Friday, January 23, 2015

Tham nhũng dự án ODA: Ai chịu thiệt cuối cùng?

(Baodatviet) - Việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong việc quản lý nguồn ODA nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang là vấn đề nóng nổi lên.

 Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nói như vậy với Đất Việt. Theo đó, ông Thụ cho rằng không riêng gì nguồn vốn ODA bị thất thoát, tham nhũng mà ngay cả nguồn lực công, việc quản lý sử dụng cũng cần được đặt ra.
Tiền đi vay không rơi vào công trình thực
PV: Thưa ông, liên quan tới việc sử dụng nguồn vốn ODA mới đây Ngân hàng thế giới cho biết, cơ quan này đã nhận tới 189 khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong các dự án ở Việt Nam. Số khiếu nại này chỉ đứng sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại. Ông bình luận như thế nào về con số này? Xét ở góc độ vĩ mô, điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới nguồn ODA trong tương lai?
Ông Bùi Đức Thụ: - Tôi cho rằng việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong việc quản lý nguồn lực công nói chung và nguồn ODA nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang là vấn đề nóng nổi lên. Thậm chí là ở mức báo động nên Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền cần khẩn trương ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, thất thoát lãng phí này.
Phải ngăn chặn không để tình trạng tái phát, một mặt để việc quản lý sử dụng nguồn tài chính công hiệu quả, mặt khác để bộ máy trong sạch, lấy lại uy tín đối với quốc tế và nhà tài trợ.
Tình trạng này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ODA, tức là mức cam kết vay và giải ngân không vào công trình thực mà nó bị rơi vãi trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dự án công trình, mục tiêu mà nguồn ODA thực hiện.
Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài. Làm cho hình ảnh Việt Nam bị mờ nhạt và người ta khó có thể tin tưởng được.
Còn ở trong nước việc tham nhũng làm vẩn đục môi trường kinh doanh, môi trường quản lý nhà nước. Làm phương hại không chỉ đến tài sản của nhà nước mà là của nhân dân.
PV: - Có một nghịch lý là, dù những sai phạm về ODA đã hơn một lần được chỉ thẳng, những sai phạm đều rõ ràng, có địa chỉ... nhưng phía Việt Nam luôn bị động trong việc phát hiện các sai phạm này. Điều này có thể được lý giải như thế nào thưa ông? Từ những vụ việc đã xảy ra, ông thấy cách Việt Nam phản ứng với những cáo buộc tham nhũng các dự án ODA thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: - Nước ngoài phát hiện được thì hết sức hoan nghênh. Người dân Việt Nam thì cũng rất muốn phát hiện nhưng cũng không đủ cơ sở, điều kiện. Chính vì thế là đối tác cung cấp nguồn ODA, tham gia vào việc giám sát quản lý và sử dụng nguồn vốn này đã phát hiện được thì rất tốt cho Việt Nam.
Còn việc phát hiện được rồi cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng điều đáng đặt lên ở đây là việc phát hiện tham nhũng thất thoát từ ODA nói riêng, quản lý sử dụng tài chính công nói chung dù có phát hiện được nhưng thực sự bỏ sót cũng còn lớn.
Điều này cần phải xem xét lại nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra kiểm tra để đảm bảo mọi sai phạm đều được phát hiện một cách kịp thời, xử lý một cách công minh thì mới lập lại được trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính, kinh tế của nhà nước.

Tham nhũng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ODA, tức là mức cam kết vay và giải ngân không vào công trình thực mà nó bị rơi vãi trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Tham nhũng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ODA, tức là mức cam kết vay và giải ngân không vào công trình thực mà nó bị rơi vãi trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Phải có biện pháp căn cơ
PV: - Nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng, Việt Nam có sự ngộ nhận về ODA, coi đó là một nguồn viện trợ không hoàn lại nên đầu tư chưa hiệu quả. Thưa ông, liệu có thể coi đây chính là một trong những nguyên nhân tạo ra những tham nhũng, tiêu cực trong các dự án ODA hay không và vì sao?
Ông Bùi Đức Thụ: - Trong ODA có một tỉ lệ nhỏ là viện trợ không hoàn lại. Trước kia là khoảng 14-15% nhưng gần đây tỉ lệ này giảm xuống. Có những khoản hỗ trợ từ thiện, nhân đạo nhưng giờ tỉ lệ này đã giảm. Số còn lại là vốn vay lãi suất thấp.
Hiện Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng đang phát triển chuyển sang ngưỡng thu nhập trung bình nên việc tìm kiếm nguồn ODA như trước là khó, lãi suất cũng cao hơn chứ không còn rẻ như trước kia.
Cho nên cần phải tỉnh táo và thấy rõ trong bối cảnh mới như vậy việc ưu đãi vay phải được sử dụng nghiêm túc, có hiệu quả thì hình ảnh Việt Nam mới giữ được trong con mắt của các tổ chức nước ngoài. Có như vậy thì mới mong duy trì được ODA. Hơn nữa nếu quản lý và sử dụng hiệu quả thì mới đảm bảo trả đầy đủ, đúng hạn và hết nợ khi đến hạn.
Còn vừa qua một số cấp ngộ nhận ODA là cho không cũng có nhưng chủ yếu là cấp tỉnh. Qua làm việc giám sát chúng tôi thấy rằng có tình trạng này.
Song phải thấy rằng ODA phần lớn tài trợ cho dự án công trình cụ thể, cũng có khoản nhà nước đi vay sau đó về cho vay lại hoặc đưa vào cân đối ngân sách để phân bổ cho các dự án công trình.
Lúc đó khoản tiền này được hiểu như là khoản tiền ngân sách nhà nước và người sử dụng không trực tiếp phải đảm bảo trách nhiệm thu hồi trả nợ, nhất là phần ODA vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước hoặc vay để đầu tư một số dự án công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của nhà nước.
Những khoản này ngân sách sau này phải bố trí trả nợ. Vì thế cho nên giữa người sử dụng và nghĩa vụ trả nợ không liên quan trực tiếp nên ý thức trong việc lo xử lý nợ công, trả nợ mà ngân sách nhà nước phải lo thì đúng là cũng có nhiều người chưa ý thức được đầy đủ.
PV: Nhìn lại về nguồn ODA, chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề như sau: sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn, tham nhũng ODA. Trong khi đó, Việt Nam đã bắt đầu phải đi vay để trả lãi vay và trả nợ nước ngoài, nợ công đã tiệm cận mức trần. Ai sẽ là người phải gánh chịu hệ quả trực tiếp từ những vấn nạn trên? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm vì để người dân phải gánh chịu hệ quả như vậy?
Ông Bùi Đức Thụ: - Phải thấy rằng dù là ODA đầu tư vào công trình hay đưa vào ngân sách cũng đều phải chi trả vào nghĩa vụ thanh toán từ nguồn thuế đóng góp của dân. Suy cho cùng là người dân phải gánh chịu nên việc quản lý sử dụng một cách hợp lý có hiệu quả là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước nhân dân.
Còn vấn đề nợ công tăng và vì sao tăng là câu trả lời cần được giải đáp. Khi ngân sách nhà nước thu không đủ bù chi thì buộc phải bội chi cao. Khi đó vay trong và ngoài nước tăng lên sẽ khiến nợ tăng lên. Khi đó người quyết định dự toán đó chính là Quốc hội cũng phải xem xét.
Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng trên diễn đàn Quốc hội đã bàn thảo rất kỹ nhưng phải thấy rằng nguồn thu của chúng ta chỉ có hạn, nền kinh tế đang phục hồi nhưng cũng còn rất yếu. Nếu tận thu thì kinh tế thui chột. Trong khi đó tốc độ tăng chi thường xuyên tăng quá cao (chiếm 67% tổng chi ngân sách nhà nước) dẫn đến phần chi trả nợ rất nhỏ.
Tuy nhiên nếu để nói quy trách nhiệm cũng rất khó. Hiện chúng ta đang khuyến khích cơ chế mở rộng dân chủ cơ chế tập thể nên không rõ trách nhiệm.
Như việc quyết định phân bổ ngân sách nhưng đưa vào những dự án chưa thật hiệu quả, cấp bách ở Trung ương là Quốc hội, địa phương là HĐND các cấp. Vậy phải xử lý trách nhiệm tập thể như thế nào?
Cho nên thời gian tới tôi cho rằng vừa đảm bảo nguyên tắc tập thể nhưng cũng phải đảm bảo trách nhiệm quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu. Vừa qua việc phân bổ nguồn lực là cơ quan dân cử nhưng việc tổ chức thực hiện không hiệu quả dẫn tới thất thoát lãng phí lại là trách nhiệm của người tổ chức thực hiện.
Sau này chấn chỉnh ngay cả việc quy hoạch, kế hoạch chủ trương chính sách của chúng ta có hợp lý hay không. Tiếp đến là việc tổ chức thực hiện từ trung ương cho đến đơn vị cơ sở cũng phải chấn chỉnh lại thì mới tạo được chuyển biến đồng bộ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công.
Hiện Thường vụ Quốc hội đang xây dựng kế hoạch giám sát ODA để giao cho Ủy ban Tài chính ngân sách hoặc Ủy ban kinh tế của Quốc hội đảm nhận.
Trước mắt tôi cho rằng các cơ quan kiểm toán, thanh tra từ trung ương đến địa phương trực tiếp quản lý phải giám sát vào vấn đề đừng để mất bò mới lo làm chuồng, thấy tham nhũng thất thoát rồi mới đi tìm người truy cứu trách nhiệm. Điều đó là cần nhưng quan trọng là ngăn chặn từ cơ chế phân bổ, quyết định chủ trương, quy hoạch đến sử dụng thì mới là căn cơ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
  • Bích Ngọc (Thực hiện

No comments:

Post a Comment