Dân oan Nguyễn Văn Thông. Hình từ Facebook Nga Thi Bich Nguye
CTV Danlambao - Ngày 22/09/2015, tòa án nhân dân huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) mở phiên xét xử dân oan Nguyễn Văn Thông, người trước đó bị bắt cóc trên đường với lý do “đã có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo soạn thảo các đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật để đi khiếu nại, tố cáo và kích động, lôi kéo người dân tham gia vào việc khiếu nại phạm vào điêu 258 bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam”.
Anh Nguyễn Văn Thông, sinh năm 1965, thường trú tại ấp Phước Hội B, xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh. Anh là một trong nhiều người khiếu kiện dự án khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông (Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời).
Dự án Phước Đông - Bời Lời do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư đã vấp phải sự phản đối của bà con Tây Ninh vì trong quá trình thực hiện thu hồi, tái định cư đã bỏ qua quyền lợi của dân.
Theo báo Giáo Dục Việt Nam, khi thu hồi dự án, có khoảng gần 600 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư từng “hứa” với lãnh đạo tỉnh và người dân là sẽ thu hút khoảng 100.000 lao động đến làm việc và giải quyết thêm khoảng 10.000 người ngoài hàng rào hoạt động các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người lao động.
Dự báo khi Khu Liên hợp lấp đầy, toàn khu vực sẽ có khoảng 140.000 người ở và làm việc. Tuy nhiên, đến nay Khu Liên hợp Phước Đông - Bời Lời mới giải quyết được 2 nghìn lao động (chiếm 2%). Câu hỏi lớn đặt ra là, 98% số lao động bị thu hồi sạch “tư liệu sản xuất” thì họ đang làm gì để kiếm kế sinh nhai?
Tháng 6/2014, dự án này vẫn đang lập lờ trong việc giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân trong khu vực, bất chấp sự khiếu nại, khiếu kiện của người dân từ các cấp.(1)
Anh Nguyễn Văn Thông cùng bà con đã kiên trì ra tận Hà Nội để tiếp tục gửi đơn tố cáo sau rất nhiều lần khiếu nại, khiếu kiện nhưng không được giải quyết vì các cấp chính quyền đều trả đơn yêu cầu bà con về tỉnh đối thoại với người bị tố cáo.
Trong một lần đi gởi đơn thư tố cáo ở Mặt trận Tổ quốc, trên đường về anh Thông cùng bà con Tây Ninh đã bị công an Hà Nội bắt lên xe đưa về trụ sở tại Quang Trung. Anh Thông đã bị công an đánh sụn đốt sống L1 tại đây.
Ngày 3/02/2015, khi đang đi trên đường, anh Nguyễn Văn Thông đã bị công an tỉnh Tây Ninh bắt cóc.
Đến ngày 6/2/2015, cơ quan cảnh sát điều tra ra thông báo số 18/TB "về việc bắt bị can tạm giam vì đã có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo soạn thảo các đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật để đi khiếu nại, tố cáo và kích động, lôi kéo người dân tham gia vào việc khiếu nại phạm vào điều 258 bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam."
Quyết định tạm giam dân oan Nguyễn Văn Thông. Nguồn hình: Facebook Nga Thi Bich Nguyen
Ngày 10/7/2015 kết thúc điều tra vụ án nhưng gia đình không được thăm gặp.
Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh đem vụ án ra xét xử từ ngày 25 đến 29/9/2015 nhưng gia đình không nhận được bất kỳ thông báo nào.
Theo thông tin trên đài phát thanh xã, huyện thì dân oan Nguyễn Văn Thông bị kết án 3 năm, 6 tháng tù giam với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Như vậy so với lý do thông báo tạm giam người trước đó do công an huyện Gò Dầu gửi đến gia đình thì anh Thông đã bị kết án với một tội danh hoàn toàn khác trong một phiên tòa lặng lẽ.
Có rất nhiều vấn đề trong việc bắt giữ và đưa dân oan Nguyễn Văn Thông ra xét xử từ quy trình bắt giữ, quy trình thông báo đưa vụ án ra xét xử và quá trình thăm gặp trong trại giam.
Hôm ngày 5/10/2015, chị Trần Thị Kim Đơn (vợ anh Thông) cùng bà con dân oan Tây Ninh đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Nhàn, chánh án Toà án Nhân dân huyện Gò Dầu, trả lời rõ lý do vì sao vụ án đưa ra xét xử mà không thông báo đến gia đình?
Tại sao thông báo bắt và tạm giam người lại khác với bản án đã công bố?
Và tại sao toà trả lời đã gửi bản án qua trại giam nhưng phía trại giam lại phủ nhận thông tin này?
Được biết, anh Nguyễn Văn Thông đã phản bác toàn bộ nội dung bản án ngay trong phiên tòa. Đây có lẽ là lý do mà tòa án và trại giam cùng né tránh việc công bố thông tin chi tiết bằng văn bản cho gia đình.
Chị Đơn, vợ anh Thông chia sẻ: "Bắt thì bắt cóc! Nhốt thì giấu cả tháng sau mới biết chỗ nhốt chính thức! Xử thì lén lút, bịt miệng. Tòa án nhân dân mà nhân dân ở đâu, xử chồng mà vợ và nhân dân không hề hay biết? Khi đi tiếp tế cho chồng, tôi chỉ nghe những người ở trại giam nói lại rằng anh Thông từ lúc bị bắt cho đến nay không hề nhận tội và anh tự bào chữa cho mình. Chồng tôi không có tội. Tôi không hiểu biết về pháp luật để kêu oan cho chồng, mong nhờ các anh em, trí thức, luật sư giúp đỡ để tôi kêu oan cho chồng, kháng án, chống lại bản án bất công, vô lý, cứu giúp người vô tội bị hàm oan."
Con đường đấu tranh vì công bằng và công lý cho dân oan Nguyễn Văn Thông sẽ còn dài, hy vọng ngày càng có nhiều người quan tâm và giúp đỡ gia đình.
Dân Làm Báo sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về trường hợp này.
(*) Bài viết có sử dụng một số thông tin và tư liệu từ chị Nguyễn Thị Bích Ngà. Xin chân thành cám ơn!
No comments:
Post a Comment