Theo các tiểu thương chợ Ðông Hà-Quảng Trị thì hồi giữa tháng 8, ban quản lý chợ này thông báo kế hoạch “sắp xếp lại chợ Ðông Hà” theo hai hướng: (1) Tiểu thương phải ký lại hợp đồng thuê quầy, sạp theo “giá thị trường” (cao hơn nhiều so với giá hiện tại) hoặc (2) Ban Quản lý sẽ tổ chức đấu giá các quầy, sạp.
Chợ Ðông Hà ngưng hoạt động vì tiểu thương bãi thị. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Tiểu thương chợ Ðông Hà chống quyết định này. Trong ngày bãi thị thứ hai, hàng trăm tiểu thương đã kéo đến trụ sở thị xã Ðông Hà, đòi chính quyền thị xã này phải đứng ra giải quyết.
Trong vài năm gần đây, giới tiểu thương ở Việt Nam liên tục bãi thị. Chính quyền các địa phương không còn dễ dàng thực hiện các dự án phá chợ cũ, xây trung tâm thương mại, ép tiểu thương vào đó kinh doanh hay tùy tiện nâng tiền cho thuê sạp, buộc nộp đủ loại phí vô lý như trước.
Hôm 30 tháng 9, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã từng phải ủy quyền cho chính quyền thành phố Huế tiếp đại diện tiểu thương chợ Phú Hậu để giải quyết vụ bãi thị tại chợ Phú Hậu.
Phú Hậu là tên một ngôi chợ chuyên cung cấp hàng hóa cho các chợ khác tại Thừa Thiên-Huế và Việt Nam gọi những chợ như thế là chợ đầu mối.
Ngoài việc bãi thị, tiểu thương chợ Phú Hậu còn kéo nhau đến trụ sở chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế để chất vấn tại sao lại ép họ vào chợ mới. Các tiểu thương cho biết, trước đây, Bộ Công Thương Việt Nam chỉ chấp thuận cho cải tạo, nâng cấp chợ Phú Hậu, thế nhưng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế lại giao đất cho một công ty có tên là Phú Hậu xây chợ mới, cách chợ cũ chừng 500 mét, rồi ép tiểu thương bỏ chợ cũ vào chợ mới thuê lại sạp với giá cao hơn.
Một viên phó chủ tịch thành phố Huế phân bua, chính quyền Thừa Thiên-Huế làm như thế vì chợ Phú Hậu hiện giờ chỉ là chợ tạm, không bảo đảm vệ sinh và không an toàn khi có cháy, nổ nhưng tiểu thương không chấp nhận. Bãi thị vẫn đang tiếp diễn.
Vụ bãi thị lớn nhất trong vài năm gần đây và đến nay vẫn chưa giải quyết xong, xảy ra tại chợ Vinh, tỉnh Nghệ An.
Năm 2007, khi buộc các tiểu thương đóng tiền xây dựng lại chợ Vinh, chính quyền tỉnh Nghệ An và Ban Quản Lý chợ Vinh cùng cam kết, sẽ chỉ sử dụng tầng 3 của ngôi chợ này làm nơi làm việc, cho thuê mở văn phòng, chứ không tạo thêm kiosque để cạnh tranh với các tầng bên dưới. Tuy nhiên đến cuối năm 2013, chính quyền tỉnh Nghệ An đơn phương duyệt một dự án, cho phép Ban Quản Lý chợ Vinh, chia tầng 3 thành 514 kiosque kinh doanh quần áo may sẵn, mỹ phẩm, đồ trang sức và giày dép.
Cũng vì vậy, từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3 năm 2014, tiểu thương chợ Vinh đã kéo đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An để phản đối dự án vừa kể song các viên chức chính quyền ở Nghệ An không thèm nghe họ. Ðến ngày 17 tháng 3 năm ngoái, bãi thị nổ ra và chợ Vinh ngưng hoạt động suốt ba ngày.
Ðáng chú ý là kể từ khi thực hiện bãi thị, các tiểu thương kinh doanh tại chợ Vinh bắt đầu đòi chính quyền tỉnh Nghệ An trả lời rạch ròi về những vấn đề có liên quan tới việc xây dựng chợ Vinh. Năm 2009 khi tiến hành phá bỏ chợ cũ, xây chợ mới, chính quyền tỉnh Nghệ An loan báo chi phí xây dựng khoảng 200 tỉ, trong đó, tiểu thương đóng góp 175 tỉ. Tuy nhiên, khi hoàn tất, chính quyền tỉnh Nghệ An loan báo, tiểu thương chỉ đóng góp 134 tỉ.
Tiểu thương yêu cầu thanh tra để xác định xem tại sao có tới 41 tỉ mà họ đã đóng góp bị “thất lạc.”
Cuối năm ngoái, tuy chính quyền tỉnh Nghệ An đã thoái bộ, hủy bỏ việc xây dựng các kiosque ở tầng ba của chợ Vinh nhưng các tiểu thương chợ Vinh tiếp tục giữ yêu cầu thanh tra việc xây dựng chợ Vinh. Yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng. (G.Ð)
10-06- 2015 2:51:30 PM
No comments:
Post a Comment