Tuesday, December 29, 2015

Phải dẹp hết ‘bẫy’ cho dân

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Mới đây tòa án nhân dân huyện Tuy Phong (Bình Thuận) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Vụ án kết thúc, người có tội bị tuyên án, nhưng nỗi canh cánh về “cái án lẽ ra không nên có” thì vẫn khiến không ít người tặc lưỡi, lắc đầu.
Tức nước vỡ bờ
Những ai theo dõi vụ án này đều nhớ, vào các ngày 14 và 15 tháng 12 người dân đã xuống đường chặn Quốc lộ 1 đoạn qua xã Vĩnh Tân, yêu cầu khắc phục ngay nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, bao gồm nạn khói bụi và bụi xỉ, do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra. Người dân đã khiếu nại tình trạng ô nhiễm này với nhiều cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã xử phạt hành vi gây ô nhiễm nhưng nhà máy vẫn không khắc phục.
Những người dân vùng đất miền Nam Trung bộ vốn không giàu có, quanh năm cơ cực với ruộng động và hàng loạt hình thức mưu sinh khắc khổ. Họ ra khỏi nhà từ sớm tinh mơ và chỉ trở về khi mặt trời đã lặn. Bữa cơm chiều đạm bạc với vài ba món ăn tẻ nhạt, nay lại phải chịu cái khổ của nạn khói bụi từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Trẻ con trong vùng hết ho lại bệnh, khói bụi khiến người lớn còn chịu không nổi chứ nói gì chúng.
Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhiều ngày chứ làm sao nhịn… thở; mà thở với lượng không khí bị ô nhiễm nặng thì khác nào tự đầu độc lá phổi của mình. Chính quyền tỉnh Bình Thuận, sau khi nhận được đơn khiếu nại của dân, đã liên tục kiểm tra, liên tục xử phạt hành vi gây ô nhiễm của nhà máy nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Người dân đã cùng nhau làm đơn kêu cứu đủ chỗ, buộc nhà máy nhiệt điện này phải tìm cách khắc phục, nhưng được vài ba bữa thì lại ngựa quen đường cũ, dân chẳng biết gửi đơn tới ai để giải quyết dứt điểm một lần.
Tâm lý ức chế do kiện tụng hoài không thấy được ai giải quyết đến nơi đến chốn khiến người dân kéo nhau xuống đường. Tiếp đó xảy ra đụng độ giữa lực lượng chức năng và một số người quá khích. 18 cán bộ công an tham gia giữ trật tự bị thương, 12 tấm chắn chuyên dụng của cảnh sát bị phá hỏng. Người dân còn đập phá tài sản tại khách sạn Vĩnh Hảo.
Dân chịu án tù, còn ai bồi thường cho dân?
Theo quan điểm của phía công tố, đây là vụ án gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ có tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia, có đồng phạm giản đơn, không có sự cấu kết chặt chẽ với nhau mà phạm tội một cách bộc phát. Đứng ở góc độ thượng tôn pháp luật, không một cá nhân nào, vì bất kỳ lý do gì lại có quyền tấn công, xâm hại đến thân thể, sức khỏe của người khác, không kể lực lượng chấp pháp mà là bất kể người dân thường nào. Thế nên không thể bênh vực theo kiểu “trắng án” với những gì mà các bị cáo đã gây ra. Thế là, một phút nông nỗi và bức bách, những người dân với bộ hồ sơ nhân thân lương thiện phút chốc phải hầu tòa và ngồi tù.
Tòa án huyện Tuy Phong, Bình Thuận, đã tuyên phạt 3 trong số 12 bị cáo 6 tháng 9 ngày tù, bằng thời gian họ bị tạm giam và họ được trả tự do ngay tại tòa; năm người khác thì được tòa cho hưởng án treo; và bốn người còn lại thì bị mức án cao nhất là chín tháng tù. Mức án này không phải nặng, nếu không muốn nói là tương đối nhẹ với hành vi của các bị cáo và mức độ nghiêm trọng của vụ án. Thế nên nhiều người dự phiên tòa ngày hôm đó, theo tường thuật của cánh truyền thông, đã cảm ơn cơ quan tố tụng vì đã thấu hiểu tình cảnh của các bị cáo: khó khăn và bức bách, bị đẩy vào đường cùng trong nhiều ngày tháng nên đâm ra hành động thiếu tỉnh táo, thiếu suy nghĩ để rơi vào cảnh hầu tòa và tù tội.
Bản thân các bị cáo cũng đã nhận lỗi, chấp nhận án phạt, không kêu ca hay phàn nàn điều gì. Nhưng vẫn còn hai câu hỏi lớn mà người dự phiên tòa, thậm chí những người chỉ theo dõi vụ án này từ xa, cũng thắc mắc: một là, những thiệt hại mà dân phải chịu suốt những ngày tháng qua, ai chịu? Có án phạt nào cho những ngày khổ sở vì khói bụi, tra tấn về tinh thần trong thời gian qua cho dân? Hai là, nhà máy nhiệt điện – nguyên nhân của vụ án – vẫn còn nằm đó, và chưa biết sẽ lại bộc phát tình trạng ô nhiễm bất kỳ khi nào, vậy đến bao giờ thì “cái bẫy” này mới được giải quyết trọn vẹn cho dân?
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Tòa án đã phân xử, mọi thứ đúng sai đã được làm rõ, nhưng trước khi trách những người dân vốn chỉ biết cần lao và bị khói bụi làm ức chế trong nhiều ngày tháng liền, liệu có vị lãnh đạo nào tự vấn lương tâm – sống bằng tiền của dân, phải vì dân mà phục vụ.
Vụ án đáng tiếc này lẽ ra đã không xảy ra; người dân nghèo khổ và lương thiện lẽ ra không phải chịu cảnh tội tù; hàng loạt thiệt hại đáng lẽ đã không xuất hiện… nếu như các ngành chức năng giải quyết quyết liệt và mạnh tay với vấn nạn môi trường. Những quốc gia trên con đường công nghiệp hóa như Việt Nam nên nhìn vào tấm gương Trung Quốc: đất nước bị chìm trong sương mù ô nhiễm vì phát triển kinh tế, tăng GDP bằng mọi giá, “bán rẻ” cả nguồn không khí trong sạch để rồi mua về những bình không khí sạch với giá cắt cổ từ nước ngoài.
Xin các vị lãnh đạo hãy nhìn sang Mỹ hay châu Âu, gần hơn là Singapore cũng được. Doanh nghiệp nào vi phạm môi trường, dân chưa cảm nhận thì nhà nước đã phạt đến mức “chẳng thấy đường về”. Để dân phải xuống đường thì doanh nghiệp chỉ có nước phá sản, chứ làm gì có chuyện phạt tới phạt lui, xử đi xử lại mà mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Càng không có chuyện để xảy ra tình trạng người dân bức xúc đến mức phải tấn công cả ngành chức năng.
Trách nhiệm của dân đã xử, chỉ còn trách nhiệm của doanh nghiệp gây thiệt hại trong nhiều ngày tháng qua; và trách nhiệm quản lý có phần “bất lực” của ngành chức năng là vẫn chưa được giải quyết một cách thuyết phục và ổn thỏa. Trong khi đó, “quả bóng đen” nhiệt điện vẫn cứ lơ lửng trên đầu, thách thức và trêu ngươi những người dân sống vì cảm xúc nhiều hơn là lý trý.
Khói mù và bụi xỉ như những cái bẫy, mà trách nhiệm dẹp sạch nằm ở ngành chức năng!
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment