượng Thái Bình Dương, nói rằng nếu hành động cậy sức mạnh để chèn ép như của Trung Quốc đang diễn ra trên Biển Đông mà không đáp trả, cái trò đó sẽ diễn ra trên đất liền và trở thành “điểm xung đột”.
Hiện có năm quốc gia đang tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này. Chính phủ Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn khẳng định là không đứng về phía nào nhưng muốn duy trì sự tự do hải hành tại hải lộ chiến lược này. (TN -V.Giang)
10-08-2015 1:26:26 PM
No comments:
Post a Comment