Tuesday, December 8, 2015

Dù bị cấm, dân Việt vẫn nuôi heo bằng 'chất tạo nạc'

HÀ NỘI (NV) - Dù bị nhà cầm quyền cấm đoán, kiểm soát, nhưng các trại nuôi heo vẫn trộn chất “tạo nạc” vào cám, giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp nguy hại cho sức khỏe dân tiêu thụ.

Cán bộ Chi Cục Thú Y Sài Gòn lấy mẫu chất cấm tại một lò giết mổ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tường thuật cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn hôm Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015, VnExpress thuật lời ông Phạm Tiến Dũng, trưởng phòng thanh tra chuyên đề Bộ Nông Nghiệp cho biết “còn nhiều cơ sở (chăn nuôi) sử dụng chất cấm.”

Trong cuộc họp báo, ông Dũng cho biết, “Mới đây, thanh tra đã phát hiện hành vi vi phạm mới là đưa kèm chất salbutamol với thức ăn chăn nuôi.” Một số cơ sở chăn nuôi ngay ở Hà Nội được nêu tên cho biết có sử dụng chất cấm.

Có thể là do cạnh nhau bán cám nuôi heo, “Những người giao hàng mang cám đến bán cho các chủ trang trại và còn tặng kèm một số gói bột màu trắng, có chứa chất tạo nạc salbutamol.”

Cùng ngày Thứ Hai, tờ Tuổi Trẻ thuật tin từ thanh tra Chi Cục Thú Y Sài Gòn cho biết Đồng Nai “đứng đầu” danh sách các tỉnh thị trong vùng, kế đến là Sài Gòn và Tiền Giang, có những trang trại vẫn sử dụng chất cấm để nuôi heo.

Sử dụng các chất họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) - chất tăng trọng, tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Nhưng chúng bị lạm dụng rất phổ biến, từng gây xôn xao trong dư luận mấy năm gần đây khi tin tức các cuộc kiểm tra tại lò giết mổ và ngay tại các trại chăn nuôi, được phổ biến trên báo chí.

Ngày 3 tháng 12, 2015 vừa qua, tin cho hay Cục Quản Lý Dược Trực thuộc Bộ Y Tế Hà Nội thông báo đến Tổng Cục Hải Quan, cái lệnh “tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol cho đến khi có thông báo mới” ngăn chặn phần nào sự lạm dụng và gian lận.

Salbutamol, Clenbuterol là những dược chất chữa bệnh, không phải cho gia súc ăn.

Theo các thông tin từ Cục Quản Lý Dược Hà nội, “Salbutamol là một thuốc thuộc nhóm kích thích thụ thể beta giao cảm nên có tác dụng làm giãn phế quản, giảm cơn co tử cung và ít tác dụng trên tim.”

Thuốc được sử dụng với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang.”

Còn trong sản khoa thì “thuốc sử dụng với chỉ định trong chuyển dạ sớm khi không có biến chứng và xảy ra ở tuần thứ 24-33 của thai kỳ, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi. Clenbuterol cũng là thuốc thuộc nhóm kích thích thụ thể beta giao cảm, có tác dụng tương tự Salbutamol.”

Theo các quy định hiện hành của Bộ Y Tế Hà Nội, “Salbutamol và Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn về liều lượng, thời gian điều trị của bác sĩ.”

Hôm Thứ Bảy 6, tháng 12, 2015, tờ Tuổi Trẻ loan tin, công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông nhập khẩu số lượng lớn Salbutamol bán cho nhiều công ty với mục đích làm chất tạo nạc cho gia súc.

Vì vậy Cục Quản Lý Dược “vừa có văn bản đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, quảng cáo thuốc đối với công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông, địa chỉ đăng ký tại phố Pháo Đài Láng, Hà Nội.”

Theo tờ Tuổi Trẻ, công ty vừa kể “đã vi phạm pháp luật, nhập khẩu Salbutamol (chất dùng làm thuốc trị hen và nhiều bệnh khác) nhiều hơn 200 kg so với đơn hàng được Bộ Y Tế phê duyệt, đem bán cho nhiều công ty không có chức năng mua bán Salbutamol với mục đích làm chất tạo nạc cho gia súc.”

Hồi tháng 8, 2015, tờ Tuổi Trẻ nói một công ty ở Sài Gòn đã sản xuất hơn 300 loại sản phẩm “không nằm trong danh mục thuốc thú y sản xuất tại Việt Nam” trong số đó có các chất cấm họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine).

Cũng vào khoảng thời gian này, có hơn 300 cơ sở nuôi hàng chục ngàn con heo thịt đã ký cam kết “không sử dụng chất tạo nạc” để nuôi. Các cuộc kiểm soát cho thấy tuy tình hình đã giảm bớt nhưng không hết hẳn. (TN)
12-07-2015 7:37:21 PM 

No comments:

Post a Comment