Trong loạt bài mang tên “Gánh nặng quê nghèo,” tờ Nông Nghiệp Việt Nam khiến người đọc sửng sốt vì sự tàn bạo của hệ thống chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh.
Cho đến nay, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh vẫn còn thực hiện các “chiến dịch thu sản” - những đợt tận thu nông sản để hoàn thành các “chỉ tiêu” về ngân sách. Xưa, trong các “chiến dịch thu sản,” viên chức các cấp xông vào nhà dân chúng lục soát, tịch thu lúa, bắp để gom cho đủ “chỉ tiêu” mà chính quyền đã ấn định cho từng gia đình. Nếu gom không đủ lúa, bắp, viên chức các cấp sẽ tịch thu thêm những thứ tài sản khác như giường, tủ, bàn, ghế, xe đạp, trâu, bò, heo, gà để bù cho đủ.
Nay, theo tờ Nông Nghiệp Việt Nam, tuy việc xông vào nhà dân chúng lục soát, tịch thu nông sản, tài sản không còn nữa nhưng “tiếng loa truyền thanh vẫn còn hoạt động đều đặn hết công suất, giọng cán bộ truyền thanh vẫn đanh thép len lỏi khắp làng, ra đến tận ngoài đồng, yêu cầu nhân dân hoàn thành nghĩa vụ trong bà ngày.” Những gia đình chậm nộp “sản” sẽ bị phạt thêm 5%.
Theo tờ Nông Nghiệp Việt Nam, tới giờ, các xã ở huyện Can Lộc vẫn tổ chức những “chiến dịch thu sản” ngay sau khi nông dân vừa hoàn tất các đợt thu hoạch. Do phải đóng quá nhiều loại thuế, phí cho tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm nên dù đã nộp sạch số nông sản vừa thu hoạch sau mỗi vụ, rất nhiều nông dân ở huyện Can Lộc vẫn còn thiếu nợ.
Ông Nguyễn Hải Ðường, ngụ ở thôn Ðất Ðỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nói với phóng viên tờ Nông Nghiệp Việt Nam: Trước đây, vừa mang lúa tươi về đến sân là người ta ập đến xúc, giờ khá hơn ở chỗ chính quyền “vận động” dân chúng tự mang đi nộp. Tuy nhiên nhiều gia đình bán sạch mọi thứ mà vẫn không nộp đủ “sản.” Chìm trong các loại nợ, nợ nhà nước và nợ thiên hạ vì phải vay tiền nộp cho nhà nước, em gái ông Ðường từng nghĩ tới chuyện chạy ra đường cho xe cán để kiếm tiền trả cho sạch nợ!
Chỉ tính riêng huyện Can Lộc, năm ngoái, 23 xã và thị trấn của huyện này đã lập và thực hiện kế hoạch thu đến 23.8 tỉ từ nông dân! Chưa kể các khoản thu do các xóm, thôn, hợp tác xã “vận động nhân dân đóng góp” thêm để xây dựng” đường, nhà văn hóa...
Suốt thập niên vừa qua, trước tình trạng chính quyền các tỉnh, thành phố tự tiện đặt ra nhiều loại thuế, phí khiến nông dân nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung kiệt sức, thậm chí trở thành bần cùng, chế độ Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm lạm thu, tận thu nhằm “khoan sức dân,” song những văn bản đó không có hiệu lực trên thực tế.
Cũng vì vậy, từ năm 2013 đến nay, song song với chuyện hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động vì chi phí quá cao, thua lỗ kéo dài, nông dân nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đồng loạt xin trả lại ruộng.
Cho dù có trả lại ruộng, không phải nộp các khoản thuế, phí từ trồng trọt, song nông dân vẫn phải nộp những khoản thuế, phí khác do chăn nuôi và do trót sinh ra, lỡ cư trú ở nơi họ “chôn nhau, cắt rốn.” Chẳng hạn như các khoản nộp cho “Quỹ An ninh-Quốc phòng,” “Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa,” “Qũy Văn hóa-Xã hội,”... Những khoản này thường tính trên đầu người và không tha ai, kể cả người già lẫn trẻ sơ sinh!
Ðáng lưu ý là giống như nhiều lần trước và tương tự như nhiều nơi khác, các viên chức cấp tỉnh như ông Lương Quang Diên, trưởng phòng ngân sách huyện xã của Sở Tài Chính tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, nhiều khoản thu của chính quyền các huyện, các xã tại Hà Tĩnh là bất hợp pháp song ông ta chỉ cho biết là rất... buồn chứ không hứa hẹn sẽ làm gì! (G.Ð.)
07-09-2015 4:22:24 PM
No comments:
Post a Comment