Wednesday, November 25, 2015

Phóng viên Không Biên giới công kích nhà cầm quyền VN nhân dịp ông Trương Tấn Sang đến Đức

Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang dẫn phái đoàn thăm viếng Đức chính thức ngày hôm nay 25/11 tại Berlin và ngày mai 26/11 tại Frankfurt am Main. Đồng bào Việt Nam tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam 21 tổ chức biểu tình "dàn chào" phái đoàn Trương Tấn Sang tại cả hai nơi, như hồi năm ngoái đã biểu tình đối mặt chống Nguyễn Tấn Dũng tại Stuttgart và Berlin. Diễn Đàn Việt Nam 21 đã có thư gửi tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng Đức về các cuộc hội kiến với Trương Tấn Sang. Cũng trong dịp này về phía Đức tổ chức Phóng viên Không Biên giới Đức ngày hôm qua đã lên tiếng chỉ trích kiểm đuyệt và bắt bớ tại Việt Nam. Sau đây là những công kích của Phóng viên Không Biên giới Đức do Nguyễn Trọng Toàn chuyển sang tiếng Việt

Ông Trương Tấn Sang tại Manila. Ảnh: AP
Nhân dịp chuyến thăm Đức của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang ngày mai, thứ Tư, Phóng viên Không Biên giới công kích việc kiểm duyệt nghiêm ngặt kiểm duyệt ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa này. Ai tường thuật về các vấn đề nhậy cảm sẽ bị trừng phạt nặng vì tội "lật đổ nhà nước" hay "tuyên truyền chống chính phủ". Việc giam giữ điều tra kéo dài nhiều tháng, nhưng phiên tòa xét xử thường chỉ kéo dài có một vài giờ.

"Hiến pháp Việt đảm bảo về mặt lý thuyết các quyền tự do báo chí. Trong thực tế, các chính phủ dưới quyền Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hạn chế quyền này với nhiều luật ngoại lệ, Giám đốc điều hành Phóng viên Không Biên giới Đức Christian Mihr nói. "Đã đến lúc cần chấm dứt cuộc đàn áp các blogger và các nhà báo độc lập cũng như cho phép phương tiện truyền thông phê bình của đất nước."

Truyền thông và internet tại Việt Nam là đối tượng của một hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ của Bộ Tuyên truyền. Luật hình sự mơ hồ như Điều 258, chống lại "lạm dụng tự do dân chủ" dùng để bắt giam các ký giả. Chỉ trích chính phủ bị cấm và Đảng Cộng sản bắt bớ triền miên các blogger và các nhà báo độc lập, cũng thường dùng bạo lực dã man và với sự giúp đỡ của các nhóm xã hội đen.

Truyền thông độc lập bị kiểm duyệt ...

Blog và các phương tiện truyền thông xã hội thường chỉ có thể truy cập thông qua phần mềm vượt thoát kiểm duyệt. Hầu hết các công ty internet là của nhà nước và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan kiểm duyệt. Mật khẩu bị trộm và vào những ngày khi blogger bị bắt hoặc bị kết án, thì đường nối vào Internet bị làm chậm lại.

Bất chấp sự đàn áp của chính quyền, các trang mạng như Dân Làm Báo tiếp tục bảo vệ quyền tự do thông tin tại quốc gia ở Đông Nam Á này. Bắt đầu vào năm 2009 và từ đó bị ngăn chặn, Dân Làm Báo cho phép người sử dụng để thể hiện ý kiến ​​của mình một cách tự do. Các blogger độc lập, ký giả báo giấy và người phanh phui các bí mật của chính quyền đều dùng phương tiện là các trang mạng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cáo buộc Dân Làm Báo đã "xúc phạm các nhà lãnh đạo quốc gia, kích động quần chúng chống lại đảng và nhà nước, gây nghi ngờ làm xấu công luận và do đó phá hoại niềm tin vào nhà nước."

Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho Bộ Công an điều tra bất cứ ai có liên hệ với Dân Làm Báo. Nhiều blogger sợ bị bắt hoặc gia đình họ bị quấy nhiễu nên họ chỉ có thể viết dưới một bút danh.

... và lách kiểm duyệt

Ngày thế giới chống kiểm duyệt internet 12 tháng 3 năm 2015 Phóng viên Không Biên giới đã giúp lách kiểm duyệt cho các trang mạng tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam Thời Báo, trang mạng của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, và Dân Làm Báo.

Lưu vong nghĩa là tự do

Nhiều blogger chỉ có thể viết tự do khi lưu vong. Blogger Tạ Phong Tần đã được tự do hồi tháng chín sau ba năm tù. Trên blog Công Lý và Sự Thật, bà đã chỉ trích nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền của cảnh sát, tư pháp và bị kết án đến mười năm tù và năm năm quản thúc tại gia. Tạ Phong Tần đã qua Mỹ khi được thả và được Nguyễn Văn Hải chào đón ở Los Angeles. Nguyễn Văn Hải, được biết đến nhiều hơn với tên viết blog là Điếu Cày, đã bị kết án 13 năm tù cùng với Tần và bị buộc phải lưu vong sau khi được thả.

Chiến dịch với missio vận động cho Nguyễn Văn Lý

Khuôn mặt tiêu biểu cho nhiều ngươì là linh mục Nguyễn Văn Lý, người đồng sáng lập của một khối trực tuyến cho dân chủ. Ông đang ở tù. Vì vậy missio Aachen [2] và Phóng viên Không Biên giới sẽ cùng đưa ra kiến ​​nghị thu chữ ký cho Nguyễn Văn Lý vào cuối tháng 1 năm 2016. Kiến ​​nghị này sẽ được trao cho chính phủ liên bang trong tháng Chín 2016. missio và Phóng viên Không Biên giới tuyên bố tự do tôn giáo và tự do thông tin không thể tách rời và quyền con người là bất khả phân. Bênh vực cho các Kitô hữu bị áp bức và tín đồ các dân tộc thiểu số khác luôn luôn có nghĩa là phải bênh vực cho tự do thông tin - và ngược lại.

Việt Nam đứng hạng 175 trong 180 nước trên Chỉ số Tự do Báo chí (Press Freedom Index) của Phóng viên Không Biên giới. 14 blogger hiện đang ngồi tù. Năm 2014 có 3 blogger Việt Nam trong số 100 anh hùng của tự do báo chí. Nước này cũng là một trong những kẻ thù lớn nhất của internet. 

[1] Kritik an Internetzensur und Inhaftierungen, Reporter ohne Grenzen 24/11/2015

[2] missio (tiếng la tinh có nghĩa là sứ mạng) là một tổ chức truyền giáo ở Đức, Áo, Thụy Sĩ thuộc giáo hội Vatican có nhiệm vụ hỗ trợ các sinh hoạt tôn giáo ở Á Châu, Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh và Châu Đại Dương trong các chủ đề nhân quyền, hoà bình, bác ái


Nguồn Reporter ohne Grenzen [1] 


Chuyển ngữ: Nguyễn Trọng Toàn (Diễn Đàn Việt Nam 21)Nguyễn Trọng Toàn (Diễn 

No comments:

Post a Comment