Thursday, July 9, 2015

Người nông dân dở khóc dở cười với mùa vải năm nay

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-07-08
Thiếu nước trái vải khô khốc, kém chất lượng, trái lưa thưa

Thiếu nước trái vải khô khốc, kém chất lượng, trái lưa thưa -RFA
Với người dân các tỉnh phía Bắc, đặc biệt các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hải Dương, mùa vải thiều là mùa thu hoạch cho cả năm. Mùa vải xứ Bắc cũng giống như mùa xoài, mùa cà phê hay mùa thanh long ở miền Nam, đây là mùa chủ lực của năm, nó quyết định năm tài chính của người nông dân mạnh hay yếu, ăn Tết vui hay buồn. Nhưng năm nay, nghe ra có vẻ người nông dân trồng vải ở các tỉnh phía Bắc sẽ có một quí sau của năm cũng như một mùa Tết nặng nề bởi mùa vải thiều thê thảm với giá thấp lè tè, sâu bọ hoành hành.
Giá thấp chưa từng thấy
Một người trồng vải tên Hoàng, ở Thanh Hà, Hải Dương, buồn bã chia sẻ: “Trồng vải thiều thì phải làm đất, vun gốc, mất nhiều công, trồng rồi đến khi tưới thì phải tưới nước phân lợn rồi phải tưới lại nước lọc cho sạch. Từ khi ra hoa cho đến khi quả vải lớn mất độ khoảng hai mươi ngày đến ba mươi ngày. Từ khi ra hoa cho đến rụng hoa kết quả khoảng độ một tuần sau đó quả vải lớn rất nhanh nhưng hạn hán dữ quá nên lúc ra hoa nó bị hỏng hết hoa.”
Theo ông Hoàng, có thể nói rằng mùa vải năm nay là mùa vải tệ hại nhất trong mọi năm. Vì giá điện tăng, giá nước cũng tăng và chi phí vận chuyển cũng như ngày công tăng cao nhưng giá thành của trái vải lại thấp hơn mọi năm. Nếu như năm ngoái, giá một ký vải tại vườn dao động từ mười lăm đến hai mươi ngàn đồng thì giá vải năm nay dao động từ mười đến mười lăm ngàn đồng trên mỗi ký lô.
Trong khi đó, giá điện tăng rất cao mặc dù về mặt hình thức nó chỉ mới tăng 7,5% nhưng giá tính phạt lũy tuyến quá cao, trong khi đó, người nông dân phải luôn bơm nước bằng máy bơm áp suất để xịt lên ngọn cây nhằm làm mát và sạch trái. Chỉ có như vậy mới có thể đảm bảo trái vải sáng mẩy, không bị sâu bọ và teo tóp.
Đặc biệt, trái vải là loại trái cây tuyệt đối không dùng đến thuốc trừ sâu nên chi phí bơm nước tưới trái lên rất cao nếu như người trồng vải muốn cho sản phẩm của mình đạt chất lượng tốt. Với mức tính tiền theo kiểu phạt lũy tuyến của ngành điện lực trong hiện tại, cộng với thời tiết nắng hạn, khô khốc của năm nay, chỉ riêng khoản chi phí đóng phạt lũy tuyến điện không thôi cũng đủ làm gia đình ông vuốt mặt không kịp.
Từ ngày vải bắt đầu vụ thu hoạch cho đến nay, ông phải đóng tiền điện mỗi tháng gần năm triệu đồng, tháng gần đây nhất gần sáu triệu đồng vì thời tiết nắng nóng thất thường. Không tưới thì vườn vải khô khốc, nhìn xót xa, nhưng tưới rồi, khoản tiền thu hoạch lại phải trích ra để đóng tiền phạt, đâu cũng lại vào đó.
Riêng cây vải, việc bón phân không diễn ra thường xuyên như những loại cây khác, bù vào đó, loại phân bón cây vải không phải là những loại phân thông dụng trên thị trường, người trồng vải phải tự chế biến từ một ít phân hóa học trộn với phân chuồng, tức dùng phân hữu cơ pha với phân vô cơ rồi ủ một thời gian trong bầu đất bùn, chừng hai, ba tháng sau mới khui bầu đất bùn và đào một số hố nhỏ cách gốc vải từ 30cm đến 50cm để bỏ một lượng phân tỉ lệ với tuổi của cây vào đó. Việc chăm bón thường diễn ra từ tháng mười một năm nay đến tháng giêng năm sau.
Vì giá ngày công năm nay cũng tăng khá cao so với ngày công những năm trước, mọi thứ vật giá đều tăng nên mức phí đầu tư vào vườn vải tăng lên từ gấp rưỡi đến gấp đôi năm trước. Nhưng giá trái vải trên thị trường lại rớt so với năm ngoái. Ở một số vườn vải, người nông dân đâm ra chán nản, bỏ bê, không tưới nước làm mát trái nên sản lượng thu hoạch thấp, chất lượng cũng kém, giá bán ra chưa tới mười ngàn đồng trên mỗi ký lô. Có thể nói đây là mức giá mà khả năng thu lại hoàn toàn không có nếu cộng tất cả mọi chi phí đầu tư của cả một năm lại. Thậm chí có thể thua lỗ nếu như người nông dân không thuộc lòng phương châm “lấy công làm lãi”.
Những cây vải mất mùa trái lưa thưa
Những cây vải mất mùa trái lưa thưa
Hiện tại, trái vải đã chuyển sang giai đoạn cuối vụ thu hoạch, chuyện lỗ lãi đã rõ, hết còn hy vọng gì. Vải đầu mùa chỉ bán được cao nhất là hai mươi ngàn đồng trên mỗi ký lô, giai đoạn này kéo qua đúng ba ngày, sau đó rớt dần xuống còn mười lăm ngàn, rồi mười ngàn đồng mỗi ký lô, và hiện tại có khi xuống còn tám ngàn đồng mỗi ký lô. Người nông dân dở khóc dở cười trong vườn vải thân yêu của họ.
Xuất khẩu sang Mỹ, ai được lợi?
Một nông dân khác tên Quân, ở Thanh Hà, Hải Dương, chia sẻ: “Rẻ lắm, có mấy nghìn một cân. Thua là cái chắc à, ví như bán được mấy chục nghìn một cân thì lời nhiều nhưng năm nay mọi bữa còn giữ giá nhưng giờ có mấy nghìn một cân à. Xuất khẩu đi Mỹ nhưng mà mới có mấy lô à, không ăn thua. Khó lắm, làm ra mà không có nguồn tiêu thụ thì mệt thật.”
Theo ông Quân, việc xuất khẩu một số vải sang Mỹ trong đợt vừa rồi chỉ mang tính hình thức và để có được một suất bán trái vải xuất khẩu, người nông dân phải chung chi nhiều thứ cho cán bộ địa phương. Ông Quân ví von việc xuất khẩu này giống như thả một miếng thức ăn mang nhãn hiệu Mc.Donalds vào giữa một đám đông nông dân đang đói bụng, chắc chắn không thể chia chác gì được và đương nhiên vấn đề tiêu cực nảy sinh ngay tức khắc.
Sẽ có kẻ dùng dao, dùng sùng để giữ miếng bánh đó và tìm cách thương lượng để bán cho một nông dân có tiền nhiều nhất. Và đương nhiên khi bán, họ phải lấy lãi gấp nhiều lần. Chuyện xuất khẩu vải thiều cũng vậy. Khi có quota xuất khẩu, những cán bộ địa phương sẽ đưa ra một bản vẽ về cơ hội xuất khẩu lâu dài và cơ hội này không phải ai cũng có được. Như vậy là để có cái cơ hội này, nhiều nông dân buộc lòng phải chung chi, đút lót cho cán bộ để được xuất khẩu mặc dù giá vải khi nhập cho cơ quan nhà nước cũng chẳng cao mấy so với bán trên thị trường.
Trong khi đó, người nông dân hoàn toàn không hay biết rằng số vải thiều của vườn nhà mình khi sang Mỹ, người ta phải bỏ ra số tiền tương đương với mua một tấn vải thiều tại Việt Nam chỉ để mua ngót nghét một ký lô vải thiều về nhà ăn để nhớ vị quê, để biết hương vị xứ Việt… Và trong thương vụ xuất khẩu sang Mỹ, người được lợi nhiều nhất vẫn là cán bộ địa phương, kẻ trung gian giới thiệu và đề xuất đối tượng xuất khẩu, kẻ được lợi nữa là cán bộ xuất nhập khẩu. Người nông dân vẫn hoàn toàn thua thiệt.
Không xuất khẩu thì bấp bênh trên thị trường, được xuất khẩu thì giá chênh lệch giữa bán trong nước và xuất khẩu không đủ bù tiền chung chi cho cán bộ. Cuối cùng, đám cán bộ tham lam chẳng khác nào một đám sâu đang bâu vào đục khoét mùa mùa màng, làm thối những trái vải mà người nông dân đã chắt chiu, nâng niu cho đến ngày thu hoạch.
Nắng nóng, giá vải thiều thấp, sâu bọ, giá điện tăng, nguồn nước sạch ngày càng hiếm, giá xăng dầu và phân tro tăng, đám cán bộ đục khoét ngày càng tăng về số lượng và chất lượng… Tất cả như những thứ côn trùng nguy hiểm đang trùng vây đời sống người nông dân tội nghiệp giữa thế kỉ 21 đầy tai ương và hy vọng này!
Nói đến đây, ông Quân lắc đầu buồn bã, không nói gì thêm, ra dấu mời chúng tôi cùng ăn vải trên bàn.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment