Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
Theo RFA-2015-06-25
Công nhân đường sắt bảo trì tuyến đường sắt Bắc-Nam. Ảnh minh họa. AFP photo
Lòng tin (trong một số bối cảnh và ngữ cảnh gọi là niềm tin) là sự cảm nhận chắc chắn về một vấn đề gì đó. Vấn đề có thể là một sự việc, về một con người hay về tương lai, vv…Cơ sở của lòng tin là sự thật, là thông tin trung thực. Ở Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, nói tới lòng tin là nói tới sự xa xỉ. Sự trung thực xã hội, điều đã bị hủy hoại có chủ ý và hệ thống trong 70 năm qua đã đẩy Việt Nam trở thành nghĩa trang cho lòng tin của con người. Người ta không còn biết tin ai, tin vào cái gì khi mà hàng ngày, hàng giờ những điều được nghe, được tuyên truyền nó ngược hẳn với thực tế cuộc sống mà hàng ngày người dân phải va chạm. Sự thiếu trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội.
Tuy nhiên, lòng tin của con người, như là một chiếc la bàn, và cũng như mỏ neo, neo giữ con người khi lênh đênh trên biển. Nó bắt buộc phải có, phải tồn tại. Chính vì vậy, nó tránh những lĩnh vực nhạy cảm, nguy hiểm và chỉ tồn tại trong các lĩnh vực thông thường của đời sống. Đồng thời, khi mà hệ thống chính trị, chính thống của nhà nước không xây dựng được hệ thống giá trị làm chuẩn mực cho xã hội noi theo, thì mỗi một con người đã phải tự xây dựng cho mình một hệ thống giá trị, và người ta tin vào hệ thống giá trị mà họ tự xây dựng lên.
Một hệ thống giá trị mà mỗi cá nhân tự xây dựng lên, tương ứng với nó là một hệ thống niềm tin vào các giá trị đó, có rất nhiều bất cập. Do mỗi cá nhân, bằng nhận thức và kiến thức của mình, với quá trình hình thành hoàn toàn tự nhiên nên những giá trị mà mỗi cá nhân mang trong người rất thiếu sót và khiếm khuyết. Chính vì vậy, chúng ta mới nhận thấy, ở Việt nam, sự hỗn loạn trong nhận thức, trong niềm tin là rất cao. Hầu như không ai thống nhất được với ai trong bất cứ lĩnh vực nào. Sự mâu thuẫn thường rất gay gắt bởi vì ai cũng có niềm tin vào hệ thống giá trị mà mình tự xây dựng lên. Đây cũng chính là sự diễn giải cho câu: “lòng người ly tán”.
Cái được của một hệ thống giá trị, và niềm tin mỗi người tự tạo ra, đó là họ không đánh mất lòng tin vào bản thân mình. Đây là điều khá quan trọng, cho bản thân sự tồn tại của mỗi người cũng như tương lai của họ. Có người đã nói rằng, mất của cải coi như chưa mất gì, mất danh dự là mới mất một nửa, mất lòng tin là mất tất cả. Mất lòng tin ở đây, có nghĩa là mất lòng tin vào chính bản thân mình.
Nhưng, niềm tin vào tương lai, một yếu tố quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn thể xã hội không có may mắn như lòng tin vào bản thân như vậy. Niềm tin vào tương lai, lại được xây dựng dựa trên những đánh giá vào thực tại, điều mà không cần phải là người có trình độ người ta mới hiểu được. Những khoản nợ khổng lồ, số lượng lớn doanh nghiệp phá sản, việc kiếm tiền vô cùng khó khăn, chênh lệch giàu nghèo…là những điều hàng ngày người dân tiếp xúc. Sự dồn nén, những áp bức, bất công đối với các giai tầng xã hội, đối với các tôn giáo, lực lượng dân oan ngày càng đông đảo, xuất hiện khi những khu đất bị cướp hợp pháp thành khu công nghiệp, thành chung cư không hề có dấu hiệu thuyên giảm và được giải quyết…chính những thực tế này đang như những đám mây đen che lấp niềm tin của người dân vào tương lai đất nước, dân tộc.
Điều may mắn là, con người vẫn còn những niềm tin khác, để giải quyết sự bế tắc niềm tin vào tương lai. Đó là niềm tin vào những quy luật trong lịch sử, trong cuộc sống. Đó là những quy luật như luật Nhân Quả, quy luật về sự diệt vong của các chế độ cộng sản, và biến tướng của nó, cũng như các chế độ độc tài trong lịch sử. Quy luật về sự vật “cùng tắc biến – biến tắc thông” mà người dân đã ít nhiều được chúng kiến trong lịch sử.
Không cần phải là nhà tiên tri, khi nhìn vào các dấu hiệu của nền kinh tế, của xã hội, nhiều người đã dự phóng được tương lai của chế độ cộng sản tại Việt Nam. Tuy rằng, sự dai dẳng trong tồn tại của chế độ, chủ yếu do độc tài thống nhất quản lý và luân chuyển các nguồn lực, cũng sẽ phải đến lúc kết thúc. Hy vọng khi đó, niềm tin của người Việt Nam sẽ được đặt đúng vào một hệ thống giá trị chân chính và bền vững, theo nhịp bước của nhân loại tiến bộ./.
Hà Nội, ngày 24/6/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment