Sunday, November 1, 2015

Thu hồi đất để thực hiện dự án

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA-2015-11-01  
Thu hồi đất để thực hiện dự án
Thu hồi đất để thực hiện dự án Hình ảnh Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh tại Đan Viện Thiên An, ảnh chụp ngày 11 tháng 6 năm 2010 -Courtesy Ban Truyền Thông TGP Huế
Thu hồi đất để thực hiện dự án là một hoạt động mà cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh/thành Việt Nam tiến hành lâu nay. Hiện một vụ việc tương tự đang xảy ra tại Huế là đất thuộc Đan Viện Thiên An được nhiều người biết đến.
Đan viện Thiên An nơi được nhiều giáo dân viếng thăm
Căng thẳng mới nhất tại khu đồi Thiên An xảy ra vào ngày 8 tháng 10, khi một lực lượng chức năng đông đúc đến ngăn chặn không cho người của Đan Viện lợp mái Đền Đức Mẹ từng tồn tại lâu nay trong khu đất do Đan Viện này quản lý.
Tu sĩ Trần Minh Vận, 80 tuổi người từng tu tại Đan Viện Thiên An từ năm 1952 đến nay cho biết lại sự việc:
“Có mấy anh thợ trẻ đến lợp mái trên Đồi Đức Mẹ vì có những lần linh mục và giáo dân đến làm lễ thị bị nước mưa; nên chúng tôi lợp mấy tấm tôn để linh mục làm lễ và ca đoàn hát cho được thôi. Nhưng xảy ra xô xát dữ lắm, khoảng chừng 100 người (phía họ).”
Đối với nhiều người ở Huế, dù là người Công giáo hay ngoài Công giáo, đều biết đến khu đồi Thiên An với Đan viện Công giáo trên đỉnh đồi. Nhiều người đến thăm vì không khí tĩnh lặng của Đan Viện cũng như cảnh rừng thông, vườn cam, ao hồ trong lành tại đó. Trước năm 1975, cơ sở tôn giáo này quản lý đến 107 héc ta; tuy nhiên sau năm 1975 Đan Viện cho biết phần lớn đất đai được cơ quan chức năng mượn nhưng đến nay vẫn không trả mà còn mỗi ngày muốn hạn chế khu vực mà Đan Viện sử dụng bấy lâu nay.
Dự án thất bại và dự án phác thảo
Một phần đất của Đan Viện bị lấy để làm dự án du lịch Hồ Thủy Tiên với kinh phí đầu tư hơn 70 tỷ đồng và bắt đầu hoạt động từ năm 2004. Tuy nhiên dự án tiền tỷ đó trở thành một khu hoang phế vì không thu hút được khách đến vui chơi. Trong khi ấy nhiều giáo dân và cả những người không phải Công Giáo thường lên đến Đan Viện và đồi thông để vãn cảnh.
Tạp chí Tiếng Sông Hương vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái có bài viết nêu rõ tình trạng hoang phế của khu du lịch Thủy Tiên, xin trích nguyên văn một đoạn trong bài viết này “Lối vào khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên cỏ mọc kín, chỉ có 1 người bảo vệ vừa bán vè, vừa làm nhiệm vụ đóng mở cổng. Càng đi sâu vào bên trong khu du lịch càng hoang tàn và xuống cấp nghiêm trọng…
Một viên chức thuộc phòng kế hoạch- đầu tư của Sở Văn Hóa- Thể Thao- Du lịch thừa nhận về sự thất bại của dự án như sau:
“Dự án Hồ Thủy Tiên hiện nay đang giao cho Công ty Du Lịch Cố Đô Huế quản lý và khai thác các dịch vụ tại đó. Cơ bản dịch vụ tại đó cũng chưa được đa dạng nên khách cũng ít.”
Từ xưa đến nay có 107 héc ta đất thuộc Đan viện. Chúng tôi không cúng, dâng gì cả; chỉ có trường quân sự họ xin thì Cha Bề trên có ký giấy nhượng cho họ trường quân sự và có trạm xá nữa.
-Tu sĩ Trần Minh Vận
Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế loan tin vào tháng 11 năm ngoái Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch Hồ Thủy Tiên với diện tích trên 63 hecta.
Trong khi ấy thị viên chức phòng kế hoạch- đầu tư của Sở Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế còn cho biết có một dự án khác được qui hoạch tại khu vực đồi Thiên An:
“Đồi Thiên An hiện nay trong quy hoạch du lịch của tỉnh dự kiến biến đồi Thiên An thành một khu trung tâm hội nghị quốc tế. Còn lại khai thác các dịch vụ du lịch chung quanh đó.”
Đất đai bị mượn không trả và khiếu kiện
Tu sĩ Trần Minh Vận trình bày lại việc đất đai của Đan viện bị mượn thế nào từ sau năm 1975 và quá trình khiếu kiện của dòng tu này đến các cơ quan trung ương:
“Từ xưa đến nay có 107 héc ta đất thuộc Đan viện. Chúng tôi không cúng, dâng gì cả; chỉ có trường quân sự họ xin thì Cha Bề trên có ký giấy nhượng cho họ trường quân sự và có trạm xá nữa. Họ lấy lâm trường, hồ Thủy Tiên, còn chúng tôi không nhường, không bán, không cho ai cả; vì đời sống của chúng tôi là chiêm nghiệm, phải giữ một môi trường thinh lặng để cầu nguyện.
Ra ngoài trung ương thì họ nói về Huế để tỉnh ra nghị quyết cho mình được sử dụng bao nhiêu; chứ họ không giải quyết ngoài đó được.”
Vụ việc đất đai của Đan Viện Thiên An không phải đến nay mới ‘nóng’ mà đã từng căng thẳng nhiều năm trước. Linh mục Nguyễn Hữu Giải từng có thư hiệp thông với vụ việc Đan Viện Thiên An nói về việc khiếu kiện về đất đai, cơ sở của dòng tu Thiên An cũng như một số vụ việc khác tại Việt Nam:
“Tôi được biết Tòa Giám mục cũng như các cha có trách nhiệm đã gặp gỡ nhà nước cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc chỗ ngày, chỗ kia rất nhiều; hoặc bên hành chánh cũng như bên cơ quan an ninh- tất cả. Rồi cũng góp ý làm sao để tôn trọng. Nhưng tôi thấy khi ý đồ của người ta đã có rồi thì gặp cho vui; chứ đối thoại như với người điếc mà! Vẫn lên tiếng… nhưng không kết quả đâu.
Chúng tôi nhớ lại ở Hà Nội, vụ Tòa Khâm Sứ rồi Thái Hà. Lên tiếng biết bao nhiêu giữa thủ đô Hà Nội- ‘ban ngày, ban mặt; thế mạ họ vẫn biến nhà Khâm sứ, bao nhiêu đất đai, nhà cửa của giáo xứ Thái Hà, của các cha Dòng Chúa Cứu Thế trở thành công viên, việc này- việc kia…
Nhà nước này không kể gì; nhất là vừa rồi họ thành công trong ngoại giao chỗ này, chỗ kia nữa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn qua được Hoa Kỳ, vào ngồi trong Phòng Bầu dục nên họ ‘lên mặt, lên mũi’ ghê lắm. Họ có kể dân là gì đâu. Dân càng ngày càng bị áp bức; họ chỉ lo cho họ thôi, lo cho đảng, cho cán bộ thôi! Còn dân rất khổ, đau khổ lắm. Thậm chí như vùng chúng tôi ở, vùng biển này, dân nghèo đua nhau qua Lào làm ăn; không phải người trung niên mà thanh niên nam, nữ phải sang Lào làm ăn vì ở Việt Nam không có chỗ để làm ăn. Quá khổ!”
Lâu nay tại Việt Nam, không chỉ đất đai, cơ sở của các tôn giáo mà đất nông nghiệp của dân cũng bị thu hồi để giao cho tư nhân triển khai dự án kinh tế. Việc làm này bị người dân phản đối và khiếu kiện khi chưa có sự thỏa thuận và bồi thường thỏa đáng giữa đôi biên theo như luật định. Tuy nhiên người dân vẫn bị mất đất khi đơn thư khiếu kiện mà họ cho là đúng qui định của luật phát Việt Nam vẫn không được giải quyết. Thực tế dẫn đến việc rất nhiều người cho rằng bị oan ức tiếp tục đến các cơ quan trung ương đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi luật pháp phải được thự thi, chứ không thể để tình trạng địa phương lập ra dự án lấy những mảnh đất vàng như đồi Thiên An tại Huế để trục lợi- tư túi,  chứ hoàn toàn không phải vì lợi ích chung.

No comments:

Post a Comment