Lien Hoang
Theo VOA-01.10.2015
Với các tòa nhà chọc trời và siêu thị mới mọc lên, Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là trở thành một quốc gia hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một phương tiện vận chuyển mà nhiều nước trên thế giới sử dụng: đó là hệ thống tàu điện ngầm.
Sau nhiều năm trì hoãn và tranh luận, Việt Nam hiện nay đang hướng đến hệ thống tàu điện ngầm với việc xây dựng đang được tiến hành ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài chức năng và hiệu quả rõ ràng, với sự xuất hiện của tàu điện ngầm, vị thế của Việt Nam cũng thay đổi.
“Bởi vì chúng tôi là một nước đang phát triển, chúng tôi muốn đạt được những gì chúng tôi nghĩ rằng các nước phát triển cần phải có”, bà Vũ Thị Hằng Hạnh, Phó trưởng khoa Kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho biết.
Bà Hạnh là một nhà tư vấn cho chính quyền thành phố thiết kế đô thị xung quanh các trạm tàu điện ngầm. Bà quan tâm đến những lợi ích thiết thực, nhưng bà cho biết nhiều người Việt Nam coi hệ thống giao thông công cộng công nghệ cao là một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của đất nước. Quốc gia Đông Nam Á này được xếp hạng thu nhập trung bình thấp vào năm 2009, với thu nhập bình quân đầu người hiện tại là 2.000 đôla một năm.
Triển vọng giao thông hiện đại cho Việt Nam
Sự xuất hiện của tàu điện ngầm sẽ có thể làm thay đổi hình ảnh các thành phố của Việt Nam, và các vỉa hè nứt vỡ sẽ nhường chỗ cho các cầu thang mới làm dẫn tới tàu điện ngầm. Nó cũng có thể biến đổi những thói quen và thái độ cư dân thành phố. Để tàu điện ngầm hoạt động hữu hiệu, những người đi làm sẽ phải từ bỏ những phương tiện di chuyển cá nhân để sử dụng dịch vụ công cộng.
“Rõ ràng một thành phố hiện đại cần có hệ thống giao thông công cộng bởi vì mọi người cần phải di chuyển”, ông Manfred Boltze, một giáo sư về quy hoạch giao thông và kỹ sư tại Đại học Kỹ thuật Darmstadt ở Đức cho biết. “Có lẽ nó cũng là biểu tượng cho mọi người nhận ra thành phố này đang phát triển đúng hướng”.
Xe máy hay tàu điện ngầm?
Xe máy chiếm 80% số lượng xe tại Thành phố HCM.
Người dân Việt Nam nổi tiếng với sự phụ thuộc của họ vào xe máy ở khắp nơi, nhưng một cuộc hội thảo của Đại học Việt-Đức về quy hoạch đô thị tuần trước đã thảo luận về khả năng sẽ có sự thay đổi quan niệm.
Sẽ rất khó để làm cho mọi người từ bỏ xe máy vì có rất nhiều công việc hàng ngày không thể thiếu xe máy. Xe máy chiếm 80% lượng xe tại Tp. Hồ Chí Minh. Xe máy thường sạch hơn và rẻ hơn so với ô tô, trong khi cũng chiếm không gian ít hơn, do đó người dân có ít lý do để chuyển sang các phương tiện công cộng. Nhưng những người ủng hộ tầu điện ngầm lập luận rằng nếu các nhà hoạch định xây dựng các bến tàu hấp dẫn về mặt tiếp cận và bãi đỗ, thì mọi người sẽ kết hợp cả hai lựa chọn.
Có nhiều ước tính khác nhau nhưng tại Tp. Hồ Chí Minh, người ta tin rằng các phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm 10% so với nhu cầu giao thông. Điều này có thể thay đổi với tàu điện ngầm, trong đó có nhiều nguồn tài trợ từ chính phủ và các nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Nếu tàu điện ngầm khả thi, các quan chức giao thông vận tải và các chuyên gia hy vọng nó sẽ làm giảm ùn tắc, ô nhiễm và tử vong giao thông. Trong một đất nước 90 triệu người và 30 triệu xe máy, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết “thương tích giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người 15-29 tuổi”.
Ô nhiễm là một mối quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam vì công nghiệp hóa đã tạo ra khí thải nhà kính nhiều hơn bao giờ hết, và Việt Nam là một trong những quốc gia có thể bị tác động nặng nề bởi nạn biến đổi khí hậu.
Tắc nghẽn giao thông năm 2020
Xe cộ di chuyển trên đường phố Hà Nội trong giờ cao điểm.
Liên quan tới vấn đề tắc nghẽn giao thông, ông Nguyễn Văn Nam, giảng viên tại Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng Việt Nam có 3-5 năm để giảm bớt lượng xe cộ trên đường trước khi vấn đề tắc nghẽn giao thông thực sự trở nên nghiêm trọng.
“Tôi nghĩ rằng các phương tiện công cộng tại Việt Nam sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong tương lai, đặc biệt là tàu điện ngầm”, ông Nam nói, “bởi vì nếu các con đường bị tắc nghẽn như hiện nay, nền kinh tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Ông cho biết nền kinh tế cần những con đường hiệu quả hơn để không bị mất năng suất – người lao động không mất nhiều thời gian cho việc đi lại, và các công ty không lãng phí thời gian và tiền bạc vào hậu cần.
Tàu điện ngầm chỉ là một phần của mục tiêu tổng thể góp phần làm giao thông trở nên tốt hơn. Những người tham gia giao thông cũng đề nghị Việt Nam mở rộng các tuyến xe buýt, nâng cao tiêu chuẩn khí thải xe máy, khuyến khích xe đạp, xe máy điện, và tăng phí đỗ xe.
No comments:
Post a Comment