Gia Minh, biên tập viên RFA 2015-12-29
Bức Bức ảnh này chụp vào ngày 4 tháng 10 năm 2015 cho thấy công nhân đứng trên một đống lớn các chai nhựa của một nhà kinh doanh các mặt hàng tái chế tại huyện Thạch Thất ở vùng ngoại ô của Hà Nội.
Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay, mời các bạn theo dõi đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường ,về công tác này trong năm qua tại Việt Nam.
Gia Minh: Những thành quả trong việc bảo vệ môi trường trong năm qua là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Nói chung năm nay có sự kiện khác với 5 năm trước là Bộ Tài Nguyên-Môi trường có tổ chức Hội Nghị Môi trường toàn quốc đánh giá 5 năm một lần. Qua hội nghị đó thì thấy được là công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra và so với mong muốn của mọi người thì vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể đạt được.
Những thành tựu nhất định đó thuộc mọi lĩnh vực: từ khâu xác định ra chiến lược, kế hoạch hay những chương trình mục tiêu quốc gia cho đến nhận thức của cộng đồng, cho đến những hoạt động quản lý cụ thể của Nhà nước trong công tác môi trường ở trung ương cũng như địa phương. Nhờ vậy mà bước đầu cũng ngăn chặn được mức độ suy thoái tài nguyên, ngăn chặn được sự gia tăng của ô nhiễm do phát triển kinh tế cũng như do tác động trực tiếp của các ngành lên môi trường, lên tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên trong một số khu vực, một số lĩnh vực sản xuất vẫn còn nhiều bất cập; kể cả khâu xây dựng, ban hành những qui định pháp luật, nhất là việc tổ chức thực hiện các qui định đó trên thực tế. Vì thế cho nên chưa đạt được kỳ vọng của mọi người trong việc ngăn chặn gia tăng ô nhiễm cũng như suy thoái tài nguyên thiên nhiên và trong một số sự việc cụ thể khác nữa.
Bước đầu cũng ngăn chặn được mức độ suy thoái tài nguyên, ngăn chặn được sự gia tăng của ô nhiễm do phát triển kinh tế cũng như do tác động trực tiếp của các ngành lên môi trường, lên tài nguyên thiên nhiênTS. Nguyễn Ngọc Sinh
Gia Minh: Theo ông những tồn tại lớn cần phải tập trung triển khai giải quyết là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Nói vẫn có vẻ lý thuyết nhưng vẫn là việc tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch nhất là các qui định trong việc bảo vệ môi trường thuộc mọi lĩnh vực với sự chủ động, tự nguyện của người dân, của các doanh nghiệp. Điều này chưa cao, do đó đòi hỏi phải có sự hiểu biết, tôn trọng thực hiện các qui định pháp luật để làm sao đạt được tất cả những chiến lược, kế hoạch, qui định đã đặt ra.
Sự phối hợp giữa ngành này với ngành kia, giữa trung ương với các địa phương hay giữa địa phương này với địa phương khác nói chung đều có những bất cập, chưa được giải quyết trong từng vấn đề, dự án cụ thể.
Nói chung nhận thức của mọi người về vấn đề này cần phải được tiếp tục tăng cường hơn nữa.
Qua làm việc chúng tôi nhận thấy việc khai thác sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. Làm sao cho từng người dân, từng cộng đồng, từng tổ chức phát huy được hết sức mạnh trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường hay là việc làm sạch môi trường.
Gia Minh: Trên thực tế trong thời gian qua có những tổ chức xã hội dân sự như Hội Bảo vệ Thiên nhiên ... thì sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức đó ra sao và đánh giá của ông thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Tôi không dám đại diện cho tất cả những hội này để phát biểu nhưng trên góc độ của Hội Bảo vệ Thiên Nhiên thì tôi có thể nói rằng càng đi sâu khai thác sức mạnh cộng đồng thì càng thấy tiềm năng trong đó rất lớn; nhưng không may và không may là mình chưa khai thác được hết. Chẳng hạn chương trình bảo tồn cây di sản Việt Nam mà chúng tôi phát động đã 5 năm nay. Qua tổng kết vừa rồi thì thấy thành tựu rất lớn. Không những ở số 2000 cây được vinh danh cây di sản của Việt Nam và của cộng đồng trên khắp đất nước, mà sau đó tổ chức bảo tồn những cây được chứng nhận đó. Rồi những cây đó trở thành đặc điểm văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Đó còn được coi là sự tôn trọng thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Chúng tôi cũng phát hiện cộng đồng có những biện pháp tốt trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường; cả trong những vấn đề rất mới như ứng phó với biến đổi thiên nhiên, khí hậu... Vừa rồi chúng tôi cũng có điều kiện phát động tại mọi vùng miền: vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng ven biển, trên Trường Sơn và cùng cao.
Việc khai thác sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. Làm sao cho từng người dân, từng cộng đồng, từng tổ chức phát huy được hết sức mạnh trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trườngTS. Nguyễn Ngọc Sinh
Đây là vấn đề mà chúng tôi sẽ nổ lực trong thời gian tới. Nói chung các NGOs khác cũng khai thác sức mạnh của cộng đồng.
Gia Minh: Sự phối hợp của các NGOs với các tổ chức của chính phủ ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Theo tôi cũng chừng mực. Có những đơn vị khéo khai thác, biết khai thác thì đã phát huy được. Còn về phương diện khác như Luật Bảo vệ Môi trường vừa có hiệu lực trong năm 2014 vừa rồi có chương cho phép cũng như để khuyến khích các tổ chức đó và giao trách nhiệm các cơ quan nhà nước quan tâm thường xuyên hơn để phát huy vai trò của các tổ chức ( xã hội dân sự) này trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.
Vấn đề ở chỗ thực thi điều đó thế nào thì phụ thuộc nhiều vào việc điều hành, phương thức hoạt động của từng tổ chức đó.
Gia Minh: Nếu được phía chính phủ hỏi thì ông góp ý ra sao cho công tác này trong năm tới?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Chúng tôi muốn có sự hỗ trợ, phối hợp tốt hơn nữa của những tổ chức, cơ quan Nhà nước đối với những đơn vị như của chúng tôi, và cộng đồng nói chung. Việc đó dĩ nhiên có lợi cho tổ chức và có lợi môi trường.
Gia Minh: Ông có thể trình bày những khó khăn để được cơ quan Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Vào đầu năm có buổi làm việc giữa các tổ chức như chúng tôi với các cơ quan Nhà nước trung ương cũng như các địa phương, chúng tôi cũng nói lên và chắc họ cũng hiểu rõ những khó khăn và thế mạnh của những tổ chức như chúng tôi.
Vấn đề bây giờ là trong từng bối cảnh cụ thể, trong từng chương trình hay trong từng nhiệm vụ cụ thể hai bên phối hợp ra làm sao. Như vấn đề tư vấn, phản biện hay đề nghị giám sát- kiểm tra...
Đây là vấn đề bình thường và chúng tôi cũng rất quen với các công việc đó rồi.
Gia Minh: Cám ơn ông.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Chúc mọi người năm mới hạnh phúc, sức khỏe.
No comments:
Post a Comment