Thursday, July 9, 2015

TBT Nguyễn Phú Trọng: VN hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền

Cát Linh, phóng viên RFA
2015-07-09
20150708_151415-622.jpg

Chiều ngày thứ Tư, 8 tháng 7, với sự hợp tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ, tại CSIS, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc nói chuyện và trả lời phỏng vấn về mối quan hệ giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.RFA

Chiều ngày thứ Tư, 8 tháng 7, với sự hợp tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ, tại CSIS, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc nói chuyện và trả lời phỏng vấn về mối quan hệ giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Nội dung xoay quanh những vấn đề về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng, sự biến đổi khí hậu, nhân quyền, hợp tác thương mại và đường lối lãnh đạo.
Tại buổi nói chuyện về quan hệ giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời kỳ đổi mới tại CSIS chiều ngày thứ Tư, 8 tháng 7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến những nội dung chính như sau: quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia kể từ khi bình thường hoá và những năm gần đây; chủ trương trong công tác đối ngoại; vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Nhắc về quá khứ

Ngay trong phần mở đầu của buổi nói chuyện, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng ông cảm thấy đáng tiếc khi có những cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ. Và để có được cuộc gặp được cho là lịch sử này thì:
Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm của hai nước. Tôi khẳng định rằng Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền, quyền con người. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
-TBT Nguyễn Phú Trọng
“Chúng ta đã trải qua 1 giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hoá quan hệ 1995.”
Khi nhắc lại quá khứ chiến tranh, ông Trọng lý giải về cuộc chiến của người dân Việt Nam là một cuộc chiến vì dân tộc, hoàn toàn không có sự hận thù với quốc gia từng được lịch sử VN gọi là đế quốc Mỹ. Đặc biệt, ông Trọng đã nhắc đến cả mục sư Martin Luther King là một người từng phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
“Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc kháng chiến để dành độc lập tự do cho dân tộc mình, giải phóng thống nhất đất nước mình. Không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại hợp chủng quốc HK, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ. Ngay trong thời kỳ chiến tranh diễn ra, nhân dân Việt Nam vẫn giữ tình hữu nghị với nhân dân Hoa Kỳ, rất biết ơn nhiều người dân Hoa Kỳ đã đứng lên phản đối chiến tranh, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, trong đó mục sư Martin Luther King là 1 người tiêu biểu.”
Tuy có khẳng định rằng sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam và người dân Việt Nam chủ trương khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, nhưng ông tổng bí thư cũng không quên nhắc lại những hậu quả đau thương mà dân tộc Việt Nam gánh chịu sau khi chiến tranh đi qua bằng cách đưa ra những con số cụ thể về hậu quả đó.
Ông cho biết rất nhiều người dân Việt Nam đang phải chống chọi với những hậu quả mà chiến tranh để lại. Ông kêu gọi hai quốc gia chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh:
“Để làm tốt chủ trương gác lại quá khứ, chúng ta nên chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là vấn đề nhạy cảm tác động mạnh đến tâm tư tình cảm của nhân dân. Vì vậy, việc 2 bên phối hợp giải quyết tốt sẽ là góp phần quan trọng tăng cường quan hệ giữa hai nước.”

20 năm và hiện tại

Ngay sau đó, ông đề cập đến tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, được phát triển liên tục và sâu rộng trong suốt 20 năm qua.
“Từ chỗ cựu thù, rồi chúng ta bình thường hoá quan hệ, thiết lập quan hệ ngoại giao, rồi ký kết hiệp định thương mại song phương năm 2000, thiết lập đối tác quan hệ toàn diện va 2013 và bây giờ trên đà phát triển rất tốt.”
20150708_154836-400.jpg
Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) tại buổi nói chuyện và trả lời phỏng vấn ở Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ CSIS hôm 8/7/2015. RFA PHOTO.
Những thành quả mà hai quốc gia có được trong 20 năm qua đó là:
“Hợp tác kinh tế có sự phát triển vượt bậc và Hoa Kỳ đến nay là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo đã có những bước tiến rất tích cực. Kim ngạch thương mại 2 chiều trong 20 năm qua đã tăng gấp 130 lần. Hợp tác quốc phòng an ninh cũng có những bước tiến quan trọng. Và đặc biệt tầm nhìn chung Việt Nam Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng vừa được ký kết tại Hà Nội 2015.”
Khẳng định lần nữa mối quan hệ giữa Việt Nam Hoa Kỳ, ông Trọng nói rằng sở dĩ có sự phát triển tích cực trong 20 năm qua là cả hai quốc gia đều thực hiện trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Một vấn đề thứ hai mà ông Trọng cho rằng cũng là vấn đề nhạy cảm giữa hai nước, đó là nhân quyền. ông nói:
“Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm của hai nước. Tôi khẳng định rằng Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền, quyền con người. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”
Tổng bí thư đề nghị hai quốc gia cần có đối thoại xây dựng thẳng thắn để có được đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Đề cao sự hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm, ông Trọng nêu ra 3 vấn đề chính: chống khủng bố, an ninh mạng và chống dịch bệnh.
Nhắc đến vấn đề biển Đông, ông Trọng đánh giá cao sự quan tâm can thiệp kịp thời của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi đánh giá cao việc chính phủ Hoa Kỳ ngày càng quan tâm tình hình biển Đông, bày tỏ kịp thời và nhất quán quan điểm ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.”

“Chúng tôi bắt giữ người vì họ vi phạm pháp luật”

Trong khoảng 15 phút dành cho các câu hỏi chất vấn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự quan tâm của các học giả về đường lối, chủ trương sắp tới của đại hội Đảng, và đặc biệt là câu hỏi về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Với câu hỏi về chủ trương quan trọng nhất mà nhân sự của đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ đề ra, ông Trọng cho biết:
Vừa qua có những trường hợp chúng tôi phải xử lý thậm chí bắt người là họ vi phạm pháp luật chứ không phải vì họ đi theo tôn giáo đi theo dân tộc hay có nói khác gì mà bị bắt đi. Ai vi phạm pháp luật thì chúng tôi xử lý theo pháp luật.
-TBT Nguyễn Phú Trọng
“Riêng về lĩnh vực đường lối chủ trương thì sẽ tập trung vào tiếp tục phát triển kinh tế, xem kinh tế là trung tâm. Trong kinh tế thì tiếp tục thực hiện cương lĩnh kinh tế với nội dung phong phú toàn diện nhưng trọng điểm vẫn là tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển 1 cách nhanh và đổi mới. Đồng thời hết sức chăm lo vấn đề xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, vùng nghèo, những đối tượng yếu thế.”
Ông Trọng cho biết kế hoạch sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn vào quốc tế. Tính đến nay thì Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới và đường hướng này sẽ tiếp tục được duy trì.
Ông cũng khẳng định đường lối của Đảng CS Việt Nam trong câu trả lời của mình:
“Về chính trị, xã hội thì chúng tôi tiếp tục phải xây dựng cũng cố, chỉnh đốn, đổi mới Đảng, nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị của chúng tôi, trong đó có cải cách thể chế kinh tế để đổi mới các cơ chế chính sách, hoàn thiện luật pháp theo tư tưởng mới của hiến pháp 2013. Xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện cho được nền kinh tế xã hội.”
Câu hỏi duy nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam được đặt ra bởi một học giả là giám đốc của Mansfield Foudnation, một tổ chức giáo dục tư nhân Hoa kỳ, hỏi về vấn đề tự do ngôn luận và tự do nhân quyền trong thời gian qua ở Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp lại trên cơ sở luật pháp và khẳng định chưa bao giờ Việt Nam có nền dân chủ và nhân quyền như thời điểm hiện tại:
“Chúng xin nhắc lại lời tuyên ngôn độc lập của ngài Thomas Jefferson mà chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi nhắc lại bằng câu mở đầu của tuyên ngôn lập 1945 ‘sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng với nhu cầu cuộc sống tự do hạnh phúc sung sướng. Việt Nam chúng tôi xem đây là mục tiêu rất cơ bản, chiến lược phấn đấu để bảo đảm quyền lợi ích chính đáng của người dân. Cộng đồng Việt Nam chúng tôi có lẽ chưa bao giờ có được một đời sống dân chủ như bây giờ.”
Trả lời chi tiết câu hỏi của giám đốc tổ chức Mansfield Foundation về những trường hợp bắt và kết án tù đối với một số người ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, Tổng bí thư giải thích:
“Đất nước nào cũng phải quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi người dân phải tuân thủ theo pháp luật. Vừa qua có những trường hợp chúng tôi phải xử lý thậm chí bắt người là họ vi phạm pháp luật chứ không phải vì họ đi theo tôn giáo đi theo dân tộc hay có nói khác gì mà bị bắt đi. Ai vi phạm pháp luật thì chúng tôi xử lý theo pháp luật.”
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của tổng bí thư Nguyển Phú Trọng sẽ kéo dài đến ngày 10 tháng 7.

No comments:

Post a Comment