HÀ NỘI (NV) - Lương của người Việt Nam tăng rất ít và vẫn ở mức rất thấp. Ðó là nhận định của bà Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội.
Nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, thu nhập trung bình/tháng từ công việc chính của người Việt chỉ tăng 0.5%/năm, tương đương 4.3 triệu (khoảng $200 Mỹ kim)/người/tháng.
Dẫu cho làm việc cật lực, công nhân Việt Nam vẫn không thể đủ sống. (Hình: TBKTSG)
Thu nhập trung bình/tháng từ công việc chính của những người ở nông thôn vẫn thấp nhất, chỉ khoảng 2.8 triệu/tháng.
Nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội, xác định, năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu tính theo sức mua tương đương với Mỹ kim ở thời điểm 2005 thì năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam chỉ là 5,440 Mỹ kim. So với các quốc gia ASEAN thì chỉ hơn Miến Ðiện (2,828 Mỹ kim), Campuchia (3,900 Mỹ kim), Lào (5,396 Mỹ kim). Thua xa Singapore (98,072 Mỹ kim), Mã Lai (35,751 Mỹ kim), Thái Lan (14,754 Mỹ kim), Philippines (10,026 Mỹ kim), Indonesia (9,848 Mỹ kim).
Nghiên cứu của Viện Khoa Học Lao Ðộng và Xã Hội chẳng khác gì so với kết quả một cuộc khảo sát về tiền lương do Tổ chức Lao Ðộng Thế Giới (ILO) thực hiện và công bố năm ngoái.
Theo ILO, tuy hai năm qua, tiền lương tại Việt Nam đã tăng nhiều so với trước nhưng vẫn còn quá thấp khi so với khu vực Ðông Nam Á, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2012, mức lương trung bình của Việt Nam khoảng 3.8 triệu đồng/tháng, tương đương 181 Mỹ kim/tháng, chỉ cao hơn Indonesia (174 Mỹ kim/tháng), Campuchia (121 Mỹ kim/tháng), Lào (119 Mỹ kim/tháng) và chỉ khoảng một nửa nếu so với Thái Lan (357 Mỹ kim/tháng), chưa bằng một phần ba của Malaysia (609 Mỹ kim/tháng), thậm chí chỉ 1/20 của Singapore (3,547 Mỹ kim/tháng).
Ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc chi nhánh Việt Nam của ILO, nhận định, sự chênh lệch về tiền lương giữa các quốc gia ở Ðông Nam Á, phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động.
Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư thích đáng vào hạ tầng, khuyến khích cải cách cơ cấu và cải thiện kỹ năng của nguồn nhân lực là những quốc gia tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn để chuyển dịch sang những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn nên có mức lương cao hơn so với những quốc gia còn lại.
Hồi trung tuần tháng 11 năm 2014, khi điều trần trước Quốc Hội Việt Nam, bà Phạm Thị Hải Chuyền, bộ trưởng Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội từng thú nhận, mức lương tối thiểu chỉ mới đạt khoảng 60% yêu cầu của mức sống tối thiểu.
Bà Chuyền nói thêm, lẽ ra đến năm 2016, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu nhưng do điều kiện kinh tế nên phải... đi từng bước.
Ông Phạm Minh Huân, một thứ trưởng của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội kiêm chủ tịch Hội Ðồng Tiền Lương Quốc Gia, tiết lộ, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội mong muốn đến năm 2017 mức lương tối thiểu có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu nhưng để được như vậy thì từ nay tới 2017, mỗi năm mức lương tối thiểu phải tăng từ 18% đến 19% nhưng điều đó... quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn đề nghị kéo dài lộ trình tăng mức lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu cho đến năm... 2020.
Ðó cũng là lý do ông Huân cho rằng, phải du di để đến năm 2018, mức lương tối thiểu đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu.
Dẫu mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu nhưng nhiều doanh nghiệp than rằng, tốc độ tăng lương tối thiểu khoảng 15%/năm đang là một gánh nặng lớn cho họ.
Bà Nicola Connolly, chủ tịch Eurocham (Phòng Thương Mại Châu Âu), nhận định, về nguyên tắc, tốc độ tăng lương phải chậm hơn mức tăng năng suất lao động nhưng ở Việt Nam thì làm ngược lại, nên doanh nghiệp cảm thấy họ đang phải gánh vác trách nhiệm của nhà nước và điều đó làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sở dĩ năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vì năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lao động, kết hợp với các yếu tố khác như máy móc, công nghệ mà một công nhân của quốc gia đó sử dụng, trong khi Việt Nam có một số lượng lớn nhân công làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong khu vực kinh tế phi chính thức, nhân công không được tiếp cận với công nghệ mới hoặc hiện đại.
Một số chuyên gia từng khuyến cáo, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu càng ngày càng khốc liệt, năng suất lao động là vấn đề sống còn của một nền kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, chọn việc tăng năng suất lao động là ưu tiên hàng đầu, từ đó hoạch định-thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn kiên trì với “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” dồn toàn bộ nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. (G.Ð)
05-12- 2015 5:50:03 PM
No comments:
Post a Comment