Tuesday, December 29, 2015

Việt Nam nhập siêu 32 tỷ USD từ Trung Quốc năm 2015


HÀ NỘI (NV) - Việt Nam ngày càng nhập cảng đủ loại hàng hóa, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho nhu cầu tiêu thụ đến sản xuất gia công nên thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc ngày càng nặng.

Việt Nam nhập cảng từ củ gừng củ tỏi đến vải vóc, nguyên phụ liệu sản xuất công nghệ từ Trung Quốc. Thống kê nói nhập siêu từ nước này ngày càng tăng. (Hình: Internet)

Theo các con số do Tổng Cục Thống Kê Hà Nội đưa ra và được tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dẫn lại hôm Thứ Hai, 28 Tháng Mười Hai, 2015, thâm thủng mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 2015 ước lượng 32.3 tỷ USD, tăng 12.5% so với năm ngoái.

Sau hơn hai tháng đối đầu căng thẳng trên biển khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam dò tìm dầu khí, có nhiều lời kêu gọi chế độ Hà Nội “thoát Trung.” Nhưng những con số thống kê mậu dịch giữa hai nước vẫn chỉ ra tình trạng mất cân đối ngày càng nghiêm trọng hơn về phía Việt Nam.

Điều này chứng minh cho thấy nền kinh tế của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc không sao thoát ra được.

Các con số được Tổng Cục Thống Kê Hà Nội công bố ngày 26 Tháng Mười Hai, 2015 cho thấy “kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2015 có một số biến động bất lợi,” theo TBKTVN mô tả. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 162.4 tỷ USD, tăng 8.1% so với năm 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 12.4% (chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 3.8%).

Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 81.6 tỷ USD. Từng có những nghi ngờ về sự trung thực của thống kê tại Việt Nam vì có sự khác biệt rất xa của cơ quan thống kê của Trung Quốc với cơ quan thống kê của Việt Nam khi đưa ra các bảng đối chiếu mậu dịch hai chiều.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam ước đạt 115.1 tỷ USD, tăng 13.8% trong khi khu vực sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 47.3 tỷ USD, giảm 3.5%. Nền kinh tế của Việt Nam trông cậy phần lớn vào sản xuất và xuất cảng như các con số vừa kể cho thấy.

Đóng góp chính vào mức tăng chung chủ yếu là nhóm hàng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng cao: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99.7%, điện tử máy tính và linh kiện chiếm 98.2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89.5%, giày dép chiếm 79.7%; hàng dệt may chiếm 60.4%, theo TBKTVN thuật lại.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 45.5% tổng kim ngạch, tăng 1.5 điểm phần trăm so với năm 2014; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 39.9%, tăng 0.6 điểm phẩn trăm; nhưng hàng nông, lâm chiếm 10.5%, giảm 1 điểm phần trăm; hàng thủy sản chiếm 4.1%, giảm 1.1 điểm phần trăm.

Ở chiều ngược lại, theo TBKTVN dẫn các con số, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2015 ước tính đạt 165.6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16.4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67.6 tỷ USD, tăng 6.3%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu giảm 5.8%), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm tăng 18.9%, cao hơn mức tăng 13.2% của năm 2014.

Kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 23.1%; vải đạt tăng 8.2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 7.5%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tăng so với năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24.2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 25.4%; ô tô tăng 59%, trong đó ô-tô nguyên chiếc tăng 87.7%.

Về thị trường nhập khẩu, Tổng Cục Thống Kê Hà Nội cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 49.3 tỷ USD, chiếm 28.8% tổng kim ngạch nhập khẩu và là thị trường lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, theo TBKTVN, Việt Nam cũng gia tăng nhập siêu từ các thị trường lớn khác như Hàn Quốc với 18.7 tỷ USD, tăng 28%; ASEAN 5.5 tỷ USD, tăng 45%. Một số thị trường trước đây Việt Nam vốn xuất siêu thì năm nay đã rơi vào trạng thái nhập siêu. Tiêu biểu nhất là Nhật Bản, sau nhiều năm Việt Nam xuất siêu, thì năm 2015 đã chuyển sang nhập siêu hơn 300 triệu USD.

Tuy nhiên, với hai thị trường lớn là Mỹ và EU, Việt Nam vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25.5 tỷ USD và 20.6 tỷ USD trong năm 2015, theo TBKTVN dẫn lại. Dù vậy, tính chung, cả năm Việt Nam vẫn thâm thủng mậu dịch với thế giới khoảng 3.2 tỷ USD.

Tổng Cục Thống Kê Hà Nội nhìn nhận, nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng trong nhiều năm nay có “ Nguyên nhân là do nền sản xuất của chúng ta vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ thị trường này, trong đó có khá nhiều ngành phải nhập đến 90% nguyên liệu từ Trung Quốc,” theo tờ TBKTVN. (TN)

12-28-2015 6:29:14 PM 

No comments:

Post a Comment