Tuesday, December 8, 2015

Hà Nội Mới: 'Lãnh đạo trẻ trọng trách lớn'

Theo BBC-8 tháng 12 2015 

Image copyrightOther
Image captionÔng Nguyễn Đức Chung nay là Chủ tịch Hà Nội
Trang báo Hà Nội Mới vừa có bài ca ngợi một thế hệ lãnh đạo trẻ được tín nhiệm trao trọng trách lớn như ví dụ 'hạt giống đỏ' thời kháng chiến.
Bài của tác giả Cù Xuân Cường trên trang hanoimoi.com hôm 7/12 nêu ra ví dụ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vừa lên làm Chủ tịch Hà Nội:
"Việc một vị tướng trẻ, được đào tạo bài bản, từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, có nhiều chiến công được bầu giữ cương vị người đứng đầu UBND thành phố với sự tín nhiệm cao là sự kiện thu hút sự quan tâm của không chỉ người Hà Nội…"
Bài xác nhận đây là một hiện tượng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố:
"Một thế hệ cán bộ lãnh đạo mới đã được hình thành: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị… "
"Sau nhiều năm, một thế hệ cán bộ trẻ đã được tín nhiệm giao phó những trọng trách lớn."
Tác giả cũng xác nhận đây là một chủ trương của lãnh đạo Việt Nam:
"Tín hiệu này cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc lựa chọn những người trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực thực tế tham gia bộ máy lãnh đạo đã thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống."
"Sự tín nhiệm cao sự ủng hộ của người dân là động lực và cũng là áp lực. Nhưng áp lực ở nhiều điểm nhìn cũng là động lực để khẳng định năng lực tư duy, năng lực lãnh đạo."

Lý do lịch sử

Image copyrightAFP
Image captionBáo VN nhắc lại thời kỳ cử 'hạt giống đỏ' đi học ở Liên Xô, Trung Quốc
Theo tác giả, đây là sự tiếp nối truyền thống gieo 'hạt giống đỏ' có từ thời chiến tranh:
"Sau ngày hòa bình trở lại với miền Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn 'hạt giống đỏ' là những quần chúng ưu tú, con em miền Nam, con em các vị lãnh đạo đang nắm giữ vận mệnh của đất nước gửi đi Liên Xô (cũ), Trung Quốc… học tập."
"Những 'hạt giống đỏ' được đào tạo bài bản trong môi trường khắc nghiệt và đều đã trưởng thành. Họ có mặt trên các chiến trường nóng bỏng, trên mọi lĩnh vực của đời sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc."
"Nhiều người đã trở thành nhà lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội, nhà khoa học…"
Có vẻ như tác giả nêu ra luận điểm khác với một ý kiến đã đăng cũng tại Việt Nam, trên tờ Tiền Phong hồi tháng 10 vừa qua.
Trong bài về cùng đề tài hôm 16/10, một cây bút khác là Trí Quân nêu ra câu chuyện 'hạt giống đỏ' giai đoạn chiến tranh:
"Giới trí thức nhiều người còn lưu truyền câu chuyện năm 1954, Việt Nam gửi 100 “hạt giống đỏ” từ 6 đến 16 tuổi sang Liên Xô đào tạo. Đó phần lớn là con của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, những nhà quân sự tài ba, nhà khoa học lừng danh..."
"Họ được chọn lựa kỹ càng về phẩm chất đạo đức lẫn các chỉ số về trí tuệ, tài năng, với mục đích đào tạo thành những nhà quản lý, lãnh đạo đất nước trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình"
"Thế nhưng chỉ vài người trong số ấy thành công trên con đường chính trị."
"Còn lại hầu hết dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, y học, kinh tế, văn hóa-nghệ thuật, quân sự…, và sau này đều là những tên tuổi nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành."
Bài trên Tiền Phong nói rõ hơn:
"Cách nhau hơn 60 năm, những thế hệ 'hạt giống đỏ' hẳn có nhiều điểm không còn tương đồng. Xã hội hiện đại thời hội nhập thế giới, nền kinh tế thị trường, cùng các mối quan hệ xã hội phức tạp, nhóm lợi ích đan xen khiến nhãn quan con người không còn giản đơn như trước."
"Tất nhiên, dư luận cũng sòng phẳng và khắt khe hơn với những vị trí lãnh đạo, nhất là khi họ còn trẻ và có xuất thân hoàn toàn khác số đông."
Trong khi đó, Hà Nội Mới nhấn mạnh rằng sự thăng tiến của các 'hạt giống đỏ' là điều đã được "Đảng tín nhiệm" và 'nhân dân hy vọng" như ví dụ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung mà tờ báo nêu trong phần kết của bài.

No comments:

Post a Comment