QUẢNG TRỊ (NV) - Những cây cầu “dần xây”(xây dần dần) này thuộc dự án “Ðường cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế bờ Bắc sông Thạch Hãn” và đều nằm trên xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.
Trong 5 cây cầu nói trên, mỗi cầu cách nhau khoảng một cây số và cầu nào cũng xây dở dang rồi bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Cầu Ðất ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) sau bốn năm mới chỉ có hai mố cầu. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ngày 9 tháng 7, 2015, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban Ðầu Tư Xây Dựng thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Trị, chủ đầu tư dự án, cho biết, dự án “Ðường cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế bờ Bắc sông Thạch Hãn” dài hơn 8 cây số. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 327 tỷ đồng, do Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Trị làm chủ đầu tư, khởi công vào năm 2011, đến năm 2012 thì dừng thi công và dở dang cho đến nay.
Nguyên nhân theo ông Hiếu, dự án này được khởi công trước khi nhà cầm quyền CSVN ban hành lệnh thắt chặt đầu tư công. Do vốn đầu tư công bị cắt giảm, nên dự án nói trên cũng bị cắt giảm nhiều lần và hiện tại đang tạm ngưng.
Theo xã Triệu Thượng, cầu Ðất - một trong 5 cây cầu trong dự an khởi công vào tháng 5, 2011 với vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng. Nếu cầu này thông xe sẽ giúp người dân thoát cảnh bị chia cắt khi mùa mưa lũ về. Tuy nhiên, mới triển khai được gần nửa năm thì dừng lại cho đến nay. Hiện chỉ mới có hai mố cầu nằm trơ trọi, sắt thép chỏng chơ đã hoen gỉ, cỏ dại phủ kín.
Bốn cây cầu còn lại trên tuyến đường nói trên cũng trong tình trạng xây dở dang tương tự. Trong đó, có cầu đã hoàn thành được 80% khối lượng nhưng cũng rơi vào cảnh “đắp chiếu,” trong khi người dân xã Triệu Thượng phải tiếp tục qua sông trên những chiếc cầu tạm bợ nguy hiểm.
Do cầu xây dang dở, ngoài việc phải đi cầu tạm, người dân địa phương còn bị đơn vị thi công “nợ” đất. Theo phản ảnh của một số hộ dân, trong quá trình giải tỏa mặt bằng, ủy ban xã Triệu Thượng cùng công ty xây dựng Thống Nhất, đơn vị thi công đã mượn đất của họ để phục vụ quá trình thi công dự án, trong 3 năm sẽ hoàn trả, đồng thời tạm ứng trước 70% số tiền đền bù giải tỏa mặt bằng. Nhưng đến nay sau hơn 4 năm, công trình chưa hoàn thành, đất mượn và 30% tiền giải phóng mặt bằng vẫn chưa trả đủ cho người dân.
Trả lời câu hỏi vì sao không tập trung vốn để thi công dứt điểm từng chiếc cầu mà lại thi công cả 5 cầu cùng một lúc, dẫn đến tất cả cùng thiếu vốn, ông Hiếu cho rằng, do nhà thầu cũng như chủ đầu tư đều muốn đẩy nhanh tiến độ nên thi công cùng một thời điểm. Vì vậy, khi bị nhà nước yêu cầu cắt giảm vốn đầu tư công thì cả 5 cây cầu đều rơi vào dở dang. Khi nào có vốn phân bổ sẽ tiếp tục làm, nhưng đến bao giờ thì ông cũng không biết được. (Tr.N)
07-09- 2015 4:17:05 PM
No comments:
Post a Comment