Tuesday, December 29, 2015

Luật chống khủng bố của Trung Quốc bị chỉ trích

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại một khu trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh ngày 27/12/2015.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại một khu trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh ngày 27/12/2015.
VOA-29.12.2015
Hôm Chủ nhật vừa qua, quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật chống khủng bố đầu tiên của nước này để nới rộng khả năng của chính phủ nhằm buộc các công ty công nghệ nước ngoài hợp tác với các cuộc điều tra của chính phủ. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, nhiều người cho rằng luật này có thể xói mòn thêm nữa các quyền tự do của người dân Trung Quốc.
Giới hữu trách Trung Quốc nói rằng luật mới sẽ tăng cường khả năng chống khủng bố trong nước và nước ngoài, đồng thời bảo vệ cho các cá nhân và doanh nghiệp. Bắc Kinh nhất mực cho rằng những luật lệ, bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng, là cần thiết và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Những người chỉ trích luật này ngay từ lúc nó còn ở trong giai đoạn soạn thảo bao gồm các tổ chức nhân quyền và giới hữu trách Hoa Kỳ. Họ cho rằng luật này quá rộng, và có thể đe dọa tới quyền tự do diễn đạt và tự do tôn giáo và gây phương hại cho quyền sở hữu tài sản trí thức.
Các giới chức Trung Quốc nói họ đạt được một sự cân bằng giữa mục tiêu tăng cường khả năng chống khủng bố với mục tiêu bảo vệ nhân quyền cũng như bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo hôm Chủ nhật ở Bắc Kinh, ông Lý Thọ Vĩ, một viên chức của Ủy ban Pháp chế của quốc hội, nói rằng luật này không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty ở Trung Quốc.
"Chúng tôi không lợi dụng luật này để tạo ra “cửa hậu” để xâm phạm quyền tài sản trí thức của các công ty hay để gây phương hại cho tự do ngôn luận trên internet và tự do tín ngưỡng của người dân".
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng luật này buộc các công ty phải giúp giới hữu trách Trung Quốc giải mã dữ liệu cho các cuộc điều tra chống khủng bố.
Nhiều người thắc mắc là tại sao giới hữu trách Trung Quốc lại cần có những quyền hạn mới trong lúc họ đã có sẵn những quyền hạn rất rộng rãi để điều tra và bắt giữ nghi can. Các giới chức Trung Quốc nói họ đang phải ứng phó với sự gia tăng của những hoạt động khủng bố.
Truyền thông bị hạn chế thêm nữa
Nhưng định nghĩa của Trung Quốc về khủng bố bị nhiều người xem là có quá nhiều tính chất chính trị.
Thứ 7 vừa qua, bộ ngoại giao Trung Quốc đã quyết định trục xuất nữ ký giả người Pháp Ursula Gauthier vì một bài viết của bà trên Tuần báo L’Obs của Pháp về bạo động sắc tộc ở Tân Cương.
Trong bài viết ngày 18 tháng 11, bà Gauthier cho rằng một loạt những vụ tấn công do người Uighur thực hiện là kết quả của những chính sách mạnh tay của Trung Quốc đối với nhóm người thiểu số theo đạo Hồi này, chứ không phải chỉ đơn thuần là những hoạt động khủng bố như chính quyền thường nói. Chính phủ ở Bắc Kinh nói họ cho rằng quan điểm đó là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và họ quyết định không gia hạn thị thực nhà báo cho bà Gauthier. Nhà báo này sẽ phải rời khỏi Trung Quốc khi visa hết hạn vào ngày 31 tháng 12.
Bà Gauthier nói rằng quyết định của Trung Quốc là “kỳ quặc” và những luật lệ mới này chắc chắn sẽ xói mòn thêm nữa quyền tự do ngôn luận vốn bị hạn chế rất nhiều tại quốc gia Cộng sản này.
"Đây là một luật lệ có phạm vi áp dụng quá rộng rãi, và bộ phận trong bộ luật khiến cho các nhà báo chúng tôi lo ngại là bất kỳ những gì mà chúng tôi viết hay nói, mà bị cho là khích lệ khủng bố, là bất hợp pháp".

No comments:

Post a Comment