Monday, November 2, 2015

Di sản Hồ Chí Minh và tương lai Việt Nam

Kính Hòa, phóng viên RFA 2015-11-02  
150314084337_1_640x360_facebook_nocredit
Các thanh niên mặc áo cờ đỏ sao vàng đã giăng cờ búa liềm quanh khu vực tượng đài, ngăn chặn đoàn tưởng niệm chiến sĩ gạc ma hôm 14/3/2014  FB photo
Ông Nguyễn Lân Thắng, một blogger, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà nội bị quấy nhiễu và hành hung trong tuần qua.
Một nhóm người đã kéo đến nhà ông vào đêm 21 tháng 10 thóa mạ ông. Vài ngày sau ông và gia đình lại bị chận đánh một lần nữa. Các tài khoản email, và mạng xã hội của ông bị chiếm đoạt.
Những người tấn công ông Thắng tuyên bố trên mạng xã hội rằng ông Thắng xúc phạm đến ông Hồ Chí Minh, vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam cộng sản.
Huyền thoại Hồ Chí Minh
Ông Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại, đồng thời ông cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Những người chống đối ông đôi khi dùng những từ rất nặng nề để chỉ ông. Nhưng bên trong Việt Nam thì những lời lẽ tốt đẹp nhất luôn luôn được đảng cộng sản cầm quyền dùng để tôn sùng ông.
Những người trưởng thành ở nước Việt Nam cộng sản đều được dạy từ nhỏ những bài hát ca ngợi ông, xem những đoạn phim trong đó hình ảnh ông được diễn tả như một nhà hiền triết lo lắng cho an nguy của dân tộc, hay là những mẩu chuyện về ông là một người khiêm tốn, giản dị.
Trong giai đoạn hai thập niên trở lại đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, với việc công bố những tàng thư ở Pháp, hay Nga, là nơi mà ông Hồ Chí Minh từng hoạt động trong một thời gian dài, người Việt Nam bên trong nước dần dần có thêm một góc nhìn khác về ông. Những góc nhìn ấy đôi khi đến từ chính những người rất thân cận với ông Minh. Có thể kể ra những nhà văn như Vũ Thư Hiên, Trần Đĩnh, Nguyễn Đăng Mạnh.
Ông Nguyễn Lân Thắng vốn là một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, và hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, ông đã dùng những hình ảnh tuyên truyền về ông Hồ Chí Minh của đảng cộng sản để châm biếm. Ông Thắng trả lời truyền thông nước ngoài rằng ông chấp nhận rủi ro để cho mọi người biết sự thật về ông Hồ Chí Minh.
Sự tôn sùng lãnh tụ vốn là một đặc điểm của các quốc gia cộng sản, việc châm biếm những lãnh tụ cộng sản vốn bị những hình phạt khe khắt trong các quốc gia này vào thời kỳ chủ nghĩa cộng sản chưa sụp đổ.
Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ở Đông Âu và nước Nga hơn một phần tư thế kỷ. Tại Việt Nam việc nói động chạm đến các vị lãnh tụ cộng sản đã không còn là một điều tuyệt đối cấm kỵ nữa. Theo ghi nhận của ông Nguyễn Hồn Việt, một giảng viên trường đảng, thì những bài báo nói đến đời tư của ông Hồ Chí Minh đã được đăng tải công khai trên báo chí chính thống của Việt Nam trong những năm đầu thập niên 90, mặc dù sau đó một số nhà báo đã bị kỷ luật.
Cũng trong  những năm đó, báo chí Việt Nam cũng tiết lộ rằng tác giả Trần Dân Tiên vốn viết sách ca ngợi ông Hồ cũng chính là ông Hồ. Điều này làm nhiều người đặt câu hỏi là liệu ông Hồ có phải là một người khiêm tốn giản di như sự tuyên truyền của đảng mô tả hay không.
Lưu manh đỏ và luật pháp
Trở lại câu chuyện ông Nguyễn Lân Thắng bị những người nhân danh bảo vệ ông Hồ tấn công, người ta thấy rằng nhóm người này cũng chính là nhóm người mang cờ đỏ sao vàng lẫn búa liềm xung đột với những người kỷ niệm ngày đảo Garma mất về tay Trung quốc hồi năm ngoái.
Nhà khoa học Tô Văn Trường gọi họ là Lưu manh đỏ. Ông tìm nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng nay. Theo ông đó là bằng chứng cho thấy xã hội đang tan rã
Hiện tượng "lưu manh đỏ" này phản ánh phẩm chất vô cùng thấp kém của hệ thống chính trị trên cả hai mặt nhân cách và đạo đức. Hiện tượng này nếu không phải là chủ trương, mà chỉ là do tự phát, thì còn nói lên một hiểm họa mới: Sự tha hóa của chế độ chính trị đã và đang tạo ra một một tầng lớp lưu manh côn đồ mới vô chính phủ, mảnh đất màu mỡ cho mafia hủy hoại sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Theo tôi hiểu, sự vụ "Nguyễn Lân Thắng" chỉ là những dấu hiệu phản ánh sự phân rã của xã hội, khi mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích chính trị và kinh tế ngày một gia tăng. Chỉ cần thông qua cách thức xử lý của chính quyền, sẽ thấy ai là người đứng sau sự việc này. Xã hội đang trong giai đoạn phân hóa, phân cực, nếu không biết cách xử lý tốt, rất có thể bị kích hoạt dẫn đến hỗn loạn và tan rã. Kết cục ấy không phải là mục đích của cả hai "phe" nhưng đôi khi, hiệu ứng "đám đông" sẽ làm mọi chuyện trở thành phức tạp, và hậu quả khó lường.
Hiện tượng "lưu manh đỏ" này phản ánh phẩm chất vô cùng thấp kém của hệ thống chính trị trên cả hai mặt nhân cách và đạo đức.
- Nhà khoa học Tô Văn Trường 
Cách xử lý của chính quyền được ông Tô Văn Trường nêu lên trong bài viết của mình trên trang Bauxite Việt Nam làm nhiều người ngạc nhiên, vì sau những hành động thóa mạ và tấn công người khác, nhóm tấn công ông Thắng không hề bị pháp luật trừng trị. Trái lại những người này còn ra một thông báo trên mạng xã hội nói rằng họ sẽ truy lùng ông Thắng trên cả nước, và chuyện họ làm là chuyện mà chính quyền không làm được. Nhiều blogger nói có những người nào đó đứng đằng sau nhóm người này, trong đó có blogger Người Buôn Gió cho rằng sở dĩ ông Thắng bị tấn công vì ông là người kêu gọi chống chuyến viếng thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình, và hoạt động của nhóm người này có thể là bằng tiền giúp đỡ từ Trung quốc cho chương trình hữu nghị giữa thanh niên hai nước.
Nhà báo Lê Phú Khải nhận xét rằng ông Tô Văn Trường đã góp thêm một từ vựng mới vào ngôn ngữ tiếng Việt là Lưu manh đỏ. Còn ông Hoàng Minh Tường ghi nhận rằng hiện tượng Lưu manh đỏ đã có từ những năm đầu tiên đảng cộng sản lên cầm quyền ở miền Bắc. Ông Tường kể rằng nhạc sĩ Văn Cao cũng đã từng bị những người như vậy tấn công nhằm cản trở không cho ông đi nước ngoài.
Blogger, Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy nói rằng nếu ông Thắng kiện những người tấn công ông, cộng với những gì họ tuyên bố thì đây có thể trở thành một ví dụ thú vị cho lịch sử luật pháp.
Bà có nhận xét thấy sự giống nhau giữa nhóm người này và những nhóm người đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất cách nay hơn nửa thế kỷ:
Vụ phe nhóm Trần Nhật Quang tấn công Nguyễn Lân Thắng và gia đình một lần nữa cho thấy chính quyền đương nhiệm muốn quay trở lại sử dụng một số biện pháp của chủ nghĩa toàn trị thời kỳ đầu, thời kỳ đẫm máu và tàn bạo với các vụ thanh trừng và giết người hàng loạt mà Việt Nam cũng không tránh khỏi, được thể hiện qua những vụ thanh trừng Nhân văn Giai phẩm và cải cách ruộng đất.
Cũng liên hệ với thời cải cách ruộng đất, tác giả Dân Nguyễn viết trong bài Chỉ có thể là xã hội đỏ. Tác giả so sánh những người tấn công ông Thắng ở Hà nội với những đội cải cách lộng quyền xem thường luật pháp. Tác giả viết tiếp về sự nhận thức của những người đó:
Thật đáng thương cho họ, vì họ bị nhồi sọ tới mức “tử vì đạo”. “Đáng thương”, vì bọn này “Giữ chùa nhưng không được ăn oản”. Nó cũng không phải sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì quyền lợi Dân Tộc. Chúng không nhận biết lẽ thật. Chúng không phải là tín đồ Hồi Giáo, nhưng hành động của chúng cuồng tín hơn cả những tín đồ Hồi Giáo cuồng tín nhất. Rất có thể một ngày kia, lũ người này “nghe theo tiếng gọi của đảng”, sẵn sàng giấu bom trong người, sẵn sàng lao vào đám đông biểu tình chống Trung Quốc, sẵn sàng lao vào đám đông đang ôn lại những hy sinh của những người con ngã xuống bởi Trung Quốc, trong công cuộc giữ gìn biển đảo, giữ gìn biên cương… sẵn sàng giật chốt quả bom giấu trong người. Lời nói, hành động điên rồ của chúng hoàn toàn cho phép người ta lo ngại dần là vừa…
Những người tấn công ông Thắng cũng nói rằng ông Thắng đã phạm tội khi xúc phạm lãnh tụ của họ.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn phân tích rằng ngay cả luật pháp Việt Nam hiện nay cũng không có thể buộc tội được ông Thắng, hay bất cứ ai chỉ trích chủ nghĩa cộng sản, hay chế giễu ông Hồ Chí Minh.
Nhà văn Mai Tú Ân thì cho rằng Chuyện yêu ai ghét ai là chuyện cá nhân mỗi người, pháp luật cũng không ép buộc được thì không cá nhân nào ép buộc được, và dùng bạo lực để ép buộc thì chỉ có chế độ phát xít mới làm.
Và blogger nhà báo Đoan Trang thì lo ngại khi chứng kiến chuyện ông Thắng bị tấn công rằng Không hiểu nước Việt Nam đang ở thời bình hay thời chiến, còn có luật pháp hay không.
Một xã hội chia rẽ ở tương lai?
Nếu tác giả Dân Nguyễn lo ngại về não trạng cuồng tín của những người mà ông Tô Văn Trường gọi là Lưu manh đỏ, thì Tiến sĩ Lê Tuấn Huy lo lắng về những nhóm thanh niên cực đoan xung đột trong tương lai.
Như để minh họa cho lo ngại của ông Lê Tuấn Huy, hãy nghe lời kêu gọi của một trong những người chống ông Thắng viết trên mạng xã hội:
Không thể để nó nhởn nhơ trước vòng pháp luật được, không thể để nó phỉ báng Bác của chúng ta được. Bác là sự thiêng liêng và tự hào của dân tộc. Trong lúc phong trào tìm và diệt những kẻ phản quốc đang sục sôi trong cả nước tôi đề nghị những cô chú, anh chị em trên facebook đọc được tin này hãy chia sẻ và truy lùng, xử lý tên nghịch tử Nguyễn Lân Thắng .
Tiến sĩ Lê Tuấn Huy kết luận:
Thật đáng thương cho họ, vì họ bị nhồi sọ tới mức “tử vì đạo”. “Đáng thương”, vì bọn này “Giữ chùa nhưng không được ăn oản”.
- Tác giả Dân Nguyễn 
Tôi không muốn phân tích gì nữa, chỉ xin nói thêm rằng, vào cái NGÀY KIA ấy, bạo lực vô độ sẽ diễn ra không chỉ giữa hai nhóm đối tượng này với nhau, mà còn chủ yếu nhắm vào những người đứng sau dung dưỡng, khơi mào cho động loạn, BẤT CHẤP mọi người có chủ trương bất bạo động đến đâu.
Cái NGÀY KIA ấy – với loạn lạc và máu rơi trên suốt đất nước này – sẽ diễn ra, nếu ngay từ bây giờ các vị không tỉnh táo mà dừng lại kịp hành động của những con người khoác trên mình chiếc áo đỏ sao vàng và đầy hung hãn này.
Thích hay không thích ông Hồ Chí Minh, hiện trạng của nước Việt Nam ngày nay là gắn chặt với di sản của ông. Cuộc đấu tranh giai cấp do ông và các đồng chí phát động theo ý tưởng cộng sản đã thất bại, vì tầng lớp chủ nhân mà đảng cộng sản mong muốn triệt tiêu đã không mất đi, trái lại hố ngăn cách giàu nghèo ở Việt Nam trong thế kỷ 21 ngày càng lớn. Cái bóng của di sản Hồ Chí Minh còn có cơ phủ lên một tương lai chia rẽ của Việt Nam theo sự lo ngại của nhiều người trong đó có Tiến sĩ Lê Tuấn Huy.

No comments:

Post a Comment