CẦN THƠ (NV) - Những ngày qua, hàng trăm người dân ở khu vực bãi rác thuộc ấp Thới Trinh, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã liên tục biểu tình, chặn xe chở rác không cho vào bãi rác khu vực để đổ.
Nguyên nhân khiến cho người dân biểu tình và chặn xe rác là do người dân giận dữ về việc mới đây nhà cầm quyền thành phố Cần Thơ ra thông báo tạm ngưng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 244 hộ dân nằm trong diện tích 27 ha mà chính quyền đã giải tỏa để làm bãi rác, giai đoạn 2 thuộc dự án khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố Cần Thơ tại quận Ô Môn.
Lực lượng công an, an ninh trấn áp người dân nhằm đưa xe rác tiếp tục vào đổ. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Chính quyền lừa dân
Khi chúng tôi có mặt tại đây hôm 11 tháng 5, cổng khu vực bãi rác đã bị đóng kín mít, hàng trăm công an, an ninh được chính quyền huy động để “giữ trật tự.” Tuy nhiên phía bên trong bãi rác, ống khói khu vực bãi rác vẫn nhả khói, chứng tỏ bên trong vẫn hoạt động như bình thường.
Anh Lê Trọng Minh, có nhà nằm bên cạnh khu vực bãi rác cho biết: “Câu chuyện bắt đầu tháng 1 năm 2014. Lúc đó chính quyền thành phố Cần Thơ đã ‘vẽ’ ra dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải và đưa bản vẽ xuống cho người dân chúng tôi xem. Họ hứa hẹn là khu vực này sau này sẽ trở thành một khu công nghiệp trọng điểm của thành phố.”
“Tưởng thiệt, người dân chúng tôi tin tưởng, giao đất để họ làm nhà máy. Sau khi được nhận trợ cấp lần 1 với giá đất chỉ 20 ngàn đồng/mét (khoảng $1) nhưng sự thật không phải vậy? Sau khi đã được giao đất, họ lập tức xây dựng hàng rào cao 8m, người dân ở ngoài không thể nhìn vào trong được. Và họ bắt đầu đổ rác vào đó mà không thèm xử lý gì hết.”
Ông Ðỗ Văn Thừa, ngụ tại khu vực Thới Trinh cho biết, các xe rác chủ yếu đổ vào ban đêm, ban ngày ít đổ hơn.
“Bãi rác đổ dồn rồi chôn rất thủ công, lại không che chắn khiến mùi thối bay nồng nặc. Cứ dọn cơm ra, mùi từ bãi rác xộc thẳng vào nhà là không thể nào ăn uống được, nhất là trẻ con,” ông Thừa bày tỏ sự giận dữ.
Còn ông Lê Dương, trú ở khu vực Thới Phong A, cho biết, ban đầu chính quyền địa phương nói với dân lấy đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy chế biến rác. Tuy nhiên, sau khi bồi hoàn đất xong, nhà máy xử lý rác không thấy đâu, chỉ thấy bãi rác xuất hiện và được chôn lấp thủ công, gây ô nhiễm nặng nề như hiện nay.
Nhà gần bãi rác nhất, nên ông Nguyễn Văn Lực tỏ ra bức xúc khi “bỗng dưng sáng thức dậy thấy cạnh nhà mình có bãi rác rồi nó lớn dần từng ngày.” Ông Lực nhớ lại: “Bãi rác này chính thức xuất hiện từ tháng 5, 2014. Bãi rác đã làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi. Không chỉ mùi hôi nồng nặc rất khó chịu của rác thải mà bầy ruồi nhặng xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc, hành chúng tôi từ sáng đến tối. Chưa phải chỉ vậy thôi đâu, xe chở rác chạy dọc con lộ làm rơi vãi nước đầy đường khiến người dân ở đây không thể nào chịu nổi. Không ít bà con ở đây đã bị bệnh về đường hô hấp.”
Ông Vũ Phương (bí thư quận Ô Môn, mặc áo vàng nâu), đang hứa hẹn với người dân, nhưng lập tức bị người dân phản đối. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Cứ đổ rác, mặc kệ cho sức khỏe của người dân
Ghi nhận tại hiện trường vào sáng ngày 11 tháng 5, mùi hôi thôi từ bãi rác xộc thẳng vào mũi, ruồi nhặng bay đầy toàn khu vực. Do người dân ở khu vực này đều sử dụng nước sông, từ hệ thống kênh rạch để sinh hoạt hàng ngày, do vậy việc bãi rác xả thải, rỉ nước dơ bẩn ra môi trường khiến người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt vì nguồn nước bị ô nhiễm...
Sau nhiều lần người dân phản đối, chính quyền đã dùng biện pháp tạm thời là “đốt rác,” chứ không xây dựng nhà máy như trong “bản vẽ” dự án ban đầu.
Sáng ngày 11 tháng 5, hàng trăm người dân đã tập trung ở quán café nằm bên cạnh khu vực bãi rác để lắng nghe ý kiến của ông Nguyễn Vũ Phương, bí thư quận Ô Môn cho biết: “Người dân không nên quá khích chặn xe rác, vì chính quyền thành phố Cần Thơ đã hứa là tháng 7 này sẽ chi trả bồi thường đầy đủ cho bà con về khu tái định cư mới.”
Nhưng lập tức ý kiến này bị người dân phản đối. Ông Sáu Nhớ, là chủ quán café nằm bên cạnh bãi rác, nơi dùng để họp, phát biểu: “Người dân chúng tôi chỉ cho xe rác tiếp tục đổ, khi nào chính quyền đã bồi thường đầy đủ và cho chúng tôi khu tại định cư mới. Nếu chính quyền nói tháng 7 này bồi thường, thì hãy để tháng 7 rồi mới cho xe rác vào.”
Ðây là lần thứ 4 liên tiếp, kể từ tháng 5 năm ngoái, người dân ở khu vực này kéo ra đường tiếp chặn xe rác vì không chịu nổi được mùi hôi thối. “Chính quyền đã hứa quá nhiều lần, nhưng không lần nào làm đúng lời hứa. Chúng tôi không còn niềm tin ở chính quyền này nữa,” ông Trần Thanh Tân nói.
Ðông đảo người dân vây quanh trước cổng bãi rác để phản đối. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Bà Võ Thị Thu (50 tuổi), ở khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới cho biết, gia đình bà có 8 người đều mắc chứng viêm mũi, đường hô hấp; nặng nhất là đứa cháu ngoại và bà Thu. Cả nhà đã không chịu nổi mùi hôi, thối bốc ra từ bãi rác...
Ông Ðặng Thành Ðịnh, (46 tuổi), cho biết, gia đình ban đêm nằm ngủ đắp 3 cái mền vẫn nghe mùi thối. Con cái học bài vừa phải bịt lỗ mũi, chịu hết nổi.
Không riêng gì nhà bà Thu, ông Ðịnh mà nhiều người dân khác phẫn nộ vì cả năm qua, bãi rác này mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tấn rác, nhưng không được xử lý.
Trước khi chia tách thành phố Cần Thơ và Hậu Giang vẫn dùng chung một bãi rác ở Tân Long (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) vào năm 2003. Nhưng đến này đã hơn 12 năm thành phố Cần Thơ vẫn đang loay hoay chưa thể xây dựng một nhà máy xử lý rác thải “chuyên nghiệp.”
Ngày 31 tháng 12, 2013, bãi rác Tân Long chính thức đóng cửa vì không còn chỗ đổ nên nhà cầm quyền tỉnh Hậu Giang “cương quyết” không cho rác từ thành phố Cần Thơ đổ xuống.
Bãi rác ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, là nơi phải gánh vác “bất đắc dĩ” hàng trăm tấn rác đổ dồn về nơi đây mỗi ngày, lo cho sự sạch sẽ của thành phố trực thuộc trung ương, nhưng chưa hề có nhà máy xử lý rác.
05-12-2015 7:40:05 PM
Việt Hùng/Người Việt
No comments:
Post a Comment