J.B Nguyễn Hữu Vinh, viết từ Hà Nội
Theo RFA-2015-11-25
Buổi tọa đàm về quyền lập hội hôm 21/11/2015 do Chi hội Miền Bắc, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tổ chức Credit: JB Nguyen Huu Vinh
Đau thì phải đẻ, đói thì phải ăn, ngạt thì phải thở
Lẽ thường, khi Hiến pháp đã quy định rõ ràng, thì hệ thống nhà nước phải ban hành đầy đủ luật lệ để đảm bảo quyền của công dân. Thế nhưng, như trên đã nói, trừ Đảng Cộng sản là cơ quan không cần luật, vẫn ngang nhiên tự tung tự tác và tự cho mình quyền đè đầu cưỡi cổ người dân. Phần còn lại, mọi hoạt động của công dân, nếu không làm vừa ý nhà cầm quyền, đều được chú ý và trừng trị, đàn áp không thương tiếc mà cũng chẳng cần đến luật. Những bộ luật còn lại, hầu như chỉ để nhằm hạn chế quyền đó của công dân.
Thế nhưng, cũng là lẽ thường, mọi quyền cơ bản của người dân là nhu cầu cấp thiết và không thể dừng lại. Và dù đã nín nhịn và chịu đựng đến 70 năm qua, thì nhu cầu đó vẫn cứ tồn tại như một nhu cầu bản năng. Bởi lẽ, là con người, thì dù có luật hay không, họ vẫn phải sống, phải ăn uống và hít thở không khí. Nếu Hiến pháp có ghi rõ là: Công dân có quyền sống, ăn uống, hít thở "theo quy định của pháp luật" đi nữa, mà không có luật, thì công dân vẫn phải cứ sống, ăn uống và hít thở không khí.
Việc không chịu ban hành các luật lệ, tạo cho người dân thói quen hành động không theo luật lệ là trách nhiệm của nhà nước, của chính phủ và cái gọi là Quốc hội của đảng. Còn việc được hưởng các quyền của mình là việc đương nhiên như cơm ăn, nước uống và không khí hàng ngày. Chẳng ai có thể vì không có luật, nên công dân phải nhịn thở không khí.
Đã 70 năm, kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, gần 60 năm, kể từ khi bản Sắc lệnh số: 102/SL-L004 ngày 20 tháng 05 năm 1957 được ban bố về quyền lập hội ra đời. Trong các văn bản đó ghi rằng: "Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định". Thế nhưng, từ đó đến nay, chính phủ, nhà nước, quốc hội... đều đánh bài lờ.
Đây là món nợ khó đòi của người dân Việt Nam dưới một chế độ luôn lấy bạo lực làm đầu.
Có lẽ đã đến lúc phải nhắc lại đến một câu nói của Hồ Chí Minh: “Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng: “Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng... Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi, và gây lên chính phủ khác... ”. (Trích Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 270).
Và đến lúc, thì các Hội, nhóm vẫn phải ra đời để đáp ứng nhu cầu xã hội và công dân. Bởi đói thì phải ăn, đau thì phải đẻ. Trong bối cảnh đó, các nhóm Xã hội Dân sự và Hội nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời cùng với các nhóm, hội khác.
Những phản ứng ban đầu của các cơ quan nhà nước thông qua báo chí quốc doanh, là sự dọa nạt, khiêu khích và thiếu thiện chí. Tuy nhiên những sự ngụy biện và lấp liếm của họ, chỉ là những phản ứng cho thấy sự lúng túng và tháu cáy của một cách làm không chính danh và một nhà nước không đàng hoàng. Tất cả những điều đó, trong thời đại Internet toàn cầu đã không có mấy tác dụng.
Và các hội, nhóm xã hội dân sự, trong đó có Hội nhà báo Việt Nam Độc lập vẫn ra đời, tồn tại và tiếp tục phát triển như một xu hướng không thể đảo ngược.
Những quy định không giống ai
Trước những đòi hỏi của sự hội nhập theo các định chế Quốc tế, Việt Nam đã đến lúc dù không muốn, vẫn phải đặt ra cái gọi là "luật". Thế nhưng, những cái luật đó ở Việt Nam ra sao?
Chưa cần nói đến việc thi hành trong thực tế, mà chỉ cần nói đến cách ban hành, cấu tạo Luật ở Việt Nam để hiểu một phần nào thực chất của nó là gì. Cụ thể, ở đây phân tích một vài chi tiết của Dự thảo Luật về Hội mới được khởi xướng và công bố.
Dù rằng trong các văn bản luật pháp và môi miệng quan chức nhà nước CSVN, ngôn từ "bình đẳng" luôn được nhắc đến một cách kiên trì, nhẫn nại đến mức đáng kinh ngạc. Thế nhưng như người đời thường nói: Người ta chỉ hay nhắc đến những gì người ta thiếu (!)
Ngay trong Dự thảo Luật về Hội, điều đầu tiên quy định như sau: "Điều 1, khoản 2. Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng".
Điều đó nghĩa là gì? Với những cánh tay nối dài của Đảng CS nhưng được nuôi bằng tiền thuế của dân, cũng đều được hưởng đặc lợi như cái Đảng của mình - Không cần luật. Riêng với các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, thì ngược lại, được loại ra khỏi luật để trở thành đối tượng đặc biệt không được hưởng những điều kiện tối thiểu của một Hội.
Điều này, có nghĩa là tạo ra trong xã hội Việt Nam những nhóm hội con nuôi và con đẻ của Đảng và nhà nước. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử ngay trong các tổ chức xã hội.
Tiếp theo là những mánh lới như sợi dây thòng lọng "theo quy định của pháp luật" để tiếp tục dùng những văn bản dưới luật khống chế quyền của công dân. Hoặc vẫn tiếp tục có những quy định mơ hồ như "phương hại đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc"... (Khoản 2, điều 8, Dự thảo Luật về Hội) mà các cơ quan công quyền có thể suy diễn chủ quan theo ý mình nhằm kết tội công dân, thực chất là để hạn chế quyền công dân đã được mổ xẻ trong Hội thảo này.
Không chỉ có thế, những quy định trong bản dự thảo Luật về Hội được đặt ra như "Đăng ký Ban vận động thành lập Hội", "phải có đủ số người đăng ký tham gia hội tối thiểu theo quy định của Chính phủ"... rồi việc các chủ tịch chính quyền các cấp cho đến Thủ tướng phê duyệt điều lệ Hội... đều là những "biện pháp kỹ thuật" hết sức nhiêu khê và phức tạp. Điều này hạn chế cơ bản quyền được lập Hội của Công dân.
Những phức tạp, rối rắm mà cái Dự thảo này đưa ra, Tiến sỹ Nguyễn Quang A thì đánh giá: "Dự thảo tồi hơn cả mười năm trước". Và người ta kêu lên rằng: "Dự thảo luật về Hội, thực chất là nhằm ngăn cản quyền tự do thành lập Hội đoàn độc lập".
Thực chất, việc đưa ra một bộ luật như Dự thảo ở đây, chỉ là một sự thách đố và nhằm thâu tóm hầu hết những phương cách để người dân thực hiện quyền cơ bản của mình là quyền tự do lập hội. Ở đó, tất cả lại tiếp tục phải đặt mình vào bàn tay quản lý, kiềm chế và giám sát khắt khe theo ý thích của nhà cầm quyền. Các hội đoàn độc lập của người dân khó có cơ hội được thành lập, các tổ chức tôn giáo buộc đứng ra ngoài việc được công nhận các tư cách pháp nhân.
Từ xa xưa, trong chế độ Cộng sản Việt Nam vốn không có hoặc rất ít luật, mọi sự cai trị phụ thuộc vào nghị quyết, chỉ thị và hướng dẫn hoặc ý thích của các cá nhân thuộc Đảng CS. Từ ngày hội nhập, Việt Nam đã có khá nhiều bộ luật được ban hành.
Thế nhưng với những sự mơ hồ và thiếu rõ ràng, minh bạch trong các câu chữ cũng như việc thực hiện tùy tiện bằng ý chí chủ quan bởi "sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CS" các bộ luật được sinh ra nhiều khi chỉ để làm cảnh mà chưa có tác dụng thực tế.
Đặc biệt việc áp dụng luật tùy tiện và nạn đánh tráo khái niệm ngôn ngữ... đã biến các bộ luật Việt Nam như một hệ thống lưới đủ các loại cỡ khác nhau rải dưới lòng chiếc ao cạn. Chỉ đến khi nào Đảng, nhà nước cần bắt loại "cá" nào, thì loại lưới tương ứng được kéo lên. Còn lại, nếu "đàn cá" ngoan ngoãn thì cứ tha hồ tung tăng bơi lội, phá phách mà không hề sợ pháp luật. Nhất là những loại "cá" có lý lịch, thân nhân thuộc về Đảng CSVN.
Kể từ khi Sắc lệnh số: 102/SL-L004 ngày 20 tháng 05 năm 1957 về Quyền lập Hội ra đời đến nay, người dân vẫn chưa được hưởng bất cứ quyền lập hội độc lập nào. Thậm chí nhiều người đã trả giá cho việc giành quyền này của mình bằng tù tội, bằng mạng sống.
Trên thực tế, nếu bộ luật này được thi hành triệt để, thì có lẽ Nhà nước Việt Nam đã không biết bao lần phải đi tù về bộ luật này quy định:
Điều 2. ... - Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác.
Điều 7. Người nào xâm phạm đến quyền lập hội hoặc đến quyền tự do vào hội, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước toà án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm.
Và chính nhà nước này, dưới sự lãnh đạo của Đảng CS, đã vi phạm trầm trọng và có hệ thống những điều luật này. Họ đã tước đi quyền lập hội của hàng trăm triệu người dân Việt Nam suốt 70 năm nay.
Sự quan tâm của Cộng đồng Quốc tế
Lẽ thường, ở các nước độc tài thì việc trao quyền cho người dân, nghĩa là nhà nước độc tài sẽ mất đi vị thế của mình trong sự cai trị. Hẳn nhiên là điều đó chẳng có một nhà nước độc tài nào muốn.
Tuy nhiên, khi muốn hội nhập vào sân chơi chung của thế giới, việc một mình một chợ, riêng mình một luật đã không còn được sự chính danh và không thể hòa nhập chung. Nhà nước Việt Nam đã dần dần phải nói đến "luật" và nói đến "quyền công dân". Thậm chí đã phải phê chuẩn tham gia các Hiệp ước quốc tế về quyền con người và các vấn đề khác. Dù lời nói và thực tế của họ luôn là một khoảng cách xa vời vợi.
Điều này nhằm đối phó với dư luận và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhưng, sự quan tâm của Cộng đồng quốc tế không chỉ là vì những lời nói suông hoặc chỉ là những ngôn từ mỹ miều từ nhà nước.
Tại cuộc Tọa đàm, ông David V. Muehlke Viên chức chính trị ĐSQ Hoa Kỳ đã phát biểu:
- Chính phủ Hoa Kỳ trong mọi điều kiện đều hành động theo những tiêu chuẩn và lý tưởng về tự do tôn giáo và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ rất thực tế và sát thực trong từng điều kiện. Chúng tôi không muốn gây ra một cuộc Cách mạng, nhưng chúng tôi xúc tiến và thúc đẩy để mọi nơi đều được phát triển về quyền con người và tự do tôn giáo.
Chúng tôi sẽ công khai với mọi người về Hiệp định TPP, trong đó có các quyền tự do lập Công đoàn độc lập và về vấn đề lao động. Hiệp định TPP là một quá trình phức tạp. Hiện nay, hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam chưa phê duyệt, nên chưa thể nói đến những cam kết của chính phủ hai nước. Sau 2 năm, Việt Nam sẽ có khoảng 3 năm để cho các vấn đề Công đoàn độc lập và lập hội được giải quyết.
Chúng tôi cũng lưu tâm đến các Dự luật ở Việt Nam. Chúng tôi muốn biết về những sự mơ hồ cũng như các biện pháp để hạn chế các quyền công dân.
Do vậy, nếu có những vấn đề với các cơ quan Công an, nhà nước về những vấn đề này, chúng tôi đề nghị các vị thông tin kịp thời đến chúng tôi.
Đại diện Đại sứ quán Vương Quốc Anh, ông Graham Knight Trưởng bộ phận chính trị, ĐSQ Anh phát biểu:
- Tôi đã được trực tiếp nghe các vấn đề về Xã hội dân sự và quyền lập Hội ở Việt Nam. Đại sứ quán Anh rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền, tự do báo chí và tự do lập hội cũng như các quyền dân sự, chính trị của người dân Việt Nam. Tôi hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có các cuộc gặp gỡ để trao đổi với nhau về tình hình Việt Nam để hiểu hơn thực tế ở đây.
Còn ông Gustav Dahlin tuỳ viên chính trị ĐSQ Thụy Điển, dù mới đến Việt Nam được mấy ngày, cũng đã đến dự và quan tâm các vấn đề được nêu ra. Ông cảm thấy rất thích thú khi được dự cuộc tọa đàm để hiểu hơn về tình hình Việt Nam.
Tạm kết
Cuộc Tọa đàm về Quyền lập hội được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhưng đã có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Ở đó nhiều vấn đề được đặt ra, mổ xẻ giữa các thành viên trong và ngoài Chi hội Miền Bắc, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trước sự chứng kiến của các quan chức quốc tế quan tâm đến những quyền cơ bản của công dân Việt Nam.
Ở đó cũng đã nêu rõ những vấn đề mà người dân sẽ mắc phải khi bộ Luật về Hội được thông qua mà không có những điều chỉnh cần thiết. Nó sẽ chỉ là một chiếc dây thòng lọng nhằm thắt cổ, cột chặt quyền cơ bản này của người dân. Thực chất, đó là hành động trấn cướp công khai quyền của người dân bằng cách thiếu lương thiện.
Đây là cuộc tọa đàm công khai, mở ra nhiều điều đáng quan tâm trong môi trường xã hội Việt Nam trên một mặt trận mới: Đấu tranh trên phương diện pháp lý và xây dựng Luật, để bảo vệ quyền cơ bản của con người Việt Nam.
Hà Nội, ngày 24/11/2015
· J.B Nguyễn Hữu Vinh
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment