Saturday, April 25, 2015

Chuyển biến cây xanh Hà Nội

cay-xanh-622.jpg
Quán nước lưu động dưới bóng cây Hà Nội.RFA

Với người Hà Nội, từng con phố, từng bờ hồ, từng lối nhỏ, nơi nào cũng gắn bóng với hàng cây và dấu ấn thời gian của thành phố ngàn năm tuổi này. Mùa hè đến, cũng là lúc người dân rủ nhau ra bờ hồ hóng gió, những bà hàng me hàng sấu tìm đến những bóng cây ven đường để ngồi nghỉ xả hơi, bày biện chỗ bán giải khát cho khách qua đường. Thói quen này đã thành một nếp văn hóa riêng rất Hà Nội. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, mọi thói quen và nếp văn  hóa bị thay đổi một cách hết sức chóng mặt.

Mức phí khủng và hậu quả

Một bạn trẻ Hà Nội tên Thành, bức xúc: “Về mặt chủ quan của mình, mình là một người yêu cây xanh, yêu tiến bộ, thì mình rất khó chịu, giận, bực bội việc chặt cây, thái độ trong việc chặt cây, sự o ép, giờ là o ép những người tiến bộ…”

"Về mặt chủ quan của mình, mình là một người yêu cây xanh, yêu tiến bộ, thì mình rất khó chịu, giận, bực bội việc chặt cây, thái độ trong việc chặt cây, sự o ép, giờ là o ép những người tiến bộ. "-Anh Thành

Theo Thành, Hà Nội, nếu thiếu những hàng cổ thụ, thiếu bóng cây me, cây sấu, cây xà cừ sẽ chẳng còn là Hà Nội nữa mà nó sẽ thành một thành một thành phố trẻ với những hàng cây mới mọc, chẳng biết khi mọc cao chúng sẽ ra sao. Bên cạnh những hàng cây mới này là những khối bê tông, cốt thép mọc lên cùng với lòng người cũng dần chai sạn, lì lợm và lạnh lùng.

Bạn trẻ này nói thêm rằng theo như bạn tìm hiểu, ở các nước văn minh, khi trồng một cây xanh, xây một căn nhà hay làm một con đường, người ta phải tính toán rất kĩ lưỡng, trong một số trường hợp phải hỏi ý kiến người dân, mong họ góp ý nhiệt tình để tìm ra giải pháp tốt nhất. Ngay cả việc làm một con đường, có thể người ta sẽ đập bỏ rất nhiều căn nhà, biệt thự để con đường đó được thẳng thớm. Nhưng khi gặp một cổ thụ, người ta phải suy nghĩ, tính toán rất kĩ và thường chọn giải pháp là cho con đường đi vòng để tránh cổ thụ.

Nếu đứng trên góc độ này để tham chiếu phương cách qui hoạch thành phố ở Hà Nội nói riêng và nhiều thành phố trên cả nước nói chung, có vẻ như mọi dự án, qui hoạch tại Việt Nam vẫn còn trong tình trạng coi trọng kĩ thuật mà khinh tự nhiên, hầu hết các dự án bê tông cốt thép đều ủi văng những hàng cây. Mà trong khi đó, để có một hàng cổ thụ, người ta tốn đến cả trăm năm, ngàn năm, trong khi đó, để xây một biệt thự hay một tòa cao ốc, không thể vượt quá ba năm thi công và hoàn thiện.

Trong khi đó, tại Hà Nội, người ta từng nắn con đường cong ngoằn ngoèo để tránh khu nhà của các sĩ quan quân đội và nói rằng đây là “đường cong mềm mại”. Với cây xanh thì khác, người ta không ngần ngại phá tan tành mọi thứ, miễn sao đạt được mục đích và để đạt được mục đích của nhà nước, nhân dân phải gồng lưng trả giá.

Cạo vỏ cây xà cừ để cây chết dần chết mòn và chặt bỏ... RFA PHOTO.

Hiện tại, những cây xanh bị sâu đục, kém phát triển trong thành phố vẫn chưa được khai thác, vẫn nằm trong dự án chờ, trong khi đó những cây phát triển xanh tốt, sống ổn định mấy chục năm nay thì người ta lại thả sức chặt phá bởi làm như vậy sẽ có lợi cho một bộ phận có quyền lực.

Theo Thành, nếu nhà cầm quyền tử tế, người ta sẽ lên dự án thay cây sau khi thông qua ý kiến của người dân và tổ chức đấu giá, bán cây cho tư nhân, làm như vậy được lợi hai mặt, vừa có tiền bổ sung ngân sách nhà nước lại vừa khỏi tốn kém khoản tiền đốn hạ gần bốn chục triệu đồng trên mỗi cây, khỏi phải ảnh hưởng đến ngân sách, đến tiền thuế của dân.

Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã không những khai thác cây vô tội vạ, mượn cớ xây đường tàu điện để phá cây mà còn tùng xẻo ngân sách nhà nước để tính vào chi phí triệt hạ cây xanh. Chỉ riêng chi phí đánh dấu cây, mỗi cây được bệt một nhát cọ sơn trắng mà người ta tính lên đến 700 ngàn đồng, tương đương với ba ngày rưỡi công lao động của người dân. Tổng chi phí chặt phá mỗi cây lên đến gần bốn chục triệu đồng, cộng với tiền mua cây và trồng trở lại có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mỗi gốc cây bị bứng đi và trồng lại tốn ước chừng một trăm triệu đồng, lấy số tiền này nhân với số gốc cây gồm 6700 gốc sẽ ra con số 670 tỉ đồng. Một con số quá khủng khiếp mà không mang lại kết quả tốt đẹp nào, gỗ vẫn bị lấy đi một cách bất minh. Hậu quả là bóng mát và vẻ đẹp Hà Nội bị biến mất, lòng người trơ trọi.

Dân tiếp tục phản đối, cây vẫn bị xâm hại

Một bạn trẻ khác tên Hưng, sống ở phố Yết Kiêu, Hà Nội, chia sẻ thêm: “Hiện nay có hiện tượng một số cây bị chặt vỏ cây, tập trung vào một số cây xà cừ. Trước đây bản chất là tham nhũng rồi nhưng giờ thêm chuyện đẽo cây nữa nên người dân cho là không thể nhịn được nữa. Họ xuống đường để nói lên tiếng nói của mình… Lãnh đạo Hà Nội rất cay, bị hai gọng kiềm, một bên dân chủ biểu tình, một bên do những phe phái đánh nhau. Hiện tại những người đứng đầu của những nhóm xuống đường đang bị để ý!”

"Hiện nay có hiện tượng một số cây bị chặt vỏ cây, tập trung vào một số cây xà cừ. Trước đây bản chất là tham nhũng rồi nhưng giờ thêm chuyện đẽo cây nữa nên người dân cho là không thể nhịn được nữa. Họ xuống đường để nói lên tiếng nói của mình. "-Anh Hưng

Theo Hưng, chuyện người dân Hà Nội phản đối chặt cây xanh bằng cách biểu tình ôn hòa, kêu gọi qua các trang mạng xã hội hay dán nơ xanh, dán áp phích lên những thân cây nhằm kêu gọi nhà cầm quyền ngưng chặt hạ cây xanh… có vẻ như không mang lại tác dụng nào đối với bộ máy cầm quyền Hà Nội vốn dĩ đã bị bệnh cố chấp và chuyên quyền đến cực đoan.

Trong số những bạn trẻ biểu tình phản đối chặt cây xanh, thi thoảng xuất hiện những bà hàng nước me nước sấu, họ phản đối nhà cầm quyền chặt mất bóng mát. Nơi mà giữa trung tâm thành phố, với họ, ngồi dưới bóng cây bán vài ly nước me, nước sấu hay bát chè xanh cho khách qua đường cũng đủ làm ấm lại không khí thôn quê miền Bắc trong lồng ngực xa nhà, trong trái tim hoài cổ của họ.

Thay vì lắng nghe nguyện vọng của dân, giải trình một cách đầy đủ về lý do cũng như mục đích chặt cây xanh, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội tuyên bố việc chặt cây thì không cần phải hỏi đến dân. Việc này cho thấy ông không hiểu gì về chức năng của nhà nước.

Hưng nói thêm, bộ máy nhà nước đã hưởng tiền lương từ thuế của nhân dân và trích tiền từ ngân sách nhà nước để trồng cây, cây phải thuộc về nhân dân, là tài sản quốc dân chứ không phải của nhà nước. Nhà nước chỉ đóng vai trò làm thuê cho nhân dân, chính vì vậy, bất kì tác động nào đến tài sản quốc dân đều phải có sự đồng thuận từ phía nhân dân.

Kiểu nói già mồm của Phan Đăng Long chỉ cho thấy ông ta là người có tầm mức văn hóa quá thấp, chưa đủ trình độ và khả năng để hiểu được công việc mình đang làm cũng như chưa thấy được chức năng của bộ máy mình đang phục vụ mà chỉ hàm hồ dựa trên sức mạnh đảng trị.

Chính vì câu nói của một quan chức tuyên giáo cũng như thái độ im lặng, đồng thuận của các quan lại cấp cao trong bộ máy cầm quyền Hà Nội mà kẻ rắp tâm chặt hạ cây đã không ngần ngại đi từ thủ đoạn này sang thủ đoạn khác nhằm triệt hạ cây xanh. Không chặt được hàng loạt, họ đã lén lút cạo vỏ  rất nhiều cây xà cừ để chúng chết dần chết mòn, sau đó nói rằng cây bị hỏng và lại chặt.

Hưng nói rằng về phía nhà cầm quyền thành phố thì mọi việc trắng đen, tốt xấu đã rõ. Nhưng Hà Nội đâu chỉ là một thành phố đơn thuần, mà là trung tâm thủ đô của một quốc gia, toàn bộ đầu não quyền lực quốc gia đang nằm ở đây. Tại sao đến lúc này cây vẫn cứ bị phá hoại mà các cơ quan đầu não vẫn chưa lên tiếng? Có vấn đề mờ ám gì chăng?!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Theo RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-trees-in-hanoi-04252015094710.html/TTVN042515.mp3

No comments:

Post a Comment