(Baodatviet) - Bộ trưởng Thăng yêu cầu lập CTCP dự án tại ba tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Nội Bài - Lào Cai.
Yêu cầu được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra tại cuộc họp về tình hình thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ngày 23/1.
Trước kiến nghị của lãnh đạo VEC về việc thành lập hai công ty cổ phần dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đề xuất của VEC, vốn điều lệ của CTCP dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình là 900 tỷ đồng, thời gian khai thác dự án 30 năm (tính từ 2016) với mức lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư là 18%/năm. Trong khi đó, số vốn điều lệ tại CTCP dự án TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là 4.670 tỷ đồng, thời gian khai thác dự án 24 năm tính từ năm 2016 với mức lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư là 18%/năm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đơn vị này phải bổ sung thành lập CTCP dự án Nội Bài - Lào Cai.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, khi chuyển nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc do VEC đang quản lý và khai thác, VEC phải đánh giá tổng thể từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai, cơ chế huy động vốn, cơ chế tài chính, suất đầu tư đến công tác quản lý vận hành, thu phí của ba dự án đã đưa vào khai thác để có những đề xuất, kiến nghị cho phù hợp.
"VEC cần thành lập các công ty cổ phần dự án hoặc các công ty TNHH của Nhà nước, sau đó tiến hành cổ phần hóa với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi nhuận của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân", bộ trưởng chỉ đạo.
Bán có dễ?
Được đánh giá là đơn vị chủ lực trong công tác đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam, thế nhưng trong thời gian qua nhiều dự án của VEC thi công hầu hết đều dính "chàm".
Điển hình như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ sau 2 ngày thông xe toàn tuyến, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km đã bị lún, nứt bề mặt kéo dài cả chục mét.
Điều đáng nói, giải thích cho hiện tượng này, VEC đều lý giải nguyên nhân do nền đất yếu, địa chất, thủy văn phức tạp. Đơn vị này còn khẳng định, trong suốt quá trình thiết kế, thi công hàng loạt các giải pháp đã được áp dụng nhằm bền vững hóa công trình. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra.
Tiếp đến là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Sau 5 tháng thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định), bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường bị xé loang lổ, nhiều hố sâu xuất hiện tạo những “ổ voi”, gây khó khăn cho hàng chục nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày.
Đại diện VEC lý giải "đây là đoạn nằm trong khu vực nền đất yếu, chờ lún".
Đến dự án cao tốc 20.000 tỷ cũng xảy ra sự cố tương tự. Được đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1/2014 nhưng sau đó vài tháng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5 cm.
Theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho biết, gói thầu số 3 tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn nối từ đi qua huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa đưa vào khai thác vào ngày 2/1/2014 đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3 – 5cm.
Không chỉ có vậy, kết quả kiểm tra hiện trường của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ rõ, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, cụ thể: Vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng; ta luy nền đường đào gói thầu số 6 chưa được gia cố, hiện đã xuất hiện hiện tượng xói lở.
Trước đó, Bộ GTVT từng đưa ra đề xuất bán đường cao tốc để thu hồi vốn. Tuy nhiên, cả 3 dự án được chỉ đạo bán đều nằm trong diện "nghi vấn" về chất lượng. Ngay cả khi không dính sự cố, các chuyên gia đã chỉ thẳng, "Rất khó tìm được các nhà đầu tư nước ngoài “mua” lại các công trình hạ tầng giao thông do vốn cao, thời gian thu hồi vốn quá dài, rủi ro lớn".
TS Phạm Sanh cho rằng, ngoài vấn đề định giá các tuyến đường, thì tìm được cách làm có lợi cho cả hai bên là vô cùng khó khăn.
Thái An
No comments:
Post a Comment