HÀ NỘI (NV) - Các Chuyên Gia Khí Tượng-Thủy Văn, Thủy Lợi tại Việt Nam đã liên tục cảnh báo về tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong năm tới.
.
Nông dân đào giếng lấy nước cứu cà phê. Dù đang trong mùa mưa nhưng tại Tây Nguyên vẫn thiếu nước trầm trọng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Cuối tháng vừa qua, chính quyền Việt Nam đã tổ chức một hội nghị để bàn các giải pháp ứng phó với hạn hán và các ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, không chỉ các chuyên gia mà viên chức chính quyền nhiều địa phương cũng lo ngại rằng, hạn hán sẽ gây thiệt hai nghiêm trọng cho kinh tế và sinh kế, sinh hoạt của dân chúng nhiều vùng.
El Nino là một hiện tượng khí tượng khiến khu vực Nam Mỹ và Nam Thái Bình Dương có mưa nhiều hơn bình thường trong khi khu vực Bắc Úc và Đông Nam Á lại rất hiếm mưa.
Ngành Khí Tượng-Thủy Văn Việt Nam cho biết, trong năm nay, do tác động của El Nino, tại Việt Nam có tất cả 14 đợt nắng, nóng bất thường ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 0.5 độ C đến 1.5 độ C.
Năm nay, dẫu Việt Nam có nhiều đợt mưa lớn chưa từng có với thời gian dài cũng chưa từng có nhưng vũ lượng lại thấp hơn nhiều so với mức trung bình của nhiều năm. Cũng vì vậy, dẫu chưa hết mùa mưa nhưng tất cả các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện và các công trình thủy điện trên toàn Việt Nam đều thiếu nước.
Vào lúc này, các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc Việt Nam thiếu khoảng chín tỷ mét khối nước. Tại miền Trung đa số các hồ chỉ mới tích được từ 20% đến 30% lượng nước cần thiết để duy trì hoạt động trong mùa khô. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với khu vực Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam. Người ta ước tính, lượng nước ở miền Nam Việt Nam hụt mất khoảng từ 20% đến 40% so với bình thường. Mực nước lũ được ghi nhận là thấp nhất từ năm 1926 đến nay.
Tác động của El Nino đối với Việt Nam trong năm 2015 và 2016 được xem là mạnh nhất và dài nhất trong 60 năm qua. Đại diện chính quyền nhiều tỉnh tỏ ra đặc biệt lo ngại khi hạn hán kéo dài suốt từ cuối năm 2014 đến nay và vẫn chưa chấm dứt.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, than rằng, tỉnh này đã kiệt sức khi phải chống chọi với tình trạng hạn hán vừa khốc liệt, vừa quá dài này. Viên chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, dẫn chứng, bởi tổng lượng nước đã được tích trữ tại 20 hồ chứa nước chỉ đạt khoảng 8% so với thiết kế nên chỉ một đợt nắng nóng từ Tháng Ba đến Tháng Tư năm nay, tại Ninh Thuận có gần 6,000 gia đình, với khoảng 25,000 người thiếu nước ăn, uống, tắm giặt. Chưa kể hơn 2,000 héc ta ruộng vườn và hàng ngàn gia súc bị chết.
Ông Y Dhăm Ênuôl, phó chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết, riêng vụ Đông Xuân 2014-2015, hạn hán làm tỉnh Đắk Lắk mất gần 2,000 tỷ đồng. Vụ Hè Thu vừa qua, hạn hán gây thiệt hại thêm 171 tỷ nữa. Sau cả năm bị hạn hán, mùa mưa năm nay, vũ lượng ở Đắk Lắk chỉ đạt khoảng 60% đến 80% vũ lượng trung bình nhiều năm nên trong 770 hồ chứa nước của tỉnh này chỉ mới có 250 hồ tích được từ 60% đến 80% lượng nước cần trữ, 520 hồ còn lại chỉ tích được dưới 60% dung tích thiết kế.
Cũng theo ông Y Dhăm Ênuôl thì Đắk Lắk không tìm được phương án chống hạn hán nào khả thi với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu. Viên phó chủ tịch tỉnh Đắk Lắk mong rằng Đắk Lắk sẽ có bão để có thêm nước và cảnh báo, hồ chứa nước thiếu nước, phải khai thác nước ngầm nên mực nước ngầm liên tụt tụt giảm. Nếu không khôi phục được rừng, hạn hán ở Tây Nguyên và miền Trung, sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước những thông tin vừa kể, ông Hoàng Trung Hải, một phó thủ tướng của Việt Nam chỉ cung cấp thêm tính toán của giới chuyên gia là tổng lượng mưa cuối năm năm và đầu năm tới sẽ giảm từ 30% đến 60%, dòng chảy cũng sẽ giảm từ 30% đến 50%, có nơi sẽ giảm đến 90%.
Viên phó thủ tướng này không đề ra được giải pháp nào ngoài việc nhắc nhở một cách chung chung là phải ưu tiên dành nước cho sinh hoạt, cho dịch vụ, gia súc, kế đó mới là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cuối cùng mới là sản xuất công nghiệp. Đồng thời phải thông tin rộng rãi để toàn dân biết Việt Nam đang thiếu nước nên cần tiết kiệm và sử dụng nước hiệu quả. (G.Đ)
11-01-2015-4:26:39 PM
No comments:
Post a Comment