HÀ NỘI (NV) - Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ bị các “nhóm lợi ích” (cách Việt Nam gọi những liên kết ngầm giữa viên chức và doanh nhân để lũng đoạn cả kinh tế lẫn chính trị) cản trở.
Ðó là điều mà bà Phạm Chi Lan - một chuyên gia kinh tế của Việt Nam khẳng định với VOA.
Xưởng may của một doanh nghiệp ở Bình Dương. Cơ hội cho doanh giới và thu nhập của công nhân không phụ thuộc vào TPP mà vào nỗ lực cải cách của chính quyền Việt Nam. (Hình: talkvietnam.com) |
Cách nay vài ngày, sau năm năm thương lượng, 12 quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile, Peru, Úc, New Zealand, Nhật, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về TPP. Tuy nhiên TPP sẽ chỉ có hiệu lực khi được Quốc Hội của 12 quốc gia này phê chuẩn.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng nhiều lợi ích nhất từ TPP. Bởi TPP sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập thị trường của 11 quốc gia còn lại nên Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của ngoại quốc, các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn nên Việt Nam sẽ có thêm nhiều việc làm, dân chúng Việt Nam có cơ hội cải thiện thu nhập.
Các chuyên gia kinh tế ước đoán, đến năm 2025, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khoảng 11%, hàng hóa xuất cảng sẽ tăng 28%, mức cao nhất so với các quốc gia khác tham gia TPP.
Tuy nhiên bà Lan không tin việc phê chuẩn và thực hiện TPP tại Việt Nam sẽ suôn sẻ. Bà Lan gọi việc phê chuẩn và thực hiện TPP tại Việt Nam là “cuộc cải cách lần thứ hai” (cuộc cải cách lần đầu diễn ra hồi giữa thập niên 1980 mà Việt Nam gọi là “đổi mới”) và cuộc cải cách đó chắc chắn sẽ bị các “nhóm lợi ích” chống đối.
Bà Lan nhìn nhận, do điểm xuất phát của Việt Nam thấp nên tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ là cao nhất nhưng chưa chắc là hưởng lợi lớn nhất vì dù tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất thì so với các quốc gia thành viên khác của TPP thì khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đó vẫn rất lớn.
Tuy các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vươn lên nhưng theo bà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội này hay không lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa tốt.
Tại Việt Nam, chính quyền vẫn chỉ dành các ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, kế đó là các doanh nghiệp ngoại quốc, còn các doanh nghiệp tư nhân vẫn chịu đủ thứ thiệt thòi. Cũng vì vậy “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” trở thành cụm từ được lập đi, lập lại thường xuyên. Trong bối cảnh như thế doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng TPP như một cơ hội để vươn lên hay không sẽ phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế của chính quyền Việt Nam để tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân.
Bà Lan nhấn mạnh, với bà, ý nghĩa lớn nhất của TPP là Việt Nam là phải cải cách thể chế. TPP là một yêu cầu thay đổi đa diện chứ không chỉ là những thay đổi thuần túy về thương mại. Thế nhưng tại Việt Nam, thay đổi chính sách, luật lệ cho phù hợp với các chuẩn mực chung không phải là chuyện dễ dàng vì sẽ đụng đến nhận thức của những cá nhân quyết định chính sách và khuôn khổ luật pháp, đặc biệt là những cản trở từ các “nhóm lợi ích.”
Bà Lan nhận định, tất cả các thay đổi đều đem lại lợi ích cho nhóm này và gây thiệt hại cho nhóm khác. Tại Việt Nam, việc cải cách theo chuẩn mực chung sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các “nhóm lợi ích.” Chắc chắn là các “nhóm lợi ích” sẽ không dễ dàng chấp thuận những cải cách vì lợi ích chung của đông đảo dân chúng nhưng xâm hại lợi ích của các “nhóm lợi ích” này. Vấn đề sẽ nằm ở chỗ giới lãnh đạo Việt Nam có đặt lợi ích chung của cả quốc gia lên trên lợi ích nhóm hay không. (G.Ð)
10-08- 2015 5:31:36 PM
No comments:
Post a Comment