Sunday, November 1, 2015

Hướng về những thương phế binh bị lãng quên

Poster quảng cáo cho Đại nhạc hội Tri Ân Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại thành phố Sydney, Australia.
Poster quảng cáo cho Đại nhạc hội Tri Ân Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại thành phố Sydney, Australia.
Nếu có những người thương binh liệt sĩ bị lãng quên và thậm chí còn bị gạt ra bên lề xã hội thì đó chính là những cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ miền Nam Việt Nam trước sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

40 năm sau cuộc chiến Việt Nam, hai nước cựu thù Việt-Mỹ đã giao hảo thân thiết và hàn gắn mọi vết thương chiến tranh, nhưng những người thương phế binh nghèo khó của quân lực miền Nam vẫn hằng ngày phải ‘chiến đấu’ để sống còn trên chính quê hương xứ sở của mình vì sự phân biệt đối xử từ chế độ cầm quyền của ‘bên thắng cuộc.’  
Đó cũng là lý do của chương trình Đại nhạc hội Tri ân của cộng đồng người Việt ở Sydney (Úc) trong hai ngày 18/12 và 19/12 tại Whitlam Leisure Center, Liverpool, nhằm gây quỹ hỗ trợ các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa còn kẹt lại trong nước.
Sự kiện quy tụ sự góp mặt của các ca nhạc sĩ tên tuổi ở hải ngoại trong đó có một số người đến từ Mỹ, nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là sự góp sức của các bạn trẻ gốc Việt sinh ra sau cuộc chiến và lớn lên tại hải ngoại.

Trà Mi có dịp trò chuyện với 3 người trong số đó và thật ngạc nhiên khi biết rằng đây không phải là chương trình đầu tiên mà họ tham gia. Trong suốt 4 năm qua, những người trẻ này đã âm thầm tự đứng ra tổ chức các buổi ca nhạc từ thiện như thế này đều đặn 3-4 lần/ mỗi năm, cống hiến thời gian, công sức, và lời ca tiếng hát của mình để quyên quỹ giúp đỡ những cựu chiến binh bị bỏ rơi tại Việt Nam.
Trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, Trà Mi mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ ca-nhạc sĩ Lê Đá, ca sĩ Quỳnh Xuân, và Minh Thư, một thiện nguyện viên rất tích cực trong các chương trình gây quỹ này.   
Quỳnh Xuân: Mỗi lần giúp cho chương trình vì thương phế binh như thế này, em cảm thấy mình được đóng góp được điều gì đó rất có ý nghĩa. Em sẵn sàng.
Trà Mi: Chị Xuân góp mặt trong các chương trình này được bao lâu rồi?

Quỳnh Xuân: Gần 4 năm.
Trà Mi: Chị Minh Thư tìm hiểu về những khó khăn của các thương binh còn ở Việt Nam qua gia đình, bạn bè, hay qua truyền thông xã hội?

Minh Thư: Em xuất thân từ một gia đình Việt Nam Cộng hòa. Em lớn lên ở nước ngoài, có cơ hội học hiểu thêm về Việt Nam thời quá khứ. Em hiểu thêm về hoàn cảnh khó khăn của những thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, một thành phần bị gạt qua bên lề xã hội Việt Nam sau 1975. Em cảm thấy có trách nhiệm phải giúp họ, nên muốn góp một tay trong Đại nhạc hội Tri ân Úc Châu để an ủi các bác, tiếp nối bước ba em và các chú bác trong Hội Cựu Quân nhân đứng lên nhận lãnh trách nhiệm mà các vị giao phó. Thứ ba, trên quan điểm con người không ai nên bị phân biệt mà nước Úc đã dạy cho em. Là thế hệ thứ hai, em cũng như các bạn trẻ tham dự, cảm nhận được sự khổ tâm của các chú bác trong Hội Cựu Quân nhân hay Hội Thương phế binh. Họ rất ưu tư khi thấy đồng đội vẫn còn khổ sở, vất vả tại quê nhà. Từ đó, chúng em tình nguyện tham gia giúp các chú, các bác. Qua Úc từ 1990, em chưa bao giờ về Việt Nam nhưng từ các trang mạng xã hội, từ các chú bác trong gia đình, em hiểu được sự khốn khổ của các thương phế binh ở Việt Nam.
Trà Mi: Làm thế nào để nhân rộng nghĩa cử cao đẹp này, để thế hệ trẻ Việt Nam khắp nơi nhìn về nguồn cội, nhìn về những người có hoàn cảnh khốn khó trong sự chia sẻ?
Quỳnh Xuân: Muốn kêu gọi mọi người thì mình phải dấn thân làm một ví dụ trước. Em chưa bao giờ được về Việt Nam tận mắt chứng kiến những khổ cực của những người thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, coi qua những video clip, em đã rơi lệ, cảm thấy rất đau lòng. Bản thân em sẽ cố gắng kêu gọi các anh chị em trẻ ở đây đóng góp giúp đỡ phần nào cho các chú.
Minh Thư: Em cũng xin thêm rằng các bác, các chú xuất thân từ gia đình Việt Nam Cộng hòa cũng nên chia sẻ với con cái vì muốn giới trẻ bên ngoài tham dự hoặc giúp đỡ các công việc như thế này thì ít nhất con của mình cũng phải dấn thân. Em muốn nhờ các bác kêu gọi con cái mình giúp một bàn tay, từ đó mới lan truyền rộng rãi ra giới trẻ.
Lê Đá: Trong phạm vi các buổi văn nghệ chúng tôi tổ chức mỗi 3 tháng một lần gây quỹ cho thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, giới trẻ tham dự rất ít. Một số bạn trẻ thích ca hát thì tham gia vào thôi, chứ giới trẻ quan tâm và đi nghe chương trình này thì rất ít.  Cơ hội để chúng tôi quảng bá chương trình này ra cho giới trẻ hiểu biết cũng không nhiều.
Trà Mi: Với những oán trách rằng thương phế binh Việt Nam Cộng hòa bị bạc đãi, bị gạt ra bên lề xã hội, có người cho đó là hậu quả phải nhận lãnh vì anh là bên ‘thua cuộc’. Các anh chị nghĩ thế nào?
Lê Đá: Với chủ thuyết của người cộng sản, họ không có lương tâm. Nhìn lại cuộc chiến giữa Bắc và Nam Mỹ, phía Bắc cũng thắng cuộc, nhưng họ cư xử rất đàng hoàng. Họ không trả thù những người ‘thua trận’ như vậy. Chỉ có người cộng sản Việt Nam đối với chính dân tộc của họ như vậy mà thôi. Họ khuyến khích tuổi trẻ Việt Nam như vậy thì làm sao có tình thương dành cho các anh thương phế binh. Sau 40 năm tàn cuộc chiến, lẽ ra tàn cuộc chiến để xây dựng lại tình người. Nhưng ở đây, tàn cuộc chiến rồi dân tộc lại càng lầm than vì một chế độ cộng sản bạo tàn, hận thù gieo rắc. Cho nên, các anh thương phế binh sống lây lất, âm thầm đau khổ như vậy 40 năm qua. Người nào có một chút tình thương đồng loại nhìn hình ảnh của những người thương binh này cũng đều rơi nước mắt. Người cộng sản coi những người lính Việt Nam Cộng hòa là kẻ thù của họ dù cùng chủng tộc. Đó là sự bạo tàn của người cộng sản.
Minh Thư: Là người Việt Nam, mình nên giúp đỡ nhau, không phân biệt tôn giáo hay bất cứ điều gì.
Quỳnh Xuân: Nếu em gặp người trẻ ở Việt Nam, em sẽ khuyến khích họ dùng tình người với nhau, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ những thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.
Minh Thư: Em mong sự góp mặt của giới trẻ năm nay trong Đại nhạc hội Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa như một lời kêu gọi các bạn trẻ cùng với mình đóng góp vì những việc này rất nên làm, rất có ích cho mọi người.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, một thương binh ở Củ Chi bị bại liệt 100%, cách đây 2 tháng vừa nhận được ‘Mái ấm tri ân’ từ các chương trình gây quỹ của cộng đồng người Việt ở New South Wales, Úc, xúc động ngỏ lời tri ân những những tấm lòng nhân ái từ phương xa:
"Tôi mừng lắm, phải nói là muốn rơi nước mắt. Chiến tranh kết thúc, tôi tưởng là tôi không còn hy vọng gì nữa. Nhưng thật tình cờ và bất ngờ, tôi được các hội đoàn ở ngoài giúp đỡ nên tôi quá mừng. Không còn mong ước gì hơn. Tôi hết sức chân thành cảm ơn vì cuộc sống khó khăn lắm.
Con tôi đi bán bánh tét mỗi ngày chỉ lời 100 ngàn đồng. Trừ chi phí xe cộ và cơm nước, nhín lắm thì chỉ còn 50 ngàn thôi. Các anh em bên ngoài biết chúng tôi còn ở lại Việt Nam trong cảnh nghèo khổ, họ giúp đỡ thì dù ít hay nhiều, tôi coi đó cũng rất là quý vì cái tình của người ta. Dù ở phương xa nhưng họ vẫn còn có tình cảm giữa con người đối với con người. Tôi hết sức trân trọng và quý mến."
Hội Thương Phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở New South Wales, một trong hai đoàn thể chính tổ chức Đại nhạc hội Tri ân vào tháng 12 sắp tới, cho biết hiện có gần 1700 thương binh tại Việt Nam nằm trong danh sách hỗ trợ của Hội và số tiền quyên được từ Đại hội Tri ân tháng 12 sẽ được phân phối tới những người lính đã hy sinh vì nền cộng hòa của miền Nam Việt Nam trước đây.
Hướng về những thương phế binh bị lãng quên

No comments:

Post a Comment