Thứ Ba, ngày 9/12/2014 - 20:25
(PLO)- Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phụng Hiệp đã đưa Trung úy Nguyễn Trương Đại Lợi đi giám định tâm thần tại BV Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Xe tuần tra của CSGT gây tai nạn khiến nữ sinh tử vong.
Trung úy Lợi là người đã lái xe tuần tra của CSGT gây tai nạn làm nữ sinh lớp 9 tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Hiện cơ quan giám định chưa có kết luận, việc khởi tố bị can hay không sẽ chờ kết luận giám định. Việc giám định tâm thần xuất phát từ yêu cầu của Trung úy Lợi vì cho rằng trước kia từng gặp tai nạn xe máy. Hiện Trung úy Lợi đang ở Đồng Nai, chưa về Hậu Giang.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, hệ quả của việc giám định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với việc giải quyết vụ án. PV đã trao đổi với thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Luật hình sự, đại học Luật TP.HCM để làm sáng tỏ những vấn đề trên.
Dưới đây là phân tích của thạc sĩ luật Trần Thanh Thảo:
Liên quan đến vụ án xe tuần tra giao thông tông chết một em nữ sinh ở Hậu Giang, hiện cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Riêng đối với việc đưa trung úy Nguyễn Trương Đại Lợi (người điều khiển xe ô tô tuần tra gây tai nạn) đi giám định tâm thần tại bệnh viện tâm thần Trung ương 2, sẽ xảy ra một trong hai trường hợp.
Giả sử, trường hợp thứ nhất, kết quả giám định xác định trung úy Lợi bị “mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” (Khoản 1, Điều 13, BLHS) thì chia làm hai trường hợp để giải quyết.
Một là, nếu trung úy Lợi bị tình trạng trên trong khi gây tai nạn thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trung úy Lợi phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trong tình huống này, bắt buộc cơ quan CSĐT phải xem xét đến hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông. Do ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ nên pháp luật bắt buộc người giao cho người khác điều khiển phải tìm hiểu người được giao xe ô tô có đáp ứng được các điều kiện theo quy định không (giấy phép điều khiển, say xỉn, tâm thần, năng lực hành vi biểu hiện bên ngoài,…).
Hai là, nếu trước khi gây tai nạn trung úy Lợi vẫn bình thường và sau đó mới bị tình trạng trên thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Sau khi khỏi bệnh, trung úy Lợi vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình đã thực hiện.
Trường hợp thứ hai, kết quả giám định xác định trung úy Lợi không bị “mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm khác, nếu thấy đủ điều kiện thì cơ quan CSĐT có thể khởi tố bị can và trung úy Lợi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình theo quy định của pháp luật.
Tông chết người nhưng vẫn chưa khởi tố bị can
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, khoảng 6 giờ sáng 27-9, trên tuyến quốc lộ 61 (đoạn qua xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), xe tuần tra 95A-2628 của PC67 Công an tỉnh Hậu Giang do Trung úy Lợi điều khiển đột ngột lao sang phía đường bên trái rồi đâm vào nữ sinh Mai Thị Hà My (14 tuổi) đang đi xe đạp ở chiều ngược lại.
Vụ tai nạn khiến xe tuần tra lao thẳng xuống mương nước, còn em My bị thương nặng và tử vong sau đó.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Phụng Hiệp thụ lý điều tra theo thẩm quyền và đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên cho đến nay, người lái xe gây ra cái chết thương tâm của em My là Trung úy Lợi vẫn chưa bị khởi tố bị can để điều tra theo luật định với lý do chờ kết quả giám định tâm thần!
|
HỒNG TÚ (ghi)
No comments:
Post a Comment