Saturday, April 25, 2015

Kêu cứu không ăn thua, nổi loạn mới giải quyết

PHAN THIẾT (NV) - Viên chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa công bố dự định di dân khỏi khu vực bị ô nhiễm vì hoạt động của Nhà máy điện Vĩnh Tân 2, tọa lạc tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Theo báo chí Việt Nam, kết quả khảo sát thực trạng ô nhiễm tại khu vực lân cận Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho thấy, khi thiết kế nhà máy điện này, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã không tính tới hướng gió nên bãi chứa xỉ than của nhà máy điện Vĩnh Tân 2 trở thành nguồn gây ô nhiễm không thể khắc phục.


Dân chúng địa phương được nhà máy điện Vĩnh Tân 2 mướn để phủ bạt chắn bụi tại bãi chứa xỉ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 bắt đầu hoạt động hồi đầu năm ngoái và kể từ đó, hoạt động của nó đã làm các khu vực lân cận bị ô nhiễm trầm trọng vì khói, bụi. Dân chúng nhiều lần kêu cứu nhưng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến trung ương chỉ đáp ứng theo kiểu chiếu lệ (kiểm tra - nhắc nhở - xử phạt) và tình trạng ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng.

Cũng vì vậy, hồi trung tuần tháng này, dân chúng huyện Tuy Phong đổ ra đường biểu tình đòi đóng cửa nhà máy điện Vĩnh Tân 2 khiến quốc lộ 1, đoạn chạy ngang huyện Tuy Phong bị nghẽn suốt hai ngày.

Dẫu một viên phó thủ tướng của Việt Nam đã ra lệnh giải quyết ngay tình trạng gây ô nhiễm của Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 nhưng dân chúng vẫn không chịu giải tán. Khi chế độ Hà Nội điều động cảnh sát giải tán biểu tình, dân chúng đã dùng gạch đá, bom xăng tấn công khiến lực lượng này phải tạm rút khỏi hiện trường. Ðến tối ngày 15 tháng 4, 2015, dân chúng mới tự giải tán sau khi chính quyền cam kết “giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm.”

Tuy cuộc biểu tình gây ra thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì giao thông xuyên Việt gián đoạn và khiến 17 cảnh sát cơ động bị thương, gần như toàn bộ số khiên cầm tay của lực lượng này bị vỡ do đá của dân chúng ném vào song mới đây, viên chủ tịch tỉnh Bình Thuận thừa nhận, phản ứng của dân là xác đáng vì ô nhiễm vượt quá mức chịu đựng của họ trong một thời gian dài.

Lúc này, trong khi chờ giải pháp cuối cùng, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mướn dân chúng địa phương đến phủ bạt che xỉ than với mức thù lao là 200,000 đồng/người/ngày. Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) thì công bố một thư ngỏ “chân thành cáo lỗi với chính quyền, nhân dân khu vực bị ảnh hưởng và nghiêm túc rút kinh nghiệm.”

EVN cũng đã điều động nhiều phương tiện như xe tưới nước, xe xúc, xe ủi,... thực hiện nhiều giải pháp khác như mở đường riêng vận chuyển xỉ than, lắp đặt thêm các thiết bị xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm.

Tại Việt Nam, ô nhiễm vốn là vấn nạn nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều thập niên. Sở dĩ ô nhiễm trở thành vấn nạn nghiêm trọng vì chính quyền các cấp tại Việt Nam không có những hành động thích đáng, bất kể ô nhiễm không chỉ gây xáo trộn sinh hoạt mà còn nguy hại cho tính mạng và hủy diệt sinh kế của dân chúng.

Trước đây, những nạn nhân của tình trạng ô nhiễm chỉ kêu cứu đến hệ thống chính quyền các cấp và những lời kêu cứu này không được đáp ứng. Gần đây, tình hình đã khác. Thay vì cam chịu, dân chúng Việt Nam bắt đầu phản kháng. Tính chất và mức độ của các cuộc phản kháng đòi một môi trường sống an lành càng lúc càng mãnh liệt nên chính quyền Việt Nam buộc phải nhượng bộ.

Sau vụ biểu tình đòi đóng cửa nhà máy điện Vĩnh Tân 2 của dân chúng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, trong hai ngày 14 và 15 tháng 4, hôm 20 tháng 4, 2015, quốc lộ 1 lại bị nghẽn thêm một lần nữa ở đoạn chạy ngang phường Cam Phúc Bắc, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Hôm đó, hàng ngàn người mang cá, tôm chết đổ ra mặt đường, phản đối việc thực hiện hai dự án: Dự án thứ nhất nạo vét để tạo luồng lạch cho tàu ra vào khu vực thuộc quyền quản lý của hải quân, dự án thứ hai nạo vét luồng lạch để cải tạo môi trường và hệ sinh thái của đầm Thủy Triều. Cả hai dự án vừa kể đã làm tôm, cá mà nông dân nuôi tại các ao, hồ trong vùng chết hàng loạt.

Trước đó, dân chúng đã nhiều lần đề nghị chính quyền xem lại việc thực hiện hai dự án vừa kể nhưng không được đáp ứng. Mãi đến khi xảy ra biểu tình chặn quốc lộ 1, nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu các nhà thầu thực hiện dự án phải tạm ngưng hoạt động ngay lập tức và hứa sẽ xem xét, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại do những dự án này gây ra. (G.Ð)

04-24-2015 7:23:53 PM

No comments:

Post a Comment