CHUNG HAI-21/11/2015 19:10
TTO - Có bạn cho rằng "mút mùa Lệ Thủy" (na ná "chơi tới" hiện nay) do nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy nổi tiếng trước và sau 1975 có hơi rất dài, ca một câu dài "mút chỉ đường tàu", "mút chỉ cà tha" (ý nghĩa tương đương).
Đường Hàm Nghi, Sài Gòn khoảng cuối thập niên 60 thế kỷ trước. Trong ảnh vẫn còn đường rầy xe lửa và đa số khách bộ hành đi trong đường đinh khi qua đường - Ảnh tư liệu |
"Hết sẩy" (rất tuyệt vời) - nhiều bạn đọc thốt lên khi đọc bài "Người Sài Gòn giờ không thấy xài mấy tiếng lóng này nữa". Và thú vị hơn khi nhiều bạn kể ra hàng loạt tiếng lóng Sài Gòn xưa chưa "đi vùng 5" (chết).
Theo bạn đọc, Dominic On, trước năm 1975, chính quyền VN cộng hòa ở miền Nam chia các khu hành chính quân sự thành 4 vùng chiến thuật, không có vùng 5 nên "đi vùng 5" ám chỉ "đi về miền cực lạc" (chết).
Tiếng lóng này, cũng theo Dominic On, tương đương với từ "ngủm củ tỏi", "đi bán muối" cũng nói một người đã chết, như cá bị ướp muối (!).
"Hôm kia, ông nhạc gia của người bạn tới Mỹ. Khi hàn huyên, tôi nghe ông nói mấy từ "Tây hạ thành", thực tình không hiểu nhưng không dám hỏi. Hôm nay, đang đi tìm nghĩa của mấy từ này thì lại gặp ở đây. Xin cảm ơn. Những bài báo như vầy rất quý đối với tôi".
TTruong
|
Tuy nhiên, bạn Thanh Minh giải thích do làm muối là diêm dân, đồng âm với "Diêm vương" (người quản lý cõi âm) nên bán muối là đi gặp Diêm vương.
Bạn hongan60 lại cho rằng: Trước năm 1945, thực dân Pháp độc quyền buôn bán muối nên nếu ai vi phạm luật cấm đó sẽ bị xử tử, là "đi bán muối". Bạn suongmai lại bảo do nhiều người đi bán muối xa không về...
Ai đúng ai sai chưa rõ nhưng chắc chắn tiếng lóng này giờ vẫn còn không ít bạn trẻ Sài Gòn "vẫn xài tốt".
Thế là một loạt tiếng lóng Sài Gòn xưa nửa thế kỷ đã được kể ra, như có bạn giải thích "mút mùa Lệ Thủy" như "chơi tới" hiện nay do nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy nổi tiếng trước và sau 1975 có hơi rất dài (mà soạn giả Viễn Châu bảo "được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân"), ca một câu dài "mút chỉ đường tàu" (ý nghĩa tương đương) nên mới nói "mút mùa Lệ Thủy" ám chỉ quãng thời gian, quãng đường... mút cuộn chỉ (ví dụ: "chơi... mút mùa Lệ Thủy" để chỉ những chuyện diễn ra rất dài, dài tới tới...).
Nghệ sĩ Lệ Thủy thời son trẻ - Ảnh tư liệu |
Riêng "mút chỉ cà tha" thì hơi phức tạp vì cà tha vốn là từ katha (bùa) của bà con Khmer. Bà con Khmer Nam bộ đeo Cà Tha bằng là những sợi chỉ ngũ sắc do các vị sư sãi chùa Khmer se sẵn thành từng cuộn dài "mút chỉ" tặng vào dịp lễ tết.
Cũng còn không ít người Sài Gòn xài từ "kênh xì po" chỉ thái độ muốn... gây chuyện, do theo bạn Ngốc, vốn xuất phát từ kênh kiệu kiểu dân thể thao (sport - xì po).
...Và thế là hàng loạt từ Sài Gòn xưa mà theo bạn Ben Pham, không chỉ Sài Gòn mà về miền Tây, nhất là Cà Mau, Bạc Liêu... vẫn nhiều người biết và nói như về xe có xế nổ (xế là xe + nổ = xe máy), xế điếc (xe không nổ = xe đạp), xế hộp (xe coi như cái hộp = xe hơi).
Các loại xe ở một đường phố trung tâm Sài Gòn năm 1961 (có lẽ hiện nay là khu vực bến xe buýt trước chợ Bến Thành) - Ảnh LIFE |
Đại lộ Lê Lợi năm 1961 - Ảnh: LIFE |
Đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) năm 1961 - Ảnh: LIFE |
Giao lộ Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh năm 1967 - Ảnh: R Mahoney |
Ngã tư Hàng Xanh năm 1968 rất vắng xe cộ, nhà cửa thưa thớt. Các nữ học sinh đi học mặc áo dài đội nón lá - Ảnh tư liệu |
Về trang sức có "đổng" (đồng hồ); giảng (dây chuyền, ví dụ: "đua giảng" là giựt dây chuyền)...
Về ứng xử có quê xệ (quê quá mức), xí xọn (nhiều chuyện), xảnh xẹ (tương đương "chảnh" hiện nay), quá cỡ thợ mộc (quá mức độ bình thường - ví dụ: "chơi quá cỡ thợ mộc")...
Rồi một từ lóng mà xưa ai nghe cũng xanh mặt: chó lửa (súng ngắn, súng lục - na ná với "hàng nóng" hiện nay). Na ná thôi vì "hàng nóng" hiện nay chỉ súng các loại.
Thật sự thú vị khi có tiếng lóng giờ nói vẫn có người hiểu như bạn Hai Nhách nêu: "ghệ" (con gái, bạn gái), xi cà que (người què, hàng kém chất lượng), xôi (vòng 1 phụ nữ - phải chăng do hình dáng tròn trịa như dĩa xôi)...
Những tiếng lóng gợi lại cả một thời Sài Gòn chưa xa
Bạn Văn Nhân kể ra một từ lóng có lẽ hiện nay hiếm người trẻ biết: "thím Thang Thang" mà theo bạn, ám chỉ bà Trần Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, đệ nhất phu nhân thời "đệ nhất cộng hòa Ngô Đình Diệm" mà theo bạn vì bà Lệ Xuân hay bốc, lên thang trong ăn nói, hành xử.
"Dân chơi cầu Ba Cẳng" cũng vậy, dù cầu Ba Cẳng (quận 6, cây cầu đi bộ bắc qua kênh Hàng Bàng) bây giờ không còn nhưng hình ảnh dân chơi bạt mạng ở một vùng đất lao động nghèo xưa đất Chợ Lớn, "bất cần thân thể" mà ai nghe tới cũng nể mặt - bạn Thành Vị nhắc lại tiếng lóng xưa này như nhắc tới một kỷ niệm một thời mình sống và lớn lên ở khu lao động nghèo này.
Cầu Ba Cẳng trên bưu thiếp thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu |
Cầu Ba Cẳng những năm 1960 - Ảnh tư liệu |
Đó là một trong những khu lao động, sống vật vưởng đầu đường xó chợ, vỉa hè với nhiều người lang thang thất nghiệp mà người dân gọi đó là dân "ma cà bông" (thật ra tiếng lóng này vốn là phiên âm của một từ nước ngoài: vagabond - người lang thang, thất nghiệp, vô gia cư).
Có một comment trong bài viết Người Sài Gòn giờ không thấy xài mấy tiếng lóng này nữa của bạn Anh Du được nhiều bạn đọc bấm nút thích (like) nhất là bình luận một tiếng lóng giờ hầu như không ai biết, đó là "con cháu nhà Hán": "Cái chữ "con cháu nhà Hán" không chỉ bởi họ Lưu mà còn bởi tính lật lọng, lưu manh. Cứ nhìn Tập Cận Bình (Hán) mới hôm qua tuyên bố tốt đẹp, hôm nay qua Singapore nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc từ thời cổ đại (!?)".
|
Chắc chắn tiếng lóng Sài Gòn còn vô số những từ còn xài hoặc đã thất truyền, kể khó mà xuể - nói như bạn Nguyễn Anh: "Nói tới tết Công Gô - ám chỉ chuyện không bao giờ xảy ra - mới hết".
Quan trọng hơn, những từ lóng không chỉ nói cho vui mà còn ẩn sâu nhiều điều về cuộc sống, quan điểm, thời cuộc... mà khi lần mở lại, chúng ta sẽ hiểu hơn, thấm hơn rất nhiều bất ngờ.
No comments:
Post a Comment