Thursday, October 1, 2015

Quyền tị nạn chính trị, nhân đạo

Nguyenvandai —  09/30/2015 - 09:13
Hà nội, ngày 30 tháng 9 năm 2015
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Quyền tị nạn chính trị là một quyền rất quan trọng và cần thiết cho những người hoạt động tôn giáo, nhân quyền, dân chủ,… tại Việt Nam. Tôi xin giới thiệu với các bạn quyền này để các bạn có thể thực hiện khi các bạn có nhu cầu.
Sau tám năm chờ đợi, chiều thứ Ba 25/11/2014 vừa qua thêm 39 người Việt chạy tị nạn sang Thái Lan nhiều năm đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Vancouver của Canada. Đây là đợt thứ nhì. Đợt đầu tiên với 28 người đã tới Vancouver hôm 13 tháng 11, 2014.
Nhằm bảo vệ quyền tự do, sức khỏe, tính mạng,… của những người hoạt động tôn giáo, xã hội, nhân quyền, chính trị,…., trong các quốc gia độc tài, độc đảng,…. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 đã quy định tại khoản 1 điều 14 như sau:
“1. Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được tị nạn ở nước khác khi bị ngược đãi.”
Để cụ thể hóa điều này, ngày 28 tháng 7 năm 1951, Công ước về vị thế của người tị nạn 1951 đã được thông qua tại Hội nghị các đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Hiệp Quốc, được tổ chức theo Nghị quyết số 429 (V) ngày 14 tháng 12 năm 1950 của Đại Hội Đồng LHQ. Và có hiệu lực từ ngày 22 tháng 4 năm 1954 theo điều 43.
Theo Công ước này, Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến những người tị nạn và đã có những nỗ lực to lớn nhằm bảo đảm cho người tị nạn được hưởng các quyền và tự do cơ bản này ở mức độ rộng rãi nhất có thể được.
Sau năm 1951, đã xuất hiện thêm nhiều tình huống mới về người tị nạn. Do đó những người này có thể nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước. Do đó Nghị định thư về vị thế của người tị nạn năm 1967 đã điều chỉnh mở rộng đối tượng được tị nạn và không bị giới hạn. Nghị định thư này được thông qua theo Nghị quyết 1186 (XLI) ngày 18/11/1966 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội và theo Nghị quyết 2198 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 4-10-1967, theo điều 8.
Người tị nạn được định nghĩa tại điều 1 của Công ước về vị thế của người tị nạn và được sửa đổi tại khoản 2 điều 1 của Nghị định thư về vị thế của người tị nạn năm 1967 như sau:
“Người tị nạn là người do sự sợ hãi có cơ sở là sự bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hoặc do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị, đang ở ngoài đất nước mà người đó có quốc tịch và không thể, hoặc, do sự sợ hãi như­ vậy, không muốn tiếp nhận sự bảo vệ của quốc gia đó; hoặc người không có quốc tịch đang sống ở ngoài quốc gia mà trước đó đã từng cư trú do kết quả của những sự kiện đó mà không thể, hoặc do sự sợ hãi, mà không muốn trở lại quốc gia đó.”
Theo định nghĩa trên thì được hiểu trong trường hợp cụ của Việt Nam như sau:
Bất kỳ người Việt Nam nào sợ hãi khi bị ngược đãi, phân biệt đối xử, sách nhiễu, bắt giữ, cầm tù, lo sợ bị xâm phạm sức khỏe, tính mạng vì lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, quan điểm chính trị đối lập, hoạt động nhân quyền, dân chủ, tham gia các tổ chức xã hội độc lập, các đảng chính trị. Thì có quyền tìm kiếm và được tị nạn ở nước khác.
Các hình thức tị nạn:
1/ Trong trường hợp khẩn cấp:
Khi bạn cho rằng sức khỏe, tính mạng, quyền tự do của bạn có thể bị xâm hại và ở trong tính trạng nguy hiểm. Tùy theo vị trí, tình trạng của bạn đang mà bạn có thể:
a/ Tìm đến Sứ quán, Lãnh sự quán của các nước đã ký Công ước về vị thế của người tị nạn 1951 như: Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, các nước EU,….. để yêu cầu họ bảo vệ và cấp qui chế tin nạn khẩn cấp cho bạn. Các Sứ quán sẽ cùng với chính phủ của nước họ có trách nhiệm làm việc với chính phủ Việt Nam để giúp bạn rời khỏi Việt Nam một cách an toàn.
Trong khi bạn chờ đợi để được cấp qui chế tị nạn, Sứ quán nước đó sẽ cung cấp nơi ở và thực phẩm cho bạn. Đồng thời họ cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng và quyền tự do của bạn.
b/ Chạy sang một quốc gia thân thiện với những người tị nạn Việt Nam như Thái Lan. Bạn sẽ nộp đơn lên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ở Thái Lan. Và bạn chờ để được phỏng vấn.
Hiện tại ở Thái Lan có rất nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ cho người tị nạn Việt Nam.
2/ Trong trường hợp bình thường:
Bạn có quyền nộp đơn xin tị nạn chính trị, tôn giáo,… kèm theo các tài liệu, bằng chứng về việc bạn bị sách nhiễu, bị phân biệt đối xử,…. tới Đại sứ quán của nước mà bạn mong muốn được tị nạn. Đại sứ quán sẽ cùng với các cơ quan có thẩm quyền nước họ sẽ xem xét và cấp qui chế tị nạn cho bạn và những người thân đang sống phụ thuộc vào bạn đã được đề cập trong đơn.
Sau khi được chính phủ nước đó cấp qui chế tị nạn. Sứ quán của họ sẽ đề nghị chính phủ Việt Nam cấp hộ chiếu cho bạn và người thân. Bạn và người thân của bạn sẽ được rời khỏi Việt Nam một cách an toàn.
Bạn cần chuẩn bị những gì để xin tị nạn khi có nhu cầu?
Trong suốt quá trình bạn tham gia các hoạt động tôn giáo, nhân quyền, dân chủ,… bạn cần lưu lại các giấy mời làm việc, giấy triệu tập, biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, bản án, các hình ảnh, âm thanh, video clip,… Đó là những chứng cứ liên quan đến việc bạn bị phân biệt đối xử, sách nhiễu, đánh đập,… vì các hoạt động bất đồng chính kiến, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ,…
Các chứng này có thể là bản chính, bản sao, bản chụp. Các chứng cứ này cần được sao thành nhiều bản, bạn có thể chụp lại lưu trên hệ thống internet, gửi người thân quen ở trong nước và nước ngoài cất giữ giúp,…
Các bằng chứng, chứng cứ, người làm chứng là những cơ sở, căn cứ trực tiếp để cơ quan ngoại giao và chính phủ nước mà bạn xin tị nạn xem xét để cấp qui chế tị nạn cho bạn. Bởi vậy, bạn cần phải bảo quản, cất giữ cẩn thận để khi cần có thể sử dụng.
Những ai có thể được xin tị nạn cùng với bạn?
Những người thân trực tiếp như vợ và các con đẻ, con nuôi. Những người thân đang sống phụ thuộc vào bạn như bố, mẹ hay anh chị em bị mất sức lao động, bị khuyết tật, người được bạn bảo trợ và chăm sóc.

No comments:

Post a Comment