Thursday, October 1, 2015

Tiền bạc có thể mua được hạnh phúc?

Lê Mạnh Hùng-09-30- 2015 1:14:48 PM
Khi tôi còn nhỏ, tôi luôn luôn được bố mẹ dạy dỗ rằng tiền bạc không thể mang lại hạnh phúc. Và cả các tôn giáo cũng đều nói như vậy. Thiên Chúa Giáo chẳng hạn đã từng dạy dỗ rằng một người giầu muốn lên thiên đường còn khó hơn là một con lạc đà chui qua một lỗ kim.
Nhưng bây giờ thì lại khác. Ít nhất đó cũng là kết luận của mấy ông thống kê tại Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Anh Quốc (UK's Office for National Statistics) sau khi phân tích các cuộc khảo sát về tài sản và tình trạng sức khỏe vật chất và tinh thần của xã hội Anh.
“Sự thỏa mãn với cuộc sống; cảm giác tự tôn và hạnh phúc thì cao hơn và những lo lắng ít hơn tùy thuộc vào mức gia tăng trong tài sản của gia đình.” Ðó là kết luận mà Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Anh đưa ra trong một phúc trình được công bố hôm Thứ Sáu tuần qua.
Không những vậy, mà còn có một thứ tài sản rất cụ thể có quan hệ mạnh nhất với cảm giác hạnh phúc của người ta: tài sản tài chánh, tức là tiền gởi tại ngân hàng, tiền mặt giữ trong nhà hay là cổ phiếu hoặc trái phiếu mà người ta có thể thanh toán một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, thế hệ trẻ, thế hệ mà hiện nay tại Anh đang gặp rất nhiều khó khăn mua một căn nhà cho mình không cần phải vì vậy mà thất vọng. Thống kê cho thấy tài sản tăng vì giá nhà đất gia tăng không mang lại một sự gia tăng đáng kể nào trong hạnh phúc. Và mức thu nhập cao hay thấp cũng không đóng góp nhiều vào việc làm hạnh phúc gia tăng.
Ðiều đáng ngạc nhiên là mặc dầu những tài sản vật chất tỷ như đồ cổ, du thuyền, xe hơi hạng sang, v.v... có thể làm cho người ta tự hào, nhưng Cơ Quan Thống Kê cho thấy chúng không có tương quan bao nhiêu với mức độ hạnh phúc, một điều không biết có chứng minh hay phản bác câu nói: khóc trong một chiếc xe Ferrari thì vẫn sướng hơn là khóc trên một chiếc ghế đá công viên.
Trong cuộc khảo sát, Cơ Quan Thống Kê Anh Quốc yêu cầu những người được khảo sát đánh giá mức độ hạnh phúc của mình theo một nấc thang từ 0 đến 10 qua những câu hỏi tỷ như họ có hài lòng với cuộc sống của họ hay không và họ có thấy những công việc họ làm có giá trị hay không. Tất cả những câu trả lời đó sau được phối hợp với những dữ liệu về tài sản gia đình và thu nhập cá nhân. Ngoài ra mô hình thống kê còn tính đến những biến số khác như giới tính và chủng tộc để có thể xác định ảnh hưởng của tài sản hay thu nhập đối với một cá nhân điển hình.
Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Anh Quốc thì tin tưởng rằng kết luận của họ đưa ra là chính xác ít nhất là trên phương diện thống kê. Tỷ như theo họ trên phương diện tài sản tài chánh, nhóm người đứng trong hàng ngũ 20% thấp nhất đánh giá họ thấp hơn 0.4 điểm so với những người trong khoảng 20% trung bình. Và cố nhiên là những người trong khoảng 20% giầu nhất đánh giá cao hơn nữa.
Phúc trình này là đóng góp mới nhất vào cuộc tranh luận đang sôi nổi tại Anh chung quanh vấn đề cái gì đóng góp nhiều nhất trong việc cải thiện hạnh phúc của người dân, mức thu nhập tuyệt đối hay thu nhập tương đối. Thu nhập tuyệt đối tức là mức thu nhập của một người tính ra bảng Anh hay đô la Mỹ còn thu nhập tương đối là mức thu nhập của một người so sánh với những người chung quanh.
Trong một tài liệu nghiên cứu gây rất nhiều tranh cãi, hai nhà kinh tế Betsey Stevenson và Justin Woffers tìm cách chứng minh luận đề rằng điều làm người ta cảm thấy hạnh phúc là khi so sánh ta với những người chung quanh, nói theo tiếng Mỹ là “keeping up with the Joneses.” Nhưng họ đã thất bại.
Sau khi khảo sát tình trạng tại nhiều nước và dùng nhiều định nghĩa về hạnh phúc và những nhu cầu căn bản, họ kết luận: “Nếu có một điểm bão hòa trong đó thu nhập và hạnh phúc không còn có liên quan với nhau thì chúng ta còn chưa đạt đến nó.”
Ðiều quan trọng hơn cho những nhà làm chính sách có lẽ là điều mà họ khám phá tức là những quốc gia nào kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trung bình đều có mức độ gia tăng hạnh phúc mạnh hơn.
Năm 2006, thủ tướng Anh hiện nay, ông David Camron lúc đó còn là lãnh tụ đối lập kêu gọi các nhà thống kê hay chú ý nhiều hơn đến những thước đo khác ngoài Tổng Sản Lượng Quốc Nội (GDP) để đánh giá phẩm chất của cuộc sống. Ông nói, “Hạnh phúc không thể đo được bằng tiền bạc hoặc buôn bán trên thị trường.”
Thế nhưng những thống kê mới, vốn xuất phát từ những thúc đẩy của ông Cameron lại khuyến dụ rằng hạnh phúc rất có thể đo được bằng tiền bạc. Diane Coyle người sáng lập ra cơ quan nghiên cứu Enlightenment Economics là một trong những nhà kinh tế cho rằng thống kê cần phải tập trung vào việc đo những gì cụ thể hơn, Bà nói: “Tôi không nghĩ chúng ta cần phải đo hạnh phúc. Nó không phải là một thước đo giúp cho việc làm chính sách. Chính phủ không có những phương tiện dễ dàng tạo ra hạnh phúc cho người ta và cần phải tập trung vào những gì mà nhà nước có thể làm được.” Và bà chỉ ra những điều như nhân dụng và y tế mới là những điều mà nhà nước cần lo.
Trong những công trình nghiên cứu trước của Cơ Quan Thống Kê Anh, tình trạng sức khỏe, công ăn việc làm và quan hệ cá nhân là ba yếu tố quan trọng nhất tạo ra mức tự trọng và hạnh phúc cao. Và như bà Diane Coyle nói, ít nhất hai yếu tố đầu là những gì mà nhà nước có thể đóng góp vào được.
Và nếu bạn không tin vào thống kê, bạn có thể đồng ý với cố Tổng Thống Ronald Reagan khi ông nói: “Tiền bạc không mua được hạnh phúc, nhưng chắc chắn nó có thể cho ta những kỷ niệm tốt hơn.”

Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment