Friday, November 13, 2015

Vụ bắt 2 luật sư: Công an Hà Nội tập đi, 'hết tiến lại lùi'

HÀ NỘI (NV) - Phản ứng dữ dội của công chúng, trong đó tiềm ẩn cả phản kháng khó lường của giới luật sư khiến công an thành phố Hà Nội phải công bố quyết định khởi tố vụ tấn công hai luật sư.

Những người biểu tình đón ông Hải trước công an phường Xuân La,
Hà Nội. (Hình: Facebook)

Sau khi vấp phải một chuỗi những phản ứng ngoài dự kiến, ngày 13 Tháng Mười Một, trưởng phòng cảnh sát hình sự của công an thành phố Hà Nội loan báo đã khởi tố vụ “cố ý gây thương tích” đối với ông Trần Thu Nam và ông Lê Văn Luân - hai trong số những luật sư tình nguyện hỗ trợ cho gia đình Đỗ Đăng Dư đòi công lý.

Đỗ Đăng Dư là một thiếu niên 17 tuổi bị đánh chết tại trại giam của công an.

Hôm 3 Tháng Mười Một, ông Nam và ông Luân đến huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, để gặp gỡ thân nhân của Đỗ Đăng Dư. Khi quay về, ông Nam và ông Luân bị một nhóm thanh niên chặn đường, lôi ra khỏi xe hơi, đánh đập, khiến cả hai bị chấn thương đầu và mặt.

Vốn đã phẫn nộ về trường hợp Đỗ Đăng Dư, dân chúng Việt Nam tỏ ra phẫn nộ hơn khi ông Nam và ông Luân bị tấn công giữa thanh thiên bạch nhật. Sự phẫn nộ của dân chúng tác động đến cả Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Tổ chức này gửi một công văn, yêu cầu Bộ Công An và công an thành phố Hà Nội phải điều tra khởi tố vụ tấn công hai luật sư.

Dường như không muốn để dư luận đẩy vào thế bị động thêm một lần nữa (sau khi Đỗ Đăng Dư thiệt mạng), những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam kêu gọi nhau phải phản ứng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những việc đau lòng tương tự trong tương lai. Để ngăn chặn phản kháng lan rộng, công an thành phố Hà Nội phải khởi tố vụ án và chủ động công bố thông tin cho báo giới là nạn nhân bị “bạn tù đánh chết.”

Tuy nhiên, một số luật sư, trong đó có ông Nam và ông Luân, khẳng định, nếu điều đó đúng thì công an cũng vẫn phải chịu trách nhiệm vì việc tạm giam Đỗ Đăng Dư có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngày 10 Tháng Mười Một, công an Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo, công bố “kết quả điều tra” vụ hành hung ông Nam và ông Luân, theo đó, hai ông bị hành hung vì chạy quá nhanh, khiến một nhóm thanh niên bị... lấm bụi.

“Kết quả điều tra” vừa kể xác nhận, đúng là có một thanh niên bám theo xe của hai luật sư khi họ đến nhà Đỗ Đăng Dư nhưng chỉ nhằm đi theo những “kẻ lạ mặt chạy nhanh làm một nhóm tám người, ngụ tại năm xã khác nhau ở Chương Mỹ bị lấm bụi để sau đó tổ chức dằn mặt.” Sở dĩ có một công an xã xuất hiện tại hiện trường là vì “tình cờ đi ngang.”

Công an thành phố Hà Nội không nêu vấn đề trách nhiệm của người “tình cờ đi ngang” thấy một nhóm côn đồ hành hung người khác mà lại không can thiệp. Cũng theo công an thành phố Hà Nội, những người tấn công ông Nam và ông Luân “không hề bịt mặt,” các thành viên trong nhóm này “chỉ mang khẩu trang!”

Điểm đáng chú ý nhất là công an thành phố Hà Nội không khởi tố tám thanh niên tham gia hành hung, trong đó có bảy “nông dân,” một đang làm việc tại quỹ tín dụng xã Đông Phương Yên vì phải chờ kết quả giám định thương tật.

“Kết quả điều tra” giống như đổ thêm dầu vào lửa. Người dùng Internet ở Việt Nam đúc kết vụ hai luật sư bị hành hung ở Chương Mỹ bằng câu vè: “Bụi Chương Mỹ, đĩ Đồ Sơn.” Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam tuyên bố “Kết quả điều tra” là “vội vàng, chưa khách quan.” Ông Trương Trọng Nghĩa, một thành viên Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, hiện là đại biểu Quốc Hội, gặp ông Nguyễn Đức Chung, giám đốc công an thành phố Hà Nội, cũng đang là đại biểu Quốc Hội, “giải thích thêm” cho ông Chung - một tiến sĩ luật - hiểu rằng, “cố ý gây thương tích” tuy là tội khởi tố theo yêu cầu bị hại và dựa trên tỉ lệ thương tích nhưng nếu hành vi “cố ý gây thương tích” có tính côn đồ thì không cần tỉ lệ thương tích. Ông Nghĩa nhấn mạnh, nếu chỉ làm người khác lấm bụi mà bị đánh đập đến trọng thương và kẻ tấn công vô sự thì xã hội sẽ loạn!

“Kết quả điều tra” cũng là lý do khiến ông Trần Vũ Hải - một luật sư khác - kêu gọi 200 luật sư của Đoàn Luật Sư Hà Nội cùng tham gia tuần hành đến công an thành phố Hà Nội và Bộ Công An để trao thư phản đối.

Sáng 12 Tháng Mười Một, khoảng 10 người mặc thường phục đã chặn đường, bắt ông Hải, quăng lên xe chở về trụ sở công an phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, theo kiểu mà ông Hải mô tả là “y như bắt heo.”

Vụ bắt ông Hải trở thành lý do khiến cả trăm luật sư và vài trăm người quan tâm đổ đến công an phường Xuân La, vừa tìm hiểu, vừa phản đối. Đến lúc này, công an thành phố Hà Nội mới ra mặt, xác định, họ cưỡng bức ông Hải về công an phường Xuân La vì có “đơn tố cáo ông Hải lừa đảo, cần xác minh nhưng ông Hải không hợp tác.”

Do phản ứng dữ dội từ nhiều phía, luật sư, báo giới, đặc biệt là dân chúng, cả trên Internet lẫn trong thực tế ngay sau khi bắt ông Hải, công an thành phố Hà Nội mời ông Hải về nhưng ông không chịu về. Đến tối cùng ngày, ông Hải mới chịu ra khỏi công an phường Xuân La sau khi công an phải lập biên bản ghi nhận việc bắt ông không đúng luật và tiếp nhận đơn tố cáo của ông. Cũng tới lúc đó, những người biểu tình trước công an phường Xuân La mới chịu giải tán.

Dường như công an thành phố Hà Nội mới vừa... tập đi. Sau khi lùi một bước (khởi tố vụ “cố ý gây thương tích” khiến Đỗ Đăng Dư thiệt mạng, hứa truy cứu trách nhiệm những thuộc cấp “thiếu trách nhiệm” trong quản lý trại giam), họ tiến một bước trong vụ hai luật sư bị hành hung (tuy chưa có dấu hiệu là chính công an tổ chức vụ hành hung này nhưng ít nhất là họ đã không có hành động nào sau đó).


Vì tiếp tục bị phản ứng, công an thành phố Hà Nội tiếp tục lùi một bước (điều tra vụ hành hung) rồi bước tới một bước (loan báo chưa khởi tố vì chờ kết quả giám định tỉ lệ thương tích). Sau bước này, công an thành phố Hà Nội cố gắng bước thêm một bước nữa (bắt một luật sư khác như bắt heo). Giờ thấy không ổn, công an thành phố Hà Nội lại lùi! (G.Đ.)

11-13-2015 3:03:47 PM 

No comments:

Post a Comment