Nguyễn Cao (VNTB) “Khi tham gia mạng xã hội, nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề có liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín đến cá nhân người khác” (Trích công văn số 182/PGDĐT, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Người ký: Trưởng phòng Nguyễn Thị Hồng Loan, ngày 2-11-2015).
VNTB - Phải chăng ở Việt Nam, “công lý” là một anh hề? |
Công văn này được đăng tải trên mạng xã hội Facebook vào sáng ngày 20-11-2015 và lập tức tạo phản ứng dữ dội. Đây là một văn bản vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng, xong trên thực tế khó xử lý trách nhiệm vì cho đến nay chưa có Tòa án Hiến pháp.
Lỗi… thư ký?
Người viết bài này có thời gian ngắn phụ trách “viết diễn văn” cho một thứ trưởng. Đa phần các diễn văn, báo cáo dành các quan chức đọc, khi soạn thảo đều qua thẩm định của bộ phận chuyên trách pháp chế. Tuy nhiên nếu viết “nặng thuật ngữ” thì bài diễn văn, bài báo cáo sẽ… khô khốc, khó khăn khi diễn giả muốn “nói vo”. Vậy là nhiều khi thư ký soạn theo kiểu “bình dân học vụ”. Có lẽ một trong cách soạn ấy đã được dùng cho báo cáo của người đứng đầu ngành công an hôm 16-11 tại Quốc hội.
Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, từ tháng 6-2012 đến nay, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành. Bộ trưởng nói rằng đã “ngăn chặn kịp thời hoạt động của số đối tượng chống đối trong nước kích động, lôi kéo quần chúng tụ tập tuần hành, biểu tình chống Đảng”. “Phát hiện xử lý kịp thời các nhen nhóm có tổ chức phản động, hoạt động liên kết trong - ngoài, kích động biểu tình gây rối, gây bạo loạn; ngăn chặn ý đồ hình thành và công khai tổ chức chính trị đối lập trong nước, cũng như hoạt động động lập công khai hoá các hội, nhóm bất hợp pháp trên internet. Đấu tranh có hiệu quả với số đối tượng cực đoan, chống đối chính trị trong nước...”. Bộ trưởng nói như vậy về nhiệm vụ sắp tới của ngành công an.
Tuy nhiên nếu căn cứ theo Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, các vấn đề nêu trên của Bộ trưởng Bộ Công an là “thiếu cẩn trọng” trong sử dụng ngôn từ.
Không có Hội “bất hợp pháp”
Ở VN chỉ có những hội, hiệp hội được thành lập không theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP. Chế tài về vấn đề này được quy định tại Điều 40, Nghị định 45/2010/NĐ-CP: “1. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp như đã nêu tại Điều 40.1, vì Hiến pháp 2013, Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Khi đã là quyền hiến định thì việc chậm ban hành các văn bản liên quan không đồng nghĩa là những quyền hiến định này chưa thể thực hiện.
Không có điều luật nào cấm phê phán Đảng
Khi người dân biểu thị thái độ chê bai cụ thể đảng viên nào đó, phê phán cụ thể một chủ trương, chính sách nào đó của đảng, thì hành vi dân sự đó không thể hình sự hóa.
Điều 16, Hiến pháp 2013, ghi: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Như vậy người dân có quyền khen, chê, phê phán các quyết sách của đảng; vì “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4.2, Hiến pháp 2013)
Chống Tập Cận Bình là chống Đảng?
Vừa qua, ở Sài Gòn diễn ra tuần hành để biểu tình chống Tập Cận Bình đã xâm lược biển, đảo VN.
Công an đã không làm tròn trách nhiệm gìn giữ trật tự để người dân thực hiện quyền tự do biểu tình như Hiến định, mà còn cố tình vi phạm pháp luật khi đứng nhìn những nhân viên của Công ty dịch vụ công ích Thanh Niên Xung Phong đàn áp, bắt người và nhiều người mặc thường phục đã tấn công người dân. Như vậy, ở trường hợp cụ thể này, để dân giảm lòng tin vào Đảng, trách nhiệm ấy thuộc về ông Bộ trưởng Bộ Công an.
Bởi một “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, như đã nhấn rõ ở Điều 2.1, Hiến pháp 2013 thì không thể xảy ra tất cả những vấn đề trên. Nói một cách “nặng lời” thì trách nhiệm công vụ và trách nhiệm của một ủy viên trung ương Đảng đối với ông bộ trưởng cần thiết được xem xét.
* Tác giả bài viết có thời gian ngắn “viết diễn văn, báo cáo” cho Thứ trưởng Đinh Quang Ngữ, năm 2006.
No comments:
Post a Comment