Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ 2015-11-02
Phản đối chuyến thăm sắp tới của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Tận Bình. Photo: FB Nguyen Lan Thang
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam vào hai ngày 5 và 6 tháng 11 tới đây. Một số nhân sĩ, trí thức và người dân quan tâm, trong cũng như ngoài nước, lên tiếng phản đối chuyến công du này. Lý do vì sao và tình thế nào đối với mối quan hệ Việt- Trung lúc này?
Tuyên bố để bày tỏ thái độ
Sau khi tin về chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chính thức xác nhận, vào ngày 15 tháng 10 có hơn 120 người trong nước công khai Bản Lên Tiếng về việc không hoan nghênh ông Tập Cận Bình đến Việt Nam vào thời điểm này.
Sang ngày 2 tháng 11, tám tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam cùng hơn 130 người cả trong và ngoài nước công khai Tuyên bố về Chuyến Thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình.
Tuyên bố gồm 5 điểm nêu rõ lập trường của những tổ chức và cá nhân ký tên về mối quan hệ Việt- Trung, những hành động xâm chiếm lãnh thổ- lãnh hải của Việt Nam do Bắc Kinh tiến hành lâu nay, việc hành xử bạo lực đối với ngư dân Việt đánh bắt hải sản tại khu vực ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa …
Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng, một trong những người ký tên vào bản Tuyên bố cho biết lý do ông tham gia cùng bảy tỏ chính kiến với nhiều người quan tâm khác:
“Tuyên bố đó để nói rõ thái độ của nhân dân Việt Nam. Lãnh đạo có thể lấy lòng, khúm núm, cầu cạnh như thế nào; đó là một nhóm lãnh đạo chứ còn tiếng nói của chúng tôi là tiếng nói của người dân nhằm bộc lộ thái độ, ý chí của chúng tôi đối với Trung Quốc.
Đáng lẽ một nước có dân chủ thì vào dịp này người ra rất cần có biểu hiện thái độ, ý chí bằng tập hợp lực lượng, nhưng việc tập hợp lực lượng như thế chắc không làm được nên chúng tôi phải ra tuyên bố đó thôi.
- Nhà văn Phạm Đình Trọng
Chúng tôi nghĩ rằng trong (lúc) bị đàn áp, o ép thì chỉ có thể lên tiếng thế thôi; chứ còn biểu tình chắc không làm được, khó. Đáng lẽ một nước có dân chủ thì vào dịp này người ra rất cần có biểu hiện thái độ, ý chí bằng tập hợp lực lượng. Nhưng việc tập hợp lực lượng như thế chắc không được, không làm được nên chúng tôi phải làm là ra tuyên bố đó thôi.”
Giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng thuộc nhóm chủ trương trang Bauxite Việt Nam cũng là một trong những người ký tên cho biết quan điểm của ông khi tham gia hoạt động này:
“Cũng nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, nhưng trí thức, những người dân yêu nước Việt Nam cần bày tỏ cho ông chủ tịch Tập Cận Bình thấy những việc làm sai trái của họ đối với Việt Nam, những nguyện vọng, ước muốn của nhân dân Việt Nam cụ thể về vấn đề Biển Đông.”
Đường lối của Hà Nội
Thông tin cho biết chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam trong tuần đầu tháng 11 này là do lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ông Nguyễn Thiện Chí, giảng viên cao cấp Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng hoạt động ngoại giao như thế là đường lối lâu nay của Hà Nội:
“Châm ngôn của Bộ Ngoại giao, của đảng chúng tôi là đa phương hóa, đa dạng hóa. Tiếp đến là muốn gần gũi, trao đổi, tiếp cận. Hoan nghênh cả thôi. Nhà nước tiếp cận làm sao có lợi, cho tốt thôi. Dẫu sao họ nghe tiếng nói của bên này, của nhân dân Việt Nam thì họ sẽ có một thái độ nào đó đúng mực. Còn hõ khôn nghe thì nhân dân thế giới phê phán thôi!
Chúng tôi muốn thân thiện, hết sức thân thiện, muốn hòa bình, muốn hữu nghị. Nhưng hữu nghị thì phải cả hai bên, chứ một bên không được. Tối thiểu phải lịch sự, văn minh; bên kia quay lưng làm sao được?!”
Theo nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng thì phía Trung Quốc sang Việt Nam lần này cũng tương tự như vào những dịp đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội 5 năm đưa ra đường lối, chính sách và đội ngũ nhân sự lãnh đạo đảng và nhà nước. Ông nói:
“Dịp này là dịp mà Trung Quốc rất cần, họ muốn có mặt, có ảnh hưởng tại Việt Nam. Lý do vì sắp tới đại hội đảng sắp đặt ‘ghế ngồi’, nhân sự cho lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới. Trung Quốc họ rất cần có mặt lúc này để làm áp lực, sắp đặt theo ý muốn của họ về nhân sự. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình sang Việt Nam lúc này là như thế và cũng để hỗ trợ cho những người, những tư tưởng ngóng vọng sang Trung Quốc và muốn tồn tại thế lực của Trung Quốc. Tập Cận Bình sang cũng để làm hậu thuẫn cho những con người đó, những tư tưởng ấy.”
Chính sách của Trung Quốc
Ông Nguyễn Thiện Chí còn là thành viên thuộc Ủy ban Thường Vụ Hội Hữu nghị Việt- Trung và trưởng ban liên lạc cựu lưu học sinh, thực tập sinh Trung Quốc, thừa nhận lâu nay Trung Quốc nói và làm không đi đôi với nhau. Nay toàn thế giới đã nhận thấy điều đó. Ông Nguyễn Thiện Chí nói rõ:
“Giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc không đi đôi với nhau. Điều này thế giới thấy cả rồi. Như Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam được thế giới công nhận và họ nói nhiều lắm. Có những nước không nói ra nhưng trong bụng vẫn cho đó là của Việt Nam.
Chúng tôi muốn thân thiện, hết sức thân thiện, muốn hòa bình, muốn hữu nghị. Nhưng hữu nghị thì phải cả hai bên, chứ một bên không được. Tối thiểu phải lịch sự, văn minh; bên kia quay lưng làm sao được?!
- Ông Nguyễn Thiện Chí
Trong phạm vi vi mô của bản thân, một người dân trong nước và là sĩ phu, chỉ mong muốn thế này thôi: Trung Quốc bình tĩnh, thật cầu thị lắng nghe tiếng nói của nhân dân thế giới để hành xử cho đúng. Vì họ là nước lớn, nước lớn mạnh lắm; còn chúng tôi nước nhỏ đấu tranh thì còn chờ các nước láng giềng, chờ các nước trong Liên Hiệp Quốc, chờ những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới họ quan tâm theo dõi, họ giúp đỡ chúng tôi trong vấn đề này. Nước nhỏ chống lại nước lớn khó lắm, phải có thời gian. Nếu nước lớn biết cầu thị, muốn sống trong hòa bình, đừng xâm lược, đừng tham lam (tham lam không được) thì phước quá. Nhưng thời gian sẽ ủng hộ chúng tôi.”
Nhà văn Phạm Đình Trọng đánh giá thực tế diễn tiến như hiện nay là một cơ hội mà chính quyền Hà Nội cần phải nắm bắt chứ không thể bỏ qua như nhiều lần khác:
“Tình trạng rất có lợi cho Việt Nam và cũng mở mắt cho Việt Nam về dã tâm của Trung Quốc ‘hai năm rõ mười’ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Và xu thế của thế giới đối với Trung Quốc cũng đã rất rõ: Philippines như thế, rồi Mỹ như thế; nhưng mà thái độ của Việt Nam vẫn lập lờ.
Lực lượng Mỹ vào Biển Đông để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông đều được từ úc, Châu Âu ủng hộ nhưng Việt Nam vẫn có thái độ im lặng, lập lờ, không rõ ràng. Điều đó thể hiện là áp lực của Trung Quốc đối với những người lãnh đạo Việt Nam rất lớn. Áp lực đó, sức ép đó đang còn duy trì và ảnh hưởng rất nặng nề đếnViệt Nam, cho nên một cơ hội, thời cơ thuận lợi sẽ lại qua đi thôi!”
Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội trong trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này nói rõ mục đích nhằm vạch ra đường hướng cho mối quan hệ Việt- Trung trong thời gian tới.
Những người quan tâm tại Việt Nam bày tỏ hy vọng lãnh đạo Hà Nội sẽ sáng suốt nghe theo tiếng nói của người dân và thế giới tiến bộ; không còn răm rắp tuân thủ chính sách do tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc vạch ra.
No comments:
Post a Comment