Theo VOA-08.12.2015
Một luồng ý kiến lạc quan cho rằng cứ với tư thế này, ngân sách Việt Nam sẽ còn cầm cự được 2, thậm chí là 3 năm nữa. Nhưng cũng có ý kiến bi quan hơn hẳn: 8 tháng tới một năm, kể từ cuối năm 2015.
Đoàn tàu thời gian đang vùn vụt về điểm tận cùng của một năm cùng mớ bòng bong kinh tế trước cơn động kinh cuối.
Năm nay, 2015, nền kinh tế được trùm phủ cái tên mới “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, lại vừa bục ra khối ung thư còn nguyên vẹn: ngân sách gần như cạn kiệt.
Hiện tại nối dõi từ quá khứ, còn tương lai lại khởi nguyên từ đáy hồ khô cạn niềm tin.
Đỉnh phù hoa
Nếu nhìn vào hệ thống chuỗi vận hành của nền kinh tế và các thị trường cơ bản ở Việt Nam, người ta sẽ nhận ra đỉnh của chúng nằm ở năm 2007, khi chỉ số GDP đạt đến gần 10% theo báo cáo và theo đủ các nghị quyết, nơi tính từ “quyết tâm” luôn phổ dụng mà chẳng cần biết thực tiễn tráo trở ra sao.
Nhưng dù thế nào, 2007 cũng chỉ là đỉnh của sự phù hoa. Hai thị trường được coi là “thăng hoa” dữ dội nhất lại mang tính đầu cơ vô cùng tận: chứng khoán tăng gần ba lần và bất động sản tăng hơn hai lần. Thế nhưng chân đứng của một vận hành tăng trưởng giả tạo đã rất thường giống với câu ví von của một chuyên gia phương Tây bắt chết nền kinh tế Trung Quốc vào đúng thời gian đó “Đầu tư, đầu tư ồ ạt cho tới lúc sụp đổ”.
Quả là thế. Sau 2007, tất cả đã trở về hư không như nó vốn dĩ phải thế. Biểu đồ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã mau chóng chìm nghỉm.
Đến 2008, Việt Nam ngập trong cơn suy thoái, hoặc có thể gọi là khủng hoảng kinh tế. Điều được gọi là “thị trường bền vững” ở Việt Nam hóa ra lại là cảnh tượng mà vào tháng 2/2008, thị trường bất động sản thình lình đóng băng chỉ sau một đêm khiến toàn bộ giới cò đất khóc ròng. Rất cùng pha, giá cổ phiếu lao dốc kinh hoàng và chẳng bao lâu sau đã hiện ra hàng loạt vụ tự tử cùng trụy tim nhưng chẳng đời nào được báo chí loan tin.
Kiêu ngạo cộng sản
Tuy nhiên, tính tự mãn của những người vẫn giữ mác cộng sản mới tự tôn làm sao. Không hề chấp nhận GDP nước nhà trên thực tế đã chìm đắm, tất cả hậu quả được đổ vấy cho “khủng hoảng kinh tế thế giới” với gốc gác từ chủ thể kinh tế Mỹ.
Nhưng dù sao, khác với với mấy năm gần đây, năm 2009 vẫn còn có một gói “kích cầu” giá trị đến 8,5 tỷ USD. Ngân sách vẫn còn tiền, thậm chí dư dả tiền, từ kế sách in tiền vượt quá cầu lưu thông. Và số tiền ấy lập tức được dùng để kích hoạt và lợi dụng triệt để vào hai thị trường chứng khoán và bất động sản theo quy tắc “bình thông nhau”. Kết quả là trong năm “phục hồi kinh tế” 2009, mặt bằng giá cổ phiếu tăng hơn hai lần và giá bất động sản cũng gần như thế. Khi các trọc phú phất lên từ chứng khoán và đất, giàu nghèo Việt Nam phân cực kinh hoàng.
Cho đến cuối năm 2009, khi Quốc hội ấp úng hỏi chính phủ về kết quả và lợi ích của gói kích cầu cùng vài đề nghị hãy minh bạch xem số tiền kích cầu đi vào đâu, không một quan chức nào của nhóm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trả lời trôi chảy. Số phận gói kích cầu năm 2009 cũng bởi thế vẫn là một bí mật của các nhóm lợi ích cho đến tận bây giờ.
Sau hai năm “phục hồi”, đến 2011, bi kịch đã thực sự hiện rõ. Đầu năm đó và trước cận cảnh “đầu tư cho đến lúc sụp đổ”, Bộ Chính trị và chính phủ Việt Nam không còn cách nào khác phải ban hành nghị quyết “thắt lưng buộc bụng”. Chính sách “siết tín dụng” cũng vì thế có hiệu lực lập tức và cực đoan đến nỗi kết quả rõ ràng nhất của nó là làm lợi cho nhóm lợi ích ngân hàng: lãi suất cho vay bị đẩy lên ngất trời - bình quân 20-23%, thậm chí đến 30%!
Sụp đổ
Một lần nữa thị trường nhà đất rơi vào cảnh trạng không ai mua. Đến cuối năm 2011, vào lúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đọc bài” trước Quốc hội về Luật biểu tình và nói vo vài câu tỏ dũng khí về Biển Đông, lần đầu tiên số doanh nghiệp phá sản đã lên đến hàng trăm ngàn và cũng chừng đó số công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê ăn tết. Một mùa đông rét mướt đã trùm lên thị trường: lần đầu tiên khái niệm “nợ xấu” được thừa nhận như một não trạng chẳng đặng đừng.
Ít nhất 70% nợ xấu thuộc về bất động sản bán không ai mua. Hàng ngàn dự án trùm mền hoặc đắp chiếu theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng của tai nạn giao thông. Ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà đất lâm vào cảnh “lâm sàng” hoặc phá sản. Bắt đầu diễn ra phong trào thế chấp tài sản cho ngân hàng, hoặc trên thực chất là tống tháo nợ để ngân hàng muốn làm gì thì làm. Nhưng đến lượt mình và cho đến tận giờ đây, rất nhiều ngân hàng vẫn không biết làm cách nào để tống khứ số nợ xấu đó cho những đối tượng khách hàng vẫn bị coi là “nai”.
Thế nhưng trong cảnh cùng cực không lối thoát, nợ xấu vẫn bị giới chức chính phủ và Ngân hàng nhà nước chỉ đạo “bảo mật” đầy quyết liệt vào năm 2012. Một văn bản vào tháng Ba năm đó của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cho phép các ngân hàng thương mại có thêm thời gian để “đảo nợ” - được ví như một cử chỉ giúp hấp hối lâu hơn.
Trong suốt thời gian từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu nhảy múa liên tục theo cách mà các đại biểu Quốc hội chỉ được biết những gì mà Chính phủ và Ngân hàng nhà nước muốn cho biết, cho dù những tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới như Credit Suisse và Moody’s đã công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 13-15% chứ không chỉ là 3-5% như con số mòn miệng điêu ngoa của giới chức quản lý ngân hàng.
Mãi đến cuối năm 2014 và ngay trong phiên họp Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Bình mới lần đầu tiên phải tiết lộ con số nợ xấu thực, xét về giá trị tuyệt đối: 500.000 tỷ đồng.
Con số kinh khủng trên, gấp đến 3 - 4 lần so với số mà Ngân hàng nhà nước báo cáo từ năm 2012, đã ngay lập tức khiến báo chí và dư luận choáng váng.
Người Việt có thể tận hưởng, và vẫn còn đủ thời gian để tận hưởng những “của ngon vật lạ”. Nếu 2013 là năm bắt đầu xuất hiện con số thực về nợ công quốc gia lên đến 98% GDP chứ chẳng phải dưới 50% GDP như báo cáo của Chính phủ, thì năm 2014 nợ xấu tiếp liền nợ công. Đến lúc này, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên vô phương. Hẳn đó cũng là nguồn cơn mà Nguyễn Văn Bình - được dư luận xem là “cánh tay mặt” của Thủ tướng Dũng - buộc phải thở ra sự thật quá cay đắng và bế tắc về nợ xấu.
Bất chấp làn sóng tuyên truyền đậm đặc tuyên giáo về “nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ xấu của Việt Nam”, cho tới nay 500 hồ sơ chào bán nợ mà Ngân hàng nhà nước gửi cho các tổ chức, đối tác tài chính quốc tế vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm công khai nào. Ngay cả chuyến công du “bán nợ xấu” của Thủ tướng Dũng ở Australia vào đầu năm 2015, trong khi không nhận được sự đồng cảm nào của thủ tướng Úc lúc đó là Tony Abbot, phía “bạn” lại thẳng thừng tuyên bố sẽ cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam.
Năm sau?
Cuối cùng trong tận cùng, năm 2015, ngân sách quốc gia chỉ còn vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng mà “không biết phân bổ cho cái gì” - như một cảm thán đau xót khó có thể thành thật hơn của ủy viên Trung ương đảng, đương kim Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh.
Nợ công, nợ xấu, và ngân sách cạn kiệt. Vậy năm sau sẽ là gì?
Một luồng ý kiến lạc quan cho rằng cứ với đà này, ngân sách Việt Nam sẽ còn cầm cự được 2, thậm chí là 3 năm nữa.
Nhưng cũng có ý kiến bi quan hơn hẳn: 8 tháng tới một năm, kể từ cuối năm 2015.
Chỉ biết rằng câu trả lời cái gì sẽ xảy ra vào cuối năm sau dĩ nhiên không còn thuộc về quyết định của giới chính trị bất tài và bế tắc, mà xin dành cho các bạn đọc thông minh và yêu quý của chúng tôi.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment