Kính Hòa, phóng viên RFA 2015-11-30
Lãnh đạo các quốc gia đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22 tháng 11 năm 2015. AFP photo
Trong Thượng đỉnh Đông Á họp tại Malaysia đầu tháng 11, hai cường quốc lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những động thái mới được một chuyên gia về Quan hệ quốc tế là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp ghi nhận. Ông Lê Hồng Hiệp, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Singapore. Sau đây là cuộc trao đổi mà TS Hiệp dành cho Kính Hòa sau Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Kính Hòa: Qua những hội nghị ở Manila và Kuala Lumpur vừa rồi, có phải Hoa kỳ thể hiện rõ hơn ý chí của mình là chuyển trọng tâm chiến lược sang vùng Châu Á Thái Bình Dương?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì nên tách hai hội nghị này ra. Hội nghị APEC (tại Manila) tập trung vào kinh tế mặc dù trong các phát biểu và gặp gỡ bên lề thì vấn đề biển Đông cũng được đề cập, tuy không rõ nét. Còn tại thượng đỉnh Đông Á thì vấn đề này nổi bật hơn. Có một số động thái cho thấy là Hoa Kỳ đang có những bước đi để mà chuyển trọng tâm chiến lược của mình sang châu Á Thái Bình Dương một cách rõ nét hơn.
Ngoài các chỉ trích qua lại với Trung Quốc thì tôi thấy có một động thái rất đáng chú ý là Hoa Kỳ cùng với ASEAN ký một thỏa thuận thành lập đối tác chiến lược Hoa kỳ ASEAN. Nên nhớ đây là thỏa thuận với cả khối ASEAN. Mặc dù phạm vi và hình thức của thỏa thuận hiện nay vẫn mang tính hình thức hơn là thực chất. Nhưng hiệp định này sẽ tạo một khuôn khổ pháp lý cho Hoa Kỳ và ASEAN tăng cường quan hệ trong thời gian tới. Mặt khác nó cũng có thể xem là một thông điệp mà Hoa Kỳ muốn gửi đến ASEAN là Hoa Kỳ ngày càng chú trọng hơn đến vai trò của ASEAN.
Ngoài các chỉ trích qua lại với Trung Quốc thì tôi thấy có một động thái rất đáng chú ý là Hoa Kỳ cùng với ASEAN ký một thỏa thuận thành lập đối tác chiến lược Hoa kỳ ASEAN. Nên nhớ đây là thỏa thuận với cả khối ASEAN.
- Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Về phía Trung Quốc thì đến nay tôi thấy chưa có động thái nào nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục coi nỗ lực của Hoa kỳ là nhằm liên kết các nước trong khu vực và xa hơn để kềm chế Trung Quốc, họ sẽ nhìn nhận chuyện này giống như những động thái của Hoa kỳ gần đây như là Hiệp định TPP chẳng hạn.
Có thể nói rằng qua những động thái như vậy thì thấy rằng chính quyền ở Washington đang có những bước đi cụ thể để làm sâu sắc hơn quan hệ của mình với khu vực.
Kính Hòa: Thưa ông vừa rồi Giáo sư Carl Thayer có nói với chúng tôi, ông trích một học giả nói rằng sự hiện diện của Hoa kỳ trong vùng giống như khí oxy vậy, tức là khi người ta thở thì người ta không cảm thấy nó. Nhưng khi Hoa kỳ rời đi thì người ta cảm thấy thiếu. Theo ông nó là Hoa kỳ đã có những bước đi cụ thể, thì theo ông là các nước Đông Nam Á đã an tâm hơn chưa?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Có một số đánh giá cho rằng những phản ứng của Hoa Kỳ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc nó hơi trễ và hơi ít, và thiếu quyết đoán. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng là cho dù có những điểm có thể cải thiện hơn, nhưng dẫu sao sự tái quan tâm của Hoa Kỳ đối với khu vực cũng là một điều tốt.
Tôi cũng đồng ý với nhận định của ông Thayer rằng người ta cho rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ là đương nhiên và người ta không chú ý đến nó. Nhưng mà khi họ thấy thiếu vắng thì mới cảm thấy là như thiếu oxy vậy, nhất là khi có sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một đám lửa bùng lên, làm các nước trong khu vực cảm thấy mất an ninh. Vì vậy mà sự trở lại của Hoa Kỳ được hoan nghênh, cho dù là còn có những điều mà có thể thúc đẩy và tăng cường sự can dự này ở qui mô lớn hơn, thực chất hơn.
Nhưng chúng ta phải thấy rằng những bước đi như vậy cần có thời gian. Chúng ta thấy là Hoa Kỳ đang điều chỉnh chính sách theo hướng đấy, đặc biệt là sau khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đó là một bước đi làm thay đổi cục diện khu vực và đánh động Hoa Kỳ và làm Hoa Kỳ quyết tâm hơn trong sự đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian tới.
Trung Quốc lúng túng?
Kính Hòa: Qua những lời phản đối, chỉ trích của Trung quốc ở Kuala Lumpur, ông có nhận thấy điều gì mới trong thái độ của Trung Quốc không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Trước sự phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực và các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, thì tôi thấy là đến giờ phút này Trung Quốc có một sự lúng túng. Họ bắt cầu có sự e ngại là có một sự liên kết giữa các quốc gia bên ngoài trong việc kềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy mà có thể là gần đây Trung Quốc có các động tác dường như để xoa dịu các quốc gia trong khu vực.
Ngoài chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như là phát biểu của các quan chức Trung Quốc tại các diễn đàn khu vực, có một đề nghị 5 điểm của ông Lý Khắc Cường đưa ra ở thượng đỉnh Đông Á.
Thứ nhất là các nước trong khu vực tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bảo vệ kết quả của chiến tranh thế giới lần thứ hai, trật tự hậu chiến, qua đó bảo vệ hòa bình thế giới và khu vực.
Thứ hai là các quốc gia tranh chấp sẽ giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982.
Thứ ba là Trung quốc và Asean sẽ ký bộ qui tắc ứng xử cũng như nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, và hợp tác lẫn nhau.
Thứ tư là các nước bên ngoài tránh các hành động có thể gây thêm căng thẳng.
Và cuối cùng là các nước cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong những điểm mà ông Lý Khắc Cường đưa ra có một số điểm là nhằm để xoa dịu các nước trong khu vực. Đó là giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, và thứ hai là Trung Quốc và Asean sẽ ký bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông.
Tôi nghĩ rằng đây là một phần của phản ứng của Trung Quốc trước sự phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực, áp lực của các như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Kính Hòa: Ông vừa nhắc tới Nhật Bản, theo ông thì cường quốc ngoài Asean này trong tương lai sẽ ứng xử như thế nào?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Đối với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam thì Nhật Bản là một đối tác rất quan trọng. Nhật Bản là một quốc gia có lợi ích rất sát sao với các nước trong khu vực. Họ có một nhận thức chung về một mối đe dọa, cụ thể là sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hoa Kỳ thì thứ nhất là ở xa, thứ nhì là các lợi ích của Hoa Kỳ mặc dầu bị đe dọa nhưng không phải là sự đe dọa trực tiếp. Còn Nhật Bản thì ở ngay trong khu vực và họ cảm nhận rõ sức ép từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính vì vậy các nước Đông Nam Á có một sự tin cậy lớn hơn đối với Nhật Bản. Nhật khó bỏ rơi các nước trong khu vực trong bối cảnh có sức ép của Trung Quốc gia tăng.
Trong thời gian qua dưới chính quyền của Thủ Tướng Abe thì Nhật bản đã có sự điều chỉnh chính sách để có thể đối phó tốt hơn với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là sự diễn dịch lại Hiến pháp, thông qua một loạt các dự luật về an ninh cho phép quân đội Nhật tham gia việc phòng vệ tập thể.
Về sâu xa thì mục đích của các động thái này là nhằm vào Trung Quốc để đề phòng một kịch bản xấu nhất trong tương lai khi mà có một sự đụng độ với Trung Quốc chẳng hạn. Trước mắt mục đích của các động thái này là nhằm kềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Có thể nói Nhật Bản, trong hiện tại cũng như tương lai, sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn, càng ngày càng quan trọng, và là một đối tác không thể thiếu đối với các nước Asean cũng như là Việt Nam nói riêng, trong việc ứng phó với các đe dọa mới xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là trong tình hình biển Đông.
Kính Hòa: Cảm ơn ông đã dành thời gian để thực hiện cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment