Kami—10/06/2015 - 09:49
Ngày 5/10/2015 Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN - Khóa 11, vừa khai mạc, với nhiệm vụ trọng tâm của Hội nghị là bàn về nhân sự lãnh đạo Đảng cho nhiệm kỳ Đại hội XII. Theo kế hoạch, Hội nghị này sẽ kéo dài từ ngày 5-11/10/2015.
Thông thường, các Hội nghị TW thường hết sức gay cấn, đặc biệt là các HNTW trước thềm các kỳ đại hội Đảng luôn trở thành các đấu trường tranh chấp quyền lực giữa các cá nhân và giữa các phe phái. Trước đây ít lâu, có những ý kiến cho rằng, nhân sự lãnh đạo Đảng CSVN cho nhiệm kỳ tới và vấn đề quan hệ Việt-Trung là hai vấn đề mà lãnh đạo Việt nam chưa tìm được sự thống nhất, nên thời điểm sẽ tổ chức Đại Hội Đảng CSVN XII vẫn chưa thể xác định.
Song đến nay, những chuyện bổ nhiệm Giám đốc Sở TM&ĐT Quảng nam hay chuyện "Pháo đài" số 8B Lê Trực... đang nóng trên các mặt báo trong những ngày vừa qua. Đặc biệt là mới nhất việc bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Ngân hàng Bản Việt trên mạng xã hội đã công bố bức thư gửi 03 vị là GS.TS Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trước ngày khai mạc HNTW 12, khẳng định rằng mình không có quốc tịch Mỹ như Đơn Tố Cáo và khẳng định vãn là Đảng viên và là Bí thi Đảng bộ Ngân hàng Bản Việt, cho thấy nguyên nhân sâu xa là do việc đánh nhau để giành ghế trước Đại hội XII. Và kết cục của các câu chuyện trên sẽ cho thấy có nhiều biểu hiện cho thấy ở HNTW 12 thì mọi việc đã khác, không có mấy khó khăn.
Theo tìm hiểu thì được biết, 3 ông GS.TS nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nghỉ hưu, viết đơn gửi BCH Trung Ương và tố cáo rằng, bà Nguyễn Thanh Phượng đã có quốc tịch Mỹ là để chạy theo Đế Quốc Mỹ, vi phạm nguyên tắc Đảng và là hành động phản bội dân tộc. Ngoài ra, trong đơn ba vị này còn cáo buộc ông Nguyễn Tấn Dũng phá vỡ tình hữu nghị với Trung Quốc mà biết bao thế hệ lãnh đạo của Đảng đã cất công gầy dựng từ nhiều chục năm nay.
Xung quanh vấn đề này dư luận cũng có nhiều bình luận khác nhau, kẻ thì hỉ hả cho rằng đồng chí X bị đối thủ dồn đến chân tường nay phải dùng con gái đứng ra thanh minh; người thì cho rằng việc bà Phượng bất ngờ lên tiếng thanh minh công khai trên mạng xã hội như vậy, là một cú phản đòn ngoạn mục khiến các đối thủ của Dũng không kịp trở tay v.v... Song nếu tinh ý một chút thì sẽ thấy, việc Thủ tướng Dũng để bà Phượng là con gái của mình đứng ra công khai trước dư luận trước ngày khai mạc HNTW 12 là một hành động trên cơ, coi khinh đối thủ và coi đó là chuyện của trẻ con.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng việc bà Nguyễn Thanh Phượng đã nhập quốc tịch Mỹ hay chưa và dùng tên Mỹ là gì? (một việc hoàn toàn chính đáng mà luật pháp Việt nam hoàn toàn không cấm, mà có chăng chỉ là cái cớ để kích động dư luận trong đảng) có thể sẽ là một thông tin tuyệt mật đã được cam kết ở cấp nhà nước (!?) và đây là điều không dễ mà ai có thể biết được. Theo họ, một người nhiều mưu mô như ông Dũng thì việc đó là chuyện ông ta đã nghĩ đến từ lâu, trước khi cho phép con gái ông lấy chồng là Việt kiều Mỹ rồi.
Cũng trong ngày khai mạc HNTW 12, thông tin thay đổi nhân sự trong Bộ Quốc phòng là điều không thể không nhắc tới, vì đây là việc làm có chủ ý của Thủ tướng Dũng hòng tạo một ấn tượng mạnh. Vậy việc phong hàm Đại tướng cho hai Thượng tướng là ông Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ của Chủ tịch nước, đồng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm thêm cùng một lúc 4 Trung tướng vây cánh của mình và đều là Ủy viên TW giữ chức Thứ trưởng - vượt quá quy định là chỉ được phép có 6 thứ trưởng cho chúng ta thấy điều gì?
Trước hết đây là nước cờ hết sức cao của người đứng đầu Chính phủ, bằng quyền lực của Thủ tướng khi mà thời gian còn lại chỉ vài tháng, ông Dũng đã tự mình cơ cấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng - một cơ quan trụ cột để đảm bảo quyền lực cho ông ta trong tương lai. Đây là điều Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và phe cánh của ông đã không biết để tận dụng trong việc không chế Thủ tướng Dũng trước đây và đã để vuột mất cơ hội. Vấn đề thứ 2 là dễ dàng thấy đây là thắng lợi của Thủ tướng Dũng, cho dù chưa tiến hành Đại hội Đảng XII, song ông Dũng đã bố trí song 2 nhân sự cho Bộ Chính trị khóa tới, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Đỗ Bá Tỵ và Đại tướng Ngô Xuân Lịch Bí thư TW Đảng sẽ có nhiều khả năng nắm giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư hoặc cao hơn. Và vấn đề cuối cùng là bây giờ vào thời điểm các Ủy viên TW Đảng sẽ biểu quyết về vấn đề nhân sự cho đại hội Đảng lần tới, thì ông Dũng đã có thêm 4 phiếu ủng hộ. Tất nhiên, theo quy định thì Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ có 6 ghế, bây giờ đang có 10 thứ trưởng, thì có nghĩa là sẽ phải loại bỏ 4 vị trí thứ trưởng có xu hướng thân Trung Quốc và ủng hộ phe Đảng. Nếu như thế thì đã đến lúc cần lo cho số phận Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cho dù ông Vịnh vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu.
Một điều cũng phải nói thêm đó là, sự xung đột và tranh giành quyền lực giữa Thủ tướng Dũng và cái gọi là phe Đảng như trước đây cũng đã thay đổi rất nhiều. Mà người đứng đầu phe Đảng một thời chống phá thủ tướng "quyết liệt" là ông Nguyễn Phú Trọng, thì bây giờ cũng đã thay đổi lập trường. Cứ xem việc Thủ tướng Dũng cho bắt ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN) thành viên phái đoàn đi Mỹ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi vừa chân ướt chân ráo về nước sau chuyến đi Mỹ là một hành động được coi là dằn mặt của ông Dũng. Nên nhớ chỉ vài ngày trước đó, ông Nguyễn Xuân Sơn vẫn còn ung dung ký các thỏa thuận với đối tác Mỹ tại Washington trong sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và qua chuyến thăm chính thức Nhật bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau đó và cho đến nay thì sẽ thấy, nhiều nhà phân tích thấy rằng Tổng Bí thư Trọng lúc này đang làm vai trò ông "cò" chạy vốn ODA cũng như chạy "cờ"cho Thủ tướng (!?).
Ai không tin thì cứ xem diễn văn khai mạc HNTW 12 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thấy có 3 điểm nổi bật, đó là: vai trò đề cử nhân sự, thảo luận về các tiêu chí sẽ được quyết định bởi Ban chấp hành TW; sẽ thảo luận về tiêu chí để xác định các trường hợp đặc biệt (ứng viên Tổng Bí thư) từ khóa 11 tái cử tiếp khóa 12; TW sẽ thảo luận tiêu chí để lựa chọn 4 vị trí nhân sự chủ chốt (tứ trụ). Nghĩa là mọi sự lựa chọn về nhân sự sẽ đều do Ban Chấp hành TW quyết định. Điều đó cho thấy ý Đảng lúc này thuộc về Ban Chấp hành TW, đồng thời cũng là mong muốn lâu nay của Thủ tướng Dũng.
Và cũng có người thấy rằng trong bài diễn văn khai mạc HNTW 12 của ông Nguyễn Phú Trọng, không thấy cụm từ Chủ nghĩa xã hội hay Xã hội chủ nghĩa,kể cả câu nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN và cho đó là điều hơi lạ lùng. Đây là một phát hiện không mới, những cái này đã vắng bóng trên báo chí và các văn kiện quan trọng của Đảng CSVN từ gần một năm nay rồi. Đây là bằng chứng sự tự diễn biến của vị GS.TS khả kính có tên là Nguyễn Phú Trọng, người trước nay vốn luôn luôn kêu gào bảo vệ CNXH và lý tưởng Cộng sản.
Còn phe chống đối ông Dũng bây giờ chỉ là thiểu số trong Đảng, đó là những thành phần bảo thủ, trì trệ vốn sống bám vào nghề lý luận chính trị Marx-Lenin, mà kẻ cầm đầu bây giờ là Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị. Gần đây, ông Nghị là người dư luận cho rằng đã hết hoàn toàn hy vọng làm Tổng Bí thư, những biểu hiện chống phá Thủ tướng Dũng lúc này chỉ là hành động cầm cự tuyệt vọng của một con mồi đã bị trói chân, trói tay. Qua việc phe cánh của ông Nghị đánh vụ Mỏ Núi Pháo của con gái ông Dũng bất thành, thì nay chuyển sang chọc chuyện "con ông cháu cha" khi cho báo chí tấn công việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, được cho là nhằm để gián tiếp đánh Thủ tướng, thì khác gì việc đấm vào không khí. Điều đó cho thấy Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị chửa đủ tầm cỡ để làm đối thủ của ông Dũng. Chưa kể việc đến lúc này, cựu TBT Lê Khả Phiêu vốn là người từng đỡ đầu cho ông Phạm Quang Nghị, cũng đa về đầu quân cho ông Dũng cách đây không lâu.
Có người đưa ra câu hỏi "Phe nào sẽ thắng sau Hội nghị TW 12?", thoạt tiên câu hỏi tưởng chừng khó trả lời, tuy vậy nêu trả lời theo logic thì phe nào nắm được đa số các Ủy viên trong Ban Chấp hành TW Đảng thì phe đó sẽ giành chiến thắng. Hay nói rộng ra, phe đó sẽ chủ động trong việc sắp xếp nhân sự cho khóa tới. Muốn biết điều đó thì là điều không khó, chỉ cần chúng ta theo dõi những chuyện nóng trên truyền thông trong thời gian qua và kết cục của những câu chuyện ấy sẽ cho chúng ta biết thế mạnh đang thuộc về nhân vật lãnh đạo nào.
Ví dụ như, câu chuyện bổ nhiệm lãnh đạo ở Quảng nam, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và kết luận tỉnh này bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo đúng quy trình, đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Còn chuyện nhà số 8 Lê trực thì Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến bằng văn bản về báo cáo của UBND TP Hà Nội và báo cáo gấp cho Thủ tướng biết chẳng hạn.
Một nội dung quan trọng trong công tác nhân sự của HNTW 12 là Ban chấp hành TW sẽ bàn về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp “đặc biệt” đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII. Đây rất có thể là điều để chứng tỏ cùng với việc ở lại của ông Dũng thì việc ông Trọng có thể được đảm đương tiếp chức vụ Tổng Bí thư thời gian đầu, sau sẽ chuyển giao lại cho ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng đã an vị trong chức Chủ tịch nước sau Đại hội XII. Lúc ấy, một cú đúp đối với ông Dũng sẽ thành công.
Về quan hệ Việt - Trung đến lúc này cũng đã khá rõ nét, trong lúc này sẽ không còn là một vấn đề quan trọng phải đưa ra xem xét trong HNTW 12 lần này. Vì trước đây có người nghĩ rằng chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình sẽ xảy ra trước HNTW 12 nhằm gây áp lực và hỗ trợ cho phe thân Trung quốc. Tuy vậy, điều đó đã không xảy ra như nhiều người mong muốn. Cộng với việc ngày 5/10/2015 là ngày khai mạc Hội nghị TW 12 cũng là ngày kết quả đàm phán về Hiệp định tương mại TPP đã được 12 quốc gia thành viên thông qua và dư luận coi đó là một thất bại của Trung quốc trong việc khống chế Việt nam, khi họ coi TPP là một khối NATO về kinh tế.
Trong những năm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các phát biểu cho thấy quyết tâm đưa Việt nam trở thành một quốc gia tiến bộ, tôn trọng các giá trị dân chủ và nhân quyền hơn, cho dù điều đó đã bị nhiều người cho rằng đó là các hành động mỵ dân để che dấu một bộ mặt độc tài. Tuy vậy đây cũng là cơ hội cuối cùng dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đã giành trọn được ngọn cờ quyền lực với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của các ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng. Tuy vậy cũng cần chú ý thái độ của anh bạn vàng phương Bắc, không dễ gì mà họ ngồi yên để cho Thủ tướng Dũng có thể làm mưa là gió như bây giờ. Đó là điều cần phải cảnh giác.
Nhiều người hy vọng trong thời gian tới, ông Dũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách để đưa Việt nam trở thành một quốc gia pháp trị. Còn việc hy vọng rằng cải cách thể chế chính trị để đưa Việt nam chuyển sang một quốc gia dân chủ có lẽ vẫn còn quá sớm, vì vào lúc này thấy rằng có lẽ chúng ta vẫn chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ cho một xã hội dân chủ đa đảng thực sự.
Hy vọng đất nước Việt nam sẽ cứ lầm lũi mà bước tới như hôm nay.
Ngày 06/10/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
No comments:
Post a Comment