BẮC KINH (NV) - Trung Quốc đã “hết sức tự chế” đối với các hành động khiêu khích của Hoa Kỳ tại biển Đông và “có khả năng bảo vệ an ninh, chủ quyền.”
USS Lassen trong một cuộc tập trận với Nam Hàn. Khu trục hạm này đã tiến
sâu vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc
bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. (Hình: US Navy)
sâu vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc
bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. (Hình: US Navy)
Trang web của hải quân Trung Quốc cho biết, ông Ngô Thắng Lợi, đô đốc, tư lệnh hải quân Trung Quốc vừa tuyên bố như thế với Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, khi cả hai hội đàm tại Bắc Kinh.
Theo trang web này thì ông Lợi còn cảnh báo rằng, Trung Quốc đang theo dõi sát các hoạt động khiêu khích của Hoa Kỳ và sẵn sàng ứng phó với việc tái diễn những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng thời điểm này, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc loan báo hải quân Trung Quốc vừa thực hiện một cuộc tập trận chống tàu ngầm với sự tham gia của các tàu ngầm, tàu chiến, và trực thăng ở Biển Đông. Thông báo đó được xem là một kiểu cảnh báo khác.
Trung Quốc đã tỏ ra hết sức giận dữ trước sự kiện khu trục hạm USS Lassen của Hoa Kỳ tiến sâu vào vùng biển quanh Subi và Vành Khăn - hai hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tạo ra ở quần đảo Trường Sa.
Ngoài việc chỉ trích kịch liệt, Trung Quốc còn lớn tiếng hăm dọa sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ứng phó với những đe dọa về an ninh, quốc phòng.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã đưa lên trang web của hải quân Trung Quốc những hình ảnh liên quan đến việc các chiến đấu cơ của Trung Quốc tập phóng hỏa tiễn đối không và đối hạm tại biển Đông.
Lúc đó, các chuyên gia an ninh, quốc phòng tin rằng, việc Trung Quốc đưa loạt ảnh vừa kể nhằm hỗ trợ cho khuyến cáo của Trung Quốc là Hoa Kỳ nên ngưng thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải.”
Mục tiêu chính của “tự do hàng hải” là điều động các chiến hạm, chiến đấu cơ đến tuần tra tại quần đảo Trường Sa, nhằm phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, khẳng định tự do lưu thông theo luật pháp quốc tế là điều bất khả tiếm đoạt.
Tuy nhiên ngay sau đó, một viên chức quốc phòng của Hoa Kỳ tiết lộ, mỗi quý, Hoa Kỳ sẽ tuần tra tại Biển Đông tối thiểu hai lần để nhắc nhở cả Trung Quốc lẫn các quốc gia khác về quan điểm của Hoa Kỳ.
Trợ lý cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ, loan báo, quân đội Hoa Kỳ sẽ có những hành động thích hợp để chứng tỏ Hoa Kỳ sẽ thực thi các cam kết liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do lưu thông tại Biển Đông.
Đến giữa tháng này, ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tái khẳng định, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông như đã từng thực hiện trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ lập lại sự lo ngại của Hoa Kỳ về các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông có thể dẫn đến xung đột. Theo ông Carter, cách Trung Quốc hành xử tại Biển Đông sẽ cho thấy những cam kết gìn giữ an ninh, hòa bình của Trung Quốc có khả tín hay không.
Sau đó, cả chủ tịch nhà nước Trung Quốc lẫn truyền thông Trung Quốc, tiếp tục lập lại quan điểm “Biển Đông là của Trung Quốc.” Sở dĩ tại Biển Đông có những hòn đảo mà Trung Quốc chưa thể kiểm soát là vì bị các quốc gia khác “chiếm đóng.” Tuy chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là bất khả tranh biện nhưng Trung Quốc sẽ “thương lượng” với các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. Những quốc gia bên ngoài Châu Á nên hiểu và tôn trọng điều đó và nên có những đóng góp tích cực hơn.
Dù cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều tỏ ra rất cứng rắn trong vấn đề Biển Đông nhưng nhiều chuyên gia về an ninh, quốc phòng tin rằng, rất khó có thể xảy ra xung đột giữa hai bên tại Biển Đông. Một phần vì Hoa Kỳ không chủ trương đối đầu bằng vũ lực, phần khác là vì năng lực của hải quân Trung Quốc thua xa hải quân Hoa Kỳ nên Trung Quốc sẽ không dám mạo hiểm. (G.Đ)
11-20- 2015 6:28:00 PM
No comments:
Post a Comment