Thursday, June 25, 2015

Dự án sân bay Long Thành gây tranh cãi được Quốc hội thông qua

Dự án thi công phi trường mới trị giá 16 tỉ đô la gần TPHCM được Quốc hội Việt Nam chuẩn thuận hôm nay với 86% số phiếu tán thành.
Dự án thi công phi trường mới trị giá 16 tỉ đô la gần TPHCM được Quốc hội Việt Nam chuẩn thuận hôm nay với 86% số phiếu tán thành.
Trà Mi-VOA
25.06.2015
Quốc hội Việt Nam ngày 25/6 thông qua dự án xây sân bay quốc tế Long Thành gây tranh cãi lâu nay giữa những quan ngại về nền kinh tế quốc gia đang bị hoành hành bởi nạn tham nhũng và bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích, khiến nợ công ngày càng chồng chất.

Dự án thi công phi trường mới trị giá 16 tỉ đô la gần TPHCM được Quốc hội chuẩn thuận hôm nay với 86% số phiếu tán thành.

Sân bay tọa lạc cách trung tâm thành phố 40 cây số tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) dự kiến sẽ khánh thành trước năm 2020.

Việt Nam kỳ vọng với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, khi hoàn tất, đây sẽ là sân bay lớn nhất nước và là một trong những trung tâm hàng không bận bịu nhất của thế giới trong khi phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải.

"Tôi rất ủng hộ dự án sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố, giữa dân dụng và quân sự, diện tích cũng chật hẹp nên phát triển và mở rộng Tân Sơn Nhất rất khó khăn...Xây sân bay Long Thành có yếu tố thuận lợi về các mặt không những giải quyết khó khăn trước mắt mà còn lâu dài cho các tỉnh khu vực phía Nam."-Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật tại địa phương Lê Văn Cuông.

Công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất hiện là 20 triệu khách/năm. Chính phủ nói năm ngoái số hành khách sử dụng phi trường này lên tới 22 triệu.

Chi phí đầu tư ‘khổng lồ’ cho dự án sân bay Long Thành được huy động từ Quỹ đầu tư phát triển của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài.

Những người ủng hộ cho rằng phi trường này là cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong số đó có ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã hồi hưu hiện tham gia các công tác giám sát, phản biện xã hội trong tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật tại địa phương. Ông Lê Văn Cuông:

"Tôi rất ủng hộ dự án sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố, giữa dân dụng và quân sự, diện tích cũng chật hẹp nên phát triển và mở rộng Tân Sơn Nhất rất khó khăn. Thời gian tới, Việt Nam phát triển cao hơn, nhu cầu khách quốc tế và nội địa tăng lên, nếu không đoán trước xu thế phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn cho các hãng hàng không. Xây sân bay Long Thành có yếu tố thuận lợi về các mặt không những giải quyết khó khăn trước mắt mà còn lâu dài cho các tỉnh khu vực phía Nam đang có nhiều xu thế phát triển, cho nên phù hợp với xu thế chung."

Ngoài những thuận lợi kỳ vọng từ sân bay Long Thành, dư luận đang lo lắng trước những bất lợi trông thấy bao gồm: khoản đầu tư ‘vung tay quá trán’ làm tăng nợ công của Việt Nam vốn đang ở mức cao và để lại các món nợ lớn cho nhiều thế hệ; việc đảm bảo minh bạch thu-chi với tình trạng tham nhũng đang ở mức ‘báo động’ nhất là trong các công trình phúc lợi quy mô lớn; hiệu ứng sử dụng thực tế trước nạn thất thoát-lãng phí phát sinh từ các nhóm lợi ích tranh dành quyền lợi; và lòng tin dân chúng đối với sự quản lý nhà nước đang giảm sút trầm trọng trong nhiều lĩnh vực.

Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành’ được Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế Quốc hội gửi cho Quốc hội vào cuối tháng rồi để điều nghiên trước kỳ họp có nêu ra một số quan ngại rằng sân bay Long Thành khó cạnh tranh được với các sân bay lớn đã có trong khu vực Đông Nam Á như ở Hongkong, Singapore, Malaysia, hay Thái Lan và rằng con số 100 triệu khách mỗi năm như mong muốn là ‘không thực tế'.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác chưa được làm rõ như vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn, mức độ tác động đến tăng trưởng GDP của quốc gia khiến nhiều người xem việc thông qua dự án này là một quyết định đầy rủi ro.

Tuy nhiên, cựu đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng:

"Vấn đề là tính quyết đoán trong kinh tế để đón đầu và có kế hoạch dài hạn là điều mà các nước phải tính đến. Việt Nam dù đang khó khăn về nhiều mặt nhưng cũng phải có những quyết đoán để có những đầu tư thỏa đáng. Nhìn thấy những thuận lợi và khó khăn, với một dự án lớn được dư luận quan tâm như sân bay Long Thành, tôi tin rằng Quốc hội sẽ tập trung giám sát, xem xét qua từng năm, ngăn ngừa các vi phạm và tiêu cực trong quá trình thực thi dự án."

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 7/5 tuyên bố trung ương đã ‘khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành, coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia.’

"Nhìn thấy những thuận lợi và khó khăn, với một dự án lớn được dư luận quan tâm như sân bay Long Thành, tôi tin rằng Quốc hội sẽ tập trung giám sát, xem xét qua từng năm, ngăn ngừa các vi phạm và tiêu cực trong quá trình thực thi dự án"-Cựu Đại biểu Lê Văn Cuông nói.

Thế nhưng, làm thế nào để dự án này đạt kết quả tốt đẹp như những lời khẳng định đó, tránh những hậu quả khi đưa vào sử dụng thường thấy đối với các dự án công khổng lồ hiện nay vẫn còn là một bài toán nan giải.

Nhà lập pháp được biết đến là một người thường lên tiếng thẳng thắn trong các kỳ họp Quốc hội, Lê Văn Cuông, đề xuất:

"Các biện pháp quản lý quá trình xây dựng đòi hỏi Quốc hội phải có các cơ quan chuyên môn sâu, qua từng giai đoạn phải thẩm định-giám sát chặt chẽ mới ngăn chặn được thất thoát, tiêu cực, hay tham nhũng, từ đó mới tạo được niềm tin. Nhưng quan trọng là làm sao sau khi khánh thành đưa vào sử dụng thì sân bay phải phát huy được hiệu quả thực sự."

Chủ trương đầu tư xây dựng phi trường quốc tế Long Thành được Quốc hội biểu quyết trong kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5 và thông qua hôm nay 25/6.

Dự án sân bay Long Thành gây tranh cãi được Quốc hội thông qua


No comments:

Post a Comment