Saturday, November 21, 2015

Cần có biện pháp mạnh ngăn Việt Nam đàn áp đối lập

WASHINGTON (NV) - Đó là nội dung chính trong một thông cáo mà tổ chức Giám Sát Nhân Quyền (HRW) vừa phát hành. Theo HRW, Việt Nam đã không thực thi cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền để tham gia TPP.


Ảnh chụp ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhân vật đối lập bị “côn đồ”
hành hung hồi tháng 5 năm nay. (Hình: Facebook)

TPP là ba ký tự viết tắt, thay thế cho “Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement” (Hiệp Định Đối Tác Thương Mại xuyên Thái Bình Dương). TPP thiết lập mặt bằng thương mại tự do trong 12 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile, Peru, Úc, New Zealand, Nhật, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam).

TPP không đơn thuần chỉ là những thỏa thuận thuần túy về thương mại mà còn buộc các thành viên phải sửa đổi chính sách, luật pháp, tuân thủ các chuẩn mực chung (minh bạch, công bằng, môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ,...). Sau năm năm thượng lượng, hồi tháng 10 vừa qua, đại diện 12 quốc gia tham gia TPP đã cùng ký vào hiệp định này.

Tuy nhiên TPP còn phải chờ Quốc Hội của các quốc gia thành viên phê chuẩn. Đại diện một số quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ từng liên tục nhấn mạnh với chính quyền Việt Nam rằng, nếu Việt Nam không đạt được những tiến bộ cụ thể về dân chủ, nhân quyền thì Quốc Hội Hoa Kỳ khó mà chấp thuận thương mại tự do với Việt Nam. Đó cũng là lý do Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thay đổi.

HRW vừa cảnh báo, không những không thực thi các cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền để tham gia TPP, Việt Nam còn gia tăng đàn áp nhân quyền.

Hồi giữa tuần này, báo cáo trước Quốc Hội Việt Nam về hoạt động của công an Việt Nam trong ba năm vừa qua, một viên tướng tên Trần Đại Quang, hiện là bộ trưởng Công An Việt Nam, cho biết, suốt ba năm qua, tại Việt Nam chỉ có chừng 60 hội, nhóm, với khoảng 350 người cư trú ở 50 tỉnh, thành phố “chống đối đảng, nhà nước,” cố tình “kích động, lôi kéo quần chúng tụ tập tuần hành, biểu tình” và công an Việt Nam đã “tập trung lực lượng, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch.”

Viên tướng vừa kể tỏ ra rất hãnh diện khi công an Việt Nam đã bao vây, vô hiệu hóa 60 hội, nhóm và 350 người vừa kể. Suốt ba năm qua, công an Việt Nam đã “tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1,410 vụ và 2,680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.” Đáng chú ý là viên tướng này không hề đề cập và Quốc Hội Việt Nam cũng không hề chất vấn về trách nhiệm của công an Việt Nam đối với tình hình an ninh - trật tự càng ngày càng tồi tệ (tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng, ma túy tràn lan, du đãng lộng hành, các tội ác man rợ càng ngày càng nhiều).
HRW đã dùng sự kiện vừa kể để chứng minh, chính quyền Việt Nam thách thức cộng đồng quốc tế khi công khai tuyên bố đã sử dụng các cơ quan công lực để ngăn chặn hoạt động của những hội, nhóm vận động cho dân chủ, nhân quyền. Lạm dụng luật pháp để đàn áp thẳng tay những cá nhân vận động cho dân chủ, nhân quyền.dù hành động của họ hoàn toàn ôn hòa.

HRW lưu ý, tuy Việt Nam cam kết sửa đổi luật hình sự như một cách bày tỏ thiện ý cải thiện tình trạng nhân quyền song trong dự luật hình sự mới, chính quyền Việt Nam chỉ thay đổi “số thứ tự” của các “tội danh” bị chỉ trích là xâm hại nhân quyền. Điều 79 trong Luật Hình Sự Hiện Hành (tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”) nay là điều 109 trong dự luật hình sự mới. Tương tự điều 88 trong Luật Hình Sự Hiện Hành (tội “tuyên truyền chống nhà nước”) nay là điều 117. Điều 89 (tội “phá rối an ninh”) nay là điều 118 trong dự luật hình sự mới. Đáng chú là dự luật hình sự mới còn thêm vào rằng chỉ “chuẩn bị” phạm những tội như vừa kể “sẽ bị phạt từ một đến năm năm tù.”

Đó là lý do HRW kêu gọi Hoa Kỳ và các thành viên khác của TPP gia tăng sức ép đối với Việt Nam, buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết trước đây. HRW cũng yêu cầu làm rõ 2,680 trường hợp mà Việt Nam đã bắt giữ và xử lý với cáo buộc “xâm phạm an ninh quốc gia.” (G.Đ)
11-20-2015 6:34:30 PM 

No comments:

Post a Comment