Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ anh Hồ Duy Hải và em gái
VRNs (22.01.2015) – Sài Gòn – Tòa án tỉnh Long An tiếp tục từ chối cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải và các Luật sư tham gia bào chữa và hỗ trợ pháp lý được thăm gặp trong giai đoạn chờ thi hành án.
Lý do Tòa án Long An đưa ra dựa trên “căn cứ theo Điều 20 Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì việc cho phép thân nhân của người bị kết án thăm gặp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.
Tuy nhiên, theo Điều 20 Luật thi hành án hình sự cho phép Tòa có quyền hạn ‘ra quyết định thi hành án’ tử hình, nhưng Tòa án Long An lại từ chối nghĩa vụ không cho gia đình Hồ Duy Hải được thăm gặp là ‘không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án’.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án được quy định tại Điều 20 Luật thi hành án hình sự như sau: “Ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình. Ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; miễn, giảm thời hạn chấp hành án; kéo dài thời hạn trục xuất; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo. Xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người chấp hành án tử hình…”
Chính vì thế, vào ngày 25.11.2014, Chánh án Tòa án tỉnh Long An đã gặp gia đình Hồ Duy Hải thông báo, ‘ra quyết định thi hành án’ tử hình đối với anh Hải vào ngày 05.12.2014 – đang thụ án tại trại giam tỉnh Long An. Sau đó, ông P. Chánh án Tòa án tỉnh Long An đã thẳng thừng hỏi bà Loan – mẹ anh Hải rằng, “bà có đồng ý tiêm thuốc độc cho con trai bà và mang xác con trai bà về nhà hay không?”, nghĩa là Tòa đang thực hiện nghĩa vụ ‘xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người chấp hành án tử hình’. Ngay lập tức, bà Loan đã kêu cứu đến các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước cũng như công luận, điều này đã tạo ra một làm sóng dư luận yêu cầu nhà cầm quyền ngưng thi hành án tử đối với Hồ Duy Hải bởi vì Tòa án chưa xem xét, điều tra làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án như, các dấu vân tay thu được ở hiện trường không trùng với dấu vân tay trên 10 ngón tay của anh Hải… mà chỉ dựa trên ‘các lời khai nhận tội của bị cáo Hải’ để buộc tội Hồ Duy Hải phạm tội giết người. Trước sự giám sát gắt gao của công luận trong vụ án này khiến Tòa án Long An ‘ra quyết định hoãn’ thi hành án tử Hồ Duy Hải với dòng chữ viết tay “Lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh Long An đồng ý theo yêu cầu của gia đình bị án Hồ Duy Hải hoãn thi hành án…”. Các dẫn chứng trên cho thấy, Tòa án tỉnh Long An đã thực thi đúng trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án theo Luật định, nhưng lại chối bỏ nghĩa vụ trước yêu cầu của gia đình và các luật sư tham gia bào chữa và hỗ trợ pháp lý được thăm gặp bị cáo Hồ Duy Hải.
Theo Luật, gia đình và các Luật sư tham gia bào chữa và hỗ trợ – pháp lý có quyền được thăm gặp Hồ Duy Hải theo Điều 57 Luật thi hành án hình sự: “Chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về tạm giam.”; Theo khoản 2 Điều 22 Qui chế tạm giữ- tạm giam (ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐCP của Chính phủ) thì “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam…”. Chưa kể khoản 1 Điều 259 BLTTHS qui định rõ: “Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm (tức là Tòa án Long An) ra Quyết định thi hành án, lập Hội đồng thi hành án…” tức đây là cơ quan đang “quản lý, thụ lý vụ án”, có quyền hạn cho gia đình, luật sư được thăm gặp bị cáo.
Vụ án hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi- Tỉnh Long An bị sát hại được phát hiện vào sáng ngày 14.01.2008. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT CA tỉnh Long An đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khởi tố vụ án. Cơ quan CSĐT đã triệu tập nhiều người, được báo Tuổi Trẻ gọi là “nghi can”. Sau hơn hai tháng, Hồ Duy Hải bị triệu tập do có dấu hiệu vi phạm “đánh bạc”, trong vụ án “cá độ bóng đá” và ngày 21.03.2008 bị bắt tạm giam, khởi tố về hành vi “giết người, cướp tài sản” vì cho là hung thủ sát hại hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi.
Hồ Duy Hải bị Tòa án tỉnh Long An kết án tử hình trong phiên Tòa sơ thẩm ngày 1.12.2008. Và y án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 29.04.2009.
Trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh “không đủ căn cứ kết tội” Hồ Duy Hải phạm tội giết người nhưng Tòa án Nhân dân các cấp vẫn tuyên Hồ Duy Hải phạm tội giết cô Vân và cô Hồng – là hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, Tỉnh Long An.
Tòa án là nơi thực thi công lý, đem lại sự công bằng cho người dân VN mà còn vi phạm, chà đạp lên pháp luật, thì đến bao giờ người dân mới thực sự an tâm, an nhiên sống trên quê hương VN?
Pv.VRNs
http://www.chuacuuthe.com/2015/01/toa-an-tu-choi-cho-gia-dinh-gap-tu-tu/
No comments:
Post a Comment