Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok -2015-10-07
Công nhân Việt Nam (minh họa) AFP
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, giữa 12 quốc gia trong đó có Việt Nam vừa được kết thúc đàm phán hôm ngày 5 tháng 10 vừa qua. Một trong những điều kiện mà phía Việt Nam chấp nhận là thực thi những biện pháp bảo vệ quyền của công nhân lao động, mà một biện pháp cụ thể là cho lập công đoàn độc lập.
Thực tế giới công nhân tại Việt Nam có nghe biết gì về TPP và yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho họ như thế không? Ngoài ra những nhà hoạt động vì quyền công nhân nói gì về việc hình thành công đoàn độc lập theo qui định của TPP?
Khái niệm xa lạ!
Trong khi truyền thông nhà nước loan tin khá nhiều về kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và những cơ hội cho Việt Nam khi tham gia một khối mậu dịch tự do lớn như thế; thì đa số những công nhân tại các tỉnh thành khi được hỏi về TPP đề tỏ ra ngơ ngác không biết gì.
Một nữ công nhân tại Quảng Nam cho biết cô đang làm việc cho một công ty tư nhân. Giờ làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; và mỗi tuần tăng ca 5 ngày cho đến 8 giờ tối. Lương tháng được 3 triệu tám trăm ngàn đồng. Sau khi làm việc cô về nhà trọ nghỉ ngơi, chẳng có giờ để đọc báo; còn TV thì không có. Cô chỉ biết mỗi tháng đóng 10 ngàn tiền công đoàn phí; còn chuyện công đoàn có bảo vệ quyền lợi cho công nhân hay không thì cô không biết; và nếu thấy công việc đang làm quá nặng nhọc thì bỏ đi tìm nơi khác có mức lương cao hơn; chứ tại nơi cô làm lâu nay ở Quảng Nam chưa có chuyện công nhân đình công để đòi quyền lợi. Khái niệm TPP đối với cô hoàn toàn xa lạ vì chưa bao giờ được nghe đến:
“ Em cũng không biết nữa, khi mô tới hãy hay chứ giờ có biết gì đâu!”
Một nữ công nhân ở Nghệ An cũng cho biết hiện cô phải đóng một tháng 15 ngàn đồng tiền công đoàn phí; và tin tức về một công đoàn độc lập đối với cô cũng chưa bao giờ được nghe đến:
“ Lâu nay em không nghe nói gì hết! Em cũng không có gì để hiểu được vấn đề đó.”
Nhận thức của người lao động Việt Nam cũng nằm trong nhận thức chung của người dân Việt Nam; tức là họ vẫn rất mơ hồ thiếu hiểu biết về quyền con người trong đó có quyền của người lao động. Hiện nay nếu có biết chỉ biết đến công đoàn quốc doanhLS Lê thị Công Nhân
Về tình trạng công nhân không biết tin tức liên quan việc thành lập công đoàn độc lập theo như yêu cầu của TPP, theo một nhà hoạt động cho người lao động Việt Nam, luật sư Lê thị Công Nhân thì đó là tình trạng chung ở Việt Nam, không riêng gì với người công nhân mà người dân nói chung cũng rất ít hiểu biết về quyền của họ. Luật sư Lê thị Công Nhân cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi vào tháng 9 vừa qua sau khi gặp một chuyên viên cấp cao Ủy ban Tài chính- Kinh tế Quốc tế Thượng Viện Hoa Kỳ, ông Jim Greene:
“Nhận thức của người lao động Việt Nam cũng nằm trong nhận thức chung của người dân Việt Nam; tức là họ vẫn rất mơ hồ thiếu hiểu biết về quyền con người trong đó có quyền của người lao động. Hiện nay nếu có biết chỉ biết đến công đoàn quốc doanh.”
Phát biểu của chính quyền
Ngay sau khi kết thúc vòng đàm phán đúc kết TPP tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, người đại diện Việt Nam, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong cuộc họp báo chung với những đại diện của các nước khác lên tiếng cho rằng lâu nay Việt Nam từng là thành viên của tổ chức Lao động Quốc tế ILO và những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận TPP không phải chỉ riêng của Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Ông Vũ Huy Hoàng nói rằng Việt Nam là thành viên của ILO và cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO. Ông nói thêm theo ông thì đó là cam kết và sự sẵn sàng mà Việt Nam sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề lao động.
Nhà hoạt động thuộc tổ chức Lao Động Việt, cô Đỗ Thị Minh Hạnh vào trưa ngày 7 tháng 10 trình bày ý kiến về phát biểu mà ông bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đưa ra như thế:
“ Thực sự mà nói Việt Nam nằm trong tổ chức Liên đoàn Lao động Thế giới ILO, trong đó cũng có những qui định cụ thể về quyền lợi người lao động. Tuy nhiên trong thực thế chúng ta có thể thấy được những người lao động Việt Nam phải chịu đựng như thế nào qua những cuộc đình công, qua những bức xúc của công nhân mà công nhân không được cất lên tiếng nói… Vừa qua những chủ xưởng bỏ trốn, để lại công nhân chịu những thất thoát rất lớn, trong tình trạng ‘dở khóc, dở cười’.
Việt Nam không những ký những qui ước với quốc tế với tư cách thành viên ILO, WTO, mà họ che mắt thế giới về sự thật trong nước bằng ngôn từ, bằng những báo cáo ảo, nói với thế giới Việt Nam có công đoàn thực sự và quan tâm đến quyền và lợi ích của người lao động; nhưng thực tế không phải như vậycô Đỗ Thị Minh Hạnh
Việt Nam không những ký những qui ước với quốc tế với tư cách thành viên ILO, WTO, mà họ che mắt thế giới về sự thật trong nước bằng ngôn từ, bằng những báo cáo ảo, nói với thế giới Việt Nam có công đoàn thực sự và quan tâm đến quyền và lợi ích của người lao động; nhưng thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên với TPP này phải có sự khác biệt đối với WTO trước đây. Trước đây hoạt động đấu tranh cho giai cấp công nhân không được quan tâm chú ý; khi đó Lao Động Việt cũng chưa hình thành. Lao động Việt được thành lập năm 2006 mà tiền thân là Ủy ban Bảo vệ Người Lao động cũng như Công đoàn Độc Lập do chị Lê thị Công Nhân và một số công đoàn do anh Đoàn Huy Chương lập ra nhưng mang tính chất nhỏ; nên Việt Nam vẫn che mắt được thế giới. Nhưng trong tiến trình TPP thì ở Việt Nam cũng đã có ý thức đấu tranh cho công nhân nhiều hơn, nên Việt Nam khó che giấu sự thật mà họ đối đãi với công nhân như thế nào. Nếu họ không thực hiện những cam kết của họ đối với thế giới thì những người đấu tranh trong nước, đặt biệt những người đấu tranh cho nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam chắc hẳn sẽ đưa những tin tức dối trá này ra với thế giới”.
Kết quả
Thực tế cho thấy trong thời gian qua có một số ít công nhân được tiếp xúc với những nhà hoạt động công đoàn độc lập cũng như tiếp cận được thông tin trên mạng, nên có ý thức về một tổ chức đại diện cho họ hoàn toàn độc lập không theo hệ thống công đoàn nhà nước như bấy lâu nay. Một công nhân tại Bình Dương từng phát biểu khi được hỏi về cách thức giúp bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người công nhân, thì người này khẳng định phải có một công đoàn độc lập:
“Tôi nghĩ phải tạo điều kiện để công nhân có công đoàn, nghiệp đoàn để ví dụ khi có chuyện gì, có bất công gì thì nghiệp đoàn đó đứng về phía họ. Phải có nghiệp đoàn độc lập. Công nhân phải biết đoàn kết, biết đòi hõi quyền lợi và biết tìm hiểu về pháp luật hơn; không thể cứ kệ họ muốn làm gì thì làm, xong việc thì về nhà. Như thế là tạo điều kiện cho họ, dung túng cho họ nhiều hơn”
Hai nữ công nhân ở Nghệ An và Quảng Nam vừa nói cũng cho rằng dù hiện họ chưa được nghe nói gì về công đoàn độc lập cũng như hầu như chưa quan tâm mấy đến vấn đề đó; thế nhưng nay khi nghe đến điều đó họ cũng mong mỏi Việt Nam tham gia vào với thế giới và bảo vệ quyền lợi cho người công nhân một cách đàng hoàng hơn.
No comments:
Post a Comment