1- Quê ngoại Phú Minh yêu dấu của tôi
Tôi lững thững đi theo anh cả về quê ngoại vào một buổi sáng cuối đông lạnh lẽo. Hai bên đường số Một, nhiều ruộng lúa chiêm đã cấy xong, ngọn lúa xanh mơn mởn ngút ngát cánh đồng. Những đàn cò trắng bay ngang lưng trời thong thả sải cánh. Thỉnh thoảng một vài đàn cò hạ cánh xuống những ruộng lúa vừa mới cấy xong bắt tôm bắt cá.
Đường từ nhà ba mẹ tôi đến quê ngoại dài tới hơn ba mươi cây số nên chúng tôi cứ đi bộ thủng thẳng vừa đi vừa nghỉ. Đối với một cậu bé mới hơn mười tuổi đầu gần hai tháng trời nay phải chịu đói chịu khát như tôi thì đây là một chặng đường quá sức. Nhưng cứ nghĩ đến việc về quê ngoại sẽ được ăn no là tôi lại phấn chấn bước trên đường.
Qua thị trấn Nghèn của huyện Can Lộc rẽ tay phải chừng 3 cây số là đã đến xã Phú Minh, quê ngoại của tôi. Khác hẳn với quê nội tôi toàn nhà tranh vách đất, quê ngoại Phú Minh có rất nhiều nhà xây gạch lợp ngói. Quê ngoại hiện dần ra trước mắt chúng tôi là một vùng quê thanh bình bên con đường cái rộng thẳng tắp đến tận chân núi Hồng Lĩnh nối với con đường tam cấp lên tới Chùa Hương Tích trên lưng chừng núi ở độ cao 650 mét so với mặt biển. Dọc bên phải con đường cái lớn là một dòng suối nước trong veo từ trên đỉnh núi chảy về khá nhiều cá rô, cá bống.
Cụ ngoại của chúng tôi, cụ Bang Hoành là một vị thân sĩ chống Pháp nổi tiếng trong phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng. Cụ có nhiều người con đỗ đạt học rộng tài cao trong đó có nhà chí sĩ yêu nước Võ Liêm Sơn là ông bác ngoại đã nuôi mẹ tôi từ nhỏ nên chúng tôi vẫn gọi cụ Võ Liêm Sơn là ông ngoại, bởi ông ngoại ruột của tôi mất lúc mẹ tôi còn bé. Các cháu của cụ Bang Hoành và con cháu của cụ Võ Liêm Sơn chúng tôi đều gọi bằng cậu, bằng dì và ai cũng giàu có, nhà xây lợp ngói mấy tòa.
Mấy lần trước về quê ngoại, tôi ấn tượng nhất là ngôi nhà thờ của cụ Bang nay do một người cháu nội của cụ, cậu Chắt Thiện thờ phụng. Ngôi nhà thờ này đã có từ lâu đời rồi nên rất thâm nghiêm. Năm 1930, quê ngoại Phú Minh của tôi là một cơ sở của Xô Viết Nghệ Tĩnh nên nhà của cụ Võ Liêm Sơn và các ông bà bên ngoại của tôi đều bị bọn Pháp đốt phá và cướp hết tài sản vì họ là những người tham gia chống Pháp rất nổi tiếng. Nhưng riêng ngôi nhà thờ của cụ Bang thì hoàn toàn không bị giặc Pháp động tới. (Vậy mà trong CCRĐ vào mùa hè năm 1955, ngôi nhà thờ họ Võ của cụ Bang đã bị đập phá tan tành, toàn bộ đồ thờ cúng cùng các hoành phi câu đối đã bị đội CCRĐ đem chia quả thực cho bần cố nông trong xã).
Năm 1949 sau khi cụ Võ Liêm Sơn qua đời, cạnh bàn thờ của cụ còn dựng thêm một chiếc gậy tay cầm bằng ngà voi có khắc dòng chữ Hán của Hồ chủ tịch đề tặng. Nghe nói hồi ở Huế, cụ Võ Liêm Sơn đã học trước Nguyễn Tất Thành một lớp. Nhưng sự học của Tất Thành không được đến nơi đến chốn vì người cha làm quan phạm tội say rượu đánh chết người nên đã bị triều đình Huế thải hồi. Bởi vậy, ông ngoại tôi rất thương và đã có một thời gian cưu mang giúp đỡ. Đầu năm 1948, Hồ chủ tịch đã biên thư mời cụ Võ Liêm Sơn lên Việt Bắc gặp gỡ đàm đạo một tuần rồi tặng cụ cái gậy đó. Nhưng nghe nói trong khi đàm đạo, cụ Võ Liêm Sơn đã tỏ ra không tán thành việc Hồ chủ tịch đã quá lệ thuộc dựa dẫm vào người Tàu để đánh Pháp nên cụ nhất định đòi về. Trở về đến quê chỉ khoảng một thời gian sau là ông ngoại tôi đã bị lâm bệnh nặng rồi mất. Đó có lẽ cũng là một cái chết bí ẩn vì trước khi lên Việt Bắc, ông ngoại tôi vẫn còn khỏe mạnh bình thường. (Cái gậy Hồ chủ tịch tặng cụ Võ Liêm Sơn này cũng đã được đội CCRĐ chia quả thực cho một người cố nông mang đi chăn bò trên núi Hồng Lĩnh, sau này đã được đưa về bảo tàng Hồ Chí Minh tại tp Vinh, Nghệ An).
Đang vừa đi vừa suy nghĩ miên man như thế để cho quên chuyện đôi chân bấy giờ càng lúc càng díu lại thì cổng nhà cậu Thành, một người em ruột cùng cha khác mẹ của mẹ tôi đã hiện ra. Lúc đó đã xẩm tối nên cậu mợ tôi đã không nhận ra được hai đứa cháu xác xơ gần như ăn mày này đang ngồi bệt trước bậc thềm cổng. Mợ tôi liền hỏi vọng ra:
- Các cháu cần gì? Nhà còn khoai khô có lấy không?
Chờ mãi không thấy trả lời, cậu tôi phải ra tận cổng thì mới nhận ra chúng tôi đang vừa đói vừa mệt. Lúc đó mợ tôi mới chạy ra vừa mở cổng vừa khóc:
- Mợ xin lỗi các cháu! Vì ngày nào cũng có hàng đoàn con cháu địa chủ đi ăn xin ngồi trước cổng nên mợ không nhận ra các cháu. Trời ơi! Sao đứa nào cũng gầy xanh hốc hác thế này?
- Dạ, chúng cháu chào cậu mợ ạ! Nhà mẹ cháu bị quy địa chủ, thóc gạo khoai sắn đã bị tịch thu hết rồi. Hai tháng trời qua chúng cháu đã đi ăn xin nhiều nơi nhưng đi đâu cũng bị dân quân xua đuổi, nay không còn gì để ăn nữa. Cháu đưa thằng Văn về đi chăn trâu cho cậu mợ để kiếm cái ăn, thưa mợ!
Anh cả tôi lễ phép nói với cậu mợ Thành khi vừa vào tới trong nhà. Cậu Thành tôi lúc đó mới rơm rớm nước mắt, hỏi:
- Em út của các cháu nay mới hơn hai tuổi giờ biết lấy cái gì mà ăn để sống? Lần này thằng cả cố gắng mang gạo về để nấu cháo cho em út ăn nhé! Mẹ và các em cháu có ai làm sao không?
- Chúng cháu cám ơn cậu mợ, mọi người chỉ đói thôi ạ!
Anh cả tôi vừa nói vừa nhặt rau giúp mợ tôi chuẩn bị cơm tối. Tội nghiệp cậu mợ Thành lấy nhau đã bảy, tám năm rồi mà chưa có con nên nhà vắng tiếng trẻ con. Buồn lắm! Có mấy lần, cậu mợ Thành đã ngỏ lời xin mẹ tôi thằng em út của chúng tôi về nuôi nhưng mẹ tôi chưa đồng ý. Cậu mợ Thành ít ruộng nên không bị quy là phú nông hay địa chủ nhưng cuộc sống cũng dư dả. Lần này thấy chúng tôi về chơi lại còn xin ở lại thì mừng lắm.
Sáng hôm sau, hai anh em tôi cùng cậu Thành đã đi thăm nhà dì Quý, một người chị ruột cùng cha cùng mẹ của mẹ tôi. Ở Hà Tĩnh, các anh và các em trai của mẹ đều được gọi bằng cậu. Còn chị hay em gái của mẹ thì đều được gọi bằng dì, chứ không phân biệt chị thì gọi bằng bác, em mới gọi bằng dì như ở ngoài Bắc. Nhà dì Quý ở xóm khác nhưng không xa lắm. Nhà dì dượng Quý tôi nghèo, ít ruộng nhưng cũng đủ ăn, được quy là bần nông nên không bị đội giảm tô o ép gì cả. Gặp chúng tôi, dì đã khóc:
- Trời ơi, bấy lâu nay các cháu đói lắm phải không? Mẹ các cháu, các em cháu lấy gì mà ăn? Bảo mẹ đưa thằng út ra đây dì dượng nuôi cho không để nó chết đói mất đó! Thôi trưa nay mời cả cậu Thành ở lại để dì dượng thịt con gà cho các cháu ăn nhé!
- Chúng cháu cám ơn dì. Dì đừng bày đặt, chúng cháu ăn gì cũng được mà. Anh cả tôi nói thế nhưng nghe nói đến thịt gà thì mắt đã bừng sáng lên rồi.
Ăn cơm xong, dì Quý còn cho chục cân gạo để anh cả mang về quê. Buổi chiều cậu mợ Thành cũng cho chục cân gạo nữa mang về cho mẹ tôi để nuôi thằng út. Sáng hôm sau, cậu Thành lấy xe đạp chở anh cả tôi cùng hai chục cân gạo về tận quê nhưng còn ban ngày nên không vào nhà gặp mẹ tôi được.
Sau khi anh cả tôi về quê nội, cậu Thành mới dẫn tôi đi chào các cậu họ hàng thân thích bên mẹ tôi, nhưng không thể đến được các nhà đã bị quy là địa chủ vì đội giảm tô nghiêm cấm. Các cậu họ mà chúng tôi được đến chỉ là những gia đình mới bị quy thành phần phú nông thôi. Thóc lúa sắn khoai đã bị trưng thu để thoái tô cho tá điền rồi nên tất cả họ đều chịu cảnh thiếu ăn.
Đi loanh quanh cả buổi sáng thăm và chào hỏi các cậu Cháu Dị, cậu Chu, cậu Huấn, cậu Trì… Đi đến đâu, các cậu tôi cũng rất buồn, hỏi thăm mẹ tôi sức khỏe ra sao, ba tôi có về không… Đến thăm nhà cậu Chu, cậu ấy nói:
- Tội nghiệp mẹ cháu quá! Chưa đầy 10 tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nếu ngày đó không có cụ Võ Liêm Sơn và bà Hàn ở Phát Não nuôi lớn thì không biết mẹ cháu sẽ thế nào. Cũng may mẹ cháu đã gặp được gia đình ông bà nội cháu là người phúc đức, thương yêu mẹ cháu như con đẻ. Nhà ba mẹ cháu nghèo vậy mà cũng bị quy là địa chủ thì đúng là hết chỗ nói rồi! Tội nghiệp anh em các cháu, nay biết lấy gì ăn để mà sống qua ngày đây?
Đến nhà cậu Huấn, thấy nhà cửa tan hoang. Chưa kịp ngồi xuống ghế, cậu ấy đã hỏi:
- Ông bà nội cháu bây giờ ra sao? Có khỏe không?
- Dạ bà nội cháu vừa bị ngã què chân mấy tháng nay nhưng ông nội cháu vẫn còn chống gậy đi ăn xin được, cậu ạ! Tôi nói lí nhí như sợ bị cậu ấy mắng vì thấy cậu có vẻ đang bực bội điều gì đó.
- Cậu đã mấy lần nói với ba cháu rồi. Đi làm cách mạng như ba cháu chỉ tổ làm khổ ông bà nội và mẹ cháu chứ có được ích gì cho người thân không? Có nuôi được các con không? Ủy viên thường vụ tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa thì mỗi tháng được phát mấy cân gạo nuôi con, hả? Cứ đi biền biệt như thế, ở nhà ruộng không ai cày cấy, phải phát canh thu tô nên bị quy là địa chủ phải bán hết mọi thứ trong nhà đi để thoái tô... Nhục quá! Chính ba các cháu là người đã rước voi về giày mã tổ đó, cháu có hiểu không?
- Thôi mà anh! Cháu còn nhỏ dại, anh đừng nói như thế làm cháu nó tủi thân anh Huấn ạ! Cậu Thành tôi nói vậy rồi bảo tôi chào cậu Huấn và dắt tôi đi sang nhà khác.
2- Các cậu tôi nói về chủ trương CCRĐ của Hồ chủ tịch
Cuối buổi sáng ấy, chúng tôi đến thăm cậu Chắt Thiện, người thờ phụng nhà thờ họ Võ thì tôi đã thực sự bị sốc. Cậu Chắt nhìn đứa cháu vừa gầy vừa xanh rồi quay sang cậu Thành vẻ bức xúc nói:
- Tôi không ngờ Hồ chủ tịch lại ác như thế! Ông ta đã ra tay tiêu diệt những ai? Tất cả những người đã dốc lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm theo lời kêu gọi của ông ta, có đúng vậy không? Bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên còn ủng hộ kháng chiến cả trăm cây vàng, bao nhiêu là tiền bạc, thóc gạo, còn cho cả hai thằng con đi bộ đội nữa…Vậy mà chính tay Hồ chủ tịch với bút danh C.B. đã viết bài báo “Địa chủ ác ghê” để vu cáo bà Năm những tội ác mà bà ấy không hề phạm để lấp liếm cho cái vụ xử tử hình một cách dã man người phụ nữ nhân hậu và yêu nước ấy! Thế mà nghe nói ông ta còn tìm mọi cớ để đổ lỗi cho các cố vấn Trung Quốc đã giết bà Năm! Các cố vấn Tàu do ông ta mời sang giúp, làm sao lại có thể vượt quyền chủ nhà được? Đó là luận điệu lừa bịp bọn trẻ con, lừa dối lũ nông dân mù chữ chứ làm sao bịp được thiên hạ, hả chú?
Cậu Thành tôi sợ xung quanh nghe thấy nên nhỏ nhẹ nói với cậu Chắt:
- Năm 1953 anh đang dạy học ở Thái Nguyên phải không? Anh Chắt có đi dự và chứng kiến vụ xử tử bà Nguyễn Thị Năm không mà anh nói mạnh mồm như thế? Theo tôi, chuyện này phức tạp lắm vì nó liên quan đến các cố vấn Trung Quốc, anh ạ. Biết đâu vụ án này do bọn Tàu xúi dục thì sao? Hồ chủ tịch là vị cha già của dân tộc! Có vị cha già nào lại nỡ giết oan cô con gái ngoan của mình không? Anh thử nghĩ mà xem!
- Đứa nào tôn vinh Hồ chủ tịch là cha già dân tộc, hả? Cha già dân tộc là người đã sinh ra cả dân tộc Việt Nam này à? Sinh ra cả Lạc Long Quân, sinh ra cả các Vua Hùng... và sinh ra cả bác Võ Liêm Sơn của chúng ta, người đã từng cưu mang ông ta trong lúc hoạn nạn ấy à? Hay Hồ chủ tịch còn là người đã đẻ ra cả cụ Nguyễn Sinh Sắc nát rượu từng đánh chết người ngày xưa ấy?
Cậu Thành tôi cố tìm cách ghìm cơn giận đang dâng trào trong cậu Chắt lại:
- Trần Dân Tiên là người đã tôn vinh Hồ chủ tịch “là cha già dân tộc” trong cuốn“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” viết bằng chữ Hán anh đã đọc rồi còn gì nữa. Còn Trần Dân Tiên là ai thì lịch sử sẽ làm sáng tỏ. Nhưng theo tôi, chắc chắn hắn không phải là một người đàng hoàng. Bởi hắn viết như thế là phỉ báng cả dân tộc Việt Nam của chúng ta. Không chừng Trần Dân Tiên là một tên người Tàu cũng nên? Điều tôi muốn hỏi anh là, khi trực tiếp dự các buổi đấu tố bà Năm, anh thấy có điều gì bất thường không cơ?
- Khi nhìn thấy những kẻ đang hùng hổ đấu tố bà Năm, một bà láng giềng của bà Năm đã nói khẽ vào tai tôi: “Chúng là bọn lưu manh trong xã tôi đó. Năm đói 1945, thậm chí còn được ăn cháo phát chẩn của bà Năm nữa đấy. Nhưng tôi xin cam đoan với thầy Thiện là bà Năm không bao giờ thuê mướn bọn lưu manh này làm việc trong các đồn điền của bà ta đâu. Tất cả là bịa đặt, vu khống, thầy ạ! Chúng được ông đội trưởng đội CCRĐ hứa, ai đấu tố càng hăng sẽ được chia càng nhiều quả thực. Thế thôi!”
- Anh Chắt ơi, tôi biết anh không bao giờ nói dối. Nhưng những điều anh vừa nói là rất nguy hiểm cho tính mạng của anh và cả gia đình anh nữa. Ngày nào cũng có người rình mò quanh nhà của chúng ta. Nên nếu nhỡ chúng nghe được rồi báo cáo lên đội giảm tô thì sao? Tôi lạy anh! Anh đừng để cho thằng cháu nhà chị Trung phải nghe những điều như thế, nhỡ trẻ con dại miệng nói ra thì nó cũng sẽ bị chết oan đó anh ạ!
Khi về đến nhà, cậu Thành còn cho tôi biết thêm, cậu Chắt từng đỗ tú tài Tây toàn phần thời Pháp thuộc nhưng không ra làm quan mà xin đi dạy học. Cậu theo kháng chiến 9 năm nên cũng đã có 5 năm dạy bổ túc công nông cho kháng chiến tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Tại đó cậu Chắt đã có một thời gian kết thân với bà Nguyễn Thị Năm. Do đó sau khi bà Năm bị hành hình, cậu ấy đã bỏ hẳn nghề dạy học về nhà cày ruộng. Hễ có dịp gặp người thân là cậu ấy lại nhắc đến vụ án đau thương đó bằng nỗi phẫn uất không kiềm chế được. Rồi cậu Thành xoa đầu tôi căn dặn:
- Người giận quá có thể hóa mất khôn! Cậu không biết trong cái câu chuyện mà cậu Chắt đã kể cho cậu cháu ta nghe hôm nay đã có bao nhiêu phần đúng, bao nhiêu phần sai. Nhưng việc cậu Chắt đã nói động chạm đến Hồ chủ tịch như vậy là không nên! Vì tay chân của Hồ chủ tịch có ở khắp nơi, nếu chúng tình cờ nghe được có phải là thiệt mạng rồi không? Cháu chớ có dại mồm kể lại cho bất cứ ai nghe chuyện này nhé. Tội chết đó cháu ạ!
Khoảng hơn chục ngày sau, cậu Viên Trạch ở bên thị trấn Nghèn sang chơi. Cậu Viên là một người cháu họ của cụ Ngô Đức Kế. Nghe nói anh em tôi từ Đức Lâm ra chơi nên cậu ấy sang để hỏi thăm về mẹ tôi. Đêm đó, cậu Viên đã ngủ lại nhà cậu Thành tâm sự suốt đêm. Đêm khuya tĩnh lặng, hai cậu nói chuyện với nhau rất khẽ nhưng tôi cứ cố lắng nghe nên không tài nào ngủ được. Đầu tiên, cậu Viên kể:
- Hôm nọ anh Xuân Diệu về quê chơi có ngủ ở nhà tôi một đêm. Tôi nói với anh ấy thế này: “Phần lớn con cháu của cụ Ngô Đức Kế nhà mình đều bị quy là địa chủ và phú nông rồi. Địa chủ thì khổ lắm vì không ai được tiếp tế cả. Cho nhau củ sắn, củ khoai, bát gạo cũng đều phải dấm giúi vào ban đêm. Tôi chưa thấy có thời đại nào lại tàn ác đến như thế, anh ạ. Anh xem cả dưới thời Pháp thuộc, người ta cũng đâu có dã man đến như thế! Bọn Pháp chỉ đàn áp người nào chống đối chúng. Còn thời cụ Hồ thì lại đi đàn áp tất cả những người đã từng ủng hộ cách mạng mới lạ đời chứ! Thật không thể nào tưởng tượng được. Nghe nói cụ Hồ đã ăn phải bã của bọn Tàu nên mới đổ đốn ra như thế! Hay cụ đã nghe theo lời Mao Trạch Đông chống lại cả dân tộc Việt Nam? Ở gần trung ương anh có biết gì hơn không? Hay cụ Hồ đang gặp phải sai lầm, hả anh?” Chú có biết Xuân Diệu đã nói sao không? Anh ấy nói:
- Đối với cụ Hồ, theo tôi mọi cái cụ đều đã tính kỹ. Tất cả mọi sự việc đều được diễn ra theo ý đồ của cụ từ đầu chí cuối nên không hề có cái được gọi là sai lầm đâu, chú Viên ạ! Tại sao cụ biết quá rõ bà Nguyễn Thị Năm là một người đã có công rất lớn đối với cách mạng mà cụ vẫn cho bắn? Tại sao biết bao nhiêu cán bộ đảng viên đã từng vào tù ra tội vì cách mạng mà cụ vẫn cho quy là “quốc dân đảng” rồi bỏ tù hoặc xử bắn? Vì cụ muốn thể hiện cho Liên Xô và Trung Quốc thấy, cụ cũng là một vị lãnh tụ cộng sản vĩ đại! Thắng thực dân Pháp mới chỉ là lãnh tụ giải phóng dân tộc thôi. Nay cụ còn muốn mình sẽ trở thành một vị lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế lỗi lạc hơn cả Mao Trạch Đông và Stalin nữa cơ! Chú cứ nhìn vào đôi mắt Hồ chủ tịch mà xem. Đó là đôi mắt của một kẻ vĩ cuồng tham vọng tột độ. Tôi làm thơ nên tôi hay quan sát đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn mà. Với những kẻ tham vọng tột độ như thế thì dù có bắn chết vài vạn người chứ có bắn chết cả một dân tộc để đạt được mục đích của họ thì họ cũng sẽ sẵn sàng!
- Những lời thì thầm ấy của Xuân Diệu làm tôi hoang mang quá chú Thành ạ! Cậu Viên nói tiếp: - Tôi đã bức xúc hỏi Xuân Diệu: “Vậy có hàng vạn người bị bắn oan ở các địa phương như thế, liệu cụ Hồ có biết không anh?”
Lúc đó, Xuân Diệu đã trả lời:
- Cụ Hồ biết chứ! Mỗi ngày có tới hàng trăm lá thư kêu oan gửi cho cụ, bọn thư ký đọc rồi báo cáo lại cho cụ nên cụ biết hết! Nhưng cụ Hồ không phản hồi vụ nào cả vì cụ thấy nó đang diễn ra theo ý đồ của cụ. Giả sử cụ Ngô Đức Kế, cụ Võ Liêm Sơn của chúng ta sống đến giờ và cũng bị đội CCRĐ bắn chết thì cụ Hồ cũng sẽ không can thiệp. Vì đối với những kẻ cuồng vọng như Hitler, như Stalin, như Mao Trạch Đông, như Kim Nhật Thành…thì mạng sống của người khác chỉ là như con sâu con kiến mà thôi, chú ạ!
Cậu Viên thổn thức kể tiếp:
- Tôi quá ngạc nhiên trước những đánh giá về Hồ chủ tịch của Xuân Diệu nên mới hỏi anh ấy: “Tôi nghe nói cụ Hồ quý anh và Cù Huy Cận lắm, mà sao anh lại đánh giá về cụ Hồ như thế?” Lúc đó Xuân Diệu mới phân bua:
- Ngoài Tố Hữu và một số văn nghệ sĩ cơ hội ra, cụ Hồ rất dị ứng với những văn nghệ sĩ chính trực nên làm gì có chuyện cụ Hồ quý chúng tôi! Chú biết vì sao không? Vì cụ sợ bọn văn nghệ sĩ sẽ đọc được những ý nghĩ thâm hiểm của cụ. Cụ Hồ là người không có tình yêu gia đình, không có tình bạn thuở ấu thơ, không có tình yêu nam nữ và thiếu thốn cả rất nhiều thứ tình yêu khác. Cụ duy nhất chỉ có một thứ tình yêu tột độ, đó là muốn được trở thành vị lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp vô sản thế giới, nhưng cụ đã cố che đậy rất khéo. Cụ rất sợ những ai có thể đọc được thứ tình yêu sâu thẳm đó của cụ.
Cuối cùng, không ngờ cậu Viên Trạch đã nói với cậu Thành như những lời khẳng định:
- Những điều anh Xuân Diệu đã nói với tôi về Hồ chủ tịch tôi không tin lắm vì giới văn nghệ sĩ đôi khi rất đồng bóng. Khi yêu ai thì họ tâng người ta lên tận mây xanh còn khi ghét ai thì lại bôi nhọ người ta xấu xa hơn cả Việt gian bán nước, mặc dù họ chẳng có lấy một cứ liệu xác đáng nào cả.
Hôm sau tôi phải đi chăn trâu sớm nên không rõ cậu Viên Trạch đã ra về lúc nào. Trong quá trình đi chăn trâu trên quê ngoại, tôi đã quen một cô bé tên là Võ Thị Tần con gái lớn của ông Võ Nhân Cung ở xóm Năm vừa đẹp người vừa đẹp nết. Bé Tần cũng gọi cậu Thành của tôi bằng chú nên chỉ một thời gian ngắn sau là chúng tôi đã khá thân nhau.
3 - Đội CCRĐ đã về trên quê ngoại của tôi
Cậu mợ Thành biết đội CCRĐ cùng với cố vấn Trung Quốc đã về phát động nông dân tại quê ngoại của tôi cả tháng nay nhưng tôi và Tần không hề hay biết. Xã Thiên Lộc là tên mới của xã Phú Minh do đội CCRĐ vừa đặt. Đó là tên ghép của hai đảng viên đảng cộng sản Đông Dương đã bị Pháp xử tử hình ngay tại Phú Minh năm 1930. Thiên là tên một người quê ở Nghệ An, còn Lộc chính là tên người chú ruột Võ Quê thân yêu của mẹ tôi.
Phú Minh là một trong những cái nôi của Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 nên các cố vấn Trung Quốc đã rất đặc biệt chú ý. Họ đã hướng dẫn đội cải cách ruộng đất cách tìm rễ, xâu chuỗi để âm thầm phát động quần chúng. Sau này tôi mới được biết, việc đầu tiên của đội CCRĐ là giải tán các tổ chức chính quyền tại địa phương rồi họ sẽ lập ra các tổ chức của chính quyền mới nằm dưới quyền kiểm soát của đội CCRĐ. Họ sẽ không dựa vào toàn dân mà chỉ dựa vào đội ngũ cốt cán, chuỗi rễ được chọn ra từ những gia đình cố nông không có ruộng đất, càng cầu bơ cầu bất lưu manh trộm cắp càng tốt. Còn các cán bộ cũ của xã trong cuộc kháng chiến 9 năm, người thì bị bắt, người thì bị đuổi việc vì nghe nói họ đều theo quốc dân đảng phản động cả.
Và cái ngày phải đến đã đến. Một buổi tối mùa hè năm 1955, UBND xã Thiên Lộc đã long trọng tổ chức một buổi mít tinh để phát động cuộc CCRĐ long trời lở đất này. Ông chủ tịch mới của xã do đội CCRĐ vừa chỉ định đã lên đọc diễn văn. Ông này người gốc xã khác, bao năm nay dân làng không biết họ tên nên vẫn quen gọi là Chôm. Chôm theo tiếng địa phương có nghĩa là “chôm chỉa” vì hắn chuyên ăn trộm gà vịt nổi tiếng cả xã. Hắn bắt trộm gà vịt rất giỏi nhưng mồm mép tép nhảy, có bắt được quả tang hắn cũng chối bay chối biến ngay được. Thậm chí cái tên Chôm cũng đã được UB xã dùng chính thức bằng văn bản để gọi đi khám bộ đội hoặc đi dân công hỏa tuyến. Lần này lên chức chủ tịch xã, hắn được đổi tên thành Chồm. Chồm chủ tịch cha mẹ mất sớm, chỉ đi làm thuê cuốc mướn và ăn trộm gà vịt rồi cũng có một ả tên là thị Lan góa chồng ở cuối xóm Năm lấy làm chồng. Nguyên là vào một đêm trời mưa rả rích, Chôm đến ăn trộm gà nhà ả. Gã đã bắt được gà trong tay nhưng không ngờ ả còn thức chạy ra giằng được áo gã. Gã đã nhanh trí ném con gà vào bóng đêm rồi ôm chầm lấy ả. Thế rồi trong một đêm khát tình, thị Lan đã trao thân cho gã và từ đó hai người đã về sống với nhau như vợ chồng không cần cưới hỏi hôn thú gì cả. Thị Lan đẹp nhưng nghèo, đã có một đứa con trai còn chồng thị thì đã chết cách đó vài năm. Thế mà lại bỗng dưng có người đòi lấy làm vợ đã là phúc tổ bảy mươi đời rồi. Dân làng còn rỉ tai nhau, không biết cái việc Chôm được làm chủ tịch xã có phải là do thị Lan đã trổ tài “ngoại giao” với ông đội trưởng đội CCRĐ hay không nữa?
Đứng trên cái sân khấu mới dựng đầu sân vận động và trước hàng trăm người dân trong xã bị đội cải cách bắt đến dự, Chồm chủ tịch mới học xong lớp “xóa nạn mù chữ” âm a đọc mấy câu đã được ông đội trưởng viết sẵn: “Xã Thiên Lộc của chúng ta nhiệt liệt chào mừng đội CCRĐ do bác Hồ cử về để đòi lại ruộng đất cho dân cày từ tay bọn địa chủ cường hào gian ác. Trong đợt phát động quần chúng giảm tô, xã ta đã quy được một số tên địa chủ nhưng theo các cố vấn Trung Quốc thì xã ta còn bỏ sót nhiều lắm. Vậy trong đợt này, đội đề nghị bà con bần cố nông, cốt cán, chuỗi rễ hãy tìm thêm ra, tố thêm ra những tên địa chủ bóc lột gian ác mà xã ta còn bỏ sót”. Rồi Chồm chủ tịch chỉ tay lên trời hô lớn:
- Hồ chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!
- Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác!
- Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên!
- Ruộng đất phải về tay dân cày!
- Thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót!...
Các cụ già trong làng chưa quen hô khẩu hiệu nên chỉ nhìn cái mồm của Chồm chủ tịch mà than: “Thằng Chồm mà làm chủ tịch xã thì dân xã mình sẽ biến thành lưu manh tất! Không hiểu vì sao ông Võ Ký Sơn, cháu cụ Võ Liêm Sơn, bao nhiêu năm làm chủ tịch xã tốt như thế mà nay lại bị bắt? Nghe đồn ông ta đã đi theo bọn quốc dân đảng phản động gì gì đó thì phải!”
Từ hôm đó trở đi, xã Thiên Lộc bỗng tưng bừng một khí thế long trời lở đất đến khắp mọi đường làng, ngõ xóm. Đêm nào cũng đánh trống ngũ liên hết hồi này đến hồi khác. Rồi từng đoàn người lớn, trẻ con hàng trăm, hàng ngàn người kéo đi hết làng trên xóm dưới đánh trống cà rùng, mang cả thanh la não bạt và soong chảo vừa gõ cheng cheng vừa hô to các khẩu hiệu mà Chồm chủ tịch đã đọc trong buổi mít tinh chào mừng đội CCRĐ và các cố vấn Trung Quốc đã về xã Thiên Lộc của chúng tôi. Đặc biệt những hôm đầu, đêm nào cũng chiếu phim “Bạch mao nữ” của Trung Quốc không bán vé ngoài sân vận động đã làm cho khí thế căm thù địa chủ của nông dân bốc lên ngùn ngụt. Tiếp theo là bắt đầu các buổi diễn tập đấu tố trong một số nhà bần cố nông cốt cán của xã do ông đội trưởng hoặc các đội viên chủ chốt trực tiếp huấn luyện. Chỉ tiếc rằng tôi là trẻ lạ nên không được đến xem.
Đã vào hè nên học sinh các trường được nghỉ học. Chúng cứ vô tư tung tăng đi viết khẩu hiệu, treo cờ đỏ sao vàng khắp các cổng nhà dân ven đường trục chính của làng. Đêm đến chúng lại tập trung học hát hoặc xem phim “Bạch mao nữ” của Trung Quốc và các phim tài liệu về CCRĐ ở các tỉnh khác tại sân vận động của xã. Những đêm khác thì đi biểu tình cùng dân làng và đi xem các buổi diễn tập đấu tố địa chủ hoặc đấu tố thật tại các xóm do đội cải cách tổ chức cho các cốt cán chuỗi rễ. Một tuần sau khi được nghỉ hè vẫn không thấy Tần đi chăn nghé mà chỉ thấy em trai cô ấy đi chăn thay. Tôi không dám hỏi nhưng đồ rằng cô ấy đã bị ốm. Hóa ra cô ấy đã bận những việc như thế của đội thiếu niên nhi đồng của xã. Tôi không phải là thiếu niên của xã nên không được phép tham gia bất cứ một hoạt động nào cả. Đến hôm Tần đi chăn nghé trở lại, gặp tôi cô ta mừng ra mặt. Tôi lo lắng hỏi:
- Dạo này đang nghỉ hè, em ốm hay bận gì mà không đi chăn nghé?
- Bấy nay em bận đi xem các buổi diễn tập đấu tố địa chủ và các buổi đấu tố thật sự tại các xóm. Cha mẹ em là thành phần bần nông nên em đến xem ở đâu và lúc nào cũng được. Em sẽ kể cho anh nghe nhiều chuyện hay lắm.
Thế rồi Tần đã kể cho tôi nghe về các buổi diễn tập và đấu tố thật đó. Cô ấy nói: “Chú Hòa của em là cố nông vì không có ruộng nên được đội xâu chuỗi. Nhà chú em lợp tranh nhưng khá rộng nên được chọn làm một trong những nơi diễn tập. Hôm thì chú em đóng vai địa chủ để người khác lên đấu tố mình, hôm thì chú em là người đấu tố còn bác họ em hay một người khác đóng vai địa chủ. Mọi lời tố khổ địa chủ đều do cán bộ đội chỉ bảo tỉ mỉ nhưng cách nói, cách vạch mặt địa chủ như thế nào thì nhiều người phải làm đi làm lại chục lần mà vẫn còn nhầm lẫn. Các bà hay xắn váy quai cồng chửi đường chửi chợ tiếp thu và vào diễn tập rất hoàn hảo. Bà nào càng ngoa ngoắt hay xưng xưng mọc khẩu đặt điều cho người khác càng được ông đội khen ngợi. Đàn ông những người nào du thủ du thực hay kiếm chuyện chửi hàng xóm láng giềng thì khi diễn tập, ông đội rất hài lòng. Thậm chí có lần một tay say rượu lên diễn tập đấu chú em còn lỡ tay tát cả vào mặt chú Hòa chảy máu mũi nhưng ông đội cũng không nhắc nhở gì cả. Ông đội còn nói: “Ai đấu tố càng hăng thì sẽ được càng nhiều quả thực như trâu bò, lợn gà, nhà cửa, ruộng vườn, bàn ghế vật dụng trong nhà… bà con rõ chưa?”
Tần cứ thế nói tiếp: “Từ ngày đội về, cách gọi tên và xưng hô cũng khác hẳn. Có lần ông đội gọi cha em: “Võ Nhân Cung!” Cha em thưa: “Gì thế ạ?” Ông đội nói trả lời như thế là không được mà phải nói ngay: “Có tôi!” Rồi ông ấy đã giải thích: “Đây là tác phong mới do bác Hồ đào tạo từ ngày bác còn chỉ đạo vụ án bà Nguyễn Thị Năm ở Đại Từ, Thái Nguyên đấy. Bác Hồ đã dạy, nông dân ngày nay phải khôn ngoan, phải can đảm đứng lên dứt khoát đạp đổ giai cấp địa chủ phong kiến. Dù có phải nói quá lên mà có thể đánh đổ được bọn chúng, thì đều đáng được hoan nghênh”. Nhưng đấu địa chủ mà như lời ông đội nói, toàn đặt điều vu khống như thế thì ác quá! Không biết là rồi kết cục sẽ đi đến đâu, hả anh?” Tần lo lắng hỏi tôi.
Nhớ lại lời cậu Thành đã có lần dặn “Động đến cụ Hồ là phạm tội chết đó, cháu rõ không?” nên tôi đã phải lựa lời để nói cho Tần được yên lòng:
- Tần ơi, em phải tin tưởng vào bác Hồ chứ! Những gì mà bác Hồ đã dạy bảo thì chỉ có đúng thôi! Bác Hồ là cha già của dân tộc Việt Nam cơ mà. Cha già làm sao lại dạy sai được, hả em?
Nhưng cô ấy vẫn lo lắng và tiếp tục hỏi:
- Nhưng trong các buổi đấu tố địa chủ thật sự tại các xóm, nhiều lần em đã nghe ông đội khẽ nhắc “Phải dồn bọn địa chủ vào chân tường. Khi không quy kết được chúng vào tội gì nữa thì phải hét vào mặt chúng: Mày là một tên quốc dân đảng phản động ngoan cố, mày có nhận tội để được đội CCRĐ khoan hồng không? Hay là mày muốn chết, hả?” Vậy “quốc dân đảng phản động” là gì mà lại được “khoan hồng”, anh Văn có biết không?
- Cái này thì anh cũng chưa biết, để về anh hỏi lại cậu Thành của anh đã nhé! Hẹn em vài hôm nữa, anh sẽ trả lời cho em, có được không?
Tối hôm đó tôi về hỏi cậu Thành. Do cậu ấy từng có mấy năm liền làm việc tại Mặt Trận Liên Việt của huyện nên cậu đã giải thích cho tôi rành rẽ: “Quốc Dân Đảng là một tổ chức yêu nước do ông Nguyễn Thái Học lãnh đạo đã đứng lên chống Pháp bằng cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Dù đã 25 năm qua rồi nhưng nhân dân Việt Nam vẫn còn nhớ và yêu mến. Còn hai chữ “phản động” có lẽ là do đội cải cách cố tình nối thêm vào để làm một cái bẫy. Ai không chú ý tới hai chữ “phản động” đã được nối thêm vào đó, lập tức sẽ bị sập bẫy. Nghe nói đây là ý kiến chỉ đạo của đoàn cố vấn Trung Quốc và ông Hồ Viết Thắng phó ban CCRĐ từ trên trung ương xuống. Vì ở bên Trung Quốc, bọn địa chủ đều theo quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Sau năm 1949, Trung Quốc đã tiến hành CCRĐ thì cố nhiên làng nào, xã nào cũng có thể tìm ra được các địa chủ theo quốc dân đảng phản động. Còn ở Hà Tĩnh mình từ sau 1930, chỉ có đảng cộng sản chứ làm gì còn Quốc Dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học nữa. Nhưng nông dân ta phần lớn là mù chữ nên bất cứ ai là đảng viên, họ cũng đều xem là “quốc dân đảng phản động”. Cán bộ, đảng viên của Miền Bắc qua 2 năm CCRĐ đã có tới hàng vạn người bị xử bắn hoặc bị tù oan cũng vì sự chỉ đạo mập mờ này của Hồ Viết Thắng và các cố vấn Trung Quốc đó, cháu ạ!
Rồi nhờ những lời kể chân thật của Tần mà tôi đã biết được, song song với các buổi đấu tố diễn tập là các buổi đấu tố thật sự tại các xóm. Trong lúc đấu, các địa chủ của từng xóm lần lượt bị các cốt cán chuỗi rễ trắng trợn dựng đứng lên các tội mà họ không hề phạm nhằm thể hiện những điều vừa được học từ các buổi đào tạo diễn tập của các ông đội. Đồng thời qua các cuộc đấu tố đó còn nhằm tố khống thêm các địa chủ mới và những tên quốc dân đảng phản động mới. Thời gian này ở Thiên Lộc có xóm phải mất tới mươi, mười lăm ngày đêm. Với tinh thần ai vu cáo được càng nhiều tội của địa chủ thì càng được chia nhiều quả thực, nên các bần cố nông đêm nào cũng tích cực đi đấu tố địa chủ như đi trẩy hội. Chính nhờ các cuộc đấu xóm này mà xã Thiên Lộc đã phát hiện thêm được hàng chục gia đình địa chủ bóc lột và quốc dân đảng phản động còn bị lọt lưới.
4- Những cuộc đấu địa chủ kinh hoàng trên quê ngoại
Xong các vụ đấu xóm rồi đến các cuộc đấu xã và liên xã ác liệt và kinh thiên động địa mà sau này lớn lên tôi mới hiểu được rằng, có lẽ chỉ ở các nước độc tài như Đức Quốc Xã, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam DCCH…mới xẩy ra. Bởi tôi chưa từng biết có một nơi nào khác mà các cuộc xử án và bắn người đã không hề được xét xử theo tình tự của luật pháp. Đặc biệt các vụ xử tử hình đều chỉ căn cứ vào sự chỉ đạo áp đặt theo tỷ lệ phần trăm của các cố vấn Trung Quốc. Các vụ đấu xóm, đấu xã và liên xã này dù ở địa phương nào trên Miền Bắc cũng đều na ná giống vụ án xử bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên do Hồ chủ tịch trực tiếp chỉ đạo như một khuôn mẫu. Quý vị có thể tìm thấy những miêu tả chi tiết các vụ án như thế trong các tiểu thuyết đã in thành sách như “Ác Mộng” của nhà văn Ngô Ngọc Bội, “Ba người khác” của nhà văn Tô Hoài, “Ngày long trời lở đất” của nhà văn Trần Thế Nhân hay gần đây nhất là hồi ký “Đèn cù” đăng trên mạng của nhà báo Trần Đĩnh. Vì trong phạm vi của những trang viết ngắn, tôi không thể nào mô tả chi tiết các cuộc đấu tố đó được. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại một vài tình tiết đặc biệt trong cuộc đấu tố cấp xã của người cậu kính yêu, cậu Chắt Thiện của tôi mà tôi đã được trực tiếp chứng kiến mà thôi.
Mới lưng lửng chiều, mặt trời còn mấy cây sào nữa mới khuất non Hồng mà bọn trẻ con chăn trâu bò đã hối hả dong trâu bò về làng. Chúng vừa về vừa dục nhau: “Về nhanh lên để còn tìm chỗ ngồi vì có tới hàng ngàn người dự. Chiều nay mở màn vụ đấu xã tên Võ Thiện Sơn, chúng bay đã biết chưa?” Cha mẹ Tần cũng từng cấy rẽ ruộng của cậu Chắt Thiện nên sau khi nghe bọn trẻ trâu nói vậy, người Tần co rúm lại rồi vừa run vừa lau nước mắt:
- Chúng ta đừng đi anh ạ. Đến đó cũng chỉ phải nghe người ta dựng chuyện vu cáo thôi. Cả xã này ai chẳng biết cậu Chắt Thiện của anh là một người thầy giáo hiền lành như Bụt. Cậu ấy còn có bao nhiêu đóng góp cho cách mạng từ năm 1930 đến nay nữa. Chiều nay còn lâu mới hết buổi, anh hãy nán lại nói cho em biết “quốc dân đảng phản động” là gì, có được không?
- Anh phải đi vì cậu Chắt là người thân yêu của anh, Tần ạ. Còn “quốc dân đảng phản động” là gì thì cậu Thành đã giải thích cho anh rồi, để mai mốt anh sẽ nói cho em rõ, Tần nhé! Anh còn được cùng chăn trâu với em lâu mà!
Khi tôi và Tần về tới sân vân động thì cuộc đấu cậu Chắt Thiện đã bắt đầu một lúc rồi. Từ xa chúng tôi đã nghe thấy những tiếng hô dậy trời:
- Đã đảo địa chủ Võ Thiện Sơn ngoan cố!
- Hồ chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!
Những tiếng hô “đã đảo” và “muôn năm” của hàng ngàn người cứ thế kéo dài, lan xa tới cả núi Hồng Lĩnh rồi vọng lại. Cậu Chắt Thiện của tôi mới bị đôn lên địa chủ từ các cuộc đấu xóm gần đây vì nhà cậu ấy cũng nghèo. Ngoài cái nhà thờ họ Võ bề thế của cụ Bang để lại ra thì nhà cửa của cậu ấy cũng tuềnh toàng. Cậu ấy suốt đời đi dạy học đâu biết tới ruộng vườn, hai người con của cậu mợ ấy còn nhỏ và mợ Chắt lại đau yếu luôn.
Không còn kịp dắt trâu về nhà, tôi và Tần vội buộc trâu và nghé vào một bờ cây gần sân vận động rồi cả hai đứa leo lên một cây lộc vừng cạnh sân đấu để nhìn xuống vì người đông quá đứng tràn ra cả ngoài sân vận động. Sau khi đã tìm được một chỗ ngồi vững chắc trên cành chạc ba của cây lộc vừng, chúng tôi nhìn xuống sân đấu thấy cậu Chắt đang quỳ dưới đất, trông xa tưởng là một vị Phật sống đang thiền định. Xung quanh chỗ cậu ấy quỳ là một khoảng đất trống rộng hình tròn có đặt hai bộ bàn ghế, một cho ông đội trưởng và đội phó đội cải cách ngồi. Bàn còn lại giành cho Chồm chủ tịch và hai người thư ký của cuộc đấu. Cạnh chiếc bàn của Chồm chủ tịch ngồi là ba anh dân quân cầm súng chĩa thẳng vào chỗ Cậu Chắt đang quỳ. Rồi vòng quanh khoảng đất trống đó là hàng ngàn người phía trước ngồi, phía sau đứng bừng bừng khí thế. Khi chúng tôi đến thì cuộc đấu tố cậu Chắt đã diễn ra được một lúc nên lúc này đang tiếp tục. Tiếng ông đội trưởng sang sảng:
- Xin mời cốt cán Hòa ở xóm Năm lên đấu!
Tần bất ngờ thấy ông chú của mình lên đấu thì lo thót cả tim, mồm cứ lẩm bẩm “Chú ơi, thầy Chắt Thiện làm gì có tội mà chú lên đấu tố người ta?” Ông chú của Tần cứ đi như chạy tiến về phía địa chủ Chắt rồi bất ngờ ngã lăn quay ngay giữa sân đấu như đã bị vướng phải một vật gì đó. Ông Hòa đang lóp ngóp bò dậy thì bỗng nghe tiếng ông đội trưởng như bị nghẹt lại:
- Ông bị ngã đau chứ? Ông còn nhớ tối qua tôi đã dặn ông những gì không?
- Thưa ông đội trưởng! Những lời ông dặn tôi phải đấu địa chủ Chắt như thế nào thì đêm qua tôi đã học thuộc lòng. Nhưng vừa rồi do bị ngã nên tôi đã quên hết rồi, ông ạ. Vậy tôi kính xin được ông đội trưởng tha tội!
Những người đến dự buổi đấu hôm ấy buồn cười quá nhưng không dám cười thành tiếng, còn Tần thì hởi lòng hởi dạ: “Cháu rất cám ơn chú Hòa nhân hậu và khôn ngoan của cháu!”
Ông đội trưởng lại tiếp tục nói như ra lệnh:
- Xin mời cốt cán Doan ở xóm Ba lên đấu!
Một người phụ nữ tuổi sồn sồn ngoài bốn mươi lả lướt bước lên. Cốt cán Doan mặt rỗ, hai cái gò má thì cao quá mang tai, mấy cái răng cửa của ả vẩu chìa ra ngoài trông vừa thâm vừa ác. Nhưng bù lại ả biết ăn diện, dáng đi gợi tình, đôi mắt biết cười và tài ăn nói của ả thì hết chê. Vừa giáp mặt cậu Chắt, ả đã chỉ tay vào mặt cậu tôi quát lớn:
- Địa chủ Võ Thiện Sơn! Mày có biết tao là ai không, hả?
- Là bà Doan ạ! Năm 1948, bà có bế con gái hộ vợ chồng con mấy tháng ạ!
- Vậy mày có nhớ là mày đã cưỡng hiếp tao mấy lần rồi không, hả?
- Con chưa bao giờ cưỡng hiếp ai, đặc biệt với những phụ nữ nhan sắc như bà thì lại càng không. Xin bà nhớ lại cho, chắc là bà đã có sự nhầm lẫn?
- Tao không nhầm đâu. Này nhé, hè năm 1952 trong khi vợ mày đi chợ, mày đã đè tao ra giường sàm sở rồi làm cái chuyện ấy, mày còn chối nữa không?
- Năm 1952, con đang dạy học ở Thái Nguyên suốt cả năm không về nhà thì làm sao con có thể đè bà ra giường được khi ở cách bà tới hơn 4 trăm cây số? Bà cứ hỏi bà con láng giềng xem năm đó con có về nhà không?
- Ừ thì cứ cho là tao đã nhớ nhầm năm. Nhưng hè 1953 mày đã về nhà nghỉ hè rồi hiếp tao ở nhà bếp hai lần trong khi vợ mày về bên ngoại, mày còn chối được nữa không hỡi cái đồ ăn có nói không Võ Thiện Sơn kia?
- Hè năm 1953 con phải ở lại Thái Nguyên để theo dõi vụ đấu tố địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Đồng Bẩm, Đại Từ nên không được về. Vậy làm sao con lại có thể hiếp bà ở dưới bếp được. Hay là bà đã nhầm con với ông Thám ở xóm Năm, thưa bà?
- Mày đừng có lắm chuyện! Đời đàn bà của tao chỉ duy nhất một mình mày đã làm hại thôi chứ chẳng có ai vào đây cả! Còn tháng Năm 1954, mày hiếp tao trong nhà thờ cụ Bang khi mày lừa tao vào đó để lau dọn nhà thờ, nhớ chưa? Sau vụ đó về tao đã có chửa. Bây giờ mày còn chối được nữa không?
- Tháng Năm năm ngoái, 1954, con phải đi phiên dịch lấy khẩu cung của tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ đến tháng Chín mới được về nên dịp đó con không có mặt ở nhà, chắc bà lại nhầm nữa rồi!
- À thằng này khốn nạn! Vậy năm ngoái tao có chửa, thằng con của tao vừa đẻ ra đã giống hệt mày mà mày còn dám chối, hả? Bà con ơi, nó là một tên địa chủ khốn nạn định gắp lửa bỏ tay người. Con nó rành rành ra đấy mà nó còn ngoan cố không chịu nhận để định đổ thừa cho người khác, phải không?
- Thưa bà Doan, con biết ngày nay nhất đội nhì trời! Nhưng trên tất cả chúng ta vẫn còn có Đức Phật và Thánh Thần. Bà có chửa với ai không phải là việc của con, nhưng Đức Phật và Thánh Thần sẽ chứng giám cho con là con chưa bao giờ động chạm vào thân thể ngọc ngà của bà. Vậy đứa con đó hoàn toàn không phải là của con. Nếu con nói sai, xin Đức Phật và Thánh Thần hãy trị tội con! Nam Mô A Di Đà Phật!
- Đã đảo địa chủ cường hào gian ác Võ Thiện Sơn ngoan cố! Kiên quyết bắt nó phải nhận là cha đẻ của con trai cốt cán Doan!
Chồm chủ tịch liền đứng dậy hô lớn và hàng ngàn tiếng hô “Đã đảo! Đã đảo! Đã Đảo!”, “Kiên quyết! Kiên quyết! Kiên quyết!” cứ thế vang xa mãi.
Trong khi hàng ngàn người đang bận hô khẩu hiệu thì Tần tranh thủ nói qua về cốt cán Doan cho tôi nghe. Cốt cán Doan chuyên đi bế trẻ thuê, đã có một đời chồng và một đứa con gái nhưng năm 1951 chồng ả say rượu rồi cảm chết. Tưởng mẹ góa con côi thì khổ nhưng ả có tài cưa trai để kiếm cái này cái nọ. Ba năm nay, ả đi lại với ông Thám ở xóm Năm. Ông này thọt chân bị vợ bỏ nhưng làm nghề thợ rèn nên kiếm được khá tiền. Cũng phải xài tiền của ông Thám thoải mái vài năm rồi ả mới có chửa. Được đứa con trai, ông Thám mừng lắm nhưng ả kiên quyết không nhận ông Thám là cha đẻ của con ả mà đi đâu ả cũng rêu rao đó là con của cậu Chắt. Vì ả mê cậu Chắt như điếu đổ từ lâu rồi. Ả mê cậu Chắt bởi cậu là người hiền lành, đẹp trai lại có học nhất xã. Vì thế, ông đội trưởng đã dùng ả để quyết đánh gục cậu Chắt, bởi đàn ông ai bị tố cáo chuyện mình đi hiếp dâm thì sẽ xấu hổ không dám cãi lại. Nào ngờ, cậu Chắt là người đã ngộ Phật nên cậu đã bình tĩnh vạch được bộ mặt gian trá của ả Doan. Quá bất ngờ, ông đội trưởng lại phải dùng tới con bài khác.
Tiếng ông đội trưởng lại vang lên:
- Xin mời cốt cán Được lên đấu!
Cốt cán Được vốn là thợ cày của nhà cậu Chắt, tính hiền lành, cha mẹ mất sớm nên cậu mợ Chắt đã đứng ra cưới vợ làm nhà cho Được ở ngay phía sau nhà cậu. Ông đội trưởng liền chọn Được làm cốt cán và giao nhiệm vụ cho Được “ngày đêm phải theo dõi địa chủ Chắt và các khách khứa đến thăm vì nó là một tên trùm phản động nguy hiểm”. Lúc đầu, Được không dám nhận lời, nhưng ông đội nói: “Hoặc là anh giúp đội, đội sẽ chia cho anh nhiều quả thực, hoặc là anh từ chối thì anh sẽ bị đi tù cùng với địa chủ Chắt”. Vì sợ ông đội trưởng bắt đi tù nên Được đã nhận lời theo dõi cậu Chắt.
- Địa chủ Chắt! Mà..à..y có biết ta…o…o là ai không?
- Dạ, con biết ông là ông Được, một người thợ cày hiền lành ạ!
- Mày có nhận rằng, hễ có ai đến chơi nhà, mày lại đưa chuyện địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên bị bác Hồ xử bắn oan ra kể không?
- Không! Con chỉ nói vụ án địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên là do Hồ chủ tịch trực chỉ đạo thôi ạ!
- Mày nói như thế là đã xúc phạm đến bác Hồ rồi, mày có nhận không?
- Con chỉ nói cái sự thật mà con biết thôi chứ không dám xúc phạm ai cả ạ!
Ông đội trưởng hơi thất vọng bởi cốt cán Được đã gần như quên hết những lời ông đã dạy trong buổi đấu tố diễn tập, nên ông đã quyết định phải dùng tới con bài cực độc của mình. Sau khi đã trấn tĩnh, ông đội lại dõng dạc gọi:
- Mời cốt cán Chồm lên đấu!
- Có tôi! Tôi sẽ cho địa chủ Chắt biết thế nào là lễ độ ạ!
Tần rỉ vào tai tôi, Chồm chủ tịch ngày xưa đã có lần bắt trộm cả chuồng gà nhà cậu Chắt đang vỗ béo để ăn Tết. Chẳng may bị người nhà cậu Chắt bắt được nên hắn đã bị dẫn ra trụ sở UB xã. Tại đó hắn đã bị ông Võ Ký Sơn lúc đó đang làm chủ tịch xã trói lại rồi cho người giải đi vòng quanh khắp làng để nhắc nhở bà con cảnh giác với hắn. Biết đây là thời cơ để trả mối thù đó cho nên hắn đã nhận lời với ông đội trưởng sẽ quyết đấu địa chủ Chắt đến cùng. Đứng sát trước mặt cậu Chắt của tôi, cốt cán Chồm hét lớn:
- Địa chủ Võ Thiện Sơn! Mày có biết tao là ai không?
- Dạ thưa, ông là Chồm chủ tịch của xã ta ạ!
- Tốt! Tao nghe nói năm 1930, mày đã đưa bọn quốc dân đảng phản động về xã ta lập ra làng Xô Viết Nghệ Tĩnh để giày xéo quê hương mình, đúng không? Mày có nhận tội để được hưởng khoan hồng không, hả?
- Không đúng! Ngày đó tôi đã đưa các đảng viên đảng cộng sản Đông Dương về xã để lập ra làng Xô Viết Nghệ Tĩnh chứ không phải quốc dân đảng phản động đâu ạ!
- Câm ngay mồm! Đảng cộng sản Đông Dương chính là quốc dân đảng phản động mà mày còn cãi à? Nước ta chỉ có duy nhất một đảng là đảng lao động Việt Nam chứ làm gì có đảng cộng sản Đông Dương, hả? Rồi năm 1945, mày lại đưa bọn quốc dân đảng phản động về xã ta để dựng ra cái chính quyền thối nát này và mày đã giao cho thằng em Võ Ký Sơn của mày làm chủ tịch. Chính tên Võ Ký Sơn đã bắt dân xã ta phải đóng thuế nông nghiệp quá cao, có gia đình phải bán cả nhà đi mới đủ tiền để đóng thuế. Tên Võ Ký Sơn còn bắt dân xã ta phải đi bộ đội, đi dân công hỏa tuyến làm bao bà mẹ phải mất con, bao người vợ phải mất chồng, mày còn dám cãi nữa không?
- Thưa ông, ngày đó tôi theo Việt Minh. Tôi đã đưa Việt Minh về lập ra chính quyền này chứ không phải là bọn quốc dân đảng phản động lập đâu ạ!
- Mày còn dám cãi cùn hả? Chính Việt Minh là bọn quốc dân đảng phản động đấy! Chỉ có bọn quốc dân đảng phản động như Việt Minh mới bắt dân làng đóng thuế nông nghiệp cắt cổ như thế! Chỉ có bọn quốc dân đảng phản động Việt Minh mới bày trò tặng bằng liệt sỹ cho các gia đình mất chồng mất con. Mạng người mà chúng bay chỉ đổi cho họ bởi một mảnh giấy mỏng như thế thôi sao? Trả lời đi hỡi tên quốc dân đảng phản động Võ Thiện Sơn!
- Thưa ông, đó là do sự lãnh đạo của Hồ chủ tịch từ trung ương chứ không phải do chủ tịch Võ Ký Sơn tự ý bày ra đâu ạ! Kính mong ông suy xét lại!
- Câm cái mồm thối của mày lại ngay! Lại Hồ chủ tịch! Cái gì mày cũng đổ lỗi cho Hồ chủ tịch, thuế nông nghiệp cắt cổ cũng do Hồ chủ tịch, giết con Năm ở Thái Nguyên cũng do Hồ chủ tịch… Mày là thằng quốc dân đảng phản động hết thuốc chữa rồi. Tôi khẩn thiết đề nghị ông đội trưởng và các đồng chí cố vấn Trung Quốc hãy xử tử hình tên Võ Thiện Sơn ngoan cố này!
- Tôi vô tội! Tôi vô tội! Cứu tôi với bà con ơi!
- Cứu này! Cứu này! Chồm chủ tịch vừa nói vừa đấm một cái trời giáng vào mặt cậu Chắt làm cho cậu ấy gẫy mất mấy cái răng, hộc cả máu mồm, máu mũi và từ từ ngã gục xuống. Rồi bỗng ai đó đã buột mồm hô lớn:
- Chồm chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm! Chồm đứng thẳng lên ngửng cao đầu hãnh nhìn hàng ngàn người dân trong xã đang tung hô mình.
Thấy cậu Chắt bị đánh trọng thương, Tần sợ quá ôm chặt lấy tôi khóc nấc lên, bảo tôi dìu cô ấy xuống gốc cây rồi ngất đi. Tôi chật vật lắm mới đưa được cô ấy lên nằm trên lưng trâu, rồi tôi đã dắt cả trâu lẫn nghé về tận nhà ông Cung. Mẹ của Tần vừa khóc vừa bế cô ấy từ trên lưng trâu xuống rồi nhìn tôi âu yếm như đang thầm cám ơn tôi.
Còn nhiều cuộc đấu xã kinh hoàng như thế ngày nối đêm được diễn ra trên sân vận động của xã đối với các cậu của tôi như cậu Cháu Dị, cậu Trì, cậu Chu, cậu Huấn vừa mới bị đôn lên địa chủ trong đợt vừa rồi và nhiều địa chủ khác nữa. Nhưng Tần nhất định không đi dự các cuộc đấu xã nữa vì theo cô ấy “Dựng ngược lên vu cáo người ta như thế mà cũng có tới hàng ngàn người hưởng ứng thì không thể nào chấp nhận được!” Cô ấy vừa nói vừa khóc. Lúc đó tôi đã muốn giải thích cho Tần hiểu được rằng, chỉ có một số ít người vì tham lam quả thực hoặc chức này tước nọ mới ủng hộ các cuộc đấu tố vô nhân đạo đó chứ không phải hàng ngàn người dân trong xã ta đâu! Nhưng đứng trước một cô bé vô tư và trong sáng như Tần thì mọi lời giải thích đều vô nghĩa vì trái tim nhân ái của cô ấy đã bị rỉ máu mất rồi!
Và một điều bất ngờ ngoài dự đoán đã ập đến. Sau khi cậu Chắt Thiện và các cậu khác của tôi bị đấu xã thì cậu Thành của tôi cũng bị bắt và đưa ra đấu xã vì cậu ấy đã bị quy là địa chủ phản động mặc dù nhà cậu ấy cũng nghèo và ít ruộng. Mấy hôm sau nữa đi chăn trâu thì tôi mới gặp lại Tần, nhưng Tần chỉ chơi với lũ trẻ chăn trâu con nông dân chứ không đến chuyện trò với tôi như trước nữa. Tôi nghĩ chắc do cậu Thành đã bị quy là địa chủ phản động nên ông bà Cung sợ bị liên lụy đã không cho Tần chơi với tôi nữa. Khoảng gần trưa, bỗng một thằng bé chăn bò con nhà nông dân hô lên:
- Hãy đánh chết thằng Văn con cháu nhà tên địa chủ Thành đi bay ơi!
Thằng đó vừa dứt lời thì có bốn đứa khác xấn lại đánh vào đầu tôi túi bụi. Tôi chưa kịp trở tay thì chính cái thằng hô đòi đánh tôi đó đã xô tôi ngã xuống một cái vực khá rộng và sâu cạnh đường cái. Tôi bị choáng nên không bơi được nữa và đã bắt đầu uống nước thì một cành cây khô được ném xuống và thấy Tần cũng nhảy xuống ôm lấy cành cây bơi nhanh về phía tôi. Rồi Tần bám vào cành cây dìu tôi vào bờ. Vừa trèo lên được trên bờ, Tần nói khẽ vào tai tôi: “Anh hãy dong trâu về nhà thay quần áo ngay đi!” Tôi nhìn thấy Tần cũng ướt như chuột lột mà sao cô ấy chỉ lo cho mình tôi? Tôi vừa dong trâu về nhà vừa băn khoăn không hiểu vì sao Tần đã liều mạng để cứu tôi? Và cái ơn cứu mạng này biết đến bao giờ tôi mới trả được cho em?
Tôi về đến nhà thì đã xế trưa. Sau khi thay quần áo và ăn trưa xong thì bỗng thấy hàng chục người hùng hổ tiến vào sân có cả hai dân quân mang súng. Một người mặc quần áo đại cán, đội mũ cát quát lớn:
- Cô Thành là ai ra đây ngay! Chúng tôi nhân danh đội CCRĐ hôm nay sẽ tịch thu tài sản của địa chủ Thành phản động. Cô hãy trao cho bà con toàn bộ chìa khóa nhà và các loại chìa khóa hòm tủ mau lên!
Lú đó mợ tôi mới nói như van xin:
- Ông đội ơi, nhà tôi nghèo mong ông đội tha cho vợ chồng tôi!
Mợ tôi chưa dứt lời nói thì họ đã khênh hết bàn ghế, giường tủ ra sân rồi. Một mụ tầm tuổi mợ tôi đã giằng chiếc chìa khóa buồng từ tay mợ tôi và kéo mấy người nữa vào trong buồng khênh ra mấy cái hòm cũ đựng quần áo và các thứ linh tinh khác mặc cho mợ tôi đang ngồi bệt xuống sân khóc thảm thiết. Chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, toàn bộ ngôi nhà đã trống không kể cả thóc gạo khoai sắn họ cũng đã lấy sạch. Ông đội còn tuyên bố:
- Ngôi nhà này và con trâu kia đã có chủ! Cô phải có trách nhiệm giữ gìn cẩn thận! Vài hôm nữa người chủ mới của ngôi nhà và con trâu sẽ đến. Nếu có gì sơ suất thì địa chủ Thành sẽ phạm tội chết, cô rõ chưa?
Như một cơn lốc xoáy, đoàn người đã mang vác hết mọi thứ đi ra đường cái rồi đi về đâu tôi không rõ, mặc cho mợ tôi khóc gào hết cả nước mắt:
- Rồi mợ cháu mình lấy gì mà ăn Văn ơi? Biết lấy gì để nuôi cậu trong trại giam cháu ơi! Kiếp trước chúng con đã phạm tội gì mà trời đã phạt vợ chồng con như thế, trời ơi!
Thấy mợ tôi mệt quá, tôi vội quét nhà, trải manh chiếu rách xuống nền nhà cho mợ tôi nằm tạm rồi tôi thấy mợ tôi cứ thế nằm thiếp đi. Tôi đi tìm lọ dầu để bôi cho mợ nhưng lọ dầu khuynh diệp người ta cũng đã lấy đi rồi!
Tối hôm đó, tôi mò ra phía sau vườn đào củ dong riềng để luộc ăn tối cho đỡ đói. Đào cả tiếng đồng hồ mới được nửa rổ khoai, tôi mang xuống hồ rửa sạch cạo vỏ ngoài rồi luộc lên thơm phức. Lúc đó đã khuya lắm, hai mợ cháu tôi đang ngồi ăn dong riềng luộc thì nghe như có ai đó ngoài cổng. Tôi chạy ra thì thấy dì Quý dúi qua cổng vài cân gạo rồi đi ngay không nói với tôi một lời nào. Tôi biết là dì dượng Quý của tôi cũng đang bị theo dõi. Vì mặc dù là thành phần bần nông nhưng cũng có thể trở thành một tên “quốc dân đảng phản động” bất cứ lúc nào nếu có người tố cáo và ông đội muốn.
Sáng hôm sau rồi hôm sau nữa tôi không dám dong trâu lên đồng cỏ ven núi Hồng Lĩnh nữa vì sợ sẽ bị bọn con nông dân lại đánh mà chỉ dong trâu ăn lòng vòng ở khu ruộng hoang gần làng. Nhưng ngày nào tôi cũng mong được gặp Tần để cám ơn về cái hôm được Tần cứu mạng ấy. Hôm đó trời đã về chiều, tôi đang đói nên nằm trên lưng trâu ngủ thiếp đi. Bỗng có ai đó cầm chân tôi gọi khẽ: “Anh Văn, em bảo cái này!” Tôi choàng tỉnh dậy thì đã thấy Tần đứng ngay bên cạnh. Tôi nhảy xuống rồi hai đứa cùng ngồi bệt xuống bãi cỏ. Tần vừa mở một gói gì đó ra vừa nói:
- Anh đói lắm phải không? Ăn đi này! Em mang oản chùa Hương Tích về cho anh đây. Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan và là ngày xóa tội vong nhân mà anh không nhớ nữa sao? Anh quên lời hẹn cùng đi thăm chùa Hương Tích với em rồi à? Em đi cùng mẹ nhưng đã cố đi nhanh về trước để mong gặp được anh đấy. Tần chưa nói dứt lời thì đã đầm đìa nước mắt.
Tần đang vừa lau nước mắt vừa nhìn tôi ăn oản thì bỗng nghe một tiếng kêu thất thanh cùng những tiếng roi vun vút đập vào lưng Tần:
- Cái con ranh này! Cha mẹ đã dặn con không được trò chuyện với cái thằng con địa chủ ấy nữa mà con dám cãi lời cha mẹ hả? Đi về nhà ngay! Chuyện này ông đội mà biết được thì bố con sẽ thành “quốc dân đảng phản động” đi tù mọt gông, con có biết không? Bà Cung vừa réo vừa cầm tay Tần lôi đi.
- Mẹ ơi, mẹ buông tay con ra! Anh Văn đang là trẻ con mà mẹ!
- Trẻ con gì! Chính vì phát hiện ra nó là con trai của một đại địa chủ ở Đức Lâm mà chú Thành con mới bị quy là địa chủ phản động đó con ạ! Nó là một thằng hủi, con hãy tránh xa nó ra nếu không muốn cha con cũng phải đi tù, rõ chưa? Mẹ của Tần vừa la vừa đánh roi vun vút vào người Tần làm tim tôi như bị thắt lại. Tần là con gái lớn nên được ông bà Cung cưng chiều lắm. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, Tần đã bị mẹ trừng phạt nặng đến thế.
Cứ thế, Tần vừa bị đánh roi vừa bị lôi đi không còn dám quay đầu lại nhìn tôi nữa. Và những tiếng kêu thất thanh “Mẹ ơi, mẹ buông tay con ra!” cứ xa dần, xa dần…rồi mãi mãi đã chôn sâu vào trong ký ức tuổi thơ của tôi.
Vì sợ liên lụy tới cha mẹ Tần, nên ngay đêm đó, Rằm tháng Bảy năm Ất Mùi ấy, tôi đã xin mợ Thành cho tôi được một mình quay trở về Đức Lâm. Dưới ánh trăng sáng, tôi đã đi bộ suốt đêm qua ba cái cầu bắc qua ba con sông rộng. Qua cầu nhìn xuống lòng sông tôi chỉ thấy bóng trăng nơi đáy nước chứ không thấy một con ma nào cả. Về đến nhà gặp lại thằng em trai út 3 tuổi, tôi vẫn còn một cái oản chùa Hương của Tần cho để làm quà tặng em trai nữa. Và từ đó, do bận về CCRĐ bên quê nội nên tôi không còn hay biết gì về những điều đã xẩy ra sau đó bên quê ngoại Phú Minh của tôi nữa.
Mười ba năm sau, Tần cũng lại bị trừng phạt một lần nữa nhưng có lẽ đó là lần bị trừng phạt cuối cùng của cuộc đời cô! Nghe nói hôm trước, tiểu đội TNXP của Tần đã bị một thiếu sót nhỏ nào đó, nên chiều 24/7/1968, tiểu đội của cô đã bị trừng phạt, bị bắt phải ra san đường sớm hơn một giờ đồng hồ trước khi mặt trời lặn như mọi ngày. Lo lắng cho sự an toàn về tính mạng của đồng đội, Tần đã xin được ra mặt đường muộn hơn một tiếng nhưng ông đại đội trưởng chỉ nghĩ tới thành tích “san đường bất chấp lửa đạn” của đại đội TNXP của mình, nên đã không đồng ý! Và các cô ấy đã phải ra mặt đường vào lúc còn mặt trời nên đã bị máy bay của Mỹ phát hiện.
Và thời điểm 5h15 chiều ngày 24/7/1968 oan nghiệt ấy đã cướp đi mười cô gái chưa chồng tại Ngã Ba Đồng Lộc trong đó có Võ Thị Tần, một người bạn tuổi thần tiên yêu dấu của tôi (*). Những tượng đài, tháp chuông, bia mộ lộng lẫy nơi khu tưởng niệm Ngã Ba Đồng Lộc chỉ để giành cho những kẻ cơ hội chạy chức chạy quyền thôi! Còn đối với Tần và các đồng đội của cô ấy bây giờ đây tất cả đều đã trở thành hư không. Lúc đang sống, Tần luôn muốn được lên thăm chùa Hương Tích nên tôi chỉ có một mơ ước, là một ngày nào đó tôi sẽ được rước mười vong của các cô gái Ngã Ba Đồng Lộc về vãng sanh nơi cõi Phật tại chùa Hương Tích trên quê ngoại Thiên Lộc mến yêu của tôi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Hà Nội, Hè 2015
No comments:
Post a Comment