Theo Báo Khánh Hòa-02/11/2015 15:31
Trong kháng chiến, Hòn Dung (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vốn là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Vậy mà giờ đây, những cánh rừng bạt ngàn đã và đang bị cạo trọc, khiến những ai từng một thời gắn bó với vùng đất cách mạng này không khỏi nhói lòng...
Đứng trên đỉnh Hòn Dung, cái nắng cuối mùa khô táp thẳng vào mặt từng hồi rát rạt. Trước mặt, sau lưng, chỗ nào cũng cây đổ ngổn ngang. Gốc lớn, gốc nhỏ còn ứa nhựa. Cảm giác tan hoang, xót xa cứ nhói lên khi chứng kiến khung cảnh bạt ngàn cây cối bị đốn hạ.
Một thân cây to chưa kịp cháy
Hạ cây ồ ạt
Cách đây mấy tháng, nhìn từ xa, núi Bò Mắt (thuộc Hòn Dung) vẫn xanh rậm cây cối. Giờ đây, tất cả chỉ còn trơ gốc. Những thân cây đổ ngổn ngang, những vạt rừng còn sót lại cũng cháy sém, nham nhở. Ở khu vực sát đập Đá Bàn, khoảng mấy ha đất rừng mới bị đốn hạ. Cây nhỏ, cây to bị “bức tử” bởi những nhát cưa máy sắc lạnh. Chỉ tay về phía mấy gốc ké nằm trơ trụi, Thiện - một tay phá rừng có tiếng ở xã Ninh Sơn khoe với chúng tôi: “7ha đó tôi mới cưa tháng trước. Một mình tôi với một cây cưa máy, vừa làm vừa chơi mà chưa đầy 20 ngày tôi đã hạ hết. Ngày xưa, nếu dùng rìu, rựa thì mấy tháng trời mới làm sạch được chỗ này. Cây ở đây tuy không lớn nhưng mật độ cây rừng dày đặc, rất khó đốn hạ, chỉ có tầm cỡ có nghề như tôi mới phá nhanh như vậy”.
Một góc hiện trường trên đỉnh Hòn Dung
Từng có thời gian điều tra việc khai thác vàng ở Ninh Sơn nên chúng tôi không lạ gì khu vực núi Bò Mắt. Cách đây mấy năm, cả một bạt rộng lớn được bao bọc bởi cây rừng. Cây to, cây nhỏ xòe tán kín cả mặt đất. Dân phu vàng làm việc giữa ngày hè mà không cần đội nón. Vậy mà giờ đây, cả một mái núi phía đông không còn một bóng cây. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, Thiện ra điều hiểu biết: “Khó gì đâu, mấy ngày trời nắng, đưa cưa máy lên cưa sát gốc nhưng không cho cây đổ. Người đứng dưới núi nhìn lên vẫn thấy một màu xanh, biết đâu rừng bị phá. Đến khi cây khô, cho một mồi lửa là xong. Những thân gỗ lớn sử dụng được, vài bữa tôi cho xe lên lấy về. Ai hỏi thì cứ nói là rừng bị cháy, tận thu cây. 12ha đất rừng của tôi đều làm theo kiểu này”.
Trong khi khoe mẽ chiến tích phá rừng của mình, Thiện tiết lộ sang năm, gã sẽ chuyển sang hoạt động tại lòng hồ Đá Bàn. “Bên đó dù là rừng phòng hộ nhưng được cái khuất núi, ít tai mắt, có hạ cây cũng khó biết” - Thiện cười đầy bí hiểm.
Điểm mặt những tay cộm cán
Thực ra, tình trạng cưa cây với diện tích lớn trên đỉnh Hòn Dung đã xảy ra ở Ninh Sơn nhiều năm nay. Mỗi lần tàn phá cây cối ở địa danh này đều với diện tích lớn. Những cá nhân vi phạm đều là những người có rẫy ở cạnh rừng. Dựa vào đặc điểm “da beo” của đất rừng Ninh Sơn, có cơ hội là các cá nhân có máu mặt lập tức đốn hạ cây cối tự nhiên. Qua sự giới thiệu của một người đàn ông ở thôn 2, chúng tôi tìm đến một người tên Khánh ở thôn 5, xã Ninh Sơn. Sau mấy bận gặp mặt, người này mới chịu nói chuyện: “Ở đây, anh em nhà thằng Thiện là phá rừng ác nhất. Tôi cũng mới phá 1ha ở sát đỉnh Hòn Dung. Nếu thích, sang năm phá tiếp”. Qua trò chuyện với Khánh mới biết, thực sự chỉ có vài cá nhân phá rừng ở khu vực núi Bò Mắt. Rừng phá xong thì đất biến thành đất rẫy. Cách đây mấy mùa rẫy, anh em nhà Đồng “đen” ở thôn 5 cũng đã phá cả chục ha, nay đã canh tác, ai có nhu cầu sẽ bán lại.
Xuống gỗ ngay gần Trạm kiểm soát lâm sản
Qua tìm hiểu được biết, ngoài những nhân vật cộm cán trên, trong năm 2015, danh sách này còn có Dương Ngọc Có (thôn 2), Lê Thanh Hải (thôn 3) đã phá một diện tích rừng không nhỏ do xã Ninh Sơn quản lý. Trước đó, năm 2014, các cá nhân trong xã gồm: Đoàn Thị Minh Hiếu, Nguyễn Đình Quế, Nguyễn Văn Bút đã phá khoảng 4ha rừng ở khu vực núi Bò Mắt. Một người dân ở ngay gần rừng Hòn Dung cho biết: “Năm nào rừng ở đây cũng bị phá. Bọn họ đem cưa máy lên cưa rầm rầm giữa thanh thiên, bạch nhật mà có thấy ai xử lý”.
Ai chống lưng cho lâm tặc?
Khi được hỏi sao phá nhiều như vậy mà không việc gì, Thiện trả lời: “Tuy đây là rừng đầu nguồn nhưng mình có “cơ” thì mới dám phá, đám khác mà làm là bị truy tố ngay. Rừng này do xã quản lý, kiểm lâm không có quyền gì cả. Mình phá thì buộc họ phải kiểm tra nhưng chỉ để lấy lệ. Sau đó biết điều chút đỉnh là hòa cả làng. Cán bộ xã toàn anh em, chiến hữu cả mà. Hồi trước phá được 5ha, cúng rẫy mời cán bộ xã lên trên này nhậu luôn. Mấy ổng cũng trách sao phá rừng, tôi nói nghèo khó thì phá thôi, thế là xong”.Có điều lạ, diện tích cây bị đốn hạ theo kiểu tận diệt năm nào cũng nhiều, song đến thời điểm hiện tại chưa có một cá nhân nào bị xử lý nặng. Có chăng chỉ là phạt hành chính khoảng 1 triệu đồng hoặc cảnh cáo, nhắc nhở. Trong một lần trà dư, tửu hậu với Thiện, gã hứng chí chỉ đống gỗ đã được xẻ hộp vuông vức trong nhà mình rồi nói: “Toàn hàng xịn đấy, đây chỉ để một ít, mấy khối gỗ xịn hơn cất ở nhà bố vợ hết rồi. Ông anh xem có mối nào cần gỗ cứ đặt, chỉ vài bữa là có ngay. Ở Ninh Sơn này, không rừng nào là tôi không biết”.
Làm việc với xã Ninh Sơn, ông Đào Trung Hải - Phó Chủ tịch xã Ninh Sơn cho biết: “Ngay khi phát hiện các đối tượng phá rừng, tôi đã trực tiếp lên kiểm tra. Trong đó Lê Đăng Thiện phá khoảng 0,2ha; một cá nhân khác không phải người địa phương phá 0,7ha nhưng không biết tên tuổi. Tổng toàn bộ diện tích rừng bị phá vừa qua khoảng 1,2ha. Đây là rừng thuộc trạng thái 1C (rừng tái sinh). Chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu cam kết không được phá rừng nữa”. Theo ông Hải, hiện xã đã chuyển biên bản vi phạm cho Hạt Kiểm lâm thị xã xử lý. Bên cạnh diện tích rừng do xã quản lý bị phá thì còn có một phần diện tích bị phá khác do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa quản lý. Do đó, phần này xã không có thẩm quyền.
Rời UBND xã Ninh Sơn khi trời đứng bóng, dù ở rất xa nhưng nhìn diện tích cây cối trên đỉnh Hòn Dung bị cạo trọc cũng đủ thấy diện tích thực tế không chỉ 1,2ha. Hình ảnh những gốc cây ứa nhựa, thân cây cháy sém nằm trơ trụi trên núi Mắt Bò khiến nhiều nghi vấn cứ lặp đi, lặp lại trong đầu chúng tôi...
Những lãnh địa riêng
Những đối tượng phá rừng làm rẫy trên đỉnh Hòn Dung mà chúng tôi tiếp xúc, ban đầu cho rằng vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất nên mới làm liều. Nhưng thực tế, đất rẫy đó được họ hét giá cao ngất, và muốn mua bao nhiêu, họ cũng có thể đáp ứng...
Men theo con mương dẫn nước từ hồ Đá Bàn về phía nam, qua khỏi cầu Máng (thôn 5, xã Ninh Sơn), chúng tôi theo đường mòn hướng lên đỉnh một quả đồi khác của dãy núi Hòn Dung. Giữa trưa nắng, chúng tôi gặp một người đàn ông đang cuốc đất. Thấy chúng tôi tiến lên, người này vội buông cuốc, nói vọng xuống: “Các anh đi kiểm tra rừng à. Em cũng vì không có đất, cực chẳng đã mới lên đây phát cây để làm rẫy”. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi không phải là người của cơ quan chức năng đến kiểm tra, nét mặt người này giãn ra, vui vẻ ngồi tiếp chuyện với chúng tôi. Người đàn ông tên Đồng, nhà ở thôn 5, xã Ninh Sơn. Khu đất khoảng 1ha mà ông đang cuốc lỗ để gieo bí này do đích thân ông sau nhiều ngày cưa hạ, đốt cây rừng mới có được. Hỏi về những mảng màu xám đen, có chỗ còn âm ỉ bốc khói tiếp giáp với mảng màu xanh tươi của cây rừng xa xa trên dãy núi này, ông ta cho biết: “Những nơi đó là rẫy của anh tôi và của ông Dũng, ông Năm, thằng Khánh... Hôm trước ở đó cây rừng cũng phủ kín, phải mất nhiều công sức họ mới dọn sạch để chuẩn bị trồng bí”.
Một phần đất rừng vừa phát đốt
Lần hồi trong câu chuyện, người đàn ông hé lộ cho chúng tôi biết một luật phát rừng bất thành văn nghe khá lạ. Đó là ai đã có rẫy phía dưới thì cứ phát, đốt cây rừng để lấn dần lên phía đỉnh núi, ai không có rẫy phía dưới mà đến mở rẫy phía trên là không được. Hàng trăm héc-ta rẫy đã được trồng keo, bạch đàn phía dưới chân núi Hòn Dung hầu hết là do người dân lấn chiếm đất rừng trong nhiều năm qua. “Mình đã có rẫy phía dưới thì cứ thế mà phát lên trên đỉnh, thậm chí sang cả sườn phía bên kia. Chỉ sợ cơ quan chức năng hoặc mình không có sức mà làm chứ không ai dám đến đây tranh giành với mình”, một người mà chúng tôi tiếp xúc khẳng định.
Mua bao nhiêu cũng có
Khi mới gặp, ông Đồng than vãn do không có đất sản xuất nên mới lấn chiếm đất rừng để trồng bí; nhưng khi nghe chúng tôi nói đang tìm mua đất rẫy với diện tích tối thiểu 30ha để trồng cây mắc ca, ông liền khoe: “Tôi có 5ha rẫy đã trồng keo phía dưới và 1ha mới phát này nữa. Ở khu vực này, nếu tính cả rẫy cũ và rẫy mới của 3 anh em tôi cũng đã khoảng 14ha. Tôi sẽ giới thiệu cho các ông rẫy của 6 - 7 người ở gần đây là đủ diện tích. Nhưng phải được giá thì chúng tôi mới bán”.
Các đối tượng mở đường trái phép trên Hòn Dung
Quả thật, sau đó chúng tôi được gặp những người có rẫy muốn bán do ông Đồng móc nối. Họ ra giá 42 triệu đồng/ha rẫy mới phát đốt trên đỉnh Hòn Dung. Ông Đồng cho biết tổng diện tích rẫy mới phát của 3 anh em và của 7 người khác cũng đã gần đủ 30ha; nếu chưa đủ diện tích cần mua thì họ sẽ làm thêm cho đủ, muốn mua bao nhiêu cũng có! Thậm chí, họ còn cam đoan nếu mua bán xong xuôi sẽ có giấy tay, được chính quyền địa phương xác nhận (?).
Mai này có còn rừng Hòn Dung?
Ngồi nói chuyện với một cụ ông (người địa phương) đã từng một thời hoạt động cách mạng trên căn cứ địa Đá Bàn, cụ ngậm ngùi chia sẻ: “Trước đây, Hòn Dung bạt ngàn cây rừng, toàn cây to. Vậy mà giờ đây, bị phá trắng tới tận đỉnh. Vừa rồi họ đốt rừng trên đỉnh núi đó chắc là diện tích lớn lắm, vì tôi ở ngay trung tâm xã, cách mấy cây số mà còn nhìn thấy khói, lửa bốc lên. Chuyện phá rừng đâu phải mới xảy ra. Trước đây, họ chỉ lấy gỗ tốt, nay thì cây lớn, cây nhỏ cưa sạch. Trạm kiểm soát lâm sản, UBND xã cách đó không xa mà họ đâu có sợ, cứ phá nát rừng như vậy thì còn gì là rừng Hòn Dung?”.
Canh tác trái phép trên diện tích đất rừng
Sự lo lắng đó cũng chính là nỗi lòng của không ít người dân Ninh Sơn. Họ bức xúc lắm nhưng không ai tố cáo? Bởi việc lâm tặc phá rừng ai cũng biết, cũng thấy. Tố cáo điều ai cũng biết thì tố cáo làm gì?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, tổng diện tích đất rừng ở Ninh Sơn bị người dân lấn chiếm làm rẫy đã lên đến gần 200ha, chủ yếu tập trung ở khu vực phía đông núi Hòn Dung. Hẳn nhiên con số này chưa phải là con số chính xác, song chỉ mới chừng đó thôi cũng đủ hiểu tốc độ phá rừng làm rẫy ở Ninh Sơn là khủng khiếp đến thế nào. Ông Phạm Minh Long - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết: “Thời gian qua, các đối tượng cố tình phát đốt ở khu vực trạng thái 1C rất ranh mãnh. Để tránh bị phát hiện, họ để chừa lại một dãy cây phía trước để làm bình phong, rồi chặt mở rộng phía sau nên lực lượng kiểm tra rất khó phát hiện. Đến khi cây khô, họ đốt thì mới phát hiện được nhưng chuyện đã rồi”.
Khi chúng tôi phản ánh về tình trạng tàn sát cây ở những vị trí trên đỉnh Hòn Dung, ông Long cho biết, trong phạm vi khu vực đó chỉ một phần nhỏ thuộc quản lý của xã, phần lớn thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên đến chiều 30-10, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Long xác nhận: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xác định khu vực đó phần nhiều thuộc phạm vi quản lý của xã”. Ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã cho biết: Ngày 30-10, đã cử cán bộ lên kiểm tra theo hình ảnh phóng viên cung cấp. Theo đó, phần cây bị đốn hạ thuộc quản lý của UBND xã Ninh Sơn và ông cũng nói thêm: “Nếu khu vực đó là rừng, nhưng đã bị người dân chặt phá, nay đã làm rẫy mà họ nói là rẫy cũ của họ làm từ năm 1998 đến nay thì cũng chịu thua, không xử lý được”.
Giờ đây, rừng Hòn Dung đã bị xâm hại nghiêm trọng. Nếu không mạnh tay xử lý, mai này người dân Ninh Sơn sẽ là người trực tiếp chịu hậu quả từ việc mất rừng.
No comments:
Post a Comment