Người Trung Quốc gia nhập tổ chức khủng bố IS
Bộ Chính trị thuộc Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cảnh báo: Trung Quốc bị đe dọa an ninh “vô tiền khoáng hậu” và cần đề cao cảnh giác trước các thách thức chính trị - kinh tế.
Trong tuyên bố sau cuộc họp của 25 ủy viên Bộ Chính trị hôm 23.1, việc Trung Quốc bị đe dọa an ninh “vô tiền khoáng hậu” được nhắc đến, rằng một số thách thức an ninh và những nguy cơ đều không thể lường trước, nên toàn Trung Quốc (TQ) phải luôn ghi nhớ về những nguy hiểm tiềm tàng.
Tuyên bố nêu một hướng dẫn cho chiến lược an ninh quốc gia TQ được thông qua tại cuộc họp do Chủ tịch - Tổng bí thư CPC Tập Cận Bình chủ trì.
Khi giải thích chiến lược này, tuyên bố nêu TQ sẽ bảo vệ an ninh quốc gia “theo hướng đặc trưng TQ”, nhưng không nêu rõ các nguy cơ đe dọa TQ.
Tuyên bố viết:
TQ sẽ kiên quyết bảo vệ tổ quốc cùng các quyền lợi quan trọng, sự an toàn của nhân dân là nhiệm vụ chính, bảo vệ an ninh quốc gia thông qua cải tổ và phát triển kinh tế.
TQ cũng sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của toàn cầu, đồng thời tích cực bảo vệ quyền lợi của thế giới.
Tuyên bố nêu TQ sẽ duy trì quan hệ thuận lợi với các nước lớn khác, hành động vì sự an toàn của láng giềng và tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển.
TQ cũng sẽ giữ phần tích cực trong việc điều hành khu vực và thế giới, góp phần vào sự phát triển và hòa bình của thế giới.
Quan hệ giữa TQ với các láng giềng châu Á - nhất là Nhật Bản - đã giảm mạnh vào năm qua do hàng loạt vụ tranh chấp chủ quyền biển Hoa Đông và biển Đông.
Bắc Kinh còn xem chủ trương “xoay trục về châu Á” của Mỹ là âm mưu kềm hãm TQ. Nhưng Mỹ bác bỏ.
Bắc Kinh biện hộ các hành động của họ chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Cùng lúc, TQ nêu việc an ninh mạng là nỗi quan ngại ngày càng tăng. Bắc Kinh thường nhận là nạn nhân bị tin tặc tấn công. Năm ngoái, Mỹ xử án 5 thành viên của một đơn vị quân sự chìm chuyên xâm nhập các công ty Mỹ để nắm bí mật làm ăn của họ.
Những cảnh báo an ninh quốc gia bị đe dọa của TQ cũng do tình hình Tân Cương ngày càng tệ hơn, nơi TQ phải tăng cường an ninh bằng cách triển khai số quân đông nhất đến biên giới, nhằm chống các tay súng Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, xâm nhập và tấn công TQ,sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Vùng hẻm núi Kashmir do Pakistan kiểm soát (PoK) và Afghanistan đang chứng kiến những cuộc tấn công bạo lực của Phong trào Đông Tukestan Hồi giáo (ETIM), vốn cũng thực hiện nhiều cuộc tấn công khủng bố ở Bắc Kinh và các thành phố khác.
Báo nhà nước hôm 23.1 China Daily dẫn lời viện kiểm sát Tân Cương, rằng đã bắt 27.164 “nghi can hình sự”năm 2014, tăng 95% so với năm trước.
Bắc Kinh quy trách nhiệm bạo lực ở Tân Cương do “tôn giáo cực đoan, ly khai và khủng bố, đáp lại bằng một cuộc trấn áp mạnh trong vài tháng qua, công bố khoảng 50 vụ xử tử hình kể từ tháng 6.2014.
Nhưng TQ không trưng được chứng cứ nào liên kết các vụ tấn công với những tổ chức cực đoan và một số nhà phân tích ngờ rằng, sự hiện hữu của ETIM là một thế lực đáng kể nào đó ở Tân Cương.
TQ cũng đang trong một chiến dịch bài trừ tham nhũng do ông Tập khởi xướng, hàng ngàn cán bộ đảng viên cùng sĩ quan quân đội ở nhiều cấp đang bị điều tra. Nổi bật là cựu ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, cựu thư ký riêng của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu chỉ huy quân sự Từ Tài Hậu…
Còn có những đồn đoán rằng một số bộ phận cán bộ đảng viên bất mãn ông Tập, người đang nổi lên là một lãnh đạo mãnh mẽ nhất ở TQ trong thời gian qua. Vài tuần qua, CPC liên tục cảnh báo nạn bè phái trong đảng.
Bên cạnh đó là nỗi lo kinh tế giảm tốc, khiến khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7,4%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay, kinh tế TQ chỉ đạt tăng trưởng 6,8% và 6,3% vào năm 2016.
Các quan chức TQ vẫn nói với mức GDP 7,4%, TQ tiếp tục là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhưng các nhà quan sát nói đối với một quốc gia đã quen mức tăng trưởng 2 con số trong 20 năm qua, sự suy giảm kinh tế dẫn đến sự quan ngại về những tác động có thể có, nhất là đối với mảng làm ăn và việc làm.
Bích Ngọc (theo Tân Hoa Xã, Reuters)
No comments:
Post a Comment