Theo VOA-01.12.2015
Lâu nay, để biện hộ cho chính sách nhường nhịn đến nhu nhược trước những hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc, chính phủ Việt Nam thường nêu lên ba lý do chính: Thứ nhất, về địa lý, Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc nên ít nhiều phải chịu đựng Trung Quốc để có được hoà bình; thứ hai, về ý thức hệ, Việt Nam và Trung Quốc đều theo chủ nghĩa xã hội, và do đó, đều là “đồng chí” của nhau; và thứ ba, về lịch sử, Việt Nam từng chịu ơn Trung Quốc rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh (chống Pháp, 1949-54, và chiến tranh Nam Bắc, 1954-75) trước đây.
Những sự biện hộ ấy liệu có sức thuyết phục?
Theo tôi thì không.
Trước hết, không ai phủ nhận Việt Nam vốn có hơn 1000 cây số chung biên giới với Trung Quốc, do đó, không thể không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên ở đây có hai điều nên nhớ: Một, ngày xưa, cha ông chúng ta cũng từng chung biên giới với Trung Quốc nhưng vẫn giữ được độc lập và chủ quyền của quốc gia. Không kể một ngàn năm Bắc thuộc, chỉ tính từ ngày độc lập (thế kỷ thứ 10), Trung Quốc từng âm mưu thôn tính Việt Nam gần cả chục lần, nhưng tất cả đều bị đánh bại. Hai, không phải nước nào gần Trung Quốc cũng đều cam chịu những sự ngang ngược của Trung Quốc. Đất rộng, ngoài Việt Nam, Trung Quốc có chung biên giới với 13 quốc gia khác, trong đó, trừ hai nước lớn là Nga và Ấn Độ, tất cả các nước khác, nhỏ hơn, vẫn giữ được vị thế độc lập với Trung Quốc. Tấm gương rõ nhất là Miến Điện, nước có hơn 2000 cây số chung biên giới với Trung Quốc, từng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây, vẫn thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc để bắt đầu dân chủ hoá. Ngay cả Bắc Hàn, nước có đường biên giới dài nhất với Trung Quốc, lệ thuộc Trung Quốc rất nhiều về kinh tế, vẫn giữ được ít nhiều sự độc lập với Trung Quốc về phương diện chính trị. Bởi vậy, sự gần gũi về phương diện địa lý không hề là yếu tố tất yếu dẫn đến sự lệ thuộc.
Thứ hai, việc hai quốc gia cùng theo chủ nghĩa xã hội không bảo đảm hoà bình và tôn trọng chủ quyền của nhau. Trước đây, các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa, kể cả hai nước đứng đầu là Trung Quốc và Liên Xô, cũng thường xuyên xung đột, có khi là xung đột vũ trang, với nhau. Hai cuộc chiến tranh gần đây nhất của Việt Nam cũng là hai cuộc chiến tranh với hai nước xã hội chủ nghĩa: Campuchia (1978) và Trung Quốc (1979). Trong cuốn Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism (1983), Benedict Anderson cho hai cuộc chiến tranh ấy là bằng chứng rõ nhất cho thấy, đối với mọi quốc gia, quyền lợi dân tộc quan trọng hơn hẳn vấn đề ý thức hệ. Hầu hết các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đều có kinh nghiệm trực tiếp về hai cuộc chiến tranh ấy, họ không thể không biết điều đó. Hơn nữa, hầu như ai cũng biết, cái gọi là chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, thật ra, chỉ là một chiêu bài nhằm nguỵ trang một chế độ độc tài toàn trị mà thôi. Nó không còn là những niềm tin thực sự để người ta, vì nó, bỏ qua những mâu thuẫn về quyền lợi với nhau.
Thứ ba, về chuyện ân nghĩa. Quả thật, từ năm 1950 đến 1975, Trung Quốc từng giúp đỡ Bắc Việt rất nhiều. Họ không những cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng mà còn cung cấp cả thực phẩm cho dân chúng và bộ đội miền Bắc. Họ đưa phi công sang Việt Nam để huấn luyện các phi công Việt Nam. Trong vòng mấy năm, từ 1965 đến 1969, họ còn đưa cả mấy trăm ngàn kỹ sư và công nhân sang để giúp Việt Nam xây dựng cả trăm cây số đường sắt, xây dựng cả hàng chục chiếc cầu và đường hầm, v.v… Theo thoả ước giữa giới lãnh đạo hai bên, nếu lính Mỹ chỉ giúp quân đội miền Nam chống lại các cuộc tấn công của miền Bắc, Trung Quốc chỉ giữ vai trò là hậu phương của miền Bắc, chủ yếu là cung cấp toàn bộ những gì miền Bắc cần để tiến hành chiến tranh. Nếu Mỹ dùng hải quân và không quân để tấn công miền Bắc, Trung Quốc cũng sẽ đưa hải quân và không quân sang Việt Nam. Nếu Mỹ xua quân sang đánh chiếm miền Bắc, Trung Quốc cũng sẽ đưa bộ binh sang để trực tiếp đối đầu với Mỹ. Nói chung, Trung Quốc xem cuộc chiến tranh ở Việt Nam như là cuộc chiến tranh của chính họ. Có thể nói, nếu không có những sự trợ giúp tích cực của Trung Quốc, Việt Nam (hiểu theo nghĩa là miền Bắc) sẽ không có Điện Biên Phủ và ngày 30 tháng Tư 1975. Giới lãnh đạo cộng sản biết ơn Trung Quốc kể cũng phải.
Tuy nhiên, quan hệ chính trị giữa hai quốc gia khác quan hệ ân tình giữa các cá nhân trong đời thường. Trong quan hệ liên cá nhân, người ta giúp đỡ nhau có khi chỉ vì lòng tốt. Trong quan hệ liên quốc gia, mọi sự giúp đỡ đều xuất phát từ quyền lợi. Nói cách khác, Trung Quốc giúp miền Bắc chủ yếu là vì chính họ hơn là vì miền Bắc. Theo Chen Jian, trong bài “China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-69” (đăng trên The China Quarterly, số 142, 1995), lý do khiến Trung Quốc nhiệt tình giúp miền Bắc có thể tóm gọn vào ba điểm chính:
Một là, sau sự thất bại của chiến dịch Đại nhảy vọt vào cuối thập niên 1950, uy tín của Mao Trạch Đông xuống thấp. Để củng cố lại quyền lực của mình, Mao muốn đóng vai trò một người kiên quyết chống lại chủ nghĩa đế quốc và người thúc đẩy cuộc cách mạng vô sản đến cùng qua việc ủng hộ cuộc chiến tranh “chống chủ nghĩa thực dân mới” ở Việt Nam. Qua động thái ấy, ông cũng đồng thời phê phán một số nhân vật lãnh đạo trong đảng, như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, là theo chủ nghĩa xét lại và muốn hoà hoãn với Mỹ.
Hai là, qua việc giúp đỡ Việt Nam, Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô. Tuy là cùng theo chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô từ giữa thập niên 1950, kể từ sau đại hội đảng lần thứ 20 của đảng Cộng sản Liên Xô, càng ngày càng căng thẳng. Dưới mắt Mao Trạch Đông, việc phê phán Stalin của Nikita Khrushchev là một hành động “xét lại”, nhằm tái phục hồi chủ nghĩa tư bản ở Nga. Sang đầu thập niên 1960, hai bên công kích nhau kịch liệt. Qua việc giúp đỡ miền Bắc, Trung Quốc nhắm đến hai điều: lôi kéo miền Bắc vào quỹ đạo của Trung Quốc và chứng minh cho Liên Xô và cả thế giới thấy Trung Quốc mới thực sự là cộng sản với chủ trương cách mạng không ngừng.
Ba là, cũng qua việc giúp đỡ miền Bắc, Trung Quốc muốn đóng vai người lãnh đạo của khối xã hội chủ nghĩa trong công cuộc chống lại “đế quốc” Mỹ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Họ muốn chuyển trục của chủ nghĩa xã hội từ Moscow sang Bắc Kinh. Họ cũng muốn xuất khẩu học thuyết lấy nông thôn bao vây thành thị trong sách lược chiến tranh của Mao Trạch Đông sang Việt Nam, và từ đó, đến các nước khác.
Tôi muốn thêm một lý do này nữa: Trung Quốc bảo vệ miền Bắc để bảo vệ biên giới phía Nam của Trung Quốc. Điều Trung Quốc sợ nhất là các chế độ được Mỹ ủng hộ tiến sát đến biên giới nước mình. Đó là lý do tại sao Trung Quốc tung quân ra bảo vệ Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh kéo dài ba năm với Nam Triều Tiên vào đầu thập niên 1950. Trung Quốc giúp miền Bắc tấn công miền Nam Việt Nam cũng cùng một lý do.
Nói một cách tóm tắt, việc Trung Quốc tận lực giúp miền Bắc trong cuộc chiến chống lại miền Nam chủ yếu xuất phát từ quyền lợi của chính Trung Quốc. Đó không phải là một ân nghĩa để khiến Việt Nam bây giờ phải nhường nhịn trước những hành động lấn chiếm hay gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trên biển và đảo của Việt Nam. Hơn nữa, ngay cả đó là ân nghĩa thật, không ai có quyền đem độc lập và chủ quyền quốc gia để đền đáp.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment