Saturday, November 21, 2015

Bài học tranh đấu dân chủ của Miến Điện

Theo Người Việt- 2015 2:23:19 PM 
Việt Nguyên

Đầu tháng 11 năm 2015, hai sự kiện lịch sử đáng kể đã xảy ra ở hai nước láng giềng lớn ở Á Châu, Trung Cộng và Miến Điện. Ngày 7 tháng 11, Tập Cận Bình đi xuống các nước miền Nam, tái xác nhận chính sách bá quyền Trung Quốc trên vùng biển Nam Thái Bình Dương, Trường Sa và Hoàng Sa là của Tàu. Đế quốc Trung Cộng không thay đổi ý kiến về Đài Loan. Nền dân chủ Tây phương không có chỗ đứng ở các quốc gia chư hầu theo mô hình Trung Quốc như Việt Nam. Ngày hôm sau 8 tháng 11, tại Miến Điện, một quốc gia với 52 triệu dân cạnh Trung Hoa và Thái lan, cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2011 khi chính quyền bán dân sự được thành lập sau 49 năm dưới chế độ độc tài quân phiệt, đã thành công với hơn 32 triệu dân thực hiện quyền công dân. Những tiếng nói của người dân “thấp cổ bé miệng” đã được thực hiện qua lá phiếu. Người dân được làm chủ vận mệnh của chính mình. Những bộ mặt trang nghiêm, vui mừng và hạnh phúc của người dân Miến Điện đã cho thấy ánh sáng của dân chủ trong ngày bầu cử. Tổng tuyển cử Miến Điện thành công là kết quả tranh đấu của người dân Miến Điện dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi và sự cộng tác của chính quyền quân nhân qua những thập niên máu lửa của lịch sử hiện đại trong khung cảnh kinh tế chính trị toàn cầu của thế giới trong cuối thế kỷ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt. Miến Điện trên đường đi lên chối bỏ quá khứ lạc hậu khác với Viêt Nam.
Cuộc tổng tuyển cử ngày 8 tháng 11 năm 2015 đánh dấu sự chuyển biến quan trọng với 6,000 ứng cử viên của 90 đảng chính trị tranh các ghế từ quận, tỉnh đến Quốc Hội. Miến Điện, một trong những quốc gia nổi tiếng giàu tài nguyên thiên nhiên nhiều quặng mỏ, đã bị tàn phá qua nhiều thập niên dưới sự cai trị của các chính quyền quân nhân độc tài từ năm 1962. Các chính quyền độc tài quân phiệt Miến Điện, giống như các chính quyền độc tài Cộng Sản ở các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, đã có một chính sách độc tài từ chính trị đến kinh tếđã làm thiệt hại cho quốc gia với nền kinh tế kiệt quệ không theo kinh tế thị trường. Chính quyền quân nhân đã đánh đập, nhốt đối lập trong các nhà tù nổi tiếng với những biện pháp tra tấn vàđàn áp. Tự do báo chí bị cấm đoán với chế độ kiểm duyệt khắt khe. Miến Điện tự cô lập, cắt đứt liên lạc với thế giới Tây phương.
Năm 1988 đánh dấu cao điểm của chế độ độc tài quân nhân dưới quyền lãnh đạo của Tướng U Ne Win. Biểu tình đòi dân chủ bộc phát khắp nơi. Nhà độc tài Ne Win ra lệnh tàn sát bắn vào đoàn biểu tình giết hơn sáu ngàn người. Bà Aung San Suu Kyi về nước trong cùng năm cầm đầu phong trào bất bạo động theo chính sách của thánh Gandhi. Bà là con của tướng Aung San người có công dành độc lập cho Miến Điện từ Anh, đồng sáng lập đảng Dân chủ Quốc gia (NLD) bị ám sát khi làm thủ tướng năm 1947. Trở về Miến Điện sau nhiều năm học ở Anh, bà Aung San Suu Kyi đã được dân Miến Điện xem là “tiếng nói của hy vọng” trong khi đảng quân nhân cầm quyền USDP (đoàn kết phát triển) cố dập tắt tiếng nói của lãnh tụđảng đối lập NLD. Năm 1989, bà Suu Kyi bị giam tại gia. Qua năm 1990,6 đảng Dân chủ thắng cuộc bầu cử Quốc Hội, chính quyền độc tài quân nhân hủy bỏ kết quả, quản thúc bà Suu Kyi tại gia thêm 15 năm mặc dù bà nổi tiếng sau khi được giải Nobel Hòa Bình năm 1991. Hội đồng quân nhân trả đũa thế giới sau giải Nobel, cấm tất cả hoạt động đảng phái cho đến năm 2010, bà Suu Kyi được thả vào tháng 11 năm 2010 và sau đó thắng cử dân biểu Quốc Hội. Sự kiện này xảy ra là một nhượng bộ của chính quyền quân nhân để Tây phương bãi bỏ chính sách cấm vận đối với Miến Điện từ năm 1988 sau cuộc biểu tình đẫm máu. Sự thắng cử của bà Suu Kyi là một thành công lớn của đảng Dân Chủ NLD, chống đạo luật bầu cử của chính quyền không cho những tội phạm về chính trị hay những người sinh sống ở nước ngoài ra tranh cử. Sự tranh đấu của đảng NLD thành công ngoài sự cương quyết của bà Suu Kyi còn nhờ cách mạng áo cà sa (Saffron Revolution) năm 2007. Sau cuộc cách mạng này, chính quyền quân nhân đã thay đổi từ độc tài qua dân chủ có giới hạn. Cách mạng mạng lưới truyền thông Internet đã đóng góp vào cách mạng ở Miến Điện. Năm 2010, mạng lưới truyền thông lên cao trên các quốc gia chậm tiến, chính quyền quân nhân Miến Điện không đóng cửa được hết các quán café Internet. Báo chí phát hành gia tăng, bớt luật “tự kiểm duyệt” đặt ra cho ký giả.
Năm 2011, Tướng Thein Sein đắc cử tổng thống, dư luận Tây phương và bà Suu Kyi vẫn nghi ngờ thiện chí và chính sách của ông nhưng Tổng Thống Thein Sein đã chứng tỏ sự thành thật dân chủ hóa của ông. Chính quyền của ông có chính sách chống tham nhũng, cá nhân và gia đình của ông Thein Sein không bị mang tiếng tham nhũng. Tiếng nói đối lập được nghe, tù chính trị được thả vàđược tham gia hoạt động chính trị, luật cấm tội phạm chính trị ra ứng cử được bãi bỏ. Quan trọng nhất trong năm 2011 trở đi là Tổng Thống Thein Sein là người yêu nước đã thấy rõ cơn ác mộng và tham vọng “mô hình Trung Quốc” của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông Thein Sein đã bỏ dự án đập nước ở Miến Điện của Trung Cộng xây cất cũng như không cho lập hải cảng và đường cao tốc qua Miến Điện. “Mô hình Trung Quốc” với những cám dỗ của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho các nước láng giềng vay không cần xem dự án như ngân hàng thế giới và qũy tiền tệ quốc tế cũng như 30 % tiền vào túi quan chức chính quyền không cám dỗ được Tổng Thống Thein Sein. Miến Điện nhờ vậy thân thiện lại với Tây phương và độc lập với Trung Cộng.
Bà Aung San Suu Kyi trở lại con đường chính trị cùng Tổng Thống Thein Sein đã làm một cuộc cách mạng không đổ máu ở Miến Điện. Trong lịch sử chính trị thế giới, mỗi quốc gia có một khung cảnh và chân trời chính trị riêng. Cuộc cách mạng Miến Điện không phải là cuộc cách mạng nhân dân, đấu tranh giai cấp như cách mạng Cộng Sản đổ máu để xây dựng một giai cấp chủ nhân mới như ở Việt Nam và Trung Cộng, mặc dù năm 2007 đã có cuộc “cách mạng áo cà sa” của các nhà sư. Cách mạng Miến Điện giống như cách mạng của Tổng Bí Thư Gorbachev thời Sô Viết. Cách mạng từ trên xuống dưới chứ không phải cách mạng từ dưới lên trên. Cách mạng thành công với cá tính mạnh mẽ của bà Aung San Suu Kyi và sự mong muốn chấm dứt cô lập với thế giới bên ngoài để trở về với cộng đồng văn minh thế giới của Tổng Thống Thein Sein. Cách mạng này mang màu sắc văn hóa chính trị văn minh Tây phương sau thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai với tinh thần tái thiết quốc gia, không giữ lòng thù hận đấu tranh giai cấp như Cộng Sản Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong cuộc cách mạng thật sự, tương lai nền dân chủ mới tùy thuộc vào thiện ý của các đảng phái chính trị để thành lập chính phủ liên hiệp. Ở Anh, nền dân chủ đã thành công vào năm 1924, đảng lao động cộng tác với đảng cấp tiến để thành lập chính phủ sau thế chiến thứ nhất. Ở Hoa Kỳ, Tổng Thống F.D. Roosevelt thành lập chính phủ với hai thành phần Nam Bắc và gần đây ở Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức thống nhất, chính phủ mới liên kết giữa hai thành phần cấp tiến và dân chủ Thiên Chúa Giáo đãđưa nước Đức đến tình trạng thịnh vượng như ngày hôm nay.
Trước ngày tổng tuyển cử 8 tháng 11 năm 2015, hầu hết các đạo luật lỗi thời đã được bãi bo, trong đó có đạo luật cấm hội họp trên năm người (đạo luật áp dụng trong 20 năm nay) và chính quyền quân nhân đã thả hàng ngàn tù chính trị nhưng dân chủ thật sự vẫn chưa được thành lập. Quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát, giữ 25% ghế Quốc Hội và cố gắng của đảng đối lập vận động bỏ luật hiến pháp “bất cứ ai hay người trong gia đình có quốc tịch nước ngoài thì người ấy không được ứng cử tổng thống” đã thất bại, vì vậy bà Aung San Suu Kyi không thể làm tổng thống và vì được bảo đãm giữ 25% ghế Quốc Hội nên lần này chính quyền quân đội đã lên tiếng chịu thua không phá rối (Bà Suu Kyi năm nay 70 tuổi có chồng người Anh Michael Aris và hai con quốc tịch Anh).
Tháng hai năm 2016, Quốc Hội lưỡng viện sẽ bổ nhiệm tổng thống từ 3 ứng cử viên được đề cử bởi lưỡng viện và quân đội. Bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đảng thắng cử, NLD, sẽ trở thành tổng thống không ngôi! Nền dân chủ không toàn hảo sau cuộc tổng tuyển cử vì vậy được xem là nền dân chủ kỷ luật (Disciplined Democracy) trong đó người dân Miến Điện đồng ý không thách thức với chính quyền và tài sản của các tướng lãnh và viên chức chính quyền cũ không bị đụng chạm. Thời hậu Xô Viết nền dân chủ Nga được đặt tên là nền dân chủ quản trị (Managed Democracy) nay Miến Điện có nền dân chủ mới lạ với hai đảng cầm quyền USDP (đoàn kết và phát triển) và đối lập dân chủ cần nhiều thay đổi.
Đảng quân nhân cầm quyền USDP đã có công phát triển kinh tế trong kế hoạch ngũ niên, tiến bộ về tự do hội họp và phát triển, chính quyền đã biết nhận lỗi tham nhũng từ trong chính quyền ra đến các dịch vụ thương mại, xây dựng đường xá cầu cống và vệ tinh truyền thông mặc dù vẫn mang tiếng độc tài và hội Ân Xá Quốc Tế vẫn lên án chính quyền vào tháng 6 năm 2015, 10 ký giả bị tù vì vi phạm những “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua: Những chuyện có liên quan đến quân đội, phong trào Phật Giáo quốc gia quá khích và những khốn khổ của những dân tộc thiểu số Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi khi trở thành lãnh tụ đảng Dân Chủ, bà đã cho thấy bà là người thực tiễn chứ không phải là người thánh thiện như  báo chí Tây phương thường viết về bà từ năm 1991. Hồi tháng 8 năm 2015, bà đã trục xuất 10 đảng viên Dân Chủ ra khỏi đảng vì họ phản đối các ứng cử viên của bà chọn ra tranh cử tháng 11. Bà cũng ngăn cấm các ứng cử viên đảng không được tiếp xúc với giới truyền thông! “Tiếng nói của hy vọng” năm 1991 nay dập tắt các tiếng nói khác? Trầm trọng nhất là hai sự kiện đã làm ký giả Tây phương chú ý đến. Thứ nhất là bà đã loại 88 cựu tù nhân chính trị ra khỏi danh sách ứng cử viên. Thứ hai là vụ dân thiểu số Hồi Giáo Rohingya, sống gần biên giới Miến Điện và Bangladesh, ở Miến Điện nhưng không được mang quốc tịch Miến Điện. Năm 2012, nổi loạn đã xảy ra khi có tin đồn nguời Hồi đã hiếp dâm một phụ nữ Phật Giáo. Những tu sĩ Phật Giáo quá khích giết hơn 100 người Hồi Giáo và chủ trương tàn sát chủng tộc kết quả là 140,000 người Hồi vào trại tập trung, 100 ngàn người vượt biển bằng thuyền qua Thái và Mã Lai với hơn ngàn người chết trên biển. Phong trào Phật Giáo Quốc Gia cực đoan 969, chủ trương giết hết Hội Giáo, cầm đầu bởi ông sư Ma Ba Tha. Hiến Pháp Miến Điện năm 2008 cấm tu sĩ làm chính trị nhưng sương Ma Ba Tha tấn công Hồi Giáo và gọi bà Suu Kyi là kẻ chống Phật Giáo. Bà Suu Kyi đã im lặng vì lý do chính trị không lên tiếng binh vực những người Hồi Giáo thế cô vì sợ bị gọi là “yêu người Hồi” trong xứ 90% Phật Giáo.
Lỗi nặng khác của bà Suu Kyi kà bà đã đứng về phe chính quyền quân nhân trong vụ tranh chấp giữa dân nghèo với chủ nhân mỏ đồng do Trung Cộng làm chủ mặc dù mỏ đồng vi phạm môi sinh và theo chính sách của Trung Cộng không mướn nhân công bản xứ, không tạo công ăn việc làm cho Miến Điện, can đảm của lãnh tụ đảng chính trị khác với can đảm của nhà tranh đấu nhân quyền Aung San Suu Kyi. Bà đã đồng ý với chính quyền không để 1 triệu 300 ngàn dân Hồi thiểu số trong đó có 500 ngàn người ở tuổi đi bầu không được ứng cử và bầu cử.
Cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 8 tháng 11 năm 2015 ở Miến Điện thành công hy vọng sẽ đưa đến một nền dân chủ thật sự trong đó những đại biểu có can đảm phát biểu và tranh đấu cho sự thật và quyền lợi của người dân. Quốc Hội dân chủ ấy sẽ khác hẳn với Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam với những đại biểu bù nhìn “phường tuồng” vui cười vỗ tay đồng ý với Hoàng Đế Trung Hoa Tập Cận Bình du Nam Phương đọc diễn văn tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của Tàu.

Nhìn cảnh các đại biểu Quốc Hội Việt Nam hèn nhát trước mặt Hoàng Đế Trung Hoa Tập Cận Bình, người ta không thể không nhớ cảnh triều đình thời quân chủ chuyên chế ở Anh vào thế kỷ 17 khi Shakespeare viết vở kịch King Lear: “Ngay cả những người mù cũng nhìn thấy thế giới diễn ra như thế nào: đặt một con chó lên ngồi trên ngai vàng rồi sẽ thấy tất cả bọn quan trong triều sẽ đứng cúi đầu lạy nó!”
11-21-2015 2:23:19 PM 

No comments:

Post a Comment