Wednesday, November 25, 2015

Báo Nhật: Trung Quốc thành 'bia' tại thượng đỉnh Ðông Á

MALAYSIA (NV) “Trừ Nga, Lào và Campuchia, đại diện 15 quốc gia còn lại đã cùng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á (EAS),” theo tường thuật của Japan Times.

EAS luôn được tổ chức sau các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Tham dự EAS là mười quốc gia ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và tám quốc gia khác là Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Ấn, Hoa Kỳ, Nga. EAS lần đầu diễn ra vào năm 2005.


Ðảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nay là một căn cứ của Trung Quốc tại biển Ðông. (Hình: hoangsa.org)

Theo Japan Times, đại diện của đa số quốc gia tham dự EAS năm nay đều tỏ ra lo ngại về mức độ căng thẳng càng lúc càng cao tại biển Ðông. Cũng vì vậy họ đã yêu cầu các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông phải tự chế. Còn Trung Quốc thì phải chấm dứt các hành động đơn phương (bồi đắp các bãi đá thành một chuỗi đảo nhân tạo và xây dựng trên chuỗi đảo nhân tạo đó).

Ðại diện Nhật lập lại các nguyên tắc của Công ước về Luật Biển và nhấn mạnh yêu cầu không áp chế bằng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Ðại diện Hoa Kỳ thì đề nghị nâng “phi quân sự hóa biển Ðông” thành một yêu cầu trong tuyên bố chung của EAS.

Ðại diện Trung Quốc là ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc thì biện bạch rằng, Trung Quốc không hề xâm hại tự do lưu thông tại biển Ðông. Thậm chí các cơ sở mà Trung Quốc đã xây dựng trên chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp xong là “cần thiết đối với bảo vệ tự do lưu thông và ứng phó với các thảm họa trên biển.”

Thủ tướng Trung Quốc cũng đưa ra một loạt đề nghị về biển Ðông và kêu gọi các quốc gia không liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Ðông không nên can dự vào tranh chấp này để giảm bớt căng thẳng nhưng không có đại diện quốc gia nào tán thành “thiện chí” đó.

Bên ngoài EAS, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuyên bố với báo giới rằng, lên kết hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các “bãi đá và đảo của Trung Quốc tại biển Ðông” với “nguy cơ quân sự hóa biển Ðông” là vô căn cứ.

Theo báo chí quốc tế, khi thảo luận về tuyên bố chung của EAS, đại diện Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tranh cãi kịch liệt về nội dung của tuyên bố chung. Chưa rõ yêu cầu “phi quân sự hóa biển Ðông” của Hoa Kỳ có được đưa vào tuyên bố chung lần này của EAS hay không.

Giống như để hỗ trợ cho “lập trường bất di, bất dịch” của Trung Quốc về biển Ðông. Vào thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và EAS, Trung Quốc loan báo tập trận ở biển Ðông với sự tham dự của nhiều phi cơ, chiến hạm, tàu ngầm loại mới. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục điều động một trong những vận tải hạm thuộc loại lớn nhất (trọng tải 2.700 tấn) đến tiếp liệu cho căn cứ ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa - quần đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. (G.Ð)

11-24-2015 2:28:39 PM 

No comments:

Post a Comment