Theo RFI-Thụy My
Ngày 24-01-2015 12:35
Các đài truyền hình Nhật liên tục theo dõi vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt hai con tin người Nhật - REUTERS /Toru Hanai
Chính phủ Nhật Bản hôm nay 24/01/2015 tiếp tục vận dụng mọi cách để cứu hai con tin đang nằm trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (EI), gần 24 giờ sau khi thời hạn trong tối hậu thư đã chấm dứt. Thep các chuyên gia, Tokyo nên cố gắng thiết lập các mối liên lạc thông qua các quan hệ trong khu vực, nhất là với Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sau cuộc họp khẩn sáng nay cho biết : « Không có tin tức nào thực sự mới mẻ, chúng tôi chỉ điểm lại tình hình ». Một người có trách nhiệm nói với báo chí là « không có thông điệp nào » từ những kẻ bắt con tin.
Hôm qua, trước khi thời hạn 72 tiếng đồng hồ của phe thánh chiến hết hạn, Hội đồng An ninh Quốc gia đã nhóm họp. Chính quyền Nhật, cũng bị áp lực từ nguyên thủ các nước khác, đã tái khẳng định chủ trương « không lùi bước trước mối đe dọa khủng bố » và cam kết « chiến đấu cùng cộng đồng quốc tế », cho dù Nhật chỉ có thể hỗ trợ hậu cần chứ không phải khí tài vì Hiến pháp cấm đoán.
Tokyo cải chính các tin đồn về khả năng can thiệp quân sự trong trường hợp này, bằng một cách diễn giải khác của luật căn bản cho phép trong trường hợp tự vệ tập thể, Nhật có thể gởi quân ra nước ngoài để giúp đỡ một đồng minh bị tấn công hay giải cứu các công dân.
Trước mắt, giới thân cận Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh việc « thu thập các thông tin với sự giúp đỡ của các nước khác để có thể giải cứu hai con tin Nhật càng sớm càng tốt ». Trước đó trong một video, EI đe dọa giết hai người Nhật, Haruna Yukawa và Kenji Goto nếu không trả 200 triệu đô la tiền chuộc trong vòng 72 giờ.
Các chuyên gia về Hồi giáo và truyền thông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng một vai trò quan trọng, và có thể cả Pháp, nước đã giải thoát được bốn nhà báo bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt cóc năm ngoái.
Giáo sư Masanori Naito, đại học Doshinsha giải thích : « Thủ tướng Shinzo Abe đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần, đã hẳn vì lý do kinh tế chủ yếu về năng lượng nguyên tử, nhưng quốc gia giáp giới với Syria này còn là điểm trung chuyển, và có thể là một trung gian thiết yếu ».
Các kênh truyền hình Nhật cũng nêu ra việc cựu con tin, nhà báo Pháp Nicolas Hénin được giải cứu tháng 4/2014 đã nói với họ có thể nhóm bắt cóc hai con tin Nhật cũng là nhóm đã bắt giữ ông suốt 10 tháng. Và báo chí cho rằng kinh nghiệm của Pháp có thể hữu ích. Ngoại trưởng Kishida đã gọi cho đồng nhiệm Pháp Laurent Fabius để đề nghị hợp tác.
No comments:
Post a Comment